Đại Kỷ Nguyên

Lã Bất Vi lấy ngàn vàng đổi một chữ: Vĩ đại nhờ biết đứng trên vai những người khổng lồ

“Một chữ đáng ngàn vàng” là thành ngữ gốc Hán “Nhất tự thiên kim”. Ngày nay chúng ta thường hiểu, văn chương, lời nói của một người nào đó có chất lượng, giá trị rất cao, mỗi một chữ trị giá ngàn lượng vàng. Thực ra nghĩa gốc của nó không phải như vậy, mà nó gắn với câu chuyện thú vị về một nhân vật lịch sử kiệt xuất là Lã Bất Vi.

Thời kỳ nước Tần thống nhất thiên hạ thế kỷ thứ 3 TCN, Lã Bất Vi là nhân vật trọng yếu trong triều chính nước Tần.

Lã Bất Vi xuất thân từ thương gia giàu có ở Dương Trạch, thường đi khắp các nơi buôn bán. Một lần ông đến đô thành nước Triệu là Hàm Đan buôn bán, gặp Công tử Dị Nhân của nước Tần đang làm con tin ở Triệu. Dị Nhân là con trai của Thái tử An Quốc Quân nước Tần, nhưng do Hạ Cơ, là mẹ nhưng lại ghét Dị Nhân, do đó Dị Nhân bị đưa đến nước Triệu làm con tin. Nước Triệu và nước Tần giao chiến, do đó vô cùng khinh thường Dị Nhân. Dị Nhân vì thế ở vào cảnh khốn cùng.

Lã Bất Vi từ góc độ của thương gia nhìn ra được giá trị trên thân Dị Nhân, coi là món hàng kỳ lạ, hiếm có, rất đáng đầu tư, hy vọng một ngày nào đó sẽ kiếm được “món lời lớn” là danh lợi. Đây cũng chính là một vụ đầu tư chính trị, nên muốn dốc sức đầu tư, giúp Dị Nhân cả tiền của và mưu lược, giành quyền kế thừa ngôi vị vương. Dị Nhân quá đỗi vui mừng đồng ý, thề sau này được ngôi vua sẽ cùng Lã Bất Vi hưởng phúc.

Thế là Lã Bất Vi đem lượng tiền của châu báu lớn đến nước Tần cầu kiến Hoa Dương phu nhân mà Thái tử An Quốc Quân hết đỗi sủng ái. Lã Bất Vi dốc sức thuyết phục bà, một người không có con, nhận Dị Nhân làm con nuôi, đồng thời thông qua bà, xin An Quốc Quân phái người đón Dị Nhân trở về nước Tần, đổi tên là Tử Sở. Sau đó, An Quốc Quân đồng ý lời cầu xin của Hoa Dương phu nhân, lập Tử Sở làm Thái tử. Mấy năm sau, Tần Chiêu Vương qua đời, An Quốc Quân làm quốc vương, tức Tần Hiếu Văn Vương. Hiếu Văn Vương lên ngôi được một năm thì chết, Tử Sở như ước nguyện, được kế vị quốc vương, xưng là Tần Trang Tương Vương.

Dị nhân kế vị, để báo đáp ân đức của Lã Bất Vi, đã phong cho ông làm thừa tướng, trở thành nhân vật hiển hách, ở dưới một người, ở trên vạn người. Trang Tương Vương lên ngôi được 3 năm thì chết, con trai 13 tuổi của ông là Doanh Chính (do Triệu Cơ sinh) kế vị, chính là Tần Thủy Hoàng nổi danh lịch sử sau này. Doanh Chính tôn Lã Bất Vi làm Trọng Phụ, đại quyền triều chính đều nằm trong tay Lã Bất Vi.

Lã Bất Vi được phong làm thừa tướng, trở thành nhân vật hiển hách. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Thời đó, địa vị của thương gia rất thấp, đứng cuối trong 4 loại: sỹ, nông, công, thương, nên thường bị mọi người coi thường. Lã Bất Vi tuy là thừa tướng, nhưng văn võ bá quan trong triều đều biết rõ quá khứ của ông, nên cũng xem thường, và không phục ông. Lã Bất Vi biết rõ hoàn cảnh của mình, nghĩ cách nâng cao danh vọng bản thân.

Thời đó thịnh hành phong trào nuôi các nhân sỹ. Nước Ngụy có Tín Lăng Quân, nước Sở có Xuân Thân Quân, nước Triệu có Bình Nguyên Quân, nước Tề có Mạnh Thường Quân, 4 vị quân tử này lễ hiền đãi sỹ, thu nạp rộng rãi hiền tài khắp nơi, danh tiếng nổi khắp các nước chư hầu. Lúc đó, trong các nước chư hầu thì nước Tần có thực lực mạnh nhất. Lã Bất Vi nghĩ: Mình thân là thừa tướng nước Tần hùng mạnh, nhưng tân khách môn hạ lại không bằng 4 vị quân tử kia, quả thực là đáng xấu hổ. Thế là ông phái người đi khắp nơi chiêu hiền đãi sỹ, đồng thời cấp cho họ nhiều ưu đãi lớn. Thế là sau một thời gian, môn khách của Lã Bất Vi đã lên đến 3.000 người.

