Đại Kỷ Nguyên

Khổng Tử cùng học trò đàm luận: Thế nào là người quân tử?

Từ xưa đến nay, người ta thường lấy nhân vật “quân tử” làm hình mẫu lý tưởng trong việc giáo dục làm người. Người quân tử có đầy đủ những đức tính trong “ngũ thường” là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Trong đó “nhân” là đức tính quan trọng nhất. Ngoài ra người quân tử cũng tin vào thiên đạo, đồng thời sống và hành xử theo thiên đạo.

Khi cùng với các học trò của mình đàm luận về người quân tử, Khổng Tử đã chỉ ra những đặc điểm của người quân tử như sau:

Thứ 1. Đức hạnh của người quân tử

Khi nhận xét về học trò Nhan Hồi, Khổng Tử nói: “Nhan Hồi có được bốn loại đức hạnh của người quân tử. Một là có ý chí mạnh mẽ trong việc thực hành nhân nghĩa. Hai là khi người khác khuyên can thì có thể nhu thuận tiếp nhận. Ba là khi được ban bổng lộc chức tước thì từ tốn thoái lui. Bốn là trong cuộc sống thì thận trọng từng lời nói, việc làm.”

Khi nhận xét về học trò Sử Thu, Khổng Tử lại nói: “Sử Thu cũng có được ba loại đức hạnh của người quân tử. Một là mặc dù không có chức tước địa vị, nhưng đối với cấp trên vẫn trung thành tận tụy. Hai là dù không cũng tế nhưng đối với Thần linh vẫn vô cùng tôn kính. Ba là đối với bản thân thì vô cùng nghiêm khắc, nhưng đối với người khác thì lại vô cùng khoan dung độ lượng.”

Học trò của Khổng Tử là Tằng Sâm từng nói: “Con thấy có ba việc mà Thầy làm rất giỏi, nhưng còn thì mãi vẫn không thể làm được. Một là thầy chỉ cần nhìn thấy người khác làm được một việc tốt nào đó là có thể tha thứ cho hàng trăm thiếu sót mà người ấy đã mắc phải. Hai là thầy thấy điểm tốt của người khác thì cũng coi như điểm tốt của mình, tuyệt đối không ghen tị. Ba là thầy chỉ cần nghe được một câu nói hay nào đó thì lập tức nghiêm túc thực hành trong cuộc sống, chứ tuyệt đối không buông lơi. Con thấy ba việc này của thầy mà mình mãi vẫn không làm được cho nên, con quả thực vẫn không bằng được Nhan Hồi và Sử Thu”.


Khổng Tử

Thứ 2. Kết giao của người quân tử

Khổng Tử nói: “Sau khi ta mất, Tử Hạ sẽ một mực tiến bộ, còn Tử Cống thì lại một mực thụt lùi.”

Tằng Sâm hỏi lại: “Vì sao thầy lại nói như vậy ạ?”

Khổng Tử giải thích: “Tử Hạ luôn kết giao với những người mạnh mẽ và giỏi hơn mình, còn Tử Cống thì lại luôn kết giao với những người không bằng mình. Ta nghe nói, muốn biết rõ về một người nào đó thì hãy nhìn vào cha và bạn bè của người đó để xem xét. Muốn biết rõ tính chất của một mảnh ruộng thì xem sự sinh trưởng của cỏ cây mọc ra ở trên đó. Cho nên mới nói: “Ở cùng với người tốt, thì cũng giống như gieo trồng hoa lan trong nhà kính vậy. Lâu dần thì không cảm nhận thấy hương thơm của hoa lan nữa là bởi vì ngươi từ lâu vô hình chung cũng đã “nhiễm” mùi hoa lan ấy rồi. Còn ở cùng với người không tốt thì cũng giống như hơi cá ở trong chợ. Lâu ngày cũng sẽ không cảm thấy mùi tanh hôi, là bởi vì bản thân cũng đã bị “nhiễm” mùi tanh ấy rồi. Một thứ nào đó đặt vào thùng thuốc nhuộm màu đỏ thì sẽ có màu đỏ, còn đặt vào thùng thuốc nhuộm màu đen thì sẽ có màu đen. Cho nên, người quân tử nhất định sẽ thận trọng trong việc lựa chọn người mà mình ở cùng.”

Thứ 3. Cẩn trọng và tự ước thúc bản thân

Khổng Tử nói: “Thuyền nếu như không có nước thì sẽ không thể chuyển động được. Nhưng nếu nước mà chảy tràn vào trong thuyền thì thuyền sẽ bị chìm. Bậc quân vương nếu không có dân thì không thể trị quốc, nhưng nếu dân mà “cưỡi” lên đầu quân vương thì quốc gia cũng sẽ bị tiêu vong. Cho nên, ở vị trí quân vương thì phải cẩn trọng, còn ở vị trí người dân thì cũng không thể không tự ước thúc, ràng buộc mình.”

Thứ 4. Khổng Tử luận về đạo của người quân tử

Cao Đình là người nước Tề, đến gặp Khổng Tử nói: “Tôi từ Tề quốc, không ngại ‘thiên sơn, vạn thủy’ tới gặp tiên sinh là vì muốn học đạo của người quân tử. Hy vọng tiên sinh có thể nói rõ cho tôi biết.”

Khổng Tử nói: “Người quân tử, trong nội tâm phải bảo trì sự chính trực, thuần khiết, đây là gốc rễ của làm người. Bên ngoài phải khiêm cung thận trọng, thủ hộ tâm chí của bản thân, kiên nhẫn thực hành nhân nghĩa. Người quân tử có tài có đức, khiêm tốn học tập, gặp tiểu nhân bất tài thì tự tránh xa. Đối với người có tài năng thì tuyệt đối không có lòng ghen ghét đố kỵ, mà phải thực sự nghiêm túc học tập hành vi và việc làm của họ. Như vậy thì người xa ngàn dặm cũng sẽ đối với ngài như huynh đệ một nhà. Còn nếu không thể học tập hành vi và việc làm của người quân tử thì cho dù là người ngay bên cạnh cũng không cách nào có thể chung sống cùng.

Hơn nữa, chúng ta trong cuộc sống đời thường, mỗi ngày đều nói nhiều lời như vậy, làm nhiều sự tình như vậy thì việc tránh nói những lời để rước rắc rối vào thân, tránh làm những việc để phải hối hận là điều rất không dễ dàng. Đây là điều mà chỉ có người thực sự trí tuệ mới làm được. Cho nên, làm việc phải cẩn thận, lúc nào cũng phải chú ý đến ngôn hành cử chỉ của bản thân mình. Phải biết rằng, một người cho dù cả đời không làm điều gì sai trái thì cũng có thể vì một câu nói không thỏa đáng mà thành “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Cho nên mới nói, muốn thành một người quân tử thì nhất định lúc nào cũng phải thận trọng, cẩn thận”.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version