Thánh Gióng và Khương Tử Nha đều là Thần hoặc người tu Tiên được Trời phái xuống diệt giặc Ân, sự tương đồng kỳ lạ giữa các pháp khí của Phù Đổng Thiên vương và Khương Thái Công khiến hậu thế không khỏi ngỡ ngàng.
Phong Thần diễn nghĩa kể lại câu chuyện nhà Chu thâu gồm thiên hạ của nhà Ân-Thương, từ lúc Trụ vương suy đồi, Văn vương cầu Lã Vọng, Khương Tử Nha phò tá Võ vương hội chư hầu tiến đánh Triều Ca, lập Phong Thần bảng. Khương Tử Nha nguyên là đệ tử của Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, được phái xuống trần gian trợ giúp Chu Thiên tử. Hành trình phạt Trụ của ông rất gian nan, không những phải đối đầu với các tướng tá dũng mãnh người phàm mà còn phải xung phá nhiều Thần Tiên phái Triệt giáo. Hình tượng Khương Tử Nha xuất hiện trên thân con Tứ bất tướng, sử dụng roi Đả Thần Tiên, cờ Hạnh Hoàng Kỳ, đều là những pháp khí có pháp lực phi thường.
Điều đáng nói là trong huyền sử Việt Nam cũng có một vị Thần hạ thế đánh giặc Ân, sử dụng các vũ khí tương tự như của Khương Tử Nha, đó chính là Phù Đổng Thiên vương – Thánh Gióng.
Ngọc phả Hùng Vương kể:
“Thời Việp Vương, người giàu vật nhiều nên mới có sàm thần tấu lời, không tin bà mo, đùa lễ giả với Trời. Thời này không có phong tục kính lễ. Vua Ân muốn xâm lăng đất nước. Vào năm Giáp Tý bỗng thấy biên giới phía Bắc có thư gửi cấp báo. Tướng giặc Ân là Thạch Linh Thần tướng khởi binh từ phía Bắc tiến sang, giáo giáp kín trời, tinh kỳ rợp đất. Quả đúng như lời bà mo đã nói.
…Sứ giả đến làng Phù Đổng, huyện Tiên Du. Làng ấy có người nhà giàu tuổi đã 79. Trước nhà có mảnh vườn trồng các loại trà hoa. Bà lão cũng đã 59 tuổi. Sáng sớm ngày 6 tháng giêng năm Quý Hợi bà vào vườn hái hoa hái chè, thấy một dấu chân to lớn. Bà lấy làm lạ, bèn gọi chồng đến, quả nhiên thấy có dấu chân của Thần nhân. Trưởng ông bảo vợ bước chân trái dẫm vào đó. Tự nhiên lúc đó khí trời của Thần cảm ứng. Bà lão thấy cảm động trong người, mắt hoa, rồi mang thai. Đến ngày 8 tháng Tư năm Giáp Tý đầy tháng bà sinh một con trai. Con được đúng một tuổi thì Trưởng ông qua đời lúc 80 tuổi. Chỉ còn mẹ già sáu mươi bú mớm nuôi con. Lên ba tuổi đặt tên là Đổng Thiết, ăn uống lớn phổng, nhưng không biết nói cười. Ngày hôm ấy cậu bé đang nằm trong võng, mẹ cậu nghe sứ giả đi tìm người có đại tài dẹp loạn. Bà mẹ nói vui với sứ giả rằng:
– Lão sáu mươi tuổi mới sinh được một đứa con trai. Nay đã ba tuổi, chỉ biết ăn uống mà không biết đánh giặc để triều đình trọng thưởng quan tước mà trả ơn bú mớm cho mẹ.
Sứ giả đi qua. Bỗng nhiên Đổng Thiết ngồi dậy, mở miệng nói:
– Xin mẹ gọi sứ giả quay lại, con có việc cần nói. Mong mẹ đón lại sứ giả về đây.
