Đại Kỷ Nguyên

Kỳ nhân giang hồ tinh thông bói toán, y thuật, hết lòng cứu tế người dân gặp nạn

Sách “Thanh Bại Loại Sao” của Từ Kha đời nhà Thanh có kể về một kỳ nhân giang hồ tinh thông bói toán, y thuật, coi danh lợi như cỏ rác, hết lòng cứu tế người bị nạn. 

Đới Nghiêu tên chữ là Nhất Phu. Những năm cuối niên đại Gia Khánh đời Thanh (Trung Quốc) ông lưu lạc tha hương, đầu tiên ngụ cư ở Tương Đàm, sau định cư ở Tân Thị, Phong Châu. Đới Nhất Phu dù mùa đông hay mùa hè vẫn thường mặc áo vải màu xám, thắt dây đai vải màu trắng, mỗi ngày ăn nửa thăng gạo, không uống rượu, không ăn thịt.

Đới Nhất Phu tinh thông Kỳ môn độn giáp (một thuật dự đoán). Ông thường treo bảng trên cửa, mỗi lần đoán một lạng bạc. Mọi người nhìn thấy giá cao như thế này đều lắc đầu không tin. Một hôm, một người bị lạc mất đứa con, thôi đành “có bệnh thì vái tứ phương”, mang theo tâm lý thử xem sao, đem một lạng bạc đến. Đới Nhất Phu nói: “Giờ Ngọ ngày mai sẽ có một cụ già xách cái làn, trong làn có gà mái, thịt khô, cụ già đó đưa đứa bé về nhà”.

Sau đó quả nhiên đúng là như thế. Thế là thanh danh Thần toán của Đới Nhất Phu lan truyền khắp nẻo, mọi người tới tấp đem bạc đến xin chiêm bói. Đới Nhất Phu vung tay áo tiễn người ta về và nói: “Tôi đâu phải người hành nghề bói toán”.

Đới Nhất Phu dựa vào bán thuốc cao để sinh sống. Đôi khi ông cũng giúp người ta viết biển hiệu, thể chữ thư pháp của ông luôn luôn biến hóa. Đới Nhất Phu có dư tiền thì đem thí xả cho người nghèo.

Đới Nhất Phu tinh thông y thuật, thấy có người ăn xin mắc bệnh, ông liền thí xả thuốc men, trị bệnh cho, không nề hà. Thế nhưng những nhà phú quý dù có dâng ngàn lạng bạc cầu xin ông chữa bệnh thì ông vẫn cúi đầu không để ý đến. 

Chuyện cũ kể rằng: Tân Thị có một tài chủ là Ngô Túy Bích, gia tài hàng vạn quan nhưng không dám mời Đới Nhất Phu đến chữa bệnh cho mẹ. Một hôm, nước sông bỗng dâng lên, người dân bị thiên tai không có nhà để về, không có gạo nấu cơm. Đới Nhất Phu nói: “Ông Ngô nếu có thể bỏ ra 500 thạch gạo, dựng mấy chục căn lều cói cứu tế người dân bị thiên tai thì tôi sẽ phá giới, từ nay trở đi sẽ chữa bệnh cho người giàu”.

Ngô Túy Bích lập tức làm theo rồi cung kính mời Đới Nhất Phu đến nhà họ Ngô chẩn trị. Điều trị mấy tháng, mẹ của Ngô Túy Bích đã khỏi bệnh.

Khi Đới Nhất Phu ở Tương Đàm, ngẫu nhiên đi qua Vạn Thọ Cung, tăng nhân mời Đới Nhất Phu ở lại tá túc, Đới Nhất Phu nhận lời. Tăng nhân dùng tuyệt chiêu nói: “Cửa chùa đã đóng, tiên sinh muốn đi cũng không đi được”.

Một lúc sau, Đới Nhất Phu lấy cớ đi vệ sinh. Rất lâu không thấy ông quay lại, tăng nhân tìm kiếm khắp nơi mà không thấy tung tích Đới Nhất Phu đâu, cuối cùng phát hiện ra ông đã về nhà rồi. Tường nhà chùa cao mấy nhận (một nhận khoảng 6.48 mét), mọi người đều không biết Đới Nhất Phu làm sao có thể vượt tường được.

Khi Vương Thục Nguyên cai quản Hồ Nam, ông có căn dặn quan lại địa phương đất Phong Châu tìm Đới Nhất Phu đưa đến chỗ mình. Đương thời thiên hạ hỗn loạn, Vương Thục Nguyên muốn tiến cử Đới Nhất Phu làm quan, Đới Nhất Phu không nhận lời. Vương Thục Nguyên lại muốn giữ Đới Nhất Phu ở lại, nói rằng: “Chẳng phải ông vui thích thí xả làm việc thiện đó ư? Tôi tình nguyện tặng 1000 lạng bạc để ông thí xả cứu tế”. Đới Nhất Phu cũng không nhận lời. 

Mấy ngày sau, Đới Nhất Phu từ biệt ra đi, y phục và bạc mà Vương Thục Nguyên tặng ông đều thoái thác không nhận.

Đương thời, các danh sỹ như anh em Quách Quân Tiên, Quách Ý Thành, Chu Hạnh Nông, Tôn Chi Phòng đều làm mưu sỹ dưới trướng Vương Thục Nguyên, Đới Nhất Phu đều không vì thế mà thân cận với họ. Ở Phong Châu, Đới Nhất Phu duy nhất làm bạn với một người bán đậu phụ. Có người hỏi ông nguyên cớ, Đới Nhất Phu nói: “Đó là tướng cướp giang hồ, tôi khuyên anh ta cải tà quy chính. Hàng ngày anh ta buôn bán nhỏ kiếm mấy đồng nuôi dưỡng mẹ già, còn bản thân anh ta ăn cháo qua ngày. Anh ta đơn thuần hiếu kính như thế, do đó tôi rất coi trọng anh ta”. 

Sau này, Đới Nhất Phu mất ở Phong Châu, thọ trên 70 tuổi. 

Kiến Thiện
Theo Vision Times

Bạn đang đọc bài viết: “Kỳ nhân giang hồ tinh thông bói toán, y thuật, hết lòng cứu tế người dân gặp nạn” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version