Đại Kỷ Nguyên

Kiếp người được mất bởi vì đâu, tính toán hơn thua hỏi cớ gì?

Làm người thì không nên tính toán so đo, mọi việc hãy tuỳ kỳ tự nhiên, ấy mới là chân lý. Nếu bản thân có đủ năng lực thì đâu cần phải trông cậy vào người khác?

Có những lúc nghĩ nhiều thì càng nghĩ càng không được, đôi khi không cầu mà lại có. Và những điều tốt đẹp đến trong đời đều là đến vào những lúc ta không ngờ nhất, vậy nên mới nói làm người cốt ở chỗ tuỳ kỳ tự nhiên.

Sự phát triển và tiến bộ của con người xét cho cùng chỉ mang tính tương đối. Thứ là của mình thì cuối cùng sẽ thuộc về mình, thứ không phải của mình truy cầu cũng chẳng được.

Nông thôn và thành phố, người giàu và kẻ nghèo xưa nay vốn không được đối xử đồng đẳng. Thế nên làm người cũng không nhất thiết phải hạ thấp mình mà tâng bốc người khác, đó là điều không cần thiết.

Người có tính kiêu ngạo thì dẫu bạn tôn trọng họ ra sao, họ cũng chẳng đối đãi bình đẳng với bạn. Người có nhân cách, có khí chất thì bạn thân phận thế nào, họ vẫn cứ một lòng tôn kính bạn, đối xử bình đẳng với bạn.

Làm người thì dù trước dù sau, gặp kẻ bần hàn hay người cao sang, tất cả đều dùng nhân tín lễ nghĩa mà đối đãi. Người làm được như vậy thì trời đất bao la nơi đâu cũng là nhà.

Làm người lúc nên nói thì nói, lúc cần làm thì làm, nói đúng lúc, làm đúng nơi, vậy mới tránh khỏi bị người khác xem thường. Trong công việc thì không nên đối xử với ai đó đặc biệt, tất cả phải công bằng, bình đẳng.

Làm người thì không nên tính toán so đo, mọi việc hãy tuỳ kỳ tự nhiên. (Ảnh: pixabay.com)

Đời người phải biết:

1. Nhìn xa

Nhìn xa chính là đặt cho mình một mục tiêu hướng đến, một khát vọng, lý tưởng sống. Người đặt mình ở vị trí càng cao thì nhìn càng xa, tâm càng rộng, nhìn vấn đề lại càng được bao quát.

2. Trông rộng

Trông rộng đối với người cao quý là phẩm cách, đối với người bình thường lại là cốt khí. Vậy nên làm người không những cần nhìn xa mà còn phải biết trông rộng, đối với mọi việc cần phải có cái nhìn thoáng đãng, tâm thái rộng mở, xét sự việc phải xét từ mọi khía cạnh. Có như vậy làm người mới được an vui tự tại.

3. Xem nhẹ

Xem nhẹ, hay còn gọi là sống thanh bạch, không có nghĩa là làm người không có khát vọng. Thứ đã là của mình thì đương nhiên phải trân trọng giữ gìn, còn điều không phải vạn phần không nên động.

Nhân sinh tại thế, giàu nghèo vinh nhục ấy đều do tu tâm dưỡng tính mà ra. Thế nên đối với tiền tài danh vọng chẳng thể cưỡng cầu, phúc mỏng mà lộc nhiều ắt tổn thọ, công thấp mà danh cao ắt cũng hoạ cận kề.

Vạn sự nên tùy duyên, làm người đối nhân xử thế thì nên dùng nhân tín lễ nghĩa mà đo lường.

Tin tưởng chính mình quan trọng hơn nương nhờ vào người khác

Làm người thì ắt phải có suy xét, có trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với xã hội, tin vào chính mình còn quan trọng hơn nương tựa vào người khác. Người khác nhau ắt sẽ có cách làm việc khác nhau, chỉ tận sức nỗ lực làm việc với tất cả trách nhiệm của mình là được. Còn chuyện thành bại đôi khi không do ta quyết định, bởi cuộc sống “hành sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nên chúng ta chẳng thể cưỡng cầu. Tin vào chính mình, nỗ lực hết sức, kết quả ra sao hãy tùy kỳ tự nhiên.

Tin vào chính mình, nỗ lực hết sức, kết quả ra sao hãy tùy kỳ tự nhiên. (Ảnh: pinterest.com)

Làm người học ba điều:

1. Học trầm tĩnh

Trong cuộc sống phồn hoa nhộn nhịp, giữa trăm ngàn bộn bề lo toan thì giữ được trầm tĩnh cũng chẳng phải điều giản đơn.

