Khổng Tử nói: “Ta mười lăm tuổi để ý chí vào việc học… năm mươi tuổi biết mệnh Trời…” Trong lịch sử còn ghi chép lại vài câu chuyện cho thấy khả năng ‘tri Thiên mệnh’, dự đoán tương lai chính xác vô cùng của Khổng Tử.
Dù người đời sau đối với Luận Ngữ có ghi lại kĩ càng đến đâu thì ‘nhà Nho’ sau này đối với những sự tích vĩ đại của ‘tri Thiên mệnh’ mà Khổng Tử đề cập, thông thường thì nói không tường tận. ‘Nghi cổ phái’ (phái nghi ngờ những điều cổ) thậm chí tránh mà không đàm luận; nói cường điệu những điều Khổng Tử đã nói để phê phán ông, cho ông là phủ nhận quỷ Thần như: “Khổng Tử không nói đến chuyện quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ Thần”, “chưa thờ được người thì sao thờ được quỷ”, “chưa biết sinh ra, làm sao biết chết đi”. Điều này với trí huệ chân chính của Khổng Tử có sự sai biệt rất lớn.
Khổng Tử một đời đặt tâm sức vào chỉnh lý, truyền thừa, phát dương văn hóa truyền thống Trung Hoa của các quốc gia thời cổ. Căn cứ theo ghi chép và nghiên cứu về lịch sử, tạp sử, các gia các phái sau Khổng Tử không xa, bài viết này hy vọng có thể bày tỏ một ít hiểu biết về khả năng ‘tri thiên mệnh’ của Khổng Tử, cũng tính là không cảm thấy hổ thẹn đối với sự khổ tâm của các bậc Thánh nhân, tiên sư.
Câu chuyện của Chung Ly Ý và Đổng Trọng Thư
Những năm đầu niên hiệu Vĩnh Bình thời Đông Hán, có người ở quận Hội Kê là Chung Ly Ý, tự Tử A, nhậm chức Thừa tướng ở nước Lỗ. Sau khi nhậm chức, ông lấy lương của mình là mười ba nghìn quan tiền, giao cấp cho quan Hộ tào (quản lý hộ tịch, hộ khẩu thời xưa) là Khổng Hân, để Khổng Hân sửa xe của Khổng Tử, đồng thời ông đến bái ở miếu Khổng Tử. Ông tự mình lau chùi bàn, chỗ ngồi, đao kiếm và giày của Khổng Tử lúc sinh thời.
Khi đó, có một người đàn ông tên là Trương Bá, lúc đang cắt cỏ ở nhà dưới, từ trong bùn đất lấy ra được bảy phiến ngọc bích. Trương Bá lấy một phiến bỏ vào trong người, lấy sáu phiến còn lại báo lại cho Chung Ly Ý.
Ở trước giảng đường mà Khổng Tử từng dạy, ở đầu trên của giường thấp có một cái hũ được treo ở đó. Chung Ly Ý ra lệnh cho chủ bạ lấy ngọc bích đặt ở phía trước bàn lớn, kêu Khổng Hân đến trước mặt rồi hỏi: “Đây là cái hũ gì?” Khổng Hân đáp rằng: “Là cái hũ của Khổng Phu Tử, trong ấy có đan thư (sách đỏ), không ai dám mở nó ra”.
Chung Ly Ý nói: “Khổng Phu Tử là vị Thánh nhân. Cái hũ mà ông lưu lại, là muốn khai thị cho những người hiền lương đời sau”. Sau đó ông mở cái hũ ra, từ trong đó lấy ra một cuốn sách lụa nhạt màu. Trên đó viết: “Người mà ở đời sau nghiên cứu kỹ tinh thâm, biên soạn lại trước tác của ta là Đổng Trọng Thư. Sửa xe của ta, lau chùi giày của ta, mở thư tịch của ta là Hội Kê nhân Chung Ly Ý. Ngọc bích tổng cộng có bảy phiến, Trương Bá lấy một phiến”. Chung Ly Ý tức khắc gọi Trương Bá lại hỏi, Trương Bá quả nhiên thừa nhận và lấy một tấm ngọc bích trong áo ra trả lại.
Sau Khổng Tử, có thể truyền Đạo của Ngài không phải Mạnh Tử, Tuân Tử mà là Đổng Trọng Thư của triều Hán. Đổng Trọng Thư “mắt không nhìn lén xung quanh, chân không bước ra cửa”, lấy âm dương ngũ hành cùng truyền thống từ thượng cổ vốn có của Nho gia, thêm vào để phát dương quang đại. Ảnh hưởng của Đổng Trọng Thư vượt xa khỏi thời Đông Hán và Tây Hán, trở thành một nhà Nho học, Kinh học lớn trong lịch sử Trung Hoa.
Bò đen sinh bê trắng (điềm báo), một người nước Tống thời Xuân Thu tích đức đắc thiện báo
Thời Xuân Thu, ở nước Tống có một người hay làm việc thiện và thích bố thí, trượng nghĩa hành nhân, tổ tiên ba đời đều không lười nhác. Trong nhà không biết vì nguyên cớ gì xuất hiện một việc kỳ lạ: bò đen sinh hạ bê trắng. Ông bèn đến hỏi Khổng Tử.
Khổng Tử không nói nguyên do, chỉ nói với ông rằng: “Đây là điềm lành, hãy dùng nó (bê trắng) để tế lễ Thần linh”. Sau đó, ông lập tức dùng bê trắng để tế lễ. Qua một năm, mắt của phụ thân ông vô duyên vô cớ bị mù.
Sau đó, bò đen lại sinh hạ một con bê trắng nữa, phụ thân ông lại nhờ ông hỏi Khổng Tử. Ông nói rằng: “Lần trước hỏi ông ấy nói là điềm lành, mà mắt cha lại mù. Cớ sao lại hỏi ông ta nữa?” Phụ thân ông đáp: “Ngôn từ hành vi của Thánh nhân có đạo lý rất thâm sâu, có lúc lời của họ đầu tiên tương phản nhưng sau đó lại phù hợp, con chỉ quản việc đi hỏi thôi!”
Khổng Tử vẫn không nói nguyên do, chỉ nói với anh ta rằng: “Là điềm cát tường, dùng nó để tế lễ quỷ Thần”, lại lập tức dùng bê trắng để tế lễ. Lại một năm nữa trôi qua, mắt của ông lại vô duyên vô cớ bị mù.
Sau đó, nước Sở tấn công nước Tống, bao vây thành trì ở đất Tống. Bách tính đều bị gọi nhập ngũ để nghênh địch, đại bộ phận đều tử trận vì chiến tranh. Duy chỉ có cha con họ vì đôi mắt đều bị mù, không cần lên thành hộ vệ. Đợi quân Sở thoái lui, sự bao vây được giải trừ, đôi mắt của cha con họ đồng loạt khôi phục lại thị lực. Đây chính là minh chứng của việc tu thiện tích đức được thiện báo.
Sau sự việc, cha con họ mới minh bạch điều Khổng Tử nói là chính xác, không hư dối. Chỉ là thiên cơ không thể tiết lộ nhiều quá, sớm quá.
Khổng Tử dự ngôn những sự việc phát sinh sau khi ông mất mấy trăm năm, chuẩn xác vô cùng! Mà Khổng Tử từng vấn lễ thủy tổ của Đạo gia là Lão Tử, và tôn sùng học thuyết của Lão Tử. Nếu Khổng Tử cũng là người tu Đạo, có thể dự trắc tương lai cũng không phải là điều gì kỳ lạ.
Theo secretchina.com
Mạn Vũ biên dịch