Đại Kỷ Nguyên

Kiệm lời là trí huệ, xưa nay biết bao bậc trí giả đều lĩnh ngộ sự huyền diệu từ đây

Kiệm lời là trí huệ cổ xưa. Trong “Thái Căn Đàm” có câu rằng: “Địa đê thành hải, nhân đê thành vương”, nghĩa là “Đất biết cúi mình nên thành biển, người biết cúi mình mới thành vương”. Một chữ “Đê” (cúi mình) lại có thể phản ánh một cảnh giới, phong thái cao thâm tới vậy. Những người kiệm lời, có vẻ như họ đang hạ mình, kỳ thực lại khiến nhân cách được thăng hoa.

Từ cổ chí kim biết bao người thành công đều vì lĩnh ngộ được đạo xử thế này

Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Mùa thu đã đến, hai chú chim nhạn muốn bay về trời Nam, nhưng lại không nỡ rời xa người bạn tốt của mình là chú ếch xanh. Chim nhạn nói với ếch xanh rằng: “Giá mà cậu cũng có thể bay lên trời được thì tốt biết bao, chúng mình có thể ở bên nhau mãi mãi”. Ếch xanh bỗng nảy ra sáng kiến: Cậu ta để hai chú chim nhạn ngậm lấy một cành cây, sau đó mình sẽ ngậm chặt vào giữa cành cây ấy, thế là ba người bạn cùng bay lên trời. Những chú ếch xanh trên mặt đất đều ngưỡng mộ vỗ tay khen ngợi, quả là tuyệt chiêu.

Lúc này, khi chú ếch xanh kia đang vừa bay lên không trung không xa cùng hai chú chim nhạn, thì có một chú ếch xanh ở phía dưới cất tiếng hỏi: “Ai mà thông minh vậy?”. Chú ếch xanh kia sợ mất đi cơ hội thể hiện bản thân, bèn lớn tiếng nói vọng xuống: “Là tôi nghĩ ra đấy…”. Lời chưa dứt thì cậu ta đã rớt xuống từ không trung.

Trái nghĩa với “Kiệm lời” là “Khoa trương”, mà khoa trương lại là tín hiệu của nguy hiểm. Bởi lẽ nó đồng nghĩa với tính xốc nổi, ngạo mạn, tự mãn. Đó đều là cạm bẫy trên con đường tiến về phía trước, hễ sa chân thì đã muộn màng.

Đương nhiên, kiệm lời không phải là cố chấp với phép tắc cũ, mà là linh hoạt biết căng biết chùng, biết “uốn mình” để cầu sự “toàn vẹn”. Họ không cố chấp vào ý kiến của bản thân, mà căn cứ theo tình huống cụ thể, ứng phó bằng những sách lược khác nhau và luôn chuẩn bị sẵn sàng trong mọi thời khắc, từ đó nghênh đón vận may.

Kiệm lời không phải là cố chấp với phép tắc cũ, mà là linh hoạt biết căng biết chùng. (Ảnh: wikipedia.org)

Kiệm lời là một kiểu trí huệ hành sự

Trong lịch sử của Trung Quốc, Thuấn là người đầu tiên được tôn xưng là “bậc đại trí huệ”. Sau khi Thuấn sinh ra chẳng được bao lâu thì mẹ ông rời xa cõi nhân thế, mẹ kế sinh ra cậu em trai tên là Tượng.

Dẫu cho Thuấn vô cùng hiếu thuận hầu hạ mẹ kế và em trai rất cẩn trọng, nhưng ông vẫn bị đánh đập tàn nhẫn vô số lần. Dẫu sống một cuộc đời nghèo nàn, khốn khó nhưng ông vẫn chẳng một lời oán thán… Nhờ lối sống kiệm lời ấy, Thuấn đã trở thành bậc thiên tử, đó mới thực là đại trí huệ. Nhưng đại trí huệ của ông hoàn toàn không hề sử dụng bất kỳ tâm kế nào. Trên thực tế, đại trí huệ của ông đều đến từ việc kiệm lời.

Chính sự thuần phác, kiên cường và khiêm tốn của mình, cuối cùng Thuấn cũng giành được thành công như ông kỳ vọng.

Ẩn mình, ẩn mình hơn nữa, tâm bạn sẽ tĩnh tại như nước; khoan dung, khoan dung hơn nữa bạn sẽ ấm áp và nho nhã hơn.

Là một người kiệm lời, bạn đâu cần phải nói, người khác cũng có thể nhìn thấy sự mỹ lệ của bạn.

Không kiệm lời sẽ chẳng thể hiểu được khoáng đạt là gì, không kiệm lời thì không thể hiểu được khi nào cần giữ im lặng, không kiệm lời thì người rớt xuống trước có lẽ lại là chính bạn.

Kiệm lời cũng là một loại tu dưỡng của đời người… (Ảnh: pinterest.com)

Kiệm lời là tâm thái làm người tốt nhất

Benjamin Franklin, một trong những người sáng lập nước Mỹ, khi còn trẻ ông tới làm khách trong nhà một vị lão trưởng bối. Ông ưỡn ngực vươn vai bước vào một căn nhà lá chật hẹp. Vừa vào đến cửa thì “bang” một tiếng, đầu của ông đã đập vào khung cửa, tím bầm cả một chỏm.

Lão tiền bối nhìn thấy ông bèn mỉm cười ra nghênh đón và nói rằng: “Đau lắm nhỉ! Cháu biết không, đây là thu hoạch lớn nhất mà hôm nay cháu đến thăm hỏi ta đó. Một người muốn thấu triệt thế sự, thông đạt nhân tình thế thái thì mọi thời khắc đều phải nhớ kỹ rằng cần phải cúi đầu”.

Franklin đã ghi nhớ và cũng đã thành công. Kiệm lời mới có thể hun đúc nên một nhân cách cao thượng.

Người kiệm lời ẩn mình chẳng hiển lộ, họ cũng chẳng khi nào cậy thế ép người.

Người kiệm lời chính là người biết ẩn giấu tài hoa của mình, suy nghĩ, nói năng một cách cẩn trọng. Họ vui vẻ hành thiện với người, khiêm tốn, hoà ái, an nhiên khoáng đạt, và có tấm lòng rộng rãi.

Kiệm lời sẽ khiến cuộc sống của bạn luôn thản nhiên, vinh nhục chẳng phải kinh sợ. Kiệm lời sẽ giúp bạn nắm vững thời cơ, mà trở nên vô cùng lão luyện.

Người càng tài hoa lại càng kiệm lời. Bởi lẽ người thực sự kiệm lời mới không như chiếc thùng rỗng kêu to.

Theo Soundofhope
Nhã Văn biên dịch

Exit mobile version