Đại Kỷ Nguyên

Kinh Dịch – Đạo tại nhân gian (P.1): Bát quái chính là 8 loại tu dưỡng của đời người

Kinh Dịch rộng lớn thâm sâu huyền bí, chứa Đạo của Trời Đất. Nhưng người xưa nói, đại Đạo chí giản, Đạo bất viễn nhân, nghĩa là Đạo lớn cực kỳ đơn giản, Đạo không xa con người. Trong Kinh Dịch cao thâm cũng bao hàm rất nhiều trí tuệ nhân sinh bình dị thực tiễn, gắn liền với cuộc sống con người, ngay cả ở nơi trung tâm và căn bản của nó.

Trong “Kinh dịch – Hệ từ thượng” có viết: “Dịch có thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Bát quái, tứ tượng, âm dương, thái cực, chính là chỗ căn bản trung tâm của Kinh Dịch, đối ứng với trí tuệ nhân gian là: 8 loại tu dưỡng, 4 loại lựa chọn, 2 loại tư duy và 1 loại cảnh giới.

1. Bát quái: 8 loại tu dưỡng

8 chữ Thần kỳ, thâm sâu huyền bí nhất trong văn hóa phương Đông, đó chính là tên của Bát quái: Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài.

Quẻ Càn: Tu dưỡng của nam giới

Học được biểu hiện ra yếu nhược, ngại gì không mềm mại. Quẻ tượng của quẻ càn là Thiên, đặc tính là kiện – cường kiện, cho nên nói “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, nghĩa là “Trời vận hành mạnh mẽ khỏe khoắn, do đó người quân tử luôn luôn tự cường không ngừng nghỉ”, đã nói rõ đặc trưng mạnh mẽ của nam giới.

Ba hào quẻ càn đều là dương, là quẻ thuần dương. Nhưng chính vì ‘vật cực tất phản’, quẻ càn tuy mạnh mẽ rắn chắc đầy, nhưng cương quá dễ gãy, cho nên lại có tượng thiếu yên ổn, hàm chứa dấu hiệu chuyển hướng ngược lại.

Đối với nam giới, đây chính là chỗ đáng cảnh giác và học tập nhất. Vì nguyên nhân sinh lý và tâm lý, nam giới rất dễ khởi lên thế mạnh, nhưng nếu quá mức, không biết thu lại, khiêm nhường thì sẽ trở thành sức mạnh phá hoại, sẽ sinh ra hậu quả xấu. Ví dụ: đối với vợ, nếu quá thể hiện thế mạnh sẽ thành chủ nghĩa trọng nam khinh nữ. Đối với con, nếu quá thể hiện thế mạnh sẽ dễ dẫn đến bạo hành. Ở đơn vị công tác, nếu quá thể hiện thế mạnh thì sẽ độc đoán và đắc tội với mọi người

Nam giới như thế này chính là công phu khiêm nhường chưa rèn luyện thành công, đồng thời bản tính trong cương có nhu, trong nhu có cương cũng chưa tu luyện được. Cứng quá thì dễ gãy, ắt chẳng thể tiến xa.

Quẻ Khôn: Tu dưỡng của nữ giới

Thời đại đã thay đổi nhưng nữ đức (đức hạnh của nữ giới) vẫn cần. Quẻ tượng của quẻ khôn là địa, đặc trưng là ‘thuận’ – thuận theo. Đó là “Địa thế khôn, người quân tử dùng đức dày mang vạn vật”, và “Cái thiện cao nhất như nước vậy: Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh, đó là đức khiêm hạ”. Loại phẩm hạnh này khiến cho chúng ta tự nhiên nghĩ ngay đến nữ giới, sau đó lại nghĩ đến người phụ nữ truyền thống: nữ đức.

Quẻ Khôn mang nội hàm tu dưỡng của nữ giới đó là nữ đức. (Ảnh: youtube.com)

Trong nữ đức truyền thống cũng có những nội dung bất công, lỗi thời, nhưng về tinh thần căn bản thì vĩnh viễn không bao giờ lỗi thời, đó chính là đức quẻ Khôn. Đức tính này  cũng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng thời đại ngày nay. Đức quẻ khôn như thế nào? Nói một cách đơn giản chính là: Về thân phận là người vợ hiền, người mẹ tốt, về đối nhân xử thế thì ấm áp khoan hậu, về nội tâm thì an hòa, nhẫn nại, kiên trì, về tư thế thái đội thì khoan dung, thuận theo.

