Đại Kỷ Nguyên

Khổng Tử: Tấm lòng của một bậc Thánh nhân (P.2)

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục thời Xuân Thu và là người sáng lập tư tưởng Nho gia. Cả cuộc đời ông theo đuổi sự nghiệp truyền Đạo, thọ nghiệp, phá giải mê hoặc để hoằng dương Đạo. Khổng Tử miệt mài giảng đạo lý làm người, chú trọng bắt đầu từ những việc trước mắt, các việc khác sẽ tự nhiên rộng mở thông suốt.

Khổng Tử coi việc kế thừa mạch sống văn hóa truyền thống là sứ mệnh của mình. Ông có ảnh hưởng và cống hiến lớn đến lịch sử phát triển văn hóa các nước Á Đông.  Dưới đây là một số mẩu chuyện về Khổng Tử, được ghi chép trong “Luận ngữ” và “Khổng Tử gia ngữ”.

4. Giáo hóa bằng đức hạnh

Thời Ngu Thuấn, những nông phu ở núi Lịch Sơn xâm chiếm địa giới ruộng đất người khác. Thuấn đến chân núi Lịch Sơn cày cấy, được một năm, sự tình như thế này không còn xảy ra nữa.

Những ngư phủ ở sông Hoàng Hà tranh nhau những doi đất cao ở trên sông. Thuấn đến đó đánh cá, được một năm, những ngư phủ ở đó đều biết tôn trọng nhường người hơn tuổi.

Những người chế tạo đồ gốm vùng Đông Di thường chế tạo những sản phẩm chất lượng kém. Thuấn đến đó làm gốm, được một năm, đồ gốm vùng này chế tạo ra đều rất chắc chắn, chất lượng cao.

Khổng Tử ca ngợi rằng: “Cày ruộng, đánh cá, làm gốm, đều là những việc Thuấn quản, nhưng Thuấn đến những nơi đó làm cùng một việc như thế, là để trợ giúp quy chính những việc đó. Thuấn là người thành tín nhân đức, ông đích thân tự mình đến cày ruộng, tự nguyện sinh sống ở nơi gian khổ, do đó bách tính đều vui lòng theo ông. Thế nên mới nói rằng, đây chính là giáo hóa đạo đức của bậc Thánh nhân”.

Thời Tây Chu, quốc quân hai nước Ngu và Nhuế nổ ra tranh chấp vì địa giới ruộng đất, thế là họ cùng đến gặp Chu Văn Vương để Văn Vương phán xử. Quốc quân hai nước đến nước Chu, trông thấy “vào nước Chu, người cày nhường bờ, người đi nhường đường”. “Vào thành ấp, nam nữ đi đường riêng, người già không phải tay xách nách mang”. “Vào đến triều đình, sĩ nhường đại phu, đại phu nhường khanh”. Tất cả mọi người từ quan lại đến thường dân đều hành xử phong thái chính nhân quân tử.

Quốc quân hai nước nhìn nhau, trong lòng lấy làm hổ thẹn lắm, nói với nhau rằng: “Kẻ tiểu nhân như chúng ta, làm sao có mặt mũi nào mà bước vào nhà của người quân tử, mặt mũi nào nhờ bậc quân tử phân xử đây?”

Hai quốc quân còn chưa gặp Chu Văn Vương đã chủ động nhường đất tranh chấp cho người kia, kết quả không ai chịu nhận, mảnh đất đó cuối cùng để không. Người đời sau gọi mảnh đất đó là “nhàn điền” (ruộng để không) hoặc “nhàn nguyên” (cánh đồng để không). Chư hầu các nước lân cận nghe được chuyện này, đều coi Văn Vương là mẫu mực, tấp nập đến quy thuận.

Khổng Tử ca ngợi rằng: “Đạo của Văn Vương vô cùng vĩ đại, không có một hành động hữu ý nào mà khiến cho con người thay đổi; không có ý làm bất kỳ việc gì mà tiếp cận được đến thành công. Đó là vì Văn Vương có thể cẩn thận từng ly từng tí, nghiêm khắc kỷ luật tự giác, cung kính đối đãi người khác, cũng nhờ đó mà nước Ngu và nước Nhuế được ổn định bình yên.

