Đại Kỷ Nguyên

Kiếp người chỉ là khách quán trọ trần gian, chữ tình hư ảo mấy ai buông được?

Người tu hành phải buông bỏ rất nhiều cám dỗ của thế tục như: danh, lợi, tình, sinh tử, sắc dục, tranh đấu… Trong đó, tình và sinh tử chính là ranh giới giữa người tu luyện đắc Đạo và người thường thế tục.

Tương truyền, kể từ khi nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Pháp, người dân trong thành Xá Vệ đều biết trọng đức hành thiện, sống có lễ nghĩa, cư xử theo đạo lý. Họ yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung sống hòa thuận. Nước Xá Vệ nhờ đó mà trở thành một miền lạc thổ.

Tiếng thơm lan truyền khắp bốn phương, truyền đến tận nước La Việt Chi xa xôi. Ở đó có một người tu luyện ngoại đạo, vì lòng ngưỡng mộ trước uy đức của Phật Đà mà không nề hà gian khổ, lội suối trèo đèo, băng rừng vượt núi tìm đến nước Xá Vệ.

Vượt qua bao khó khăn, cuối cùng vị tu sĩ cũng đến nơi. Nhưng chưa kịp bái kiến Phật Đà, ông đã gặp một sự việc kỳ lạ khiến mình không sao tĩnh tâm được.

Hôm ấy, ông vừa đến bên ngoài thành Xá Vệ thì thấy hai cha con nông phu đang cày ruộng. Bỗng nhiên từ bụi cỏ một con rắn độc chui ra cắn người con trai, khiến anh ngã xuống và qua đời.

Nhưng kỳ lạ chưa, người cha kia vẫn tiếp tục cày ruộng như cũ. Vị tu sĩ thầm nghĩ: “Con trai chết mà sao người cha này vẫn cứ điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra vậy?”.

Nghĩ rồi ông tiến đến hỏi vị lão nông đang cày ruộng:

– Xin hỏi ông, người thanh niên này là ai vậy?

Ông lão trả lời, mắt vẫn chăm chú vào luống cày.

– Con trai tôi.

– Ồ, thì ra anh ta là lệnh lang của ông. Nhưng thưa ông, ông có biết con trai mình đã bị rắn cắn chết rồi không? Sao ông vẫn có thể điềm nhiên cày ruộng mà không có chút thương tiếc nào?

– Việc này có gì đáng buồn chứ? Vạn vật trên đời thịnh hay suy đều có quy luật: Lá xanh rồi sẽ úa, hoa nở rồi sẽ tàn, con người nào ai tránh khỏi cái chết đâu? Con tôi bị rắn cắn mà đành bỏ mạng, âu cũng là kiếp số của nó thôi, tôi buồn rầu khóc lóc thì có ích gì?

Nói rồi ông lão lại hỏi:

– Có phải ông sắp vào trong thành không? Nếu thuận đường thì xin hãy giúp tôi một việc, có được không?

Vị tu sĩ đáp, giọng lạnh lùng:

– Vâng, có việc gì?

Ông lão nói tiếp:

– Sau khi ông vào thành thì rẽ phải, đến nhà thứ hai thì chính là nhà tôi đó. Xin hãy báo giúp người nhà tôi là chỉ cần mang một suất cơm ra đồng là được rồi, và nói với bà lão rằng con trai chúng tôi đã bị rắn cắn chết rồi.

Vị tu sĩ cảm thấy vô cùng kỳ quặc, lòng thầm nghĩ: “Ông già này không có chút thiện tâm gì cả, con trai vừa chết mà ông ta vẫn chẳng quên được bữa trưa của mình. Trên đời này lại có kẻ lạnh lùng tàn khốc như thế ư?”.

Chứng kiến sự việc xảy ra, vị tu sĩ rất bất mãn và khó hiểu. (Ảnh minh họa: dailymotion.com)

Theo lời dặn dò, ông lại vào thành tìm đến nhà người nông dân và nói:

– Thưa bà, con trai bà vừa bị rắn cắn chết. Ông nhà nhờ tôi nhắn với bà rằng đến trưa chỉ cần đem một suất cơm là được rồi.

