‘Tâm thái thuyền không’ thì giảm thiểu phân tranh. Bất luận cuộc đời gặp phải sự việc gì thì con người trên thế gian vẫn luôn có lối đi…
Vô cớ bị người ta nhục mạ, nói xấu, có tức nghẹn không?
Trang Tử dạy chúng ta 4 trí huệ nhân sinh lớn về “không tức giận”.
1. Không tức giận: Đối diện với lời nói xấu, oán trách, phỉ báng, vẫn kiên trì cầu đạo không dao động
Có câu thành ngữ: “Gọi trâu cũng được, gọi ngựa cũng xong”, nghĩa là người khác nhục mạ cũng được, ca ngợi cũng được, nhất quyết không so tính.
Câu thành ngữ này có nguồn gốc từ một câu chuyện mà Trang Tử kể.
Có một người tự nhận là học rộng tên là Sỹ Thành Ỷ. Ông ta thường thấy mọi người ca ngợi Lão Tử có trí huệ cao thượng siêu nhiên, thế là lặn lội đường xa tìm đến bái kiến Lão Tử.
Ông ta thấy nhà Lão Tử loạn tạp như ổ chuột, tức giận nói: “Nghe người ta nói ông là Thánh nhân có đại trí huệ, tôi đã đi mấy trăm dặm đến đây gặp ông, nào ngờ thấy ông như con chuột”.
Lão Tử nghe xong không hề có phản ứng gì. Sỹ Thành Ỷ chửi rủa xong liền quay người bỏ đi. Hôm sau, Sỹ Thành Ỷ thấy mình đã sai rồi, lại đến xin lỗi Lão Tử.
Lão Tử bình thản nói: “Cái gì Thánh nhân với chẳng Thánh nhân, loại danh hiệu này, tôi đã vứt đi như vứt chiếc giày rách từ lâu rồi. Nếu tôi có được thực chất của đại Đạo thì có liên quan gì việc ông chửi tôi là trâu, là ngựa, hay là chuột? Tôi vẫn là tôi”.
Con người sống trên đời khó tránh khỏi có lúc bị người khác bực tức chỉ trích, oán trách, nói xấu, thậm chí miệt thị phỉ báng. Nếu vì thế mà bực tức thì quả là không đáng chút nào.
Kinh Phật có viết, con người phải ‘bát phong bất động’. Đối diện với sự đả kích của người khác, càng phản ứng mãnh liệt thì càng không có hồi kết, chi bằng không động tĩnh gì, thì sẽ chẳng điều gì lay động nổi.
2. Không tức giận: ‘Tâm thái thuyền không’, chớ coi mình là quan trọng
Trang Tử kể câu chuyện ví von rất hay về chiếc thuyền không:
Nếu bạn ngồi trên một chiếc thuyền đang đi, trước mặt là một chiếc thuyền đi đến, người trên thuyền đó không điều khiển thuyền thích hợp, đâm vào thuyền của bạn, lúc đó rất có thể bạn sẽ tức giận.
Nhưng nếu trên con thuyền đó không có người, là con thuyền không trôi dạt đến thì bạn có tức giận không?
Căn bệnh thường gặp của con người là quá chấp vào tự ngã, quá coi trọng bản thân, cứ coi mình là quan trọng.
Quá coi trọng bản thân thì dễ nảy sinh tranh chấp với người. Nếu có ‘tâm thái thuyền không’ thì mới giảm thiểu phân tranh, con người mới ít tức giận.
Trong cuộc sống có rất nhiều việc, chỉ dựa vào tức giận thì không giải quyết được vấn đề. Hạ thấp tư thế thái độ xuống, không coi mình là quan trọng, thì sẽ dễ dàng hóa giải mâu thuẫn.
3. Không tức giận: Bất luận gặp sự việc gì thì trên đời luôn có lối đi
Trong những câu chuyện ngụ ngôn của Trang Tử, có một số người hình dạng không giống người thường, trong đó có người tàn tật bẩm sinh, có người bị hình phạt mà chân tay không còn đủ.
Từ bề ngoài mà nhìn, điều kiện thân thể họ khác với người thường, nhưng trong số họ có người có hoài bão, có người có lý tưởng, có người sống rất vui vẻ, cũng có người rất thành công, thật xứng danh ‘kỳ nhân dị sỹ’.
Có một người tên là Chi Ly Sơ. Hai vai ông ta cao hơn đỉnh đầu, đầu cúi thấp xuống đến rốn, búi tóc vốn búi phía sau thì lại chổng ngược lên trời. Ngũ tạng lục phủ của ông ta bị ép ra sau lưng. Ông ta là người gù lưng, hai chân mọc ở hai bên sườn.
Theo miêu tả này của Trang Tử, thì Chi Ly Sơ không chỉ là người xấu xí mà còn có phần dữ tợn, trông giống một con quái vật.
