Đại Kỷ Nguyên

Làm rõ hiểu lầm về Tam quốc: Khăn Vàng là giặc, không phải ‘khởi nghĩa’

Tạo hình Trương Giác - thủ lĩnh giặc Khăn Vàng trong phim "Tam quốc diễn nghĩa" (1996).

“Nếu nhận thức cơ bản về quân Khăn Vàng bị soán cải thì thị phi thiện ác cũng bị điên đảo, người đời sau học đến đoạn lịch sử này sẽ hoài nghi tổ tiên và văn hóa truyền thống của mình…”

Tam quốc diễn nghĩa là một trong Tứ đại danh tác của văn học truyền thống Trung Hoa, đã trở nên quen thuộc với đông đảo người dân Á Đông thông qua nguyên tác tiểu thuyết lẫn các chuyển thể điện ảnh. Tuy nhiên, các tác phẩm truyền hình không hoàn toàn phản ánh đúng nguyên tác, đôi chỗ thậm chí còn cải biến bản chất thiện ác, thị phi của con người và sự việc. Một điển hình chính là đoạn mở đầu của tác phẩm, nói về đội quân Khăn Vàng.

Trong phim “Tam quốc diễn nghĩa” (1996), có đoạn lời giới thiệu như sau:

“Khởi nghĩa Hoàng Cân: Quan bức dân phản, dân không thể không phản. Hàng ngàn hàng vạn người dân đói rét dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình. Tháng Giêng, năm thứ bảy niên hiệu Quang Hoà đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng. Quân khởi nghĩa đốt phá châu huyện, chém đầu quan lại, chiếm giữ thành trì, khói lửa chiến tranh bốc lên ngút trời. Dân chúng khắp nơi ùn ùn nổi dậy hưởng ứng…”

Tranh vẽ quân Khăn Vàng. Ảnh: The Three Kingdoms Wikia.

Khi nghe lời giới thiệu này, người ta dễ có cảm tưởng đội quân Khăn Vàng là chính nghĩa, là nổi dậy chống lại ‘áp bức bất công’. Những tội ác chém giết, đốt phá, cướp bóc lại hoá ra anh hùng. Tuy nhiên, nếu thử suy luận một chút, thì kiểu lý giải này bản thân nó chứa mâu thuẫn. Còn nếu đối chiếu với nguyên tác thì lại càng cách xa một trời một vực.

Nếu quân Khăn Vàng là ‘nghĩa’, thì Lưu-Quan-Trương là ‘tà’ sao?

Đầu tiên, chúng ta chỉ cần suy luận một chút thì sẽ thấy ngay cách nói ‘khởi nghĩa Khăn Vàng’ không hợp lý. Tam quốc diễn nghĩa là thiên hùng ca diễn dịch chữ Nghĩa, mà trong đó nổi bật lên là chính nghĩa của ba anh em Lưu-Quan-Trương. Lưu Bị nhân nghĩa, Quan Công trung nghĩa, Trương Phi trượng nghĩa, đã để lại những điển cố bất hủ như “Lưu Bị đưa dân vượt Trường Giang”, “Quan Công treo ấn gói vàng, vượt năm ải chém sáu tướng”… làm xúc động lòng người bao thế hệ. Mà ba người họ sở dĩ có duyên kết nghĩa vườn đào là vì cùng chung tâm nguyện dẹp giặc Khăn Vàng, báo quốc an dân. Nếu giặc Khăn Vàng bỗng dưng được gọi là ‘khởi nghĩa’, thế chẳng hoá ra Lưu-Quan-Trương là kẻ đàn áp quân khởi nghĩa, là đại diện cho chính quyền bạo lực sao?

Tác giả Lưu Như trên trang Chánh Kiến có bình luận về việc này như sau:

“Nếu như đảo lộn địa vị này, thì anh hùng dân tộc thiên cổ mà người ta ca tụng sẽ mất đi ý nghĩa, người dân trăm họ sẽ không yêu mến và kính ngưỡng họ; văn hóa của chúng ta, lý niệm nhân nghĩa làm người cũng sẽ bị nghi ngờ và phủ định. Nếu nhận thức cơ bản về quân Khăn Vàng bị soán cải thì thị phi thiện ác cũng bị điên đảo, người đời sau học đến đoạn lịch sử này sẽ hoài nghi tổ tiên và văn hóa truyền thống của mình, đạo đức tất nhiên sẽ trượt xuống. Người Trung Quốc hôm nay đã là như vậy”.

Quân Khăn Vàng được xác định là giặc trong lịch sử

Tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem ghi chép trong lịch sử và nguyên tác Tam quốc diễn nghĩa về sự việc này như thế nào.  

Sách Tam Quốc Chí – Tiên Chủ truyện viết: “Cuối thời Linh Đế, Khăn Vàng nổi lên, châu quận các nơi tự mộ nghĩa binh, Tiên Chủ (chỉ Lưu Bị) dẫn thuộc cấp từ chỗ hiệu úy Trâu Tĩnh thảo phạt giặc Khăn Vàng có công, trở thành huyện úy huyện An Hỷ”.

Tranh vẽ cảnh Lưu Bị, Quan Vũ cùng Trương Phi kết nghĩa vườn đào. Ảnh dẫn qua Soha.

Có thể thấy quân Khăn Vàng bị chính sử phán xét là quốc tặc, chứ không phải là nông dân khởi nghĩa như sách giáo khoa lịch sử đã bị soán cải của Trung Quốc hiện nay nhận định. “Châu quận các nơi tự mộ nghĩa binh” mới là nghĩa binh chân chính được lịch sử thừa nhận, là các tổ chức tự phát trong nhân dân do cơ quan chính phủ ở các châu các quận dán bảng triệu tập, và là nghĩa quân cùng với quan quân đi thảo phạt giặc Khăn Vàng.

