Ít ai biết rằng, Tô Đông Pha không chỉ là một nhà văn hoá lỗi lạc mà còn là một vị quan yêu nước thương dân, hết lòng vì xã tắc. Trong những giờ phút trăm họ gặp tai ương, vận nạn, ông đã làm thế nào để dẫn dắt con dân vượt qua?
Tô Đông Pha (tên thật là Tô Thức) là nhà văn vĩ đại triều Bắc Tống, hiệu Đông Pha cư sĩ. Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng với ý thơ dạt dào, phóng khoáng. Như trong bài “Niệm nô kiều – Xích Bích hoài cổ” có câu: “Đại giang đông khứ lãng đào tận” (sông lớn chảy về Đông, cuốn đi hết thảy nhân vật phong lưu ngàn thuở). Hay như trong bài “Giang Thành Tử” có câu: “Thập niên sinh tử lưỡng mang mang”, nghĩa là: Mười năm sinh tử ấy mênh mang…
Thông qua thơ văn, chúng ta có thể hiểu được Tô Thức là một người phong lưu phóng khoáng, văn thơ lai láng, tuôn chảy như suối nguồn. Về các lĩnh vực khác như: thư pháp, tản văn, hội hoạ… ông đều có vị trí vô cùng đặc biệt trong dòng sông dài văn hóa truyền thống Trung Hoa. Tuy nhiên, có một Tô Thức khác trong cuộc sống đời thường: một vị quan thanh liêm, tế thế cứu dân, xứng đáng đảm nhiệm vị trí “quan phụ mẫu”. Dưới đây là một vài sự tích trong cuộc sống của ông.
Trị nước lụt – Sống trên tường thành
Khi Tô Đông Pha vừa chuyển tới nhận chức tại Từ Châu, đê ngăn nước sông Hoàng Hà tại thôn Tào bỗng nhiên bị vỡ, lũ lụt xảy ra tập trung dưới thành Từ Châu, tình thế vô cùng nguy cấp.
Nước ngày càng dâng cao, đập vào tường thành. Nhận thấy nguy cơ thành có thể bị sụp đổ, những người giàu có trong thành bèn chạy trốn khỏi nơi đây để tránh lụt. Tô Thức nói: “Nếu những người giàu có chạy khỏi thành, sẽ làm dao động bách tính toàn thành. Có ta ở đây, lũ lụt không thể phá hủy thành được”. Thấy Thái thú kiên quyết không xoay chuyển như vậy, những người dân giàu có kia lại quay trở về.
Tô Thức quyết đoán điều động quân đội. Ông đến Vũ Vệ doanh và nói với tướng quân quản lý quân đội: “Nước sắp phá vỡ tường thành, sự tình vô cùng nguy cấp, mặc dù các ông là quân cấm vệ quân, nhưng xin hãy cố gắng hết sức giúp đỡ”. Vị tướng quân nói với ông ta: “Nước lũ đến, Thái thú còn không sợ, chúng tôi có gì mà sợ chứ?”. Nói rồi ông dẫn binh sĩ mang theo xẻng, cuốc đi tu sửa đê điều.
Trời mưa ngày đêm không ngừng, mực nước so với tường thành dù không dâng quá cao nhưng tình thế vẫn vô cùng nguy hiểm. Tô Thức dựng một túp lều nhỏ trên tường thành, ở ngay trong đó và chỉ đạo mọi người chống lụt bão cả ngày lẫn đêm. Quân dân một lòng, trên dưới phối hợp hỗ trợ nhịp nhàng cuối cùng đã ngăn được dòng nước lớn và có thể bảo vệ thành Từ Châu an toàn. Sau khi nước rút, ông cho người đi tu sửa tất cả những khu vực bị rỉ nước của con đê, xây dựng kè gỗ để ngăn lũ quay trở lại.
Trị ôn dịch, hạn hán – Đê Tô Công
Tô Thức lấy khổ làm vui, dù cả đời không ngừng bị thuyên chuyển nhận chức ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng ông chưa bao giờ oán thán nửa lời, mỗi nơi ông quản lý đều rất tốt. Khi ông tới Hàng Châu, cũng đúng lúc nơi đây gặp hạn hán, nạn đói và ôn dịch đồng thời xảy ra.
Điều cần ưu tiên hàng đầu khi đó là làm sao để kiểm soát dịch bệnh và khắc phục nạn đói. Tô Thức đã tập trung các khoản công quỹ dư thừa được 2000 dây xâu tiền, lại tự bỏ ra 52 lạng vàng, để thành lập phòng bệnh từ thiện, chuyên chữa trị và trợ giúp những người dân nghèo không nơi nương tựa.
