Đại Kỷ Nguyên

Kỳ án gối bạch ngọc bị mất trộm ở cấm cung: Vì sao một người hầu vô danh lại được Hoàng đế kính trọng?

Thời nhà Đường, hoàng đế Đường Văn Tông có một chiếc gối bạch ngọc vô cùng quý giá. Ông coi đó như báu vật và luôn giữ kín trong tẩm cung của hoàng đế. Tuy nhiên, một ngày kia chiếc gối đột nhiên biến mất.

Nơi ở của hoàng đế là cấm cung được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt, chỉ có hoàng hậu và các phi tần được vua sủng ái mới được phép ra vào. Hơn nữa, chỉ riêng chiếc gối bạch ngọc là bị lấy cắp, còn những cổ vật quý hiếm khác bày đặt trong tẩm cung lại hoàn toàn nguyên vẹn.

Bởi vậy sự biến mất kỳ lạ của chiếc gối khiến Đường Văn Tông vô cùng sửng sốt. Ông cho gọi tể tướng, cận thần, và các đại tướng quân đến và nói rằng:

“Chiếc gối bạch ngọc là trân bảo của trẫm đã bị đánh cắp, tên đạo tặc này hẳn không phải là kẻ tầm thường. Hắn chắc chắn là người trong cung. Các khanh cần dốc toàn lực tìm cho ra tên trộm này và trừng trị hắn thật nghiêm minh. Nếu ngay cả việc nhỏ ấy cũng không làm được, thì cấm vệ quân bảo vệ Thiên tử từ nay về sau chỉ là đồ vô dụng!”

Các triều thần vô cùng sợ hãi và bối rối, họ chỉ còn cách cúi xin hoàng đế cho thời hạn 10 ngày để truy bắt tên trộm. Nhưng cho dù đã treo thưởng bao nhiêu vàng bạc đi nữa, thì vẫn không có ai tìm ra hành tung của tên đạo tặc bí ẩn này.

Đã có rất nhiều kẻ tình nghi bị bắt giữ, cũng có không ít người vô tội bị liên can, nhưng vẫn không thể lần ra dấu vết nào về chiếc gối bạch ngọc của hoàng đế.

Trong Long Vũ quân có một vị nhậm chức đệ nhị phiên tướng, tên là Vương Kính Hoằng, trong nhà ông từng nuôi một người hầu, tuổi vừa 18, tướng mạo thần thái, lộ ra sự tài trí nhanh nhạy hơn người. Dù còn trẻ tuổi, nhưng anh lại tỏ ra là người thông minh sắc sảo và không bao giờ thất bại trong bất cứ nhiệm vụ nào mà Vương Kính Hoằng giao phó.

Dù còn trẻ tuổi, nhưng anh lại tỏ ra là người thông minh sắc sảo. (Ảnh minh họa)

Một ngày, Vương Kính Hoằng tổ chức yến tiệc trong cung Uy Viễn và mời các tướng lĩnh tới tham dự. Rất nhiều quan viên và binh lính có mặt trong buổi tiệc rượu đã xướng mời một tì nữ lên diễn tấu một khúc tỳ bà. Nhưng cô gái nhất mực nói rằng cây đàn tỳ bà này không đủ sức, chỉ cây đàn của cô mới có thể trình diễn để thỏa lòng mong đợi. Nhưng tiếc là, cây đàn ấy lại ở trong doanh trại quân Long Vũ, cách nơi tổ chức yến tiệc những 30 dặm đường.

Cô gái vừa dứt lời, người hầu của Vương Kính Hoằng bèn nói: “Nàng đừng lo, tôi sẽ mang chiếc tỳ bà của nàng trở lại nhanh thôi”.

Và quả nhiên, chỉ sau một chầu rượu, anh đã quay trở lại cùng với cây đàn tỳ bà của cô gái.

Vương Kính Hoằng vô cùng kinh ngạc trước thân pháp phi phàm của người hầu cận. Ông tin rằng đây chính là người có thể giúp mình tìm ra tên trộm. Vương Kính Hoằng bèn cho gọi người hầu đến và nói: “Ngươi đã theo ta nhiều năm và ta biết ngươi vốn không phải là kẻ tầm thường, nhưng ta lại không biết nhà ngươi nhanh nhẹn thần tốc như vậy. Giờ triều đình đang lùng bắt kẻ trộm, chính sự mười phần khẩn cấp, lẽ nào chính là ngươi?”

