Đại Kỷ Nguyên

Kỳ thuật: Xem gió có thể dự tri vận mệnh và hưng suy thành bại

“Thuật phong giác” căn cứ vào hướng gió, sức gió, tốc độ gió, màu gió và thời gian khởi gió,… để dự trắc nhân sự hung cát phúc họa. (Pixabay)

Ở Trung Quốc cổ đại, có một thuật số cổ lão được gọi là “Phong giác thuật” (Thuật xem gió), nó căn cứ vào hướng gió, sức gió, tốc độ gió, màu gió và thời gian của khởi gió,… để dự trắc nhân sự hung cát phúc họa. Cơ sở lý luận này là: gió là sản vật của hai khí âm và dương, nếu hai khí này mất cân bằng hoặc mất hòa hợp, thì sẽ hình thành gió.

Khi đó, gió trong giới tự nhiên cũng phân ra âm dương, và với sự phân biệt âm dương, nó cũng có tính chất của ngũ hành. Vậy nên, căn cứ theo lý luận sinh khắc chế hóa của ngũ hành âm dương, thì “gió” tự nhiên cũng có mối liên hệ nội tại nào đó với Thiên Địa, vạn vật, xã hội, nhân sinh. Vận dụng loại liên hệ nội tại này, liền có thể suy trắc việc hung cát, thành bại của nhân sự.

Một số nhà thuật số nổi tiếng thời kỳ Tây Hán như Kinh Phòng và Dực Phụng đã soạn các tác phẩm về phương diện này. Vào thời Đông Hán, “phong giác thuật” cực thịnh trong một thời gian, thậm chí còn thể hiện ưu thế vượt trội so với các thuật số khác. 

Lang Tông đến từ An Khâu, Bắc Hải, theo học “Kinh Thị Dịch”, anh ta giỏi các thuật bói toán như phong giác, chiêm tinh, có thể thông qua quan sát khí tượng mà dự đoán cát hung, và thường dựa vào việc bán bói toán để duy trì sinh kế. Một lần đột nhiên một cơn bạo phong bất ngờ thổi qua, Lang Tông thông qua chiêm toán dự trắc kinh đô sắp phát sinh đại hỏa nạn, liền ghi lại ngày tháng và phái người đến chờ, quả nhiên y như dự trắc của ông.

Sau khi các vị triều thần nghe nói về chuyện này, họ đã bẩm cáo cho An Đế, An Đế liền phái người đến chiêu ông làm tiến sĩ. Lang Tông cảm thấy hổ thẹn khi được đánh giá tài năng chỉ vì bói toán linh nghiệm, nên đêm đến đã treo ấn thụ lên huyện nha môn rồi lặng lẽ rời đi, sau đó cả đời không nhậm chức tại triều đình. Con trai ông là Lang Nghĩ kế thừa ý chí của cha từ khi còn nhỏ, cũng thông hiểu kinh điển.

Nhậm Văn Công, quê ở Lãng Trung, Ba Quận. Cha của Nhậm Văn Công, Nhậm Văn Tôn, rất thông hiểu bí thuật thiên văn và phong giác. Văn Công từ nhỏ học tập đạo thuật của cha, phủ châu chiêu mời ông đảm nhiệm tùng sự. Lúc đó xảy ra hạn hán nghiêm trọng, Nhậm Văn Công bẩm báo quan Thứ sử, nói: “Ngày 1 tháng 5 sắp có hồng thủy, tai biến sẽ xuất hiện, nhưng không cách nào phòng trừ hay ứng cứu được. Tốt nhất hãy để các quan lại bách tính biết trước mà chuẩn bị.”

Quan Thứ sử đã không thu nạp ý kiến của ông. Văn Công tự mình chuẩn bị một chiếc thuyền lớn, khi bách tính có người biết, không ít người cũng làm thuyền dự bị. Đến ngày mồng 1 tháng 5, thời tiết cực kỳ khô hạn, Nhậm Văn Công khẩn trương hạ lệnh cho người nhanh chóng thu dọn đồ đạc, rồi phái người đi bẩm báo quan Thứ sử, Thứ sử cho rằng việc này vô nghĩa.

Đến gần giữa trưa, phía Bắc trời xuất hiện tầng tầng mây đen, rất nhanh trời mưa to như trút nước, đến giờ bữa tối, nước đã dâng cao hơn chục trượng, lũ đã làm hư hỏng nhà cửa và hàng nghìn người gặp nạn. Nhậm Văn Công từ đó trở nên nổi tiếng với chiêm thuật, được chiêu mời đảm nhiệm Tư không duyện. Khi Bình Đế lập vị, ông viện cớ bị ốm, trở về quê hương.

