Đại Kỷ Nguyên

Làm sao để biến dữ hóa lành và được may mắn khi gặp khổ nạn?

Người xưa thường nói: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”. Khi người ta phát thiện tâm, làm việc thiện, tích phúc đức nhất định sẽ đắc được phúc báo. Ngược lại nếu nảy sinh niệm ác, làm việc xấu thì loại hạt mà mình gieo xuống đất chính là ác nghiệp, bản thân phải chịu nhận ác báo khổ đau. 

Câu chuyện thứ nhất

Xưa ở tỉnh Bến Tre có một thương nhân tên Vương Chí Thiện, tuổi đã ngoài 30 nhưng vẫn chưa có con. Một ngày nọ, một thầy tướng số nói với ông rằng: “Tháng Mười này ông sẽ gặp một tai họa lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông phải rất đề phòng mới mong tránh được nó”. Ông Thiện trước giờ luôn bội phục khả năng của vị thầy tướng số này nên tin ngay không chút nghi ngờ. Ông vội vã lập tức lên Sài Gòn, thu hồi hết mọi khoản đầu tư buôn bán và thuê một căn nhà ở đó để sống tạm, nhằm tránh tai ương, theo như lời mách bảo của thầy tướng số.

Một đêm nọ, ông Thiện ra ngoài đi dạo và bắt gặp một phụ nữ nhảy xuống sông tự tử. Thất kinh trước cảnh tượng này và vì muốn cứu người phụ nữ đó, trong lúc cấp bách ông đã lấy ra một xấp tiền giơ lên cao khỏi đầu và hô lớn để những người trên thuyền bên kia sông nghe thấy: “Có một phụ nữ bị ngã xuống nước ở đằng kia, ai cứu được cô ấy sẽ  thưởng hết số tiền này”. Sau khi các chủ thuyền nghe thấy, tất cả họ bèn nhanh chóng chèo ra sông để cứu người phụ nữ.

Người phụ nữ đuối nước. (Ảnh qua: phunuvietnam.vn)

Cùng lúc có 2 chiếc thuyền đến vớt và đưa người phụ nữ lên bờ. Rất may là cô đã được cứu kịp thời nên đã sống sót. Ông Thiện là người hào phóng nên đã giữ lời hứa, tặng hết số tiền cho 2 chủ thuyền. Khi người phụ nữ đã hồi tỉnh rồi, ông Vương vẫn còn rất bồn chồn. Ông hỏi: “Mạn phép xin hỏi là sự tình bức bách nào đã khiến cô phải tìm đến cái chết vậy?”.

Người phụ nữ trả lời trong nước mắt: “Chồng tôi làm thuê cho một người nhưng họ đang túng thiếu nên đã trả công cho chồng tôi bằng một con heo. Hôm qua trong lúc chồng tôi đi vắng, một người ở vùng khác đã đến làng của tôi tìm mua heo. Tôi đã bán con heo lấy 2 triệu đồng. Tôi thấy rất vui và nghĩ rằng mình đã bán được giá hời. Sau đó một người họ hàng đến chơi nhà và phát hiện ra số tiền ấy là giả! Tôi sợ rằng mình sẽ bị trách móc khi chồng trở về, cảm thấy cuộc sống khổ cực này thật vô nghĩa nên đã nghĩ đến việc tự tử!”. 

Sau khi nghe chuyện, ông Thiện vô cùng thương cảm, không ngần ngại lấy ra đủ số tiền bằng với giá bán của con heo và trao cho người phụ nữ. Ông khuyên cô hãy quay về nhà và hãy sống thật tốt. Người phụ nữ mang số bạc ấy về kể lại toàn bộ câu chuyện cho chồng nghe nhưng anh ta không tin. Hai vợ chồng vội đi đến chỗ ở của ông Thiện để xác nhận sự việc. 

Ông Thiện vừa mới thiu thiu ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa và một giọng phụ nữ cất lên: “Tôi là người ngã xuống nước và được ông cứu mạng. Tôi quay lại để cám ơn ông, ông Thiện ạ, Xin hãy mở cửa”. Nghe thấy thế, ông Thiện nghiêm giọng trả lời: “Cô là phụ nữ đã có chồng, còn tôi là khách trọ đang ở một mình. Nam nữ đêm khuya thế này, tôi không muốn người ta dị nghị”. Mối nghi hoặc của người chồng liền tan biến khi nghe điều đó. Anh ta cảm động sâu sắc và lên tiếng: “Thưa ngài, ngài đúng là một bậc chính nhân quân tử. Xin đừng hiểu lầm, hai vợ chồng chúng tôi cùng đến để cám ơn sự hy sinh của ngài”. 

Ông Thiện chợt hiểu ra mọi chuyện và nhanh chóng thay quần áo để ra tiếp khách. Ngay khi ông mở cửa thì bức tường phòng ngủ bất ngờ đổ sập xuống khiến chiếc giường vỡ nát. Cặp vợ chồng thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến cảnh tượng ấy, sau đó họ thành kính cám ơn lòng tốt của ông Thiện.

