Tử Lộ tên thật là Trọng Do, là một trong những học trò ưu tú của Khổng Tử. Trong cuốn “Khổng Tử Gia Ngữ”, một tác phẩm quan trọng của Nho gia do các đệ tử hậu thế của Khổng Tử biên soạn, có rất nhiều đoạn đối thoại kinh điển giữa Khổng Tử và học trò của mình.
Dưới đây là câu chuyện về Tử Lộ và hai lần “khiêu vũ” trước mặt Khổng Tử:
Tử Lộ múa kiếm
Hồi nhỏ Tử Lộ không được giáo dục về lễ nghĩa nhưng lại là người tu học võ thuật. Khi ra cửa Tử Lộ thường hay mang trường kiếm bên hông, đầu cài lông vũ, cổ đeo răng lợn rừng. Tử Lộ cho rằng những điều này sẽ mang lại dũng khí và hình tượng uy dũng cho mình.
Tử Lộ nghe danh Khổng Tử từ lâu, là người thấu tình đạt lý, lễ nghĩa vuông tròn. Một hôm Tử Lộ mặc võ phục uy nghiêm đến bái kiến Khổng Tử. Sau đó Tử Lộ đứng dậy, thi triển võ thuật phi phàm của mình, vẻ mặt dương dương tự đắc, vui mừng hớn hở nói rằng: “Phu Tử, quân tử xưa kia cũng giống vãn bối dùng bảo kiếm để tự vệ chăng?”.
Khổng Tử đáp: “Quân tử xưa kia dùng trung, nghĩa làm mục tiêu theo đuổi làm người, lấy nhân đức làm đạo để tự vệ, không ra khỏi lều tranh cũng có thể biết được việc đại sự trong thiên hạ. Gặp phải người bất thiện thì dùng lòng chân thành để cảm hoá họ, gặp người hung ác, bạo ngược thì dùng nhân nghĩa để an định tâm họ. Như vậy thì cần gì đến bảo kiếm?”.
Tử Lộ nghe xong liền cảm khái nói: “Cho đến hôm nay vãn bối mới nghe được lời này, từ nay trở đi vãn bội nguyện thành kính theo Phu Tử học tập!”. Vậy là Tử Lộ bắt đầu mặc áo nhà nho, mang lễ đến bái Khổng Tử làm thầy.
Khổng Tử là người tinh thâm âm nhạc, có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ, lại có thể sáng tác được vũ nhạc. Vậy nên sau khi nhận Tử Lộ làm học trò, Khổng Tử đã dạy Tử Lộ âm luật, chơi đàn để dùng đức âm nhã nhạc điều hoà tâm tính, giúp Tử Lộ tĩnh toạ suy nghĩ tu trì bản thân.
Tử Lộ múa khiên
Một lần Khổng Tử chu du liệt quốc, không may gặp cảnh bần cùng ở ngoài thành, gần như đến lương thực cũng không có mà ăn. Lúc này Khổng Tử đang hát tại phòng khách, Tử Lộ bước vào thấy sư phụ ung dung thanh thản như vậy liền vội vàng hỏi: “Thưa thầy, thầy hát lúc này phải chăng là phù hợp với yêu cầu của Lễ?”.
Khổng Tử nghe thấy nhưng không trả lời, mãi cho đến lúc hát xong mới đáp: “Người quân tử yêu thích âm nhạc, nguyên nhân là bởi khi ca hát, tâm thái người hát được tĩnh tâm, bình lặng, hồi tưởng quá khứ, suy xét tự thân, trừ bỏ khí kiêu ngạo của mình. Tiểu nhân thích âm nhạc là bởi trong khi ca hát, người hát được bỏ đi tâm thái sợ hãi, mục đích là hoàn toàn khác nhau”.
Nói xong, Khổng Tử nhìn Tử Lộ vẫn không vui, liền tiện tay lấy cái khiên cho Tử Lộ múa. Vũ đạo là một môn bắt buộc mà các nhân sĩ triều Chu phải học. Khi múa vũ đạo có thể hiểu được đức hạnh của một người, đồng thời nó cũng là một loại phương tiện thể hiện cảm xúc của mình. Tử Lộ múa liên tiếp ba lượt, cuối cùng tâm tính cũng bình lặng trở lại, thành kính mà tiếp nhận sự giáo huấn của thầy.
Trong nghịch cảnh khó khăn Khổng Tử vẫn có thể gảy đàn ca hát, dạy học không ngừng thật là điều khó thấy.
Không lâu sau đó, cứu binh của nước Sở đến, thầy trò Khổng Tử cũng qua cơn hoạn nạn. Sau khi chu du liệt quốc, Khổng Tử cùng học trò trở về đất Lỗ. Một hôm đang trên đường đi, Khổng Tử ngửi thấy hương thơm của hoa lan bay đến, lần theo hương thơm, sau cùng tìm thấy một nhành lan rừng đang nở.
Lúc này Khổng Tử mới nói: “Hoa lan sống trong tịch cốc, không vì nơi không người biết đến mà không toả hương thơm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi mình giống như người quân tử chính trực, kiên cường cao khiết, nó chính là quân tử chân chính”. Sau đó Khổng Tử sáng tác khúc “Ỷ Lan Thao” để cổ vũ học trò.
Cả cuộc đời của Khổng Tử luôn lấy việc khôi phục lễ nhạc của nhà Chu làm trách nhiệm của bản thân. Ông cho rằng tín ngưỡng đối với Thần và thiên địa của nhà Chu mới giúp con người tìm được cái gốc căn bản làm người. Với chí nguyện như vậy, Khổng Tử đã dành cả đời mình để giáo hoá dân chúng, dùng bản thân để điểm hoá học trò tiếp thu việc dùng nhạc vũ để hoá độ.
Thiết nghĩ, con người chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù xã hội có phát triển đến đâu chăng nữa, nếu như con người không thể dùng đạo đức và nhân phẩm của mình để làm nền tảng căn bản duy trì sự phát triển của xã hội, thì mọi sự phát triển và mục đích truy cầu cũng chỉ như tìm hoa trong gương, tìm trăng dưới nước mà thôi.
Minh Vũ