Bà lão nghe tin, chỉ cảm ơn tu sĩ mà chẳng hề tỏ vẻ đau buồn. Ông thấy lạ bèn hỏi:

– Bà lão à, lẽ nào bà không thương xót lệnh lang sao?

Bà lão trả lời rất tự nhiên:

– Đứa con này thác sinh vào nhà tôi, cũng gọi là duyên phận. Nay duyên phận đã hết tôi muốn giữ cũng không thể giữ được. Giống như những lữ khách qua đêm ở quán trọ, sáng hôm sau người nào kẻ nấy lại ra đi, ai cũng không níu kéo được.

Nghe những lời này, vị tu sĩ trong lòng hậm hực: “Đúng là một cặp vợ chồng lòng dạ sắt đá, vừa lãnh đạm vừa tuyệt tình!”.

Lúc đó, cô con gái cả từ trong nhà bước ra. Vị tu sĩ nói với cô:

– Em trai cô chết rồi, cô có đau lòng không?

Cô chị điềm nhiên trả lời:

– Sống chết là số trời, sao phải đau lòng nhỉ? Chị em tôi giống như những khúc gỗ ghép thành chiếc bè, trôi nổi trên sông. Đến khi gặp bão to gió lớn, bè gỗ bị đánh tan, những khúc gỗ kia không thể gắn với nhau mãi được. Chị em tôi do nhân duyên mà cùng ở một nhà, nhưng thọ mệnh dài ngắn khác nhau, sinh tử cũng không có thời gian quy định. Kiếp số buộc em tôi phải ra đi trước, tôi làm sao thay đổi được?

Đúng lúc ấy một cô gái khác chạy đến tiếp lời:

– Ôi, vậy là chồng em chết rồi sao?

Vị tu sĩ lúc này lòng dạ rối bời như giữa đám mây mù, ông hỏi cô gái:

– Chồng cô chết rồi, cô có thấy đau buồn không?

Cô vợ nói rất bình tĩnh:

– Vợ chồng chúng tôi cũng như đôi chim bay trên trời, đêm về dừng chân ở cùng một tổ, sáng ra mỗi con lại bay đi một nơi kiếm mồi. Chim đã bay đi thì không thể trở lại, đó là tạo hóa. Mỗi người cũng vậy đều có vận mệnh riêng, tôi không thể thay thế anh ấy, cũng không thể nào gánh vác nghiệp lực thay cho anh ấy được. Giống như hai khách bộ hành gặp nhau giữa đường, tương ngộ rồi lại đường ai nấy đi.

Đến lúc này vị tu sĩ hoàn toàn phẫn nộ, lòng thầm hối hận vì phải cất công từ xa xôi ngàn dặm đến đây mà cuối cùng đành chịu uổng phí. Người ta vẫn ca ngợi nước Xá Vệ là nơi hiếu đạo, nào hay họ không có chút nhân từ nào hết.

Mặc dù vậy, ông vẫn muốn gặp Phật Đà một lần rồi mới trở về, vì vậy ông đến tinh xá Kỳ Viên cầu kiến Ngài.

Trong lòng hối hận và thống khổ nhưng vị tu sĩ vẫn muốn gặp Phật Đà một lần rồi mới trở về. (Ảnh minh họa: mettapage.org)

Phật Đà vừa gặp mặt đã thấu tỏ mọi suy nghĩ trong lòng ông, Ngài hỏi:

– Chuyện gì khiến con ưu sầu như thế?

Vị tu sĩ trả lời:

– Bạch đức thế tôn, những gì con gặp phải trên đường hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng trong lòng, khiến con rất ưu sầu.

Phật Đà từ bi nói:

– Ưu sầu không thể giải quyết vấn đề, có gì thất ý con hãy cứ nói ra.

Vị tu sĩ kể lại:

– Con vì ngưỡng mộ danh Ngài mà không quản ngàn dặm xa xôi tới đây. Con nghe nói nhờ được Phật Đà giáo hóa mà dân chúng Xá Vệ luôn hành xử theo Pháp. Nào ngờ vừa đến, con lại phải chứng kiến cảnh đời tréo ngoe, người với người không có chút ân tình nào như thế.

Tu sĩ kể lại chuyện gia đình ông lão nông phu cho Phật Đà. Ông cho rằng đây đã là việc đại nghịch vô đạo, thì sao có thể nói đến từ bi được?