Tháng Mười trôi qua, ông Thiện trong tâm rất thoải mái vì ông biết mình đã thoát được kiếp nạn. Ông đến gặp lại vị thầy tướng số sau khi về nhà ở Bến Tre. Vị thầy tướng vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy ông và nói: “Vài tháng không gặp, mà sắc diện của ngài đã cải biến hoàn toàn. Ngài đã được hồi sinh; nét “âm đức” đột nhiên xuất hiện khắp khuôn mặt. Tôi cho rằng nhất định ngài đã làm một việc đại từ bi là cứu mạng người. Với tướng mạo của ngài bây giờ, ngài sẽ đắc vô lượng phúc báo trong tương lai”. 

Thời gian sau đó, vợ của ông Thiện đã sinh hạ cho ông 5 người con trai, mỗi người con đều học rất giỏi, biết quan tâm và lễ phép. Ông Thiện cũng được hưởng thọ 96 tuổi, đồng thời ông luôn hạnh phúc và khỏe mạnh trong suốt cuộc đời. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng nghiệp lực luân báo là có thật. Khi một nhân được gieo thì một quả sẽ được sinh ra. Việc ông Thiện được Trời ban phúc vì lòng thương người và đạo đức của mình đã chứng minh điều này.

Câu chuyện thứ hai

Có một vị tuần phủ người Hồ Nam nọ rất tôn thờ Quan Công. Năm nào, cứ đến mùng 1 Tết ông ta lại tới miếu Quan Công dâng hương và bốc quẻ xem vận hạn trong cả năm. Những quẻ bói của ông luôn linh nghiệm. Ngày mùng 1 Tết năm Càn Long thứ 33, như thường lệ tuần phủ đại nhân lại đến miếu dâng hương và bốc quẻ, cầu xin được quẻ tốt lành. Tuy nhiên ông lại nhận được quẻ bói có dòng chữ: “十八滩头说与君” (Thập bát than đầu thuyết dữ quân) nghĩa là: Cẩn trọng tai nạn liên quan tới nước. Trong năm đó dù đi ra ngoại tỉnh làm bất cứ việc gì, để tránh bị tai nạn như trong quẻ bói nói thay vì đi thuyền ông luôn đi kiệu để tránh tai nạn sông nước. 

Miếu Quan Công. (Ảnh qua: hoianheritage.net)

Năm đó để thẩm tra vụ án “Hậu thất” hoàng thượng đặc biệt cử khâm sai đại thần tới Hồ Nam, trên đường đi tới đó phải đi qua một cái hồ. Nếu đi đường thủy vừa gần vừa nhanh, còn đi đường bộ phải khởi hành từ rất sớm, vừa xa lại đi lâu hơn. Quan khâm sai đại thần thì muốn đi đường thủy còn vị  quan tuần phủ kia lại chủ trương nhất quyết đi đường bộ và kể chuyện quẻ bói cho khâm sai đại thần nghe. Mặc dù miễn cưỡng nghe theo lời quan tuần phủ nhưng khâm sai đại thần cảm thấy không vui.

Không lâu sau đó xảy ra vụ án tham ô mỏ chì ở Qúy Châu, có người tố cáo vị tuần phủ nọ khi đương chức tại đó đã ăn hối lộ nhưng ông ta thề thốt không chịu nhận tội. Tên nô tài gác cổng họ Lý của vị tuần phủ hiện tại của Quý Châu cũng có liên quan tới vụ án này. Khi hắn bị thẩm tra đã khẳng định chắc chắn sau khi nhận được bạc thì đều giao cho vị tuần phủ kia, còn mình chỉ là người tuân lệnh thực hiện chứ không phải người chủ mưu tính toán. Tên nô tài nọ đã bị phán trọng tội và bị phạt đánh liệt cả hai chân nhưng vị tuần phủ kia vẫn quanh co nhất quyết không nhận tội.

Khi đó quan khâm sai đại thần đi tới, chỉ vào vị tuần phủ kia và nghiêm nghị nói: “Ngươi không cần phải đôi co nữa, quẻ bói hôm ngươi rút ở miếu quan công với dòng chữ “十八滩头说与君” (Thập bát than đầu thuyết dữ quân) đã linh nghiệm là bằng chứng xác thực rồi. Tên nô tài kia họ Lý ‘李’ ở nửa trên của chữ‘李’ (Lý) chính là do hai chữ ‘十八’(Thập và Bát) ghép lại. Do vậy ‘十八’(Thập bát) chính là để chỉ tên nô tài họ Lý kia. Tên nô tài đã bị trừng phạt và bị liệt cả hai chân (tiếng trung là: 瘫痪 -[tānhuàn], trong quẻ bói có chữ ‘滩’(tān) chính là chỉ hắn ta bị liệt vì tội tiếp tay cho tham nhũng. Và phần cuối của quẻ bói ‘头说与君’(đầu thuyết dữ quân) chính là chỉ người đứng đầu là người đã nhận bạc đút lót. Quẻ bói cũng linh ứng chứng minh lời tên nô tài kia nói là đúng. Quan Công linh thiêng đã sớm biết ngươi phạm pháp làm điều xấu tham ô  nên đã cho ngươi quẻ bói đó. Ngươi còn gì để giải thích nữa không?”. 