Thần vương nói với sứ giả rằng:
– Ta là Thiết Xung Thần tướng đây! Trời sinh ra ta để giúp nước, dẹp loạn cứu dân. Ngươi về triều tâu với vua cho ta một con ngựa sắt cao 10 thước, một cây roi sắt dài 10 thước, một chiếc nón sắt rộng 3 thước, đưa mấy thứ ấy đến đây cho ta để đánh giặc Ân. Vua không phải lo gì nữa!
Sứ giả nghe lời nói của Đổng Thiết, trở về chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh tâu Vua mọi việc. Vua triệu tập quần thần trăm quan để bàn. Triều đình liền can ngăn rằng:
– Triều đình hiện nay oai trời rộng lớn, tướng mạnh tướng nhiều. Dù giặc Ân xâm chiếm phương Nam, cũng đã có người can đảm đối đầu. Huống hồ đứa trẻ ba tuổi sao có thể đánh giặc được. Vả lại việc binh là việc quốc gia đại sự, liên quan đến an nguy của hoàng gia, chớ nên xem nhẹ. Xin bệ hạ thận trọng lựa chọn người có đại tài, cử làm đại tướng. Không nên chỉ nghe lời nói bên ngoài mà không thấy tận mắt vậy.
Vua nói:
– Trẫm theo mệnh trời, trị nước yêu dân, tin việc Thần nhân trước đây đã báo ứng. Đích thực là Tiền thánh Đế quân đã hiển linh về báo để giúp nước. Trẫm tin như lời đó thật không phải là sai, không nên nghi ngờ.
Vua sai các tướng tìm các đồ sắt đủ 50 trăm cân, truyền cho trăm thợ rèn để rèn thành ngựa sắt cao mười tám thước, có đủ năm tạng, roi sắt dài mười thước, nón sắt rộng ba thước. Đến giờ Mão ngày 7 tháng Giêng năm Bính Dần Vua sai quan Tiết chế dẫn 10 vạn hùng binh đem ngựa sắt roi sắt nón sắt đến làng Phù Đổng. Đổng Thiết cười rằng:
Vua theo đúng hẹn,
Vận nước lâu bền.
Quân giặc phải tan,
Một ngày giúp nước,
Thiên cổ danh vang.
Rồi Đổng Thiết nói với mẹ và họ hàng thân thích rằng: “Tính con hay ăn, xin soạn cho các món trâu rượu, hoa quả”. Dân làng nghe thế nhà nhà đem trâu rượu đến. Chỉ trong chốc lát cậu bé đã ăn xong để lên đường đi lập công giúp nước, đền đáp công ơn của cha mẹ, làng xóm và ơn Vua.
Ngày hôm ấy mặt trời vừa đúng chính Ngọ, Đổng Thiết cười vang một tiếng, duỗi tay vươn vai, tiếng vang như sấm, ánh mắt loé sáng như chớp, thân mình cao hơn 18 thước. Vì chưa kịp may quần áo nên sai 10 vạn quân đi bẻ hoa lau đem về kết thành đồ mặc. Đổng Thiết lạy tạ mẹ rằng:
– Mẹ là bậc Thánh trên trời. Con là Thần vương. Một ngày lập công to lớn, vạn năm hương lửa vô cùng!
Thần vương nhảy lên ngựa sắt, cầm roi sắt, đội nón sắt, thét vang như sấm chớp, rằng:
– Ta là Thần tướng, vâng sắc chỉ xuống giúp nước!
Ngựa sắt nhảy mạnh, bay lên không mà phi, lập tức tới nơi Vua ngự. Thần vương cầm roi sắt chỉ huy tiên phong, lệnh khiến các quan hành quân tiếp ứng, chỉ phút chốc đã đến dưới chân núi Vũ Ninh huyện Yên Việt, đại chiến với Thạch Linh Thần tướng bên núi. Quân Ân thua to tan chạy. Thạch Linh Thần tướng bị bắt sống rồi chém đầu. Bọn giặc còn lại chưa diệt hết, nhưng roi sắt đã bị rơi mất. Thần vương bèn nhổ lấy các bụi tre gai vung lên quét sạch quân Ân”.