Sau khi Vương Mãng soán vị, Nhậm Văn Công đã suy diễn thuật số, biết rằng thiên hạ sẽ xuất hiện đại loạn, vì vậy ông đã thúc giục gia nhân mỗi ngày mang theo một trăm cân vật phẩm trên lưng, luyện tập đi nhanh trong nhà, mỗi ngày đều đi vài vòng. Đương thời mọi người không biết tại sao ông lại làm như vậy. Sau đó, phát sinh chiến loạn, rất ít người trốn thoát được, chỉ có người già trẻ nhỏ trong gia đình Nhậm Văn Công bước nhanh với đồ ăn trên lưng, toàn gia mới tránh được tai họa. Sau đó, họ chạy đến núi Tử Công lánh nạn hơn 10 năm và không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

“Thiên hữu bất trắc phong vân”, nhìn gió cũng có thể biết được. (Pixabay)

Tạ Di Ngô, quê ở Sơn Âm, Hội Khê. Khi còn trẻ, ông từng là một quan nhỏ của quận phủ, học tập phong giác, chiêm hậu. Thái thú đệ ngũ luân đã đề bạt ông làm Đốc bưu. Khi đó, huyện trưởng Ô Trình phạm tội tham nhũng, Thái thú sai Tạ Di Ngô đến bắt huyện trưởng Ô Trình trị tội. Sau khi Tạ Di Ngô đến huyện Ô Trình, ông không án nghiệm, chỉ nhìn vào các môn, nằm sấp trên mặt đất mà khóc một trận rồi quay ra. Người dân toàn huyện cảm thấy sửng sốt, không biết ông muốn làm gì.

Ông quay lại báo cáo với Thái thú: “Theo suy toán của tôi, huyện trưởng Ô Trình có thể sẽ chết, nếu nhanh thì ba mươi ngày, nhưng chậm thì sáu mươi ngày. Hiện tại ông ta chẳng qua chỉ là một cơ thể bị du hồn mượn tạm tá túc, không cần thực thi hình phạt, cũng không cần bắt ông ta.” Thái thú tin lời ông, sau một tháng, quả nhiên có dịch sứ mang ấn thụ của huyện trưởng Ô Trình hồi báo, nói huyện trưởng Ô Trình đột nhiên bạo tử.

Dương Do, người ở Thành Đô, Thục Quận, từ nhỏ đã tu tập “Kinh dịch”, cho đến các phương diện bói mệnh như thất chánh, nguyên khí, phong giác. Ông từng tại quận phủ nhậm chức quan văn. Đương thời có một con chim lớn giữa đêm rơi trên nóc lầu Binh khố, Thái thú Liêm Phạm đã vấn hỏi Dương Do. Dương Do hồi đáp, nói: “Điều này dự rằng báo trong quận sẽ có một chiến loạn nhỏ, nhưng sẽ không quá đáng ngại.” Hơn 20 ngày sau, những người man di ở huyện Quảng Nhu phản loạn sát hại quan lại, Thái thú điều quân đội trú tại Binh khố đi dẹp loạn man di. Một lần khác, gió thổi bay cả vỏ cây, Thái thú lại hỏi Dương Do. Dương Do trả lời: “Sẽ có người hiến quả từ cây, có màu đỏ vàng.” Một lúc sau, ngũ quan duyện quả nhiên biếu mấy bao cam.

Dương Do từng uống rượu với người khác, ông dặn người đánh xe ngựa của mình rằng: “Rượu nếu uống ba lượt, thì chúng ta phải nhanh chóng rời đi ngay.” Ngay sau đó ông thúc giục người đánh xe nhanh chóng rời đi. Sau đó, đã phát sinh vụ ẩu đả và giết người tại tư dinh của chủ nhân. Khi có người hỏi làm sao biết được điều đó, Dương Do trả lời: “Gần đây trên cây của Miếu Thổ Địa có lũ chim đánh nhau, đây là dấu hiệu của binh tặc.” Rất nhiều lời nói của ông ấy đã được ứng nghiệm. Ông đã viết hơn mười tập sách có tên “Kỳ Bình”. Sau đó ông mất tại nhà.

Lý Nam là người gốc Câu Dung, Đan Dương. Ông từ nhỏ đã chuyên tâm học tập, hiểu rõ thuật phong giác. Những năm Hòa Đế Vĩnh Nguyên, Thái thú Mã Lăng, bị triệu tập về kinh đô vì sự tình vi phạm đạo tặc, phải yết kiến triều đình, trong tâm bất an. Lý Nam đã đặc biệt đến bái phóng, chúc mừng Mã Lăng.