Vị tuần phủ nọ á khẩu không nói được lời nào, chỉ biết cúi đầu nhận tội và chịu trừng phạt nghiêm khắc.

Câu chuyện thứ ba

Ngày xưa tại Thành Đô, Tứ Xuyên có một vị tri phủ xấu tính tên Trương Bảo. Một ngày nọ đi ra đường, anh ta bỗng gặp một người phụ nữ rất xinh đẹp. Trong lòng tri phủ thầm nghĩ rằng đây hẳn phải là “mỹ nhân đệ nhất của Tứ Xuyên”. Người phụ nữ này là vợ của Lý Uý huyện Hoa Dương. Vừa nhìn thấy Lý Thị, trong lòng Trương Bảo nảy sinh tà niệm, muốn lợi dụng chức quyền để có được người đẹp. Thế là ông ta tận dụng tất cả các mối quan hệ nhờ người nhắn gửi cho Lý Thị tấm chân tình của mình. Chẳng ngờ lâu dần Lý Thị kia cũng bị hành động và những món quà của Trương Bảo làm mềm lòng rung động mà đồng ý.

Vừa khi đó trùng hợp xảy ra vụ án liên quan tới chồng Lý Thị. Việc nhận hối lộ của Lý Úy bị bại lộ. Trương Bảo liền nhân cơ hội báo cáo sự việc lên triều đình rồi nhốt Lý Úy kia vào ngục. Sau khi xét xử, Lí Uý liền bị lưu đày trong núi. Trên đường đi, Trương Bảo âm thầm sai người sát hại Lý Úy. Sau đó dùng tiền mua chuộc mẹ của Lý Úy để đồng ý cho anh ta đường đường chính chính có được người đẹp trong tay.

Tuy nhiên không lâu sau đó Lý Thị bỗng nhiên bị mắc bệnh, tinh thần hoảng loạn sợ hãi. Cô ta nói lúc nào cũng nhìn thấy hồn ma chồng cũ của mình bên cạnh. Trước khi chết cô ta nói với Trương Bảo: “Vì để cảm ơn tấm chân tình của tri huyện với tôi, có việc này tôi không thể không cảnh báo ngài. Lý Úy chồng trước của tôi đã báo lên Ngọc Hoàng việc oan uổng của anh ta, vì vậy chắc chắn ngọc hoàng sẽ sai người tới lấy mạng ông. Chỉ cần ông ở trong phủ không đi ra ngoài, thì sẽ được an toàn. Chỉ cần ông bước chân ra khỏi cửa chắc chắn sẽ bị mất mạng”. Nói dứt lời thì Lý Thị trút hơi thở cuối cùng.

Không lâu sau đó Trương Bảo cũng mắc bệnh, nhưng nhớ lời Lý Thị nói trước khi qua đời ông ta tuyệt nhiên không giám bước chân ra ngoài. Một buổi chiều nọ, đang ngồi trong công đường tri phủ nhìn ra ngoài cửa thấy một người phụ nữ rất xinh đẹp mặc áo hồng đang đứng ngoài cửa vẫy tay gọi ông ta. Tà niệm nổi lên ông ta liền mong muốn có được người đẹp và quên mất lời dặn của Lý Thị ông ta lao ra ngoài cửa. Vừa ra tới cửa thì bị hồn của Lý Úy bắt và đánh cho một trận, vừa đánh vừa nói với anh ta: “Trương Bảo ngươi đúng là tên tham quan dâm ác, đến chết không bỏ được cái tội. Nếu ta không dùng cách này thì chắc chắn ngươi sẽ không chịu ra đâu nhỉ”. Chỉ thấy một lát sau vị tri phủ nọ bị chảy máu mũi và qua đời.

Thay lời kết:

Việc thiện, việc ác trên đời cũng giống như nông dân gieo hạt, gieo hạt đậu sẽ thu hoạch đậu, gieo hạt dưa sẽ thu hoạch dưa, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Tuy vậy một số người trong xã hội ngày nay luôn cho rằng bản thân mình có giá trị hơn người khác và lợi ích của họ quan trọng hơn bất kỳ điều gì. Khi gặp việc tốt cần giúp một tay thì họ lại nghĩ ra đủ lý do để tránh né. Đến cuối đời, họ kiếm được rất nhiều tiền từ công việc làm ăn nhưng lại không tích được chút đức nào. Làm sao loại người này có thể biến dữ hóa lành và được may mắn khi gặp khổ nạn được?

Hại người cũng là hại mình, giúp người chính là giúp mình. Chỉ có nghĩ cho người khác, tích đức hành thiện, con người mới ta mới đắc được phúc báo chân chính nhất. 

Theo zhengjian
Kiên Định biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version