Vào mùa xuân năm sau, ông lại bán giảm giá loại gạo phổ thông thường dùng, nấu rất nhiều thùng cháo và canh từ thiện, cử người mang đi cùng với các bác sĩ tới từng khu phố để chữa trị cho người dân, từ đó cứu sống được rất nhiều người. Bằng những nỗ lực của ông, bệnh dịch tại Hàng Châu đã được kiểm soát. Sau khi vấn đề cấp bách được giải quyết, tiếp theo ông lao vào chữa hạn hán.
Sau triều đại Nam Tống, Hàng Châu đã trở thành một đô thị lớn. Tuy nhiên lúc đó nơi này vẫn còn rất hoang sơ. Nguyên nhân vì Hàng Châu gần biển, nước dưới lòng đất đều là nước mặn. Vào thời nhà Đường, có một vị tên là Tích Sử đã dẫn nước từ Tây Hồ đến, rồi khoan thành 6 cái giếng, từ đó bách tính mới có nước ngọt để uống. Bạch Cư Dị tu sửa Bạch đê, khơi thông Tây Hồ, dẫn nước từ hồ vào kênh, lại từ đó dẫn tới các cánh đồng. Từ đó bách tính nơi đó mới dần trở nên giàu có. Sau đó, quan phủ thường xuyên khơi thông Tây Hồ và các con sông tại đây, để bảo đảm nguồn nước sung túc, đầy đủ cho khu vực này.
Tuy nhiên, sau khi nhà Tống thành lập, những công trình thủy lợi ở đây dần không được tu sửa, kênh rạch bị ứ tắc, cạn nước, ba năm mới khai thông một lần, nếu không thì thuyền bè không thể qua lại. Điều này từ đó trở thành gánh nặng lâu dài cho người dân. Chỗ nước cạn của Tây Hồ cũng mọc đầy cây niễng, một loại cỏ nước. Sau khi chúng chết đi thì biến thành bùn làm diện tích Tây Hồ ngày một thu nhỏ. Theo thống kê vào thời điểm đó, diện tích cây niễng ở Tây Hồ đã rộng 250.000 trượng, mặt hồ không còn lại bao nhiêu diện tích mặt nước. Sáu cái giếng năm đó cũng gần như bị bỏ hoang.
Để giải quyết vấn đề này, Tô Thức đã cho đào hai con sông để làm khơi thông dòng chảy và dẫn nước vào kênh ngòi. Ông lại cho tu sửa một con đê lớn để ngăn chặn thủy triều, để nó không còn chảy vào trong thành, lại cho người đào sâu giếng nọ. Công trình lớn nhất là lấy đất bùn của cây niễng từ trong hồ tu sửa thành một bờ kè dài 30 dặm, thứ nhất để làm nước hồ sâu hơn, mở rộng diện tích mặt nước hồ; thứ hai tạo một con đường lớn trên đê để tiện đi lại. Đây chính là nguồn gốc của Tô đê ngày nay. Người thời đó thì gọi đây là đê Tô Công. Để khai thông mặt hồ do cây niễng làm ứ tắc, Tô Đông Pha thực hiện hai phương án. Một là cho người dân trồng cây củ ấu, mỗi năm sau khi thu hoạch có thể dọn sạch rễ và làm sạch nước. Hai là thuê người trồng cây củ ấu trên hồ để cỏ dại không còn chỗ mọc.
Hai mươi năm sau, khi Tô Thức quay trở lại Hàng Châu, ông phát hiện hầu hết người dân ở đây đều treo ảnh chân dung của ông, đến cả khi ăn cơm, họ cũng cung kính mời ông. Lại có người xây đền thờ ông khi ông đang còn sống. Tô Thức điềm đạm coi nhẹ mọi điều đó, ông chỉ cho rằng mình đã làm những gì cần làm.
Chỉnh đốn quân đội
Sau khi Tống Triết Tông lên nắm quyền, Tô Thức xin ra ngoài thành để làm quan địa phương. Ông được cử đến Định Châu nơi tiếp giáp với Khiết Đan (tức nước Liêu thời bấy giờ).
Quân sự và chính trị ở đây rất bại hoại, lỏng lẻo, không có chuẩn mực hành vi phép tắc. Người quản lý thường ăn chặn khẩu phần ăn và những đồ binh sĩ được ban thưởng. Binh lính lại kiêu ngạo, không tuân theo giáo huấn, không phục tùng, quan tiền nhiệm tại địa phương không dám làm gì họ.