Mã Lăng trong tâm có hận ý, hướng đến Lý Nam nói: “Bổn nhân thân là Thái thú mà vô đức, hiện tại lại sắp bị trị tội, vì cớ gì mà ông trái lại đến đây chúc mừng tôi?” Lý Nam nói: “Sớm nay có gió cát tường, trưa mai ắt hẳn sẽ có tin tốt, do đó tôi đến chúc mừng.” Ngày hôm sau, Mã Lăng ngửa cổ chờ mãi vẫn không có tin vui, nghĩ rằng khả năng không ứng nghiệm. Vào giờ ăn tối, một dịch sứ đưa chiếu xá miễn đến, đình chỉ truy cứu.

Lý Nam liền hỏi nguyên nhân tại sao dịch sứ đến muộn. Dịch sứ nói: “Khi băng qua trước Uyển Lăng Phổ Lý, con ngựa bị trẹo gót và không thể bước nhanh.” Chỉ sau đó, Ma Lăng mới bái phục Lý Nam.

Con gái của Lý Nam cũng thông hiểu gia truyền đạo thuật, đã kết hôn với một người làm công ở huyện Do Quyền. Một buổi sáng đang làm bếp, đột nhiên xuất hiện bạo phong, cô liền lên nhà xin phép mẹ chồng về nhà cha mẹ đẻ, để ly biệt phụ mẫu. Mẹ chồng không đồng ý, cô liền quỳ xuống đất khóc và nói: “Trong gia đã truyền thừa đạo thuật bao đời, bạo phong đột nhiên xuất hiện, trước thổi vào ống khói, rồi lại thổi vào giếng nước, đây là một tai nạn đối với người phụ nữ đang làm bếp, đó là một dấu hiệu cho thấy thiếp sắp chết.” Theo đó, cô ấy viết ra ngày chính mình sẽ chết. Mẹ chồng liền cho cô về với cha mẹ đẻ. Đến ngày đó, cô ấy thực sự ốm và chết.

Trong chính sử “Hậu Hán Thư”, có ghi chép một điển hình về tinh thông thuật số, nhưng tiếc là ngày nay đã thất truyền, thay vào đó, những hiện tượng siêu khoa học này bị coi là “mê tín”. (Pixabay)

Phàn Anh, người Lỗ Dương, Nam Dương. Ông từ nhỏ đã tu tập “Kinh Thị Dịch”, thông hiểu “Ngũ Kinh”, “Hà Đồ” và “Lạc Thư”, thiện trường thuật xem tai dị như phong giác, chiêm tinh, thất vĩ thư v.v.

Phàn Anh ẩn cư ở phía nam núi Hồ San, và mọi người từ khắp nơi đến ông để cầu giáo. Châu quận trước sau liên tục mời ông ra nhậm chức, nhưng ông đều không hồi ứng. Công Khanh tiến cử ông vì là người hiền lương, chính trực, nhưng ông cũng không đi. Khi có một cơn bạo phong thổi từ phía tây tới, Phan Anh nói với các học sinh: “Chợ Thành Đô sẽ có đại hỏa.” Sau đó, ông hướng về gió Tây nhổ nước bọt, yêu cầu các học sinh ghi lại ngày giờ. Sau đó, một vị khách đến từ Thành Đô, quận Thục, nói: “Hôm đó có một đám cháy lớn, đột nhiên từ phía đông đột nhiên xuất hiện một đám mây đen, một lúc sau trời mưa to, ngọn lửa mới được dập tắt.” Từ đó, mọi người trong thiên hạ đều khen ngợi pháp thuật của Phan Anh.

Đoàn Ế, một người ở Tân Đô, Quảng Hán, đã tu tập Kinh Dịch và hiểu được phong giác. Đương thời có những người đến ông học tập, người còn chưa đến, ông đã biết trước danh tính của họ. Ông từng nói với quan lại canh bến tàu rằng: “Một ngày nào đó, sẽ có hai học sinh danh tiếng có trọng trách tìm hỏi đến chỗ tôi, làm ơn hãy nói cho họ biết.” Sau đó quả nhiên có người đến.