Trong Tam quốc diễn nghĩa có miêu tả tường tận nguồn gốc của giặc Khăn Vàng như sau:

“Khi ấy ở đất Cự Lộc, có một nhà ba anh em: anh cả là Trương Giác, em hai là Trương Bảo, em út là Trương Lương.

Trương Giác vốn thi tú tài trượt, nhân thế bực mình vào núi hái thuốc. Đi đường gặp một ông cụ già mặt tròn mắt biếc, tay chống gậy lê, gọi Trương Giác vào trong một cái động, trao cho ba quyển sách và bảo rằng: “Đây là cuốn Thái bình yếu thuật, có được cuốn này ngươi nên thay Trời dạy người, để cứu lấy đời. Nếu sau này manh tâm tà gian ắt bị ác báo”. Trương Giác sụp xuống lạy, hỏi họ tên thì cụ già nói: “Ta là Nam Hoa lão tiên”, nói đoạn hoá ra một trận gió biến mất.

Trương Giác được ba quyển sách ấy đem về ngày đêm học tập, không bao lâu biết đủ các phép hô gió mưa, tự xưng là Thái Bình đạo nhân.

Đến tháng giêng, năm Trung Bình thứ nhất (184), có bệnh ôn dịch. Trương Giác làm ra nước phép chữa bệnh, cứu được nhiều người, tự xưng là Đại hiền lương sư. Giác có đồ đệ năm trăm người, đi dạo các nơi, ai cũng biết phép thư phù niệm chú. Về sau đồ đệ ngày càng đông; Giác bèn chia học trò ra ba mươi sáu phương, phương lớn hơn một vạn người, phương nhỏ sáu bảy ngàn người, phương nào cũng đặt một người làm thủ lĩnh xưng là tướng quân. Giác nói phao lên rằng: “Trời xanh đã chết, trời vàng nên dựng”, “Đến năm Giáp Tý, thiên hạ thái bình”. Rồi sai người lấy đất thó trắng viết hai chữ “Giáp Tý” ở ngay giữa cửa. Nhân dân tám châu Thanh, U, Từ, Ký, Kinh, Dương, Duyện, Dư nhà nào cũng thờ mấy chữ hiệu: “Đại hiền lương sư Trương Giác”.

Trương Giác lại sai đồng đảng là Mã Nguyên Nghĩa mật đem vàng lụa vào kinh kết giao với tên hoạn quan Phong Tư, đi làm nội ứng, rồi bàn với hai em rằng:

– Không gì khó bằng thu phục được lòng dân, nay lòng dân đã quy thuận về ta, nếu không thừa thế chiếm lấy thiên hạ thì thật là đáng tiếc lắm”.

Đoạn này nói rõ, Trương Giác không phải xuất thân nông dân, mà là thi tú tài trượt. Khi y vào núi hái thuốc thì gặp được Nam Hoa lão tiên truyền cho ba quyển Thái Bình yếu thuật, dạy phép hô mưa gọi gió, chữa bệnh cứu người, với lời căn dặn phải thay Trời hành thiện, giáo hoá dân chúng, chớ khởi tâm gian tà, sẽ gặp ác báo. Điều này rất then chốt: Thiên thư, đạo thuật siêu thường tuyệt đối không thể dùng để mưu cầu vinh hoa phú quý nơi người thường. 

Vì sao học các phép hô gió mưa, làm nước phép chữa bệnh thì lại có thể ‘thay Trời dạy người’? Là vì Thần tích triển hiện ở một mức độ nào đó, giúp người tiêu bệnh giải nạn, thì sẽ có được sự tin cậy của quần chúng, dựa vào đó mà thay Trời truyền giảng đạo đức giáo hóa, để cho thế nhân hiểu đạo lý thiện ác hữu báo, từ đó mà quy chính nhân tâm, trọng đức hành thiện, đạt được mục đích cứu người.

Nói cách khác, những năng lực siêu thường kia nhất định phải dùng vào việc cứu người, cho dù là trị bệnh hay là để cứu nhân tâm đã bại hoại cũng vậy, đều là cứu người. Một khi phản bội lời thề, lợi dụng sự sùng bái của tín đồ để truy cầu danh lợi, quyền lực, thì sẽ bị Trời trừng phạt. Cái chết của ba anh em Trương Giác là minh chứng cho điều đó.

***

Như vậy, đội quân Khăn Vàng cần được gọi đúng là “Giặc Khăn Vàng”, chứ không phải là “khởi nghĩa nông dân” nào đó. Sách giáo khoa Trung Quốc hiện đại dùng lý luận đấu tranh giai cấp mà suy diễn lịch sử, coi tinh hoa mấy nghìn năm của cổ nhân đều thành ra “phong kiến thối nát”, “người ăn thịt người”. Phim truyền hình chịu ảnh hưởng của tư tưởng đó nên nhiều chỗ không trung thành với tinh thần của nguyên tác. Hậu thế muốn hiểu được vẻ đẹp chân thật của văn hoá truyền thống, thì chỉ có cách là tìm về bản gốc, thay thế bộ tư tưởng “giả – ác – đấu” mà ĐCSTQ nhồi nhét bằng một cái nhìn thuần khiết, một trái tim tràn đầy “Chân – Thiện – Nhẫn”.

(Bài viết có tham khảo loạt bài ‘Tam quốc nghĩa giải’ của tác giả Lưu Như đăng trên mạng Chánh Kiến)

Thanh Ngọc

Video: Cộng đồng quốc tế phơi bày cuộc trấn áp mà Trung Quốc che giấu gần 2 thập kỷ

Exit mobile version