Cho nên Kinh Thư viết: “Duy Văn Vương chi kính kỵ”, có nghĩa là: “Chỉ có vua Văn Vương mới có thể cẩn thận chân thành tu dưỡng tiết chế bản thân, đây chính là sức cảm hóa bởi đức hạnh của bậc Thánh nhân”.

Đạo của Văn Vương vô cùng vĩ đại, không có một hành động hữu ý nào mà khiến cho con người thay đổi; không có ý làm bất kỳ việc gì mà tiếp cận được đến thành công. (Ảnh: dkn.tv)

5. Lợi ích của can gián

Một lần Khổng Tử dạy các đệ tử rằng:

“Lương dược khổ khẩu nhi lợi ư bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ nhi lợi ư hành”, nghĩa là: “Thuốc tốt thì đắng miệng nhưng lợi cho bệnh, lời trung khó nghe nhưng lợi cho hành sự”.

“Thương Thang, Chu Võ Vương vì có bề tôi trung thành dám khuyên can, khiến quốc gia càng thịnh vượng. Hạ Kiệt, Thương Trụ không thể tiếp thu lời thiện, lại có bề tôi mù quáng thuận theo, khiến quốc gia diệt vong”.

“Nếu quân chủ không có bề tôi chính trực can gián, phụ thân không có con trai chí thành khuyên can, anh không có em can gián, người không có bạn bè chỉ ra lỗi lầm, mà cả đời không phạm sai lầm thì xưa nay chưa từng có”.

“Cho nên mới nói rằng: Khi quân chủ mắc sai lầm thì có bề tôi bổ cứu. Khi người cha mắc sai lầm thì có người con bổ cứu. Khi người anh mắc sai lầm thì có người em bổ cứu. Khi bản thân mắc sai lầm thì có bạn bè giúp đỡ và kịp thời sửa chữa lỗi lầm. Như vậy quốc gia sẽ không có dấu hiệu nguy vong, gia đình sẽ không có hiện tượng loạn nghịch, giữa cha con anh em sẽ không mất lễ tiết, mới có thể giữ được Đạo luân thường, và tình hữu nghị giữa bằng hữu mới giữ được bền lâu mãi mãi”.

Ngạn ngữ xưa có câu: “Con người ai không có lỗi? Mắc lỗi mà có thể sửa, không có gì tốt hơn”. Trong cả cuộc đời con người, ai có thể không phạm lỗi lầm? Có một số lỗi, bản thân có thể tự phát hiện ra và tu sửa. Nhưng cũng có một số lỗi, bản thân mình rất khó phát giác. Cừ Bá Ngọc đến 50 tuổi mới biết mình đã sai trong 49 năm. Tăng Sâm mỗi ngày đều nhiều lần tự kiểm điểm mình, cẩn thận lời nói và việc làm, vẫn phát hiện ra những lỗi lầm của bản thân.

Người quân tử là mẫu mực của tu thân, từng giờ từng phút nhìn vào nội tâm mình tự kiểm điểm. Sự thanh khiết khoáng đạt bắt nguồn từ nội tâm này là phẩm cách khoan thứ nhân hậu. Nếu bên cạnh còn có bằng hữu đối đãi chân thành với nhau, trực ngôn khuyên bảo lẫn nhau thì đó là phúc lớn không gì bằng.

Nhưng thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng, khi mọi người nghe được lời khuyên bảo chân thành, có thực sự tiếp thu và sửa sai không? Lời khuyên can có thể khiến người ta ngăn ngừa khi sự việc, sai lầm chưa xảy ra, tránh được ân hận do việc sai lầm không thể vãn hồi được. Đó chính là lợi ích của khuyên can, khiến người ta biết tự tiết chế, không làm những việc trái với đạo nghĩa.

Người quân tử dốc sức thực hiện theo lời dạy của Thánh hiền, học rộng, hỏi kỹ, phân biệt rõ, suy nghĩ cẩn thận, khiến phẩm đức của bản thân đổi mới tăng tiến từng ngày, cho đến khi dừng ở nơi chí thiện.

