Đại Kỷ Nguyên

Làm lợi cho người thì Thần Tiên cũng tôn kính

Người hành thiện “phúc tuy chưa tới họa đã tránh xa”, kẻ hành ác “họa tuy chưa tới phúc đã rời xa”. Tích đức không cần ai thấy, hành thiện tự có Trời hay.

Khi còn làm quan tại Thành Đô, Trương Quai Nhai từng mơ thấy được Thần Tiên mời đi. Hai người đang trò chuyện, đột nhiên có người bước vào nói với vị Tiên nhân này rằng: “Tây Môn Hoàng Kiêm Tế đến!”.

Ngay lúc đó một Đạo nhân đầu cột tóc bước vào. Vị Tiên lập tức ra tiếp đãi, đối với ông vô cùng cung kính.

Sáng sớm hôm sau, Trương Quai Nhai cử người đi mời “người tên Hoàng Kiêm Tế”. Khi Hoàng Kiêm Tế đến, Trương Quai Nhai vừa trông thấy người này thì nhận ra đúng là vị Đạo nhân đã gặp ở trong mộng.

Trương Quai Nhai hỏi: “Ông đã làm việc đại thiện nào đó phải không? Vì sao đến cả Thần Tiên cũng rất tôn kính ông?”.

Hoàng Kiêm Tế đáp: “Tôi không hề làm việc thiện gì lớn. Chỉ là khi lúa mạch chín thì tôi mua vào bằng giá. Đến khi giáp hạt, cuộc sống của người dân gặp khó khăn, tôi lại bán ra bằng giá. Mua vào bán ra đều cùng một giá như nhau, tôi chẳng tổn thất gì, mà mọi người lại có thể hoá giải cơn nguy cấp. Chỉ có vậy thôi”.

Trương Quai Nhai nghe xong vô cùng cảm thán, liền mời ông ngồi lên ghế, rồi hành lễ cung kính.

Một người làm việc tốt, mang lại lợi ích cho trăm họ thì ngay đến cả Thần Tiên cũng rất mực tôn kính. Câu chuyện Hoàng Kiêm Tế hành thiện được truyền bá rộng rãi. Khi mọi người đều biết rằng “làm việc tốt sẽ được Thần tôn kính”, thì sẽ có nhiều người học theo.

(Ảnh minh họa: Siliconeoil)

Đập bia bị sét đánh, khắc bia sinh quý tử

Thời nhà Đường, thần y Tôn Tư Mạc dành cả đời nghiên cứu y học, đã để lại nhiều cuốn y thư như “Thiên Kim Phương” và “Thiên Kim Dực Phương” lưu truyền cho hậu thế.

Tôn Tư Mạc từng có lần cứu sống một con rồng (vốn bị trẻ mục đồng hiểu lầm là “con rắn nhỏ” mà đánh nó). Sau này rồng tới cảm tạ, giúp ông đắc được phương thuốc của Long Cung. Ông dùng bài thuốc của Long Cung trị bệnh, hiệu quả rất tốt, bèn chép lại vào cuốn “Thiên Kim Phương” rồi cho khắc bia đá, để lưu lại cho hậu thế.

Có người biết được chuyện này, vì muốn mưu lợi cho bản thân nên đã mang ngay tấm bia vừa khắc kia đi. Y cậy thế làm quan mà độc chiếm cho bản thân mình, rập khuôn lại nội dung của bài thuốc, định bụng sẽ chép thành sách mang đi bán, cuối cùng khiến bia đá kia vỡ vụn. Ngay sau đó trời nổi giông tố, kẻ bá đạo chuyên quyền và tham lam kia bị một luồng sét đánh chết.

Sau này một người lương thiện đã tự mình bỏ tiền mướn người thợ vốn là người khắc tấm bia đá ban đầu để làm lại một tấm bia khác. Nhờ vậy “Thiên Kim Phương” mới được truyền lại đến đời sau.

Ngay đêm đó, người lương thiện cứu đời ấy mơ thấy Tôn Tư Mạc tới nói với anh ta rằng: “Nhà ngươi trong mệnh vốn không có con, nhưng vì có công khắc lại Thiên Kim Phương nên sẽ sinh được quý tử”. Chẳng bao lâu sau, vợ anh quả nhiên mang thai và sinh hạ bé trai. Sau này lớn lên, cậu bé trở thành một người hiển quý.

Kẻ hủy bia đá chỉ muốn chuyên quyền tự tư tự lợi, người khắc lại bia đá lại chỉ nghĩ tới việc cứu thế làm lợi cho người khác. Kết quả là: Kẻ ích kỷ tham lam không những không nhận được lợi ích mà còn mang cái họa diệt thân. Người chỉ lo nghĩ làm lợi cho người khác, bản thân họ không những không bị thiệt thòi mà còn đắc được phúc báo.