Thuận theo tuyệt nhiên không có nghĩa là khuất phục chịu ở dưới quyền người đàn ông, mà là hiểu rõ rằng, nam nữ bất kể về sinh lý hay tâm lý, thực sự là có khác biệt. Do đó mỗi giới cần có vị trí thích hợp tương ứng, vị trí này là bình đẳng, mà không phải là cứ nhất định làm những việc sở trường của nam giới mới gọi là bình đẳng.

Quẻ Chấn: Tu dưỡng tâm thái

Bất kể lúc nào, thái độ cũng phải bình hòa. Quẻ tượng của quẻ chấn là lôi (sấm), đặc trưng là ‘động’ – chấn động, rung động. Nhưng vì có thể gạt bỏ được cái khí trầm uất, dơ bẩn, nên có thể là sự hanh thông, thông đạt. Điều này khiến chúng ta nghĩ đến cơ ngộ của đời người, những lúc bình tĩnh vừa ý luôn luôn rất ít, thời gian trắc trở xao động lại luôn luôn nhiều, có lúc thậm chí nổi cơn lôi đình, mưa to gió lớn.

Chúng ta nên đối xử thế nào đối với thuận cảnh và nghịch cảnh? Chỉ hướng của quẻ chấn là một điểm: tâm thái. Cảnh tùy tâm chuyển, tâm an thì không có gì là không an, ngày xui xẻo qua đi ắt sẽ ngày đẹp trời.

Tại sao tượng truyện của quẻ này lại nói: người quân tử tu tỉnh bằng sợ hãi. Lúc bình thường cần phải luôn luôn cảnh giác phản tỉnh bản thân mình, lúc bình thường cần bỏ nhiều công sức xem xét mình, thì đến lúc có sự việc mới có thể định lại được. Như thế cuối cùng mới có thể như quẻ chấn thể hiện, quét sạch trầm uất, dơ bẩn, nghênh đón cái trong sáng và thông đạt.

Quẻ Tốn: Tu dưỡng làm người

Cư xử với người cần khiêm tốn, đối đãi với người cần cung kính.

Quẻ tượng của quẻ tốn là phong (gió), đặc trưng là ‘nhập’ (vào), hợp lại chính là gió dài không ngớt, không chỗ hổng nào không vào, nói về thuận lợi thông đạt, ý nghĩa của ‘tốn’ là ‘thuận’. Quẻ này nói thuận theo người khác thì mới thọ ích, cũng chính là khiêm nhường, cung kính, thuận theo.

Làm người cần tu dưỡng đức “khiêm”, cũng chính là khiêm nhường, cung kính, thuận theo. (Ảnh: artron.net)

Về chiêm bói hình dung về quẻ này là:

Nhất diệp cô chu lạc sa than,

Hữu cao vô thủy tiến thoái nan.

Thời phùng đại vũ giang hồ dật,

Bất dụng phí lực nhiệm vãng phản.

Tạm dịch là:

Một chiếc thuyền đơn bãi cát nông,

Có chèo không nước tiến thoái không.

Gặp cơn mưa lớn sông hồ ngập,

Chẳng hao sức lực thỏa vẫy vùng.

Nếu một người không có thái độ khiêm nhường cung kính thuận theo, thì sẽ trở thành một con thuyền đơn côi, có mái chèo nhưng không có nước. Học đạo đối nhân xử thế, khiêm tốn với người, đối xử với người cung kính, bằng hữu nhiều lên, các mối quan hệ hưng thịnh lên, nước tự nhiên sẽ đầy, cuộc đời mới có thể như cá gặp nước, cưỡi gió đạp sóng.

Quẻ Khảm: Tu dưỡng làm việc

Nghiêm túc chịu trách nhiệm, làm việc cẩn thận. Quẻ tượng của quẻ khảm là thủy (nước), đặc trưng là ‘hãm’, hợp lại là rơi vào hố nước. Càng vào lúc như thế này, càng phải cần cẩn thận, học cách chờ đợi thời cơ, không được khinh suất hành động hấp tấp.

Nhưng có thể cẩn thận được hay không, kỳ thực phải xem thái độ lúc bình thường. Một người lúc bình thường không nghiêm túc cẩn thận, đến lúc cấp bách khẩn cấp, thì chỉ có thể cuống quýt rối loạn thôi, không thể trông mong anh ta có thể vào lúc căng thẳng thế này mà đột phá trở nên cẩn thận được. Điều này yêu cầu chúng ta lúc bình thường phải có thái độ làm việc như thế này, không ngừng tu dưỡng bản thân.

Do đó tượng truyện của quẻ này nói rằng: Người quân tử học tập xử lý sự việc bằng đức hạnh thường hằng. Yêu cầu chúng ta không ngừng dùi mài rèn giũa đức hạnh của mình.