Người hầu trả lời: “Xin đại nhân minh xét, đúng là tiểu nhân có thể đi khá nhanh, nhưng quả thực tiểu nhân không hề lấy cắp chiếc gối”.

Anh khẩn khoản nói thêm: “Đại nhân cũng biết, phụ mẫu của tiểu nhân hiện đang sống tại quê nhà Tứ Xuyên. Tiểu nhân vẫn luôn có ý định trở về thăm nhà. Nhưng vì ân điển của đại nhân bao năm qua, tiểu nhân nguyện sẽ giúp ngài tìm ra kẻ đạo tặc trước khi nói lời cáo biệt. Chỉ xin đại nhân hãy cho thuộc hạ 3 ngày để chuẩn bị”.

Sau đó, người hầu nói thêm với Vương Kính Hoằng rằng: “Kẻ lấy trộm chiếc gối của Thánh thượng tên là Điền Bành Lang, hiện đang ẩn mình giữa những quân lính lực lưỡng trai tráng. Hắn ta có biệt tài đi lại trên mái nhà, hành tung bất định, lá gan và khí lực đều vượt xa người thường. Hơn nữa, hắn võ nghệ cao cường, nếu không làm gãy chân hắn thì có huy động cả thiên binh vạn mã cũng không thể bắt hắn cho được. Tiểu nhân sẽ bí mật đi theo hắn trong hai đêm để chờ thời cơ chín muồi, ngài cũng có thể đi cùng tiểu nhân để quan sát, nhưng xin ngài hãy giữ kín chuyện này”.

Buổi sáng hôm sau, khi Vương Kính Hoằng đứng bên cổng thành, người hầu cận đã chỉ cho ông thấy tên đạo đặc đang trà trộn giữa một nhóm người. Trong một giây sau đó, hắn bỗng ngã lăn xuống đất như vừa bị ai đó đánh, tay ôm chặt vết thương ở chân, mặt rên rỉ vì đau đớn.

Khi mở mắt ra, hắn run sợ khi thấy người cận hầu của Vương Kính Hoằng ngay trước mắt mình. “Thì ra đó là huynh. Tôi chưa từng sợ bất cứ ai ngoại trừ huynh kể từ khi tôi lấy được chiếc gối. Giờ mọi chuyện đã bại lộ, tôi chỉ mong huynh hãy nương tay cho tôi một con đường chuộc tội, tôi sẽ thành khẩn khai nhận mọi tội của mình”.

Kể từ đó, hoàng đế Văn Tông tìm được chiếc gối quý giá, những người vô tội bị bắt giam lúc trước cũng được tại ngoại. Khi biết tin người phá án là một cận hầu, hoàng đế Đường Văn Tông đã tấm tắc khen ngợi: “Người hầu trẻ kia, thật là một đại anh hùng! Ta muốn thâm tạ hắn, trọng dụng hắn!”.

Nhưng khi hoàng đế tìm đến ban thưởng thì người hầu đã trở về quê nhà để hiếu dưỡng song thân. Hoàng thượng mất đi người hầu trẻ, trong tâm vô cùng khó chịu.

Đám cận thần nói: “Vị người hầu trẻ kia, trong nội tâm chỉ có phụng dưỡng cha mẹ và báo ân, những thứ khác nào là vinh hoa phú quý, thăng quan lĩnh thưởng, đều là không để trong tâm, hắn dù thân trong trần thế, nhưng tâm lại vượt xa người thường”.

Những gì anh làm không phải để được hưởng chút vinh hoa phú quý, cũng không phải để được chút tiếng tăm chốn quan trường, mà hoàn toàn là vì lòng biết ơn với chủ nhân của mình. Đây là cách mà một người hầu vô danh đã ghi dấu ấn của mình trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.

Chỉ có lòng trung kiên không mưu cầu danh lợi của người quân tử mới có thể giúp đấng quân vương hoàn thành được những sứ mệnh trọng đại. Tấm lòng ấy, nhân cách ấy chính là thứ ánh sáng rạng ngời toát lên phẩm giá của một con người. Chẳng thế mà một người là vua của triệu người, một người là thân nô lệ hèn mọn nhưng lại khiến đấng minh quân phải nghiêng mình cảm phục.

Theo visiontimes.com
Phương Lâm biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version