Danh y Tôn Tư Mạc. (Ảnh: wikipedia.org)

Xoá dấu vết tiêu trừ việc xấu của triều đình

Vào những năm Tuyên Đức, nhà Minh từng phái thái giám tới các nước Tây Dương (thời đó gọi các nước từ Java cho đến phía Tây của Ấn Độ Dương là “Tây Dương”, bao gồm cả vùng duyên hải và lục địa) để tìm kiếm báu vật. Chuyến đi đã tiêu tốn vô số tiền tài, số người chết nhiều không kể xiết.

Vào những năm Thiên Thuận, có người đề xuất với hoàng đế tiếp tục cử người tới Tây Dương. Hoàng thượng lệnh cho quan phụ trách bộ binh là Hạng Trung tham khảo những hồ sơ tìm kiếm báu vật cũ và đề ra phương án mới.

Khi đó một vị quan làm chức Lang Trung tên là Lưu Đại Hạ đã tới nơi lưu trữ hồ sơ và giấu chúng đi. Người phụ trách không tìm thấy hồ sơ nên đành phải gác công việc lại.

Sau đó, Hạng Trung chất vấn nhân viên quản lý về việc đánh mất hồ sơ. Lưu Đại Hạ cười nói: “Việc tới Tây Dương tìm báu vật là chuyện xấu đời trước, nên cho dù hồ sơ vẫn còn thì cũng nên tiêu huỷ để phòng hậu hoạ. Sao ngài còn truy hỏi xem hồ sơ đó đã đi đâu?”.

Hạng Trung bừng tỉnh, trong lòng dấy lên niềm tôn kính đối với Lưu Đại Hạ, bèn tạ lỗi mà rằng: “Âm đức của ngài cảm động cả Trời, chức vị này của tôi lẽ ra nên thuộc về ngài”.

Sau đó quả nhiên Lưu Đại Hạ thăng quan lên đến Thái Bảo Đại Tư Mã, con cháu về sau đều phú quý, vinh hiển.

Từ cách làm của Lưu Đại Hạ suy rộng ra, thì mọi văn bản có hại cho thế gian đều nên bị tiêu hủy. Những thư tịch dâm dục, cướp bóc, những sách phỉ báng Phật Pháp… hết thảy đều nên bị tiêu hủy, nhằm tránh để lại tai vạ cho con cháu đời sau.

***

Người xưa nói: Chỉ người nhân đức mới xứng đáng ở ngôi vị chức vụ cao, người bất nhân vô đức mà ở vị trí quyền cao chức trọng thì sẽ gieo rắc tai họa cho dân chúng. Hành thiện thì tích được đức mà làm ác thì nhận nghiệp lực. Người làm nhiều việc thiện hoặc làm việc đại thiện, đem lại lợi ích cho đông đảo dân chúng thì không những bản thân được phúc báo mà con cháu nhiều đời sau vẫn được thừa hưởng phúc đức của họ. Trái lại người làm nhiều việc ác hoặc việc đại ác, gây nguy hại, làm hại cho đông đảo người dân thì ngoài việc bản thân chịu quả báo ra, họ còn gây tai họa cho con cháu đời sau, phải trả nợ nghiệp tới muôn đời.

Thế nên người xưa nói: Người có quyền hành địa vị, người có nhiều tiền tài thì dễ làm việc thiện. Đúng là những người này có nhiều điều kiện có thể giúp được đông đảo người dân hơn. Chính vì thế mà những dòng họ danh gia vọng tộc, khéo hành thiện tích đức thì dòng tộc họ hiển đạt vẻ vang phú quý kéo dài hàng trăm, ngàn ngàn năm.

Tuy nhiên, tiền tài địa vị là con dao hai lưỡi, nếu không biết làm lợi cho dân chúng mà chỉ chăm chăm lo cho bản thân, gia đình, cháu con, họ tộc thì không những không tích được đức mà dễ gây họa. Bởi vì quy luật vũ trụ là “được thì phải mất”. Họ chỉ lo cho bản thân và gia đình thì có thể vô tình hay hữu ý làm tổn hại đến lợi ích của người khác, của cộng đồng, từ đó tổn đức, tạo nghiệp. Từ đó, tai họa sẽ tìm đến, sớm thì đến với bản thân, muộn thì đến với đời cháu con.

Vậy nên Kinh Dịch viết: “Nhà tích thiện thì có thừa phúc lành, nhà tích bất thiện thì có thừa tai ương”. Làm người bất kể là lúc thành công hay thất bại, lúc đắc thành đạt ý hay sa cơ lỡ vận, nếu luôn giữ được cái tâm thiện, làm việc tốt cho người khác tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình thì mới có được cuộc đời yên bình hạnh phúc. Bởi vì người hành thiện “phúc tuy chưa tới họa đã tránh xa”, kẻ hành ác “họa tuy chưa tới phúc đã rời xa”. Tích đức không cần ai thấy, hành thiện tự có Trời hay.

Theo Minh Huệ Net
Tác giả: Trịnh Trọng
Kiến Thiện biên soạn

Exit mobile version