Một hôm, Lã Bất Vi triệu tập các môn khách cùng thương nghị, xem làm thế nào để nâng cao uy vọng. Có môn khách kiến nghị Lã Bất Vi dẫn quân xuất chinh tiêu diệt mấy quốc gia, lập chiến công hiển hách, nhờ đó sẽ gây dựng được uy tín. Có người lập tức phản đối: “Cách này thì trăm điều hại mà chẳng có điều lợi, cho dù có đánh thắng trận đi chăng nữa, khi trở về cũng chẳng thể thăng quan tiến chức, vì làm gì còn chức nào cao hơn thừa tướng nữa. Nhưng quan trọng hơn là, chiến tranh rủi ro rất cao, không ai có thể nắm chắc chiến thắng. Ngộ nhỡ chiến tranh bất lợi, kết quả uy tín lại trái lại, sẽ bị sụt giảm”.

Lã Bất Vi hỏi tiếp: “Còn có cách nào khác không?”.

Một lúc sau, có một môn khách nói: “Mọi người chúng ta đều biết rõ, Khổng Tử là một người có học vấn cao siêu, ông có trước tác kinh “Xuân Thu”. Tôn Tử rất giỏi đánh trận, ông có viết “Binh pháp Tôn Tử”. Tôi nghĩ, nếu chúng ta cũng học tập tiền nhân, trước tác một bộ sách, vừa nâng cao được địa vị của bản thân, lại có những cống hiến cho đời sau”.

Lã Bất Vi nghe xong vô cùng mừng rỡ, liền lập tức tổ chức các môn khách bắt đầu công việc viết sách. Ông lại phân loại, biên tập thành 3 phần: “Bát lãm”, “Lục luận”, “Thập nhị kỷ”, tổng cộng hơn 20 vạn chữ. Lã Bất Vi cho rằng bộ sách này đã bao gồm mọi việc cổ kim, vạn vật trong Trời Đất, do đó đắc ý đặt tên là “Lã Thị xuân thu”.

Lã Bất Vi nghe xong vô cùng mừng rỡ, liền lập tức tổ chức các môn khách bắt đầu công việc viết sách. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Sau đó, Lã Bất Vi đem sách “Lã Thị xuân thu” công bố ở bên cổng thành Hàm Dương, đồng thời dùng 1.000 lượng vàng treo phía trên sách, mời cách danh sỹ, tân khách các nước chư hầu đến xem, bình luận. Lã Bất Vi hứa: Nếu có người có thể tìm thấy trong sách một chữ có thể tăng thêm hoặc bớt đi, thì sẽ thưởng cho 1.000 lạng vàng”. “Nhất tự thiên kim”, hay một chữ đáng ngàn vàng là bắt nguồn từ đó.

Sau này, “Một chữ đáng ngàn vàng” mới dần mở rộng nghĩa, dùng ca ngợi các tác phẩm văn thơ, ca từ có giá trị rất cao, mỗi một chữ đều đáng giá ngàn vàng.

Với trí thông minh và sự nhạy bén nắm bắt cơ hội của thương gia, Lã Bất Vi đã lên đến ngôi cao tột bậc của người trong thiên hạ, dưới một người mà trên muôn người. Nhưng trong mắt giới sỹ phu đương thời thì vẫn coi ông là một con buôn mạt hạng.

Xưa kẻ sỹ tiết tháo, coi trọng người nhân đức, nghĩa khí, “phú quý không mê hoặc được, nghèo khổ không làm thay đổi được, uy vũ không khuất phục được”, thế nên để được giới nhân sỹ trí thức xưa kính phục là điều vô cùng khó. Chỉ những gì động đến tâm can họ, khiến họ kính phục từ nội tâm thì mới đạt được.

Với xuất thân con buôn, dù đã ở ngôi cao, khó ai có thể thay đổi được học vấn, trí tuệ trong một sớm một chiều. Hơn nữa quan trường hiểm ác, tranh giành đoạt danh lợi quyền thế mà nhiều kẻ sẵn sàng trăm phương ngàn kế, hạ thủ tàn khốc để tiêu diệt đối thủ, thì vững vàng ở ngôi vị cũng là việc rất khó.

Lã Bất Vi không những giữ vững địa vị, lại nâng cao được uy tín, khiến giới sỹ phu, học sỹ khắp thiên hạ cũng phải coi trọng, vì ông biết đứng trên vai những người khổng lồ. Chiêu hiền đãi sỹ, học hỏi được cái hay, điều tốt từ những người có trí tuệ, khiến ông mở mang tri thức, tầm nhìn, và cuối cùng thành tựu đại nghiệp. Với bộ sách lớn cả nội dung và tầm cỡ “Lã Thị xuân thu”, Lã Bất Vi đã vinh danh trong sử sách, tên tuổi lưu truyền mãi ngàn thu.

Nam Phương

Exit mobile version