Ngọc phả Hùng Vương nêu rõ Phù Đổng Thiên vương cưỡi ngựa sắt, tay cầm roi sắt. Trước cửa đền Thượng Sóc Sơn còn lưu lại bức tượng con ngựa sắt mà Thánh Gióng cưỡi, gọi là “ngựa” nhưng nó không phải là con ngựa bình thường mà ngày nay hay nói đến.
Còn Phong Thần diễn nghĩa miêu tả Khương Tử Nha cưỡi con kỳ thú là Tứ bất tướng. Con thú này sống từ thuở khai thiên lập địa đến nay. Hình dáng đầu kỳ lân, có sừng, đuôi hươu, vóc dáng như rồng. Có thơ rằng:
Ðầu lân đuôi trại vóc như rồng
Chân đạp hào quang thấu chín trùng
Bốn biển mười châu đi nhất khắc
Ba non năm núi đến như không.
Nhìn vào bức hình phía trên, thật không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện ra con ngựa sắt của Thánh Gióng chính là con Tứ bất tướng của Lã Vọng!
Nếu đã vậy, không khó hình dung mối liên hệ giữa roi sắt của Phù Đổng Thiên vương và roi Đả Thần Tiên của Khương thừa tướng. Cây roi Đả Thần Tiên của Khương Tử Nha có thể đánh cho Thần Tiên hồn rời khỏi phách mà bay lên đài Phong Thần. Các bản dịch thần tích trước đây nói rằng Phù Đổng Thiên vương dùng cây gậy sắt, nhưng đúng chữ gốc thì đây là “Thiết tiên”, tức là cây roi sắt. Có thể thấy roi Đả Thần Tiên và Thiết tiên của Phù Đổng là một.
Cây Thiết tiên gắn liền với tục chém tướng Ân trong lễ hội đền Sóc. Cũng như trong hội làng Phù Đổng, tướng Ân được thể hiện là các cô gái trẻ được trang điểm và được rước bằng kiệu. Ở Sóc Sơn sau khi làm động tác chém tướng, các cô gái được cõng chạy về làng. Trùng hợp thay, chém tướng cũng là một lễ tế trong ngày Khương Thái Công đăng đàn Phong Thần, đã chém hai tướng Ân làm lễ là Phi Liêm và Ác Lai.
Trong Ngọc phả Hùng Vương, Đổng Thiết chỉ yêu cầu nhà vua rèn “một con ngựa sắt cao 10 thước, một cây roi sắt dài 10 thước, một chiếc nón sắt rộng 3 thước”, nhưng không có áo giáp bằng sắt. Đồ mặc của Phù Đổng là một chiếc áo hoa lau (hoa tre), có hàng ngàn bông hoa (“vì chưa kịp may quần áo nên sai 10 vạn quân đi bẻ hoa lau đem về kết thành đồ mặc”). Còn Phong Thần diễn nghĩa miêu tả Khương Tử Nha có vật hộ thân là Hạnh Hoàng Kỳ; lá cờ này khi phất lên thì hàng ngàn bông hoa sen bay ra, ngăn cản tất cả binh khí của quân giặc đánh đến. Hai bảo bối này rất có khả năng chính là một.
Thánh Gióng và Khương Thái Công đều là Thần hoặc người tu Tiên được Trời phái xuống diệt giặc Ân, sự tương đồng kỳ lạ giữa các pháp khí của Phù Đổng Thiên vương và Khương Tử Nha khiến hậu thế không khỏi ngỡ ngàng. Kỳ thực, thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang lưu lại nhiều truyền thuyết và di tích, mà có thể được “diễn nghĩa” theo cốt truyện của Bảng Phong Thần. Những huyền diệu đó, xin được hẹn quý bạn đọc ở một bài viết khác.
(Nguồn tham khảo: Bách Việt trùng cửu)
Video: Dự ngôn bí ẩn: Con chim lông trắng báo hiệu vận mệnh Trung Quốc và Tập Cận Bình