Đây chính là 2 quan điểm nhận định của Tăng Quốc Phiên, nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, cũng là điều mà chúng ta bình thường hay mắc phải: Kiêu ngạo và Đa ngôn.
Đứng từ một góc độ nào đó mà nói, Tăng Quốc Phiên khi còn trẻ đã từng phạm phải hai đại khuyết điểm này. Nhưng từ sau khi phạm phải sai lầm, ông đã soi xét lại chính bản thân mình mà cải chính lại để cuối cùng thành tựu nên nhân cách của một hiền nhân. Ông nói rằng, đây là hai báu vật mà ông đúc kết lại từ chính kinh nghiệm của bản thân.
1. Kiêu ngạo chính là con đường dẫn tới bại vong
Con người một khi có tính kiêu ngạo thì sẽ dẫn tới xem thường người khác, trong tất cả các phương diện đều coi thường cảnh giác, làm loạn, vì thế thất bại cũng là điều tất yếu. Kiêu ngạo cũng chính là con đường tự tìm đến thất bại do chính mình mở lối, vậy nên cổ nhân có câu nói rằng: “Kiêu binh tất bại”. Đại văn hào vĩ đại nhất lịch sử nước Anh Shakespeare cũng từng nói: “Một người kiêu ngạo thường có kết quả sau cùng là chết chính trong sự kiêu ngạo của mình”.
Một người kiêu ngạo thường sẽ khó có thể nhẫn nại với người khác, người này cũng bởi vậy mà sẽ không thể có được mối quan hệ tốt với xã hội. Vương Dương Minh, nhà tư tưởng xuất sắc thời Minh cũng từng nói: “Cố vi tử nhi ngạo, tất bất năng hiếu; vi đệ nhi ngạo, tất bất năng đệ”. Ý rằng, một người kiêu ngạo, tự phụ sẽ chẳng thể có được mối quan hệ tốt đẹp nào trong xã hội, thậm chí những người này ngay cả trong mối quan hệ gia đình, cha mẹ, anh em cũng không thể hoà ái.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, thất bại của Quan Vũ thảy đều do tính kiêu ngạo của mình mà gây ra. Quan Vũ là một mạnh tướng thiện chiến, có dũng có mưu, một mình đơn thủ độc đấu chém chết Hoa Hùng, qua năm ải chém sáu tướng, có thể thấy Quan Vũ là người dũng mãnh phi thường. Nhưng Quan Vũ cũng chỉ vì cái tính tự cao tự đại của mình mà dẫn tới chết không toàn thây. Quan Vũ sau khi có được một chút thành công thì kiêu ngạo đắc ý, khi nghe tin phía Đông Ngô phong Lục Tốn làm tướng thay cho Lã Mông, liền nói: “Lục Tốn chỉ như đứa trẻ, không đáng để kinh động”.
Ngược lại, Lục Tốn thân vốn là người đa mưu túc trí, khi lên làm tướng lại viết thư, dâng lễ lấy lòng Quan Vũ. Quan Vũ đắc ý ngạo mạn, đối với lời can gián của người khác thì coi khinh, không nghe vào tai, chỉ cho rằng những gì mình nhận định mới là đúng, còn người khác chỉ là đồ vô dụng, cuối cùng nhận quả đắng bị quân Ngô bao vây và sát hại.
2. Đa ngôn (Nói nhiều) – Là khởi nguồn của mọi rắc rối
Tăng Quốc Phiên đối với vấn đề “Giới đa ngôn” (kiêng kỵ nói nhiều) là do liên quan đến một chuyện khi ông mới vào Viện hàn lâm, khi ấy tâm trạng còn đang đắc ý. Trong một lần nhân dịp vào sinh nhật của phụ thân, bạn thân của ông là Trịnh Tiểu San đến chúc thọ, do cao hứng nên Tăng Quốc Phiên khi đó đã có những lời lẽ không phải đạo khiến cho Trịnh Tiểu San phản cảm phẩy áo ra về.
Từ sau lần đó, Tăng Quốc Phiên vô cùng hối hận, ông đã viết trong nhật ký của mình, soi xét bản thân đã phạm phải 3 đại sai lầm. Một là bình thường luôn cho mình là đúng, hai là lời nói không có chừng mực, nghĩ gì nói đấy, ba là rõ ràng biết mình nói sai rồi vẫn còn tranh đấu hơn thua với người khác, thậm chí có lúc còn rất phi lý. Tổng kết 3 điều này lại, Tăng Quốc Phiên nói: “Bản thân là một Nho giáo tri thức mà ngay cả đạo lý “Ác ngôn bất xuất ư khẩu, phẫn ngôn bất phản ư thân” (lời ác độc không nói ra thì lời phẫn uất không quay trở lại mình) mà cũng không hiểu rõ. Mỗi việc ăn nói này còn không sửa cho tốt thì nói gì đến làm việc đại sự?”