Nhưng Phật Đà lại mỉm cười nói với ông:

– Chuyện không phải như vậy, những điều mắt thấy tai nghe rất có thể lại không hẳn là sự thật. Gia đình ông lão ấy thấu hiểu rằng đời người vô thường, con người không thể cứ mãi níu giữ sắc thân hữu hạn của mình. Tự cổ chí kim, dẫu là bậc Thánh hay phàm nhân thì đều như vậy. Một người chết rồi, thân nhân của họ gào khóc thì có ích lợi gì? Sống thì vui chết thì buồn, đó chỉ là cái mê của thế tục. Con là bậc tu hành thì cần phải dùng Pháp lý của người tu chứ không thể dùng cái lý của người thường để nhìn nhận. Cho nên là một bậc chân tu, thì lại càng phải bất động tâm mới phải.

Vị tu sĩ nghe Phật Đà khai thị, trong lòng bỗng khai ngộ. Từ đó ông càng thêm tín tâm vào Phật Pháp, làm một tỳ kheo thành kính tu luyện tinh tấn.

Được Phật Đà khai thị, vị tu sĩ càng thêm tín tâm vào Phật Pháp, trở thành một trong những tỳ kheo tu luyện tinh tấn. (Ảnh minh họa: pantip.com)

Lời bàn:

Người tu hành phải buông bỏ rất nhiều cám dỗ của thế tục, như: danh, lợi, tình, sinh tử, sắc dục, tranh đấu… Trong đó hai tử quan khó vượt qua nhất chính là “tình” và “sinh tử” – đây là ranh giới giữa bậc tu luyện đắc Đạo và người thường thế tục.

Vị tu sĩ ngoại đạo kia cũng là người có căn cơ tốt, lại có duyên với Phật Đà nên Ngài đã tìm cách hóa độ cho ông ta. Có lẽ Phật đã nhìn rõ chấp trước khó buông bỏ nhất của ông là chữ “Tình”, nên mới an bài cho ông gặp gia đình người nông dân kia để điểm ngộ.

Dù cho người dân thành Xá Vệ đã được Đức Phật giáo hóa, đạo đức thăng hoa, người người hướng thiện, chung sống an hòa, nhưng đạt đến mức độ bất động tâm trước chữ Tình thì đó phải là bậc chân tu đã đạt đến cảnh giới rất cao, vượt qua cảnh giới người thường. Vậy mà cả một gia đình đều đạt đến cảnh giới đó, thì quả thật là có một không hai trên đời. Cho nên mới nói, Phật Đà đã an bài để vị tu sĩ được chứng kiến câu chuyện hi hữu ấy, từ đó mà khải ngộ cho ông về Phật Pháp.

Có một câu chuyện tương tự cũng được ghi chép trong sách Trang Tử – Chí lạc rằng:

Vợ Trang Tử chết, người bạn thân của Trang Tử là Huệ Thi đến viếng, thấy Trang Tử ngồi duỗi hai chân, tay gõ nhịp vào cái bồn mà ca hát. Huệ Thi bảo: “Mình ăn ở với người ta, có con với người ta. Bây giờ người ta già, người ta chết, không khóc cũng còn được đi, lại còn gõ bồn mà hát, chẳng quá đáng lắm ư?”.

Trang Tử đáp: “Không phải thế. Lúc nhà tôi mới mất, tôi cũng như mọi người thương tiếc lắm chứ. Nhưng xét lại hồi trước thì vốn không có sinh, chẳng những không có sinh mà vốn không có hình, chẳng những không có hình mà vốn lại không có khí. Con người ta chẳng qua chỉ là tạp chất biến hóa ra mà có khí, khí biến hóa mà có hình, hình biến hóa mà hóa ra có sinh, có sinh lại biến hóa mà hóa ra có tử. Có khác nào xuân hạ thu đông, bốn mùa cứ tuần hoàn đi lại không? Vả lại chết là về với tạo hóa. Người ta yên nghỉ nơi cự thất, thế mà còn theo đuổi, khóc lóc thì hóa ra ta không biết mạng trời ư? Cho nên tôi không khóc nữa”.

Nhất Tâm

Exit mobile version