Chi Ly Sơ sống như thế nào? Ông ta vá may, giặt quần áo cho người ta, cũng đủ nuôi sống bản thân. Ông vẫn còn dư sức đi sảy thóc sàng gạo cho người ta, tiền kiếm được đủ nuôi sống 10 người.
Trang Tử cho rằng, người tàn tật bẩm sinh giống Chi Ly Sơ thế này, chỉ cần tự làm lấy mà ăn thì cũng có thể tự nuôi sống mình, vui vẻ hưởng tuổi Trời.
Trang Tử còn kể chuyện một người tên là Ai Đài Tha, cũng là người xấu kinh Thiên Địa, khốc quỷ Thần nhưng ông ta lại có sức hấp dẫn thần kỳ.
Đàn ông ở cùng ông ta một thời gian thì sẽ lưu luyến đức hạnh của ông ta mà không muốn rời xa. Phụ nữ một khi gặp mặt ông ta thì sẽ về nhà nói với mẹ cha rằng, gả cho ông ta làm thiếp còn hơn gả cho người khác làm chính thê.
Trang Tử cho rằng, trên thế giới này có loại người như thế này: ngoại hình rất bình thường, thậm chí xấu xí, nhưng nội tâm có một sức mạnh của nhân cách, có thể bất tri bất giác lôi cuốn người khác đến bên mình.
Sức mạnh chân chính của một người không biểu hiện ở một loại tài hoa trác việt nào, cũng không biểu hiện ở một loại kỹ xảo rực rỡ nào, mà là ở một loại sức ngưng tụ hòa ái.
Trang Tử lấy người khuyết tật bẩm sinh và người hậu thiên thân thể không vẹn toàn để ví đời người thường có 2 loại tao ngộ: bẩm sinh không đầy đủ và hậu thiên không thuận lợi.
Không phải ai cũng lớn lên trong lầu vàng gác ngọc, đại đa số đều xuất thân từ gia đình phổ thông, thậm chí có người gia cảnh bần hàn, cha mẹ có thể cho rất ít, chỉ có thể dựa vào bản thân vật lộn với cuộc sống.
Mỗi người thiên phú cũng khác nhau, khác nhau về tướng mạo, trí lực.
Trong hành trình cuộc đời, đại đa số khó mà tránh được những sự việc không thuận lợi, thế nên mới nói: “Đời người việc không như ý thì có 8, 9 phần”.
Tức giận, oán trách đều không có tác dụng gì, chi bằng học trí huệ của Trang Tử, tích lũy kiến thức đức hạnh, tạo dựng con đường đi của mình.
4. Không tức giận: Đại lộ thông Thiên, mỗi người đi một bên, mỗi người có cách nói của riêng mình
Trang Tử nói, gà rừng trong núi tìm mồi không dễ, đi 10 bước mới tìm được một con sâu, đi 100 bước mới tìm được giọt nước, nhưng nó vẫn không muốn bị nhốt trong lồng, bởi vì trong lồng tuy không lo ăn lo uống, lông bóng mượt, nhưng mất đi tự do thì chẳng vui vẻ gì.
Một đời người cũng vậy, tự do vui vẻ quan trọng hơn thành công phát đạt rất nhiều.
Một thiền sư đến bên sông thấy ngư phủ thả lưới. Một con cá vùng vẫy thoát ra khỏi lưới, thiền sư vui mừng kêu lên: “Hay quá, con cá thoát khỏi lưới!”
Thiền sư sở dĩ khen là vì con người cũng nên nhảy thoát ra khỏi cái lưới của tình thế gian, có được tự do; nhảy thoát ra khỏi phiền não thế gian, được giải thoát.
Trang Tử kể một câu chuyện “Lỗ Hầu nuôi chim”:
Ở ngoại thành nước Lỗ có một con chim biển rất lớn bay đến, quốc quân nước Lỗ rất vui thích liền cung kính rước chim biển vào trong Thái miếu, tấu nhạc “Cửu Thiều” rất long trọng để cho chim vui, rồi chuẩn bị rượu ngon cho chim uống, mổ dê bò cho chim ăn. Hàng ngày đều dùng những nghi lễ này để cung phụng chim biển.
Chim biển này thì sao? Ánh mắt lim dim, thần sắc u uất, không ăn một miếng thịt, không uống một giọt rượu, cứ u u uất uất như thế 3 ngày rồi chết. Chim biển bay liệng trên trời xanh, thà chết chứ không chịu bị trói buộc trong lồng.
Kỳ thực, khi nội tâm bạn rất lớn mạnh thì tất cả các sự tình đều biến thành nhỏ bé. Chúng ta cứ thử thay đổi tâm cảnh, thay đổi suy nghĩ, có lẽ sẽ thấy thế giới đổi khác rất nhiều.
Theo soundofhope.org
Kiến Thiện biên dịch