Tăng Quốc Phiên cả một đời thực hành nghiêm ngặt việc “Giới đa ngôn”. Ông không chỉ thường tự phê bình bản thân mà mỗi ngày còn tự kiểm điểm xem trong ngày có nói lời nào thất lễ hay không? Ông không những xem đây là “Giới đa ngôn” của bản thân, mà còn đem nó thành một quy tắc vô cùng quan trọng trong gia huấn của dòng tộc. Đặc biệt đối với hai người con và mấy người em của mình, ông luôn nhấn mạnh vấn đề này.
Tăng Quốc Phiên cho rằng, nếu như dùng lời nói sắc bén của mình mà áp chế người khác, cho dù có thắng thì người ta cũng không phục. Làm người đối nhân xử thế cần nên khiêm tốn, tranh chấp thị phi không có gì đáng cả, nó chỉ đem lại những kết quả xấu mà thôi. Một người mà phàn nàn quá nhiều, kết quả sẽ dẫn tới sự căm phẫn. Sống ở đời thì không thể oán trời vô cớ, trời sẽ trách phạt, giận người không có lý do, người sẽ không phục, sống phiền muộn hại người hại mình.
Bản chất của việc “Giới đa ngôn” chính là khi đối diện với người hoặc sự việc thì cần phải đạt được cảnh giới tự khống chế được bản thân mình, tránh rước phiền phức từ miệng mình mà ra. Đây cũng là cảnh giới của một người có trí tuệ hơn người.
Người xưa với trí huệ và kinh nghiệm đối nhân xử thế, đã đúc rút 10 đặc điểm của một người có giáo dưỡng:
1. Thủ thời
Bất luận là hội họp, hẹn hò thì người có giáo dưỡng không khi nào đến muộn. Họ hiểu rằng cho dù là vô ý đến muộn thì đều là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng mọi người.
2. Nói chuyện
Người có giáo dưỡng là ngươi biết chú ý ngữ khí, không tuỳ tiện cắt lời người khác, luôn nghe đối phương nói xong trước rồi mới đưa ra ý kiến phản bác hoặc bổ sung ý kiến của mình sau.
3. Thái độ hoà ái
Trong khi nói chuyện với người khác, luôn nhìn vào mắt đối phương, duy trì thái độ chú ý lắng nghe, không lơ đãng đi nơi khác như giở sách, xem đồ, nghịch điện thoại. Tất cả đều tập trung vào cuộc nói chuyện.
4. Ngữ khí thích hợp
Không nói to, nói lớn, tiếp xúc với người khác phải có tâm bình khí hoà, lấy lý phục người. Làm được như vậy sẽ luôn nhận được kết quả thoả mãn. Ăn to nói lớn đôi khi không những chẳng thể đạt được mục đích tốt đẹp mà còn ảnh hưởng tới người xung quanh, khiến cho mọi người thêm khó chịu.
5. Chú ý kỹ xảo giao tiếp
Tôn trọng quan điểm và cách nhìn của người khác, cho dù bản thân không hoàn toàn tán đồng hay đồng thuận thì cũng không nên chỉ trích trước mặt họ. Dùng kiến thức, trí tuệ mà phân tích cho đối phương hiểu ra đạo lý.
6. Không tự kiêu
Khi nói chuyện với người khác thì không nên cường điệu ưu điểm bản thân, cũng không nên thể hiện chỗ ưu việt của mình để rồi xem nhẹ người khác.
7. Thủ tín
Cho dù gặp bất kỳ khó khăn gì thì cũng không được nuốt lời, lời đã nói ra thì phải tận lực đi làm để hoàn thành tốt nhất lời nói của mình.
8. Quan tâm tới người khác
Đối với phụ nữ, trẻ em và người già thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện sự quan tâm tới họ một cách chu đáo nhất.
9. Độ lượng
Những người có giáo dưỡng, họ trong đối nhân xử thế thì không vì một chút chuyện nhỏ mà gây bất đồng ý kiến với mọi người. Hơn nữa cần rộng lượng đối đãi với mọi người.
10. Giàu nhưng đồng cảm
Khi gặp người khác khó khăn, tận lực đồng cảm giúp đỡ. Đây mới thể hiện một tấm lòng thực sự bao dung rộng lớn.
Yên Ba