Đại Kỷ Nguyên

Làm được 5 điều này, cuộc đời tự tại thong dong

Làm được 5 điều này, cuộc đời thong dong tự tại

Ảnh minh họa: Shutterstock.

“Chuyện trên đời, tám chín phần không như ý”, cuộc sống đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có khi phải gặp những khó khăn trắc trở. Thay vì trốn tránh, sao ta không bình tĩnh để giải quyết những vấn đề đó, bởi vì chuyện của cá nhân chỉ có bản thân mới có thể giải quyết mà thôi.

Nếu có thể làm được 5 điều dưới đây thì khi gặp sự việc sẽ càng bình tĩnh, cuộc sống vì thế mà càng thuận lợi vì những gập ghềnh đã được bỏ lại phía sau.

Xem nhẹ

Đời người vô thường, chỉ có nghiệp và đức là mang theo bên mình khi chuyển sinh. Còn những thứ như danh lợi, tiền tài, địa vị, danh vọng… có thể xem nhẹ thì xem nhẹ. Bởi vì chúng là những thứ khi sinh không mang theo đến, khi chết cũng chẳng mang đi, ta đến cõi đời này không có gì cả, khi trăm tuổi lâm cũng trở về với cát bụi, việc gì phải xem trọng những điều đó đến như thế.

Chuyện được mất cũng như vậy. “Bỉ sắc tư phong”, Trời xanh cho ta cái này thì lấy của ta cái khác, cho nên xem nhẹ được mất cũng là cách ta đối diện với cuộc đời biến động một cách bình thản.

Bình thản

Cuộc sống vốn luôn bình thản, phải có một trái tim nồng nàn mới có thể phát hiện được nhiều điều tươi đẹp hơn. Dẫu chưa thể làm được gì thì cũng cứ ngẩng đầu ngước nhìn mây trôi bồng bềnh, chim hót véo von; vì những điều đó là mẹ thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Cúi đầu nhìn hoa xuân khoe sắc, bạn sẽ níu giữ được hương sắc chốn phong trần, nắm chặt được ý thơ.

Những nơi khiến lòng người xúc động nhất lại thường đơn giản nhất. Không tham luyến, không chiếm hữu, cứ đối đãi với thế giới này theo cách dịu dàng, ấm áp, đó mới là cuộc sống tươi đẹp.

Nhẫn nhường

“Nhịn được cái tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngày”. Trong đời luôn có những điều vượt ngoài dự liệu của con người, đồng thời cũng có những mâu thuẫn bất công, nhẫn một chút thì sóng yên bể lặng, còn nếu tranh đấu đến cùng thì chỉ khiến người bên cạnh cảm thấy phiền phức.

Trong tâm rộng lượng mới có thể bao dung những sự việc không thay đổi được, mới chấp nhận sự khác biệt. Chúng ta không thể thay đổi người khác nhưng có thể thay đổi tâm thái của chính mình khi nhìn xét vấn đề.

Thong thả

Xã hội hiện đại thứ gì cũng nhanh nhanh chóng chóng, làm cảm xúc con người cũng không ngừng dao động theo. Làm việc cũng gấp gáp cho xong, suy nghĩ quá nhanh dễ đưa ra quyết định sai lầm, nói quá nhanh trong khi chưa suy xét kỹ lưỡng thì dễ lỡ lời, chạy xe cũng mong chạy cho nhanh dễ dẫn đến sự việc đáng tiếc… Những điều nhanh chóng ấy làm cơ thể ta căng thẳng thiếu trầm tĩnh.

Đến lúc này mới thấy sự thong thả mới thật sự có giá trị. Hơn nữa, sự khoan thai hòa hoãn ấy còn giúp ta tĩnh lặng để nhìn nhận vấn đề, ta học được bài học thành công đồng thời rút ra kinh nghiệm để tránh đi vào vết xe đổ của người khác.

Nghe nhiều nói ít

Ta mất hai năm để học nói nhưng có khi mất cả đời để học cách lắng nghe. Vì biết lắng nghe nên ta mới thấu hiểu tâm tư tình cảm của người khác, biết đứng tại góc độ của họ mà suy nghĩ vấn đề.

Còn về cách ăn nói thì sao? “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”, do đó người xưa dạy “uốn lưỡi ba lần trước khi nói” cũng có đạo lý trong đó. Vì khi ta cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, ta thể hiện sự tôn trọng mọi người đồng thời tránh tai vạ do cái miệng ăn nói lung tung, bừa bãi gây nên.

Video: Sông có khúc, người có lúc, vạn sự tùy duyên không tranh đấu thì hạnh phúc đong đầy

Exit mobile version