Người quân tử dốc sức thực hiện theo lời dạy của Thánh hiền, học rộng, hỏi kỹ, phân biệt rõ, suy nghĩ cẩn thận. (Ảnh: sohu.com)

6. Sống nhân đức tức là đẹp

Khổng Tử nói: “Lý nhân vi mỹ. Trạch bất xử nhân, yên đắc trí?”. Câu này có nghĩa là: Con người sống nhân nghĩa mới là đẹp nhất. Nếu có người không lựa chọn sống nhân nghĩa thì sao có thể nói anh ta có trí tuệ được?

Khổng Tử cũng nói: “Trí giả lợi nhân”, có nghĩa là, người có trí tuệ đều biết truy cầu nhân nghĩa, khiến bản thân họ sống nhân nghĩa, đó mới là mục đích mà con người cần phải lựa chọn.

Cả đời Khổng Tử dốc chí vào nhân nghĩa, chính là muốn tất cả người trong thiên hạ sống trong nhân đức tốt đẹp. Ông đề xuất “Nhân giả ái nhân”, nghĩa là người nhân đức thì thương yêu mọi người. Ông coi trọng: Nhân, khắc kỷ, công chính, vô tư, đó là tu dưỡng đạo đức mà bậc Thánh nhân, người quân tử ắt phải có.

Một trong những nguyên tắc cơ bản làm việc nhân đức là “Kính”. Mà “Kính” lại lấy kính Trời Đất làm tiền đề. Ông cho rằng hoạt động tinh thần của con người có liên quan chặt chẽ đến Trời Đất vạn vật. Nếu thiên nhiên có biến hóa dị thường, thế thì con người nên kịp thời xem xét kiểm điểm mình mà sửa sai, bởi vì, nếu con người làm trái với lẽ Trời, trái quy luật tự nhiên, thì có cầu nguyện cũng không có được phúc.

Làm người quân tử, cần hiểu được thuận theo lẽ Trời. Khổng Tử cho rằng, một người dốc chí vào Đạo, thì phải thường xuyên thân cận với Thánh nhân, người nhân đức, hiền nhân và người có Đạo, có thể từ những người đó học được các bài học của bậc Thánh hiền.

Một lần Khổng Tử nói với Tăng Sâm rằng: “Học thức của Tử Hạ sẽ nâng cao rất nhanh, vì trò đó thích ở với những người hiền đức hơn mình. Do đó mới nói, ở cùng với người thiện, giống như vào trong phòng có đầy hoa cỏ thơm, sau thời gian dài, bị họ truyền cảm và đồng hóa. Vì vậy người quân tử ắt phải cẩn thận lựa chọn người ở cùng với mình”.

Trong “Đệ tử quy” cũng viết:

“Thân với người nhân đức,

Tốt đẹp thật vô cùng.

Thân với kẻ tiểu nhân,

Trăm việc đều bại hoại”.

Thân với người nhân đức, tốt đẹp thật vô cùng. Thân với kẻ tiểu nhân, trăm việc đều bại hoại. (Ảnh: gushixuexi.com)

Mấy câu này cũng nói lên rằng thân cận với người nhân đức, thân cận với thầy tốt bạn hay thì có thể nâng cao học thức, đạo đức của bản thân mình. Coi trọng hoàn cảnh sống, coi trọng phong khí xã hội thuần hậu là vấn đề quan trọng nhất quán của Nho gia. Mọi người đều quan tâm thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nghĩ cho người khác, lại rất khiêm tốn, cung kính, không làm tổn hại người khác để làm lợi cho mình, xã hội sinh tồn như thế này thật tốt đẹp lắm thay.

Những bậc Thánh hiền cổ xưa giáo hóa đều dạy con người hướng thiện, thức tỉnh đạo đức và lương tri của con người, khiến con người tuân theo Đạo Trời, coi trọng Đạo nghĩa, quan tâm yêu thương lẫn nhau, khiêm cung lễ nhượng, xã hội sẽ biểu hiện khí tượng tường hòa.

Theo mhradio.org
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version