Khi đối diện với bộn bề cuộc sống, nếu như không thể giữ được sự trầm tĩnh ắt sẽ có lúc mất đi lý trí. Đời người tựa như một bản tình ca, khi trầm khi bổng, cuộc sống lúc thuận lợi ắt cũng có lúc giông ba. Khi gặp nghịch cảnh mà lại oán trời trách đất đó ắt không phải là người trầm tĩnh. Giữ được sự trầm tĩnh cũng là biểu hiện của cảnh giới trí huệ mà không phải ai cũng đạt được.

2. Học cúi đầu

Làm người biết cúi đầu ấy cũng là một cảnh giới phẩm chất, cảnh giới của sự dũng mãnh. Năm xưa Hàn Tín có thể chịu nhục chui háng để cuối cùng trở thành vị đại tướng đánh đông dẹp bắc, mở mang bờ cõi, có công lớn giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán. Người biết cúi đầu không hẳn là người yếu đuối hèn nhát, mà là thể hiện sự đại nhẫn, sự tự tin vào chính mình.

3. Ngẩng đầu

Làm người bất luận gặp cảnh thế nào, thuận lòng hay nghịch cảnh trớ trêu, đều phải bảo trì được tâm thái lạc quan, nhìn xuyên xem thấu. Thế nên, làm người không chỉ phải biết cúi đầu mà còn cần phải học được cách ngẩng đầu. Ngẩng đầu ở đây không phải là tự hào có chỗ hơn người, mà nằm ở chỗ cốt cách nhân phẩm thuận theo đạo trời. Sống giữa trời đất luôn lấy nhân tín lễ nghĩa làm thước đo lường.

Muốn thành đại sự cần phải dựa vào:

1. Cao nhân khai thị

Người thành công là người lấy sự giác ngộ làm kim chỉ nam dẫn đường. Để giải quyết những vấn đề liên quan đến trí huệ, phương hướng của con người thì cần sự khai thị của bậc cao nhân. Trong quá trình trưởng thành và phát triển, có được sự khai thị của bậc cao nhân đó cũng chính là nền tảng vốn liếng vô giá mà con người có được.

Người thành công là người lấy sự giác ngộ làm kim chỉ nam dẫn đường… (pinterest.com)

2. Quý nhân giúp đỡ

Trong quá trình trưởng thành và phát triển, con người luôn phải đối diện với muôn vàn khó khăn trắc trở. Những lúc như vậy, sự tương trợ chân thành của người khác sẽ giúp ta dễ dàng vượt qua khó khăn. Đương nhiên sự giúp đỡ ấy có lúc chỉ là lời khai thị, gợi ý cho chúng ta chứ không nhất định phải là tương trợ về vật chất.

3. Chỗ dựa tinh thần

Con người sống thì cần phải có niềm tin và động lực, một người nếu mất đi động lực sống và làm việc thì cũng là mất đi tất cả. Có câu: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng hình một người phụ nữ”. Tương tự như vậy, mỗi chúng ta đều cần một bến cảng tinh thần cho riêng mình. Đó là nơi chúng ta có thể gửi gắm hy vọng, chia sẻ ngọt bùi, và cũng là nơi tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ta những khi chân mềm vai mỏi.

4. Sự khích lệ của đối thủ

Làm người thì phải không ngừng khai phá, không ngừng phát triển tìm về chân lý. Và đương nhiên, để làm được điều đó ta cũng cần một đối đủ ngang tầm. Thông qua đối thủ, chúng ta tìm được sự khích lệ tự khởi trong lòng.

5. Sự giám sát của tiểu nhân

Nếu chúng ta làm một việc nhỏ thì đương nhiên không cần tiểu nhân góp mặt. Tuy nhiên để làm đại sự, chúng ta lại luôn có kẻ tiểu nhân gần kề, bởi sự có mặt của họ giúp chúng ta không ngừng cảnh giác, nhắc nhở chính mình. Khi không có tiểu nhân, chúng ta dễ sinh tâm tự mãn, kiêu ngạo và cuối cùng dẫn đến tự bại. Thế nên, tiểu nhân cũng là yếu tố không thể thiếu của người làm việc lớn.

Người có bản sự và làm nên việc lớn thì trong quá trình làm việc và hoàn thiện chính mình, họ sẽ phát hiện rằng có 5 kiểu người cần trân quý, tạ ơn: Cao nhân, quý nhân, hậu nhân (người luôn đứng phía sau tương trợ), đối thủ, và sau cùng đó là tiểu nhân.

Minh Vũ

Exit mobile version