Sau khi tới Định Châu, Tô Thức đã áp dụng hàng loạt biện pháp để thay đổi hiện trạng. Ông cho những người quản quân hay ăn chặn khẩu phần ăn của binh sĩ đi lưu đày, tu sửa doanh trại, cấm uống rượu, đánh bài. Ngăn chặn không để không khí tham ô, bại hoại xuất hiện trong doanh trại, và đảm bảo quân trang, lương thực của binh sĩ không còn bị cắt xén. Sau đó dùng sách lược và phương pháp tác chiến ước thúc quản lý binh sĩ, làm tất cả mọi người đều bội phục ông.
Người biết cúi đầu là người có trí huệ
Trong cuốn Lưu hầu luận của Tô Thức có đoạn: “Kẻ mà được gọi là hào kiệt, ắt phải tiết khí hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt kiếm tương đấu, cái đó chưa đủ gọi là dũng. Những bậc đại dũng trong thiên hạ, trái lại, bất thình lình gặp những việc “kinh thiên động địa” cũng không kinh sợ, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không oán giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chí của họ ở rất xa”.
Nửa đầu cuộc đời của Tô Đông Pha có thể nói là tốt đẹp, quan lộ thông thuận. Ông có rất nhiều bạn bè. Trong đó có người ngưỡng mộ tài văn chương của ông, người lại quý quyền vị của ông. Nhưng sau khi bị giáng chức, những người bạn thân thiết khi xưa thì giờ đã không còn thấy đâu nữa, thậm chí còn thừa cơ hãm hại ông, “bỏ đá xuống giếng”.
Sau khi bị giáng chức chịu lưu đày ở Hoàng Châu, năm 1084, Tô Đông Pha được vua Tống Thần Tông phục chức và mời về kinh đô giao cho việc chép sử. Dù vậy, sự ân xá cũng chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu sau, khi Hoàng đế Tống Triết Tông lên ngôi, tể tướng Chương Đôn lại buộc tội ông phỉ báng tiên đế. Tô Thức bị cách mọi chức tước, lần thứ hai phải chịu cuộc sống lưu đày cực khổ trăm bề. Ông phải đi hơn 4500 cây số xuống Huệ Châu rồi tiếp tục bị đày ra đảo Hải Nam ở miền cực nam hẻo lánh.
Sau này Tô Thức lại được ân xá, một lần nữa lại được phong quan tiến chức. Dưới tình huống ấy, con trai của Chương Đôn viết thư cầu Tô Đông Pha ban cho Chương gia một con ngựa. Tô Đông Pha không hề có nửa điểm oán hận người bạn năm xưa mà để bụng. Ông lập tức đồng ý ngay. Những chuyện như vợ con bị bệnh mà chết, bản thân nghèo túng lưu đày, đối với Tô Đông Pha mà nói dường như đã là chuyện quá khứ xa xôi.
Thậm chí Tô Đông Pha còn đến thăm hỏi Chương Đôn khi bị bệnh và khuyên ông nên quên hết những chuyện quá khứ. Ông an ủi Chương Đôn: “Chuyện quá khứ, nhắc lại làm gì. Ông nên tập trung dưỡng bệnh, sức khỏe mới là quan trọng!”.
Một người càng hiểu biết thì tâm càng từ bi. Trải qua chốn quan trường hiểm ác, Tô Đông Pha lựa chọn tha thứ. Ông không muốn trong lòng chứa đựng sự thù hận. Đối với Tô Đông Pha, không cùng người so đo, thực ra cũng là buông tha cho chính mình.
Cúi đầu không phải là không có năng lực, khoan dung không phải là yếu đuối. Tô Đông Pha cho rằng, khoan dung độ lượng, chí hướng đặt ở nơi xa, lặng lẽ tu luyện bản thân là đạo xử thế cao minh nhất. Quả thực, cuộc sống luôn tràn ngập ngọt bùi đắng cay, người có thể cúi đầu đều là người trí tuệ.
Tục ngữ xưa có câu: “Vi quan nhất nhậm tạo phúc nhất phương”, tạm dịch: Làm quan ở đâu, hãy công chính liêm minh làm tốt ở đó, tạo phúc cho bách tính ở đó. Đây là yêu cầu cơ bản nhất với những người làm quan chức thủa xưa trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Tuy nhiên hiện nay, nhìn thấy cảnh quan chức Trung Quốc tham nhũng, tìm đủ mọi cách vơ vét tiền bạc thu lợi cho riêng mình, mà không khỏi khiến người ta xót xa đau đớn. Tấm gương lịch sử của “quan phụ mẫu” Tô Đông Pha chính là để hậu nhân soi vào và tự tu sửa đạo đức của mình.
Theo Văn Tư Mẫn, Sound Of Hope
Kiên Định biên dịch