Người hành khất nhìn thấy thế đạo suy đồi, tranh quyền đoạt lợi, táng tận liêm sỉ, nên lưu lạc giang hồ, sống cuộc đời tiêu diêu tự tại, nhưng lại sẵn sàng vì người bạn thân mà mạo hiểm mạng sống của mình
Có một người hành khất, không rõ là người ở đâu đến. Tất cả những gì chúng ta biết là ông ấy luyện tập võ công từ khi còn nhỏ, là người hào hiệp, ưa thích cuộc sống của hiệp sĩ giang hồ. Tuy nhiên, khi đến tuổi trung niên, do gia đạo suy sụp, cuộc sống vô cùng chật vật, nên phải lưu lạc giang hồ, ăn xin kiếm sống, trở thành một người hành khất. Trong tay ông chẳng có gì ngoài một cây gậy. Ông dùng dầu đánh cho cây gậy sáng bóng lên, ban ngày cầm cây gậy trên tay, ban đêm dùng nó làm gối. Đồ ăn xin nếu có dư, ông sẽ phân phát cho những người ăn xin khác, không giữ lại gì cho bản thân. Khi gặp những người hành khất còn trẻ khỏe, ông khuyên họ đừng đi ăn xin mà hãy làm điều gì đó có ích, đừng để việc ăn xin hủy hoại thanh xuân của mình. Thỉnh thoảng, ông còn biểu diễn võ thuật ở phố thị, mãi nghệ để kiếm tiền. Ông cũng thường hỗ trợ những người khởi nghiệp nhỏ, những người được ông tài trợ thực sự là rất nhiều.
Thiệu Nghệ Châu, người Hàng Châu, tính tình nghĩa hiệp, thích giao lưu, có lần tình cờ nhìn thấy người hành khất này đang mãi nghệ để kiếm tiền. Người hành khất nhảy múa với đủ loại đao kiếm côn gậy, các chủng các loại đều xuất thần nhập hóa, tuyệt diệu dị thường. Thiệu Nghệ Châu trong tâm biết rõ người này bản lĩnh cao cường, không phải là một kẻ ăn mày tầm thường, nên đã đưa cho ông ấy một số tiền lớn, để ông ấy có thể sáng tạo, phát triển võ công. Người hành khất vô cùng cảm kích.
Sau đó, người hành khất đã tìm ra địa chỉ của Thiệu Nghệ Châu, đứng trước cửa cầu kiến. Thiệu Nghệ Châu ân cần đón tiếp, thịnh tình tiếp đãi, đàm luận những câu chuyện hào hiệp cổ kim. Trong lúc nói chuyện, người hành khất tay múa chân khua như thể xung quanh không có ai, tận tình phát huy, hai người rất tương hợp. Từ đó về sau, hai người qua lại thân thiết, không có hôm nào không gặp nhau. Có một ngày, người hành khất lại đến thăm Thiệu gia, nhưng bộc nhân ngăn không để cho ông ấy vào, người hành khất tức khí hỏi làm sao. Bộc nhân trả lời, nói chủ nhân đã lên Bắc Kinh trong đêm hôm qua rồi. Người hành khất nghe vậy rất sửng sốt, lập tức quay người chạy như bay. Bởi vì ông biết Thiệu Nghệ Châu tới Bắc Kinh nhất định phải đi qua Sơn Đông, nơi đó đạo tặc rất nhiều, ông e tính mạng của Thiệu Nghệ Châu khó bảo toàn, nên ông muốn đuổi kịp càng sớm càng tốt để hộ tống Thiệu Nghệ Châu, phòng ngừa bị đạo tặc tấn công.
Chẳng bao lâu, Thiệu Nghệ Châu đã đến Đăng Châu, nhìn thấy xung quanh một khung cảnh rộng lớn hoang vu với khói bụi và cỏ dại, hoàng hôn mờ mịt, chim chóc mệt mỏi trở về rừng, cảnh sắc khá đẹp. Thiệu Nghệ Châu hỏi người đánh xe những địa điểm thú vị nào ông có thể ghé thăm trong khu vực này. Chưa kịp nói xong, thì một phi tiêu bằng sắt đột nhiên từ trong rừng cây bay ra, nhắm thẳng vào mặt Thiệu Nghệ Châu. Thiệu Nghệ Châu kinh hoàng thất sắc, trong đầu chỉ có một ý nghĩ: “Tiêu rồi!” Khi đang ở thời khắc cực kỳ nguy cấp, trước mắt ông đột nhiên lóe lên một tia sáng trắng, gạt phi tiêu rơi xuống đất. Phi tiêu sắt thứ hai bay tới trước mặt ông, lại bị ánh sáng trắng quật rớt. Nhìn thấy cả hai phi tiêu đều bị đánh rớt, tên cướp bắn phi tiêu sắt tức giận nhảy ra khỏi rừng, đôi mắt mở to trừng trừng, tức giận hét lớn: “Cẩu nô tài, dám đánh rớt phi tiêu của ta, ta quyết không tha mạng ngươi!” Thiệu Nghệ Châu sợ đến khó thở, tay chân run rẩy, không thể nói một lời.