Quẻ Ly: Tu dưỡng gia đình

Hôn nhân là việc nghiêm túc, chớ coi là trò đùa. Quẻ tượng của quẻ ly là hỏa (lửa), đặc trưng là ‘lệ’ (đẹp), hợp lại có ý nghĩa là mặt trời đẹp chiếu rọi trên cao, do đó nói ‘nhật nguyệt lệ hồ thiên’, nghĩa là ‘mặt trời mặt trăng đẹp trên trời’.

Nhưng chữ ‘ly’ và chữ ‘lệ’ lại có hàm nghĩa hoàn toàn trái ngược, khiến chúng ta nghĩ đến tình trạng hôn nhân, tỷ lệ ly hôn ngày nay càng ngày càng cao, hôn nhân đẹp như mặt trời tươi đẹp chiếu sáng trên cao đang càng ngày càng ít.

Lý do ly hôn khác nhau, nhưng truy tận cùng vẫn là tình cảm không hòa hợp. Quẻ ly là tượng của lửa, nếu hai người đều giống như lửa, tranh nhau cháy, tranh nhau tỏa sáng, đốt cháy lẫn nhau, không chịu thoái lui nhường một bước, không chịu nỗ lực lý giải lượng thứ cho nhau, thì ngoài xung đột, bất hòa ra, còn có kết quả gì tốt đâu?

Chữ ‘lệ’ (cái đẹp) của quẻ ly có ý nghĩa gắn theo, tức là dựa vào, phụ vào, cần một bên phải yếu đi, dịu đi. Nếu giữa hai vợ chồng có một bên có thể thỏa hiệp, đứng trên góc độ của người kia suy xét, thì mâu thuẫn này ít nhất cũng được hòa hoãn.

Trong đạo vợ chồng một bên có thể nhún nhường thì mâu thuẫn sẽ được hòa hoãn giải quyết, sẽ không bị “ly”. (Ảnh: baike.com)

Quẻ Cấn: Tu dưỡng ngôn hạnh

Đáng nói thì nói, không đáng nói thì im lặng. Quẻ tượng của quẻ cấn là sơn (núi), đặc trưng là ‘chỉ’ (dừng): dừng lại. Quẻ này nói là ngôn hạnh cần phải cẩn thận, đáng làm thì làm, đáng dừng thì dừng; đáng nói thì nói, không đáng nói thì im lặng. Quẻ tượng là núi nhấn mạnh mức độ dừng lại này.

Làm thế nào mới có thể làm được? Tượng truyện của quẻ này nói rằng: “Người quân tử bằng suy nghĩ, tư duy mà không vượt ra khỏi vị trí mình”. “Suy nghĩ không vượt ra khỏi vị trí của mình” chính là biết được cái gì nên làm, nên nói, cái gì không nên làm, không nên nói, lời nói hành động đều đúng mực. Nói năng đúng mực nằm ở chỗ hiểu được im lặng đúng lúc, khi đáng nói thì nói, nhưng kiểm soát được chừng mực. Hành vi đúng mực nằm ở hai chữ ‘lễ phép’, bất kể hành động gì, đều không thất lễ, không sai chuẩn mực.

Khi giao tiếp với người khác, cần phải thành thực, thái độ chân thành, biết suy xét đến cảm thụ của người ta, thì tự nhiên sẽ không vượt quy củ. Chân thành thực tế là mưu lược làm người tốt nhất.

Quẻ Đoài: Tu dưỡng kết giao bằng hữu

Chân thành đối đãi, giúp đỡ hỗ trợ nhau. Quẻ tượng là ‘trạch’ (đầm nước), đặc trưng là ‘duyệt’ – vui vẻ, hân hoan. Giao tiếp giữa người với người vui vẻ, quan hệ hài hòa, người lạ cũng có thể trở thành bằng hữu, giữa bằng hữu lại càng thêm hữu nghị, chân thành, sâu sắc. Đây chính là gợi mở kết giao bằng hữu mà quẻ đoài mang lại cho chúng ta.

Làm thế nào mới có thể hài hòa? Tượng quẻ của quẻ đoài là thủy (nước). Kết giao bằng hữu như hai dòng nước hòa vào nhau, trong bạn có tôi, trong tôi có bạn. Về tình cảm, nó biểu thị nên thẳng thắn chân thành, kết mối tâm giao. Trong thực tế, nó biểu thị nên thường qua lại, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Nói tóm lại, hai bên hỗ trợ bổ sung cho nhau, cả hai cùng có lợi.

(Còn tiếp)

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version