Có một người học trò đã theo học ông nhiều năm, tự nhận rằng mình đã học hết tinh hoa học thuật của thầy, nên muốn từ biệt thầy trở về quê. Đoàn Ế vì cậu ta mà phối chế cao dược, rồi viết một tờ giấy và niêm phong trong ống trúc, nói với học trò rằng: “Hãy mở nó ra xem trong trường hợp khẩn cấp.” Khi người học trò này đến Gia Minh, cậu đã va chạm với quan lại khi qua sông, bị quan lại trấn giữ bến tàu đánh vào đầu. Cậu bèn mở ống trúc ra xem, trong thư viết: Đến Gia Minh, người tranh đấu với quan lại bị đánh vào đầu, dùng cao dược này bôi lên đầu. Thư sinh sau khi bôi cao lên đầu liền khỏi. Cảm thán công lực của thầy, người học trò từ đó quay lại học, tu thành gia nghiệp. Đoàn Ế cả đời ẩn cư, ông tại nhà mà ly thế.

Lý Cáp là người Nam Trịnh ở Hán Trung. Cha của ông, Lý Hiệt, nổi tiếng về Nho học và là một tiến sĩ trong triều. Lý Cáp tiếp thừa gia học, từng du học Thái Học, thông hiểu “Ngũ kinh” cũng như “Hà Đồ”, “Lạc Thư”, phong giác và chiêm tinh. Ông rất chất phác, ngoại hình không bắt mắt, không ai biết bản sự của ông ấy.

Huyện phủ đã mời Lý Cáp đến làm một chức quan nhỏ chuyên tra lùng đạo đặc và đón đưa khách. Sau khi Hòa Đế lập vị, ông đã phái các sứ giả mặc thường phục đi khắp các quận, huyện để thu thập ca dao. Hai sứ giả được chỉ định đến Ích Châu, và họ ở tại một lữ quán do Lý Cáp quản lý. Đó là một đêm mùa hạ, Lí Cáp nhìn lên trời, hỏi khách: “Khi hai vị xuất phát từ kinh thành, có biết triều đình phái hai sứ giả không?” Hai vị sứ giả nhìn nhau bước vào, ngạc nhiên và nói, “Tôi chưa nghe nói”, hỏi lại làm sao Lý Cáp biết được.

Lý Cáp chỉ vào các ngôi sao trên bầu trời cho họ thấy và nói, “Có hai ngôi sao sứ giả đang di chuyển đến khu vực Ích Châu, do vậy có thể biết việc này.” Ba năm sau, một trong hai sứ giả đảm nhậm chức Thái thú Mạc Trung, trong khi Lý Cáp vẫn còn là một viên quan nhỏ. Thái thú Mạc Trung mến phục tài đức của ông, liền mời ông đảm nhiệm chức Hộ tào sử.

Khi đó, khi đại tướng quân Đậu Hiến cưới vợ, các quận toàn quốc đều tống lễ chúc mừng, quận trưởng cũng phái sứ giả đến, Lý Cáp đến thuyết phục rằng: “Đậu Tướng quân là người của hoàng gia, ông ấy không coi trọng lễ nghi và phẩm đức, mà lợi dụng quyền lực, cao ngạo phóng túng, tai họa thủ vong sẽ sớm ập đến, hy vọng ngài nhất tâm trung thành với triều đình, không cần vãng lai với Đậu Hiến.” Thái thú kiên trì sai sứ đi, Lý Cáp không thể ngăn cản, bèn xin tự mình đi, Thái thú đồng ý.

Lý Cáp cố tình nán lại trên đường để chờ tình hình biến hóa. Khi đến Phù Phong, Đậu Hiến tại Phong Quốc tự sát, toàn bộ các thành viên trong phe nhóm của ông ta đều bị xử tử, và tất cả những người vãng lai với Đậu Hiến đều bị miễn chức, chỉ có Thái thú Mạc Trung là không tham dự vãng lai. Trong năm này, Lý Cáp được tiến cử vì hiếu liêm, thăng chức năm lần liên tiếp, đảm nhậm chức Thượng thư và được trao tặng Thái thường. Vào năm Nguyên Sơ thứ 4, ông thay thế Viên Xưởng đảm nhậm chức Tư không, ông nhiều lần trần thuật, can gián việc được mất trong thực thi chính sách của triều đình, có phẩm tiết của vị trung thần.

Trên đây là tất cả những ví dụ chân thực về sự tinh thông thuật số được ghi chép trong cuốn chính sử “Hậu Hán Thư”, tiếc là từ đó rất nhiều điều đã thất truyền, ngày nay không ai có thể đạt tới, khiến nhiều người cho rằng đó chỉ là mê tín dị đoan. (Nguồn tư liệu: Sách Hậu Hán thư)

Tác giả: Thái Nguyên, theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version