Đột nhiên, một người khác nhảy ra, lớn tiếng nói với Thiệu Nghệ Châu: “Đừng sợ, có tôi ở đây.” Thiệu Nghệ Châu nhìn qua, liền thấy nguyên đó là người hành khất, sau đó mới nhận ra luồng ánh sáng trắng đánh rớt phi tiêu sắt là từ người hành khất phát ra. Ông biết võ công của người này là vô song, trong tâm cảm thấy điềm tĩnh trở lại.
Người hành khất tay cầm thanh kiếm sắc bén, chiến đấu quyết liệt với tên cướp hung dữ. Ông ấy múa kiếm loang loáng, chỉ thấy ánh bạc lóe lên mà không thấy người và kiếm ở đâu. Giằng co qua mấy hiệp, tên cướp đã bị đánh bại.
Lúc đó Thiệu Nghệ Châu còn đang trốn ở trong rừng, vươn nửa đầu nhìn ra ngoài, thấy tên cướp đã bỏ chạy, liền chạy ra khỏi rừng, cảm ơn người hành khất: “Ồ, nếu không có bác, thì mạng của tôi hôm nay đã tận rồi! Ơn cứu mạng của bác tôi làm sao mới có thể báo đáp?”
Người hành khất nói: “Tôi cảm kích ân nghĩa của ngài đối với tôi, ngài không xem tôi như ăn mày, mà coi trọng tôi, do đó tôi đã lặng lẽ bảo hộ ngài trong bóng tối, để chuyến du hành đường dài của ngài không phát sinh việc ngoại ý.”
Thiệu Nghệ Châu thấy người hành khất cầm cây gậy trên tay, liền hỏi ông ấy: “Thanh bảo kiếm của bác đâu? Bác giấu ở đâu?” Người hành khất bẻ cây gậy thành hai mảnh, ở giữa có một thanh kiếm sắc bén. Thanh kiếm sáng bóng và lạnh lẽo. Người hành khất nói: “Đây chính là bùa hộ thân của tôi.”
Thiệu Nghệ Châu cảm thán, nói: “Đây quả thực giống như một thanh thần kiếm do tướng Mặc Tà thời cổ đại chế tạo ra! Chỉ có anh hùng như bác mới xứng đáng làm chủ nhân của nó. Nhưng bác võ công cao cường như vậy, sao không kiến công lập nghiệp, dương danh bốn biển, mà lại đi ăn mày để mưu sinh, lãng phí sinh mệnh của mình vô ích?”
Người hành khất nói: “Thế đạo ngày nay, người làm quan đều kết đảng tư doanh, tranh quyền đoạt lợi, táng tận liêm sỉ, lễ nghĩa vô toàn, cứ tiếp tục như vậy, thì thời gian vong quốc không còn xa nữa. Do đó tôi lưu lạc giang hồ, tiêu diêu tự tại, tránh xa khỏi những chuyện ô tạp đó, miễn đi rất nhiều ưu sầu phiền não, tận hưởng một cuộc sống tự do thực sự.” Thiệu Nghệ Châu sau khi nghe điều này đã vô cùng cảm phục.
Hai người cùng nhau rời khỏi Sơn Đông, người hành khất nói: “Con đường phía trước từ đây đến Bắc Kinh đều là đường lớn bằng phẳng, sẽ không còn nguy hiểm nữa, chúng ta chia tay ở đây nhé.” Thiệu Nghệ Châu hỏi ông ấy đi đâu, người hành khất trả lời: “Tôi đến thăm Triều Sơn, hành tung bất định.” Nói xong, ông phấn chấn rời đi. Sau này, Thiệu Nghệ Châu đi khắp nơi hỏi tung tích của ông, nhưng không có được tin tức gì.
Nguồn: “Kỳ văn quái kiến lục”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch