Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Từ những năm 1930 đến những năm 1940, ĐCSTQ ở lại Diên An tổng cộng 13 năm, trong đó có 10 năm, từ tháng 10 năm 1935 đến tháng 8 năm 1945, là thuộc về thời kỳ kháng chiến chống Nhật.

Đương đầu với quốc nạn, tại Trùng Khánh, bộ đô của Trung Hoa Dân Quốc, bị quân Nhật liên tục ném bom suốt 6 năm 10 tháng. Các tướng sĩ của Quân đội Quốc gia đã huyết chiến trên tiền tuyến. Nhưng ĐCSTQ không những không thực tâm kháng Nhật, trái lại còn bí mật cấu kết với quân xâm lược Nhật Bản, nên Diên An rất hiếm khi bị máy bay Nhật ném bom.

Khi nữ nhà báo cánh tả người Mỹ Agnes Smedley đến Diên An, những vũ hội của đại lễ đường Diên An vẫn tiếp diễn không ngừng. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức và những nhà lãnh đạo khác của ĐCSTQ đều là khách mời thường xuyên của các buổi vũ hội. Diên An thời đó thường là ca vũ thanh bình. Đồng thời, hết đợt này đến đợt khác, những nữ sinh bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền mê hoặc của ĐCSTQ, lũ lượt tới Diên An. Kết quả là, làn sóng đổi vợ đầu tiên trong số các quan cao của ĐCSTQ cũng bắt đầu.

Trào lưu đổi vợ

Trong thời gian này, Mao Trạch Đông, 45 tuổi, chủ tịch Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ, đã bỏ người vợ thứ ba là Hà Tử Trân và kết hôn với Giang Thanh, một nữ diễn viên 24 tuổi đến từ Thượng Hải, bất chấp sự phản đối của rất nhiều người.

Sau Mao Trạch Đông, nhiều quan chức cấp cao của đảng, chính phủ và quân đội cũng lần lượt đổi vợ: Hạ Long 46 tuổi lấy Tiết Minh 25 tuổi; Lưu Bá Thừa 44 tuổi lấy Uông Vinh Hoa 18 tuổi; Trần Nghị 40 tuổi lấy Trương Thiến 18 tuổi; Bành Đức Hoài 40 tuổi lấy Phổ An Tu 20 tuổi; Khải Phong chiếm nhà của một phụ nữ đã lập gia đình kém mình 12 tuổi, bỏ rơi người vợ đã kết tóc se tơ là Liệu Tự Quang trong hoạn nạn.

Năm cán bộ cấp cao của ĐCSTQ, Đổng Tất Vũ, Lâm Bá Cừ, Tạ Giác Tai, Ngô Ngọc Chương, Từ Đặc Lập, được mệnh danh là “ngũ lão Diên An”. Trong đó đã có 3 người lấy vợ tại Diên An: Lâm Bá Cừ 60 tuổi lấy vợ Chu Minh 26 tuổi; Tạ Giác Tai 54 tuổi lấy vợ Vương Định Quốc 24 tuổi; Đổng Tất Võ 50 tuổi lấy vợ Hà Liên Chi 31 tuổi.

Có người ước tính rằng vào thời điểm đó, hơn 80% lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ đổi vợ mới tuổi thanh niên và có văn hóa. Hãy nói thêm một vài trường hợp đổi vợ cụ thể hơn.

Cao Cương 35 tuổi lấy Lý Lực Quần 20 tuổi

Cao Cương là một trong những người sáng lập khu căn cứ phía bắc Thiểm Tây của ĐCSTQ. Năm 1925, khi Cao Cương 16 tuổi, cha mẹ sắp đặt kết hôn với Dương Chi Phương, một cô gái 15 tuổi thất học với đôi chân nhỏ, sinh được hai đứa con.

Sau khi Hồng quân “trường chinh” đến bắc Thiểm Tây, Cao Cương giữ chức tư lệnh bảo an của Vùng biên giới Thiểm-Cam-Ninh, tham nghị trưởng, nghị trưởng hội Tham nghị Vùng biên giới Thiểm-Cam-Ninh, bí thư Trung ương Khu vực Biên giới Thiểm-Cam-Ninh của ĐCSTQ.

Sở trưởng Sở Nội vụ Chính quyền khu vực biên giới Thiểm-Cam-Ninh đại biểu cho tổ chức động viên vợ của Cao Cương là Dương Chi Phương, nói: Cao Cương có nhiều hoạt động, thường xuyên xuất đầu lộ diện, cô có đôi chân nhỏ, không thích hợp xuất hiện cùng Cao Cương, tốt nhất nên tách khỏi Cao Cương. Dương Chi Phương đành phải tuân theo “sự sắp xếp của tổ chức”, đồng ý ly hôn.

Năm 1940, Cao Cương 35 tuổi kết hôn với Lý Lực Quần, 20 tuổi. Cao Cương đã lấy Lý Lực Quần như thế nào?

Lý Lực Quần quê ở Tuy Ninh, tỉnh Giang Tô. Cô học tại Trường Sư phạm Nữ Từ Châu. Cô đến Diên An năm 18 tuổi, gia nhập ĐCSTQ vào tháng 7 cùng năm. Đây là cách cô mô tả cuộc hôn nhân của mình với Cao Cương:

“Sau khi đến Diên An, tôi học ở Trường Đảng. Một ngày nọ, Cao Cương đến Trường Đảng để dạy một lớp xây dựng đảng. Tôi bé nhỏ nên luôn ngồi phía trước trong khi giảng bài. Ông ấy có thể đã thích tôi trong giờ giảng. Sau khi học xong ở Trường Đảng, (bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương) Trần Vân đã giữ tôi lại tại Ban Bí thư Khu ủy Biên giới Thiểm-Cam-Ninh… Không lâu sau, Cao Cương đưa tôi đi công tác ở An Tắc khoảng 3, 4 ngày. Sau khi trở về từ chuyến công tác, Mao Chủ Tịch mời tôi ăn tối… trong bữa ăn, Mao chủ tịch đã nói nhiều điều tốt đẹp về Cao Cương, nói cô phải học tập Cao Cương, và nói làm thế nào cô có thể tìm thấy một đối tượng như vậy trong tương lai? Đương thời tôi đã rất sốc khi nghe điều đó, bởi vì tôi rất sợ hãi khi nhìn thấy Cao Cương, vẻ ngoài của ông ấy rất hung dữ, lại là một nhà lãnh đạo lớn, nhưng tôi đã có cảm giác về ý tứ của Mao Chủ tịch rồi.”

Lý Lực Quần nói: “Mấy ngày sau, Vương Minh, Vương Nhược Phi, Tập Trọng Huân lại mời tôi và Cao Cương đi ăn tối. Họ còn mời một số cô gái trẻ xung quanh đến ăn, còn nói hôm nay là ngày kết hôn. Như ngay khi tôi nghe điều này, tôi đã bỏ chạy, chạy mãi đến cho đến bờ sông Diên. Nhưng sau đó Vương Nhược Phi đã đến gặp tôi và nói, bạn đã học qua về xây dựng đảng chưa? Đảng viên cần phải nghe lời của đảng, đây là sự sắp xếp của đảng. Ông ấy khuyên tôi về, nhưng tôi đương thời vẫn không về hang ăn cơm. Cứ như thế, chúng tôi không có tình cảm gì, một ngày cũng không có tình yêu, mà kết hôn.”

“Sau khi ta kết hôn, Cao Cương nửa năm không cho tôi xuống núi vì sợ tôi nhìn thấy các bạn cùng lớp. Sau đó, tôi từng nói với bọn Trần Vân và những người khác, chính là các người đã cưỡng ép gả tôi cho hắn!”

Bạc Nhất Ba lấy nữ thư ký

Bạc Nhất Ba là thành viên của tập thể lãnh đạo thế hệ thứ nhất và thứ hai của ĐCSTQ. Ông ta là người Sơn Tây, sinh năm 1908, được nhận vào Trường Sư phạm tỉnh Sơn Tây năm 1922. Ông ta gia nhập ĐCSTQ năm 1925, tham gia các hoạt động ngầm ở Thái Nguyên.

Vào tháng 5 năm 1927, khi đảng bộ Sơn Tây của Quốc dân đảng đang tiến hành thanh trừng các đảng viên Cộng sản, Bạc Nhất Ba bị truy nã, trốn vào một hộ gia đình. Nam chủ nhân và con gái của ông đã bất chấp nguy hiểm thu nhận Bạc Nhất Ba, giúp ông ta vượt qua quan sinh tử. Bạc Nhất Ba sinh hảo cảm với cô con gái, không lâu sau kết hôn, sinh hạ một bé gái.

Tháng 12 năm 1943, Bạc Nhất Ba đến Diên An, học tại Trường Đảng Trung ương, tham gia vận động chỉnh đốn Diên An; sau đó, ông ta tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ bảy của ĐCSTQ, được bầu làm ủy viên Trung ương. Thời kỳ ở Diên An, Bạc Nhất Ba gặp Hồ Minh, một phụ nữ Hải Nam kém ông ta 11 tuổi. Không lâu sau, Hồ Minh trở thành thư ký của Bạc Nhất Ba.

Bạc Nhất Ba sớm đã nảy sinh tình cảm với nữ thư ký và có nhiều mối quan hệ nam nữ không phù hợp. Bạc Nhất Ba đề xuất ly hôn người vợ đầu tiên Lý Như Minh. Lúc đầu, Lý Như Minh không đồng ý; cho đến khi Hồ Minh phá bỏ đứa con thứ ba, Lý Như Minh mới chủ động đề xuất ly hôn. Năm 1945, Bạc Nhất Bác kết hôn với Hồ Minh.

Nhiều thập kỷ sau, khi nói về việc Bạc Nhất Ba đổi vợ, Lý Như Minh vẫn rưng rưng nước mắt nói: “Khi đó, tôi thật sự liều mạng để cứu ông ta, tôi không nghĩ gì cả, cha tôi đã cứu mạng ông ta! Ông ta đề xuất ly hôn, cha tôi thực sự rất đau lòng, nhưng tôi có thể làm sao đây? Nữ thư ký của ông ta đã ba lần phá thai, tôi không nỡ mạo hiểm mạng sống của cô ấy!”

Cầu hôn bất thành gây án mạng

Trong trào lưu đổi vợ ở Diên An, đã phát sinh một vụ án giết người, nam chính là Hoàng Khắc Công, và nữ chính là Lưu Thiến. Vào ngày 5 tháng 10 năm 1937, Hoàng Khắc Công, 26 tuổi, cầu hôn nữ sinh 16 tuổi Lưu Thiến.

Hoàng Khắc Công, người Nam Khang, Giang Tây, sinh năm 1911. Vào thời kỳ Diên An, Hoàng Khắc Công tuy tuổi chưa nhiều, nhưng đã là một “lão cách mạng”. Ông ta tham gia “cách mạng” từ năm 1927; gia nhập Hồng quân năm 1930, và vào ĐCSTQ cùng năm, lần lượt giữ chức vụ trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng chính trị, trưởng ban tuyên truyền chính trị sư đoàn, chính ủy trung đoàn v.v. Sau khi Hồng quân đến miền bắc Thiểm Tây, Hoàng Khắc Công giữ chức đội trưởng đội 15 giai đoạn hai của Đại học Quân Chính Kháng Nhật.

Lưu Thiến là người Định Tương, Sơn Tây, ban đầu học tại trường trung học Hữu Nhân ở thành phố Thái Nguyên. Sau khi nghe tuyên truyền chống Nhật của ĐCSTQ, ông đào thoát đến Diên An vào tháng 8 năm 1937, theo học tại Đội 15 của “Đại học Kháng Nhật” do Hoàng Khắc Công làm đội trưởng.

Hoàng Khắc Công và Lưu Thiến, một người là đội trưởng trẻ đầy triển vọng đã lập nhiều chiến công, người còn lại là một thiếu nữ thuần khiết, xinh đẹp và có tri thức. Sau khi gặp nhau, cả hai đã có ấn tượng tốt về nhau và thường xuyên liên lạc.

Sau khi thành lập Trường Công lập Thiểm Bắc vào tháng 9 năm 1937, đội thứ 15 của giai đoạn thứ hai của Đại học Chống Nhật đã được sáp nhập vào Trường Công lập Thiểm Bắc. Nhưng chẳng bao lâu, Hoàng Khắc Công được chuyển trở lại Đại học Chống Nhật, được bổ nhiệm làm đội trưởng Lữ đoàn thứ sáu thuộc giai đoạn thứ ba của Đại học Chống Nhật.

Bằng cách này, hai người có ít cơ hội liên lạc với nhau hơn, mối quan hệ giữa Lưu Thiến và Hoàng Khắc Công dần dần trở nên lạnh nhạt. Nhưng Hoàng Khắc Công vẫn không ngừng theo đuổi Lưu Thiến, còn nhiều lần tặng quà cho Lưu Thiến. Khi Hoàng Khắc Công nhìn thấy Lưu Thiến đi lại với các bạn nam khác, ông ta trở nên ghen tị, viết thư trách cứ Lưu Thiến, khẩn thiết yêu cầu kết hôn lập tức.

Lưu Thiến, một cô gái mới 16 tuổi, đầy mộng tưởng về tình yêu và khao khát sự lãng mạn. Trong thư gửi Hoàng Khắc Công, cô viết: “Những vấn đề tương lai, tương lai sẽ giải quyết, anh đừng đòi kết hôn cấp bách như vậy”, “Em hy vọng người yêu của em trở thành người yêu tinh thần của em.”

Trong một bức thư khác, cô viết: “Ái tình không kiến lập trên vật chất mà là sự tương đồng của ý chí nhận thức, anh không nên dùng vật chất để dỗ dành em. Đây chính là nguyên do khiến em từ chối anh tặng tiền và đồ dùng cho em, hy vọng anh sẽ không làm như thế nữa, anh vô hình trung đã làm hành vi hạ thấp tình bạn.”

Cô còn viết thư chỉ trích Hoàng Khắc Công hẹp hòi và liều lĩnh, nói rằng cô muốn cắt đứt mối quan hệ.

Hoàng Khắc Công vì điều này mà biến buồn thành tức giận, tin rằng “thất tình là sự vũ nhục lớn nhất trong cuộc đời”, nên đã nảy ra ý tưởng khủng khiếp là giết chết Lưu Thiến để trút cơn giận cá nhân.

Sau bữa tối ngày 5 tháng 10 năm 1937, Hoàng Khắc Công, đeo khẩu súng lục Browning và Hoàng Chí Dũng, cán bộ khoa đào tạo “Đại học Kháng chiến”, đến Trường Công lập Bắc Thiểm Tây để tìm Lưu Thiến, đề nghị nói chuyện riêng với Lưu Thiến. Lưu Thiến không còn cách nào khác ngoài việc rời khỏi các bạn cùng lớp, đi dạo dọc bờ sông Diên với Hoàng Khắc Công. Hoàng Chí Dũng đã khôn ngoan bỏ đi, quay trở lại Đại học Kháng Nhật.

Trong khi nói chuyện, Hoàng Khắc Công yêu cầu công khai tuyên bố kết hôn, nhưng Lưu Thiến thẳng thừng từ chối. Trong cơn tức giận, Hoàng Khắc Công đã rút súng lục hạ gục Lưu Thiến.

Ngày hôm sau, nhân viên bảo vệ của Hoàng Khắc Công nhận thấy ông ta có hành vi bất thường vào buổi sáng khi lau súng, phát hiện súng có dấu vết đã bắn, nên báo cáo cấp trên.

Chiều ngày 6 tháng 10 năm 1937, lãnh đạo Khoa Chính trị của Đại học Kháng Nhật nói chuyện với Hoàng Khắc Công, sau đó đưa ông ta vào diện cách ly kiểm soát. Nhân viên tư pháp từ Khu vực biên giới Thiểm-Cam-Ninh đã phân tích những bức thư trao đổi giữa Hoàng Khắc Công và Lưu Thiến, cùng với những thông tin khác biết được trong quá trình điều tra, cuối cùng, tất cả bằng chứng đều chỉ về Hoàng Khắc Công. Trước vô số bằng chứng, Hoàng Khắc Công đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Vào ngày 11 tháng 10, Tòa án cấp cao khu vực biên giới Thiểm-Cam-Ninh đã kết án tử hình Hoàng Khắc Công, xử tử ngay lập tức.

Lời kết

ĐCSTQ luôn tuyên bố rằng “ngoài lợi ích của người dân, nó không có lợi ích đặc biệt nào của bản thân”. Tuy nhiên, sự thật lịch sử là bất cứ khi nào nắm bắt được cơ hội, điều đầu tiên ĐCSTQ nghĩ đến là sử dụng địa vị đặc biệt của mình để mưu đắc lợi ích đặc biệt của bản thân.

Xu hướng đổi vợ trong thời kỳ Diên An của ĐCSTQ là biểu hiện điển hình của việc sử dụng cái gọi là nguyên tắc tổ chức cũng như quyền lực, địa vị và danh tiếng của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ trong đảng để mưu cầu lợi ích đặc biệt của họ.

Nếu Hoàng Khắc Công không hành động cá nhân, mà là thông qua tổ chức đảng, ông ta hoàn toàn có thể đạt được điều mình mong muốn giống như Cao Cương.

Sau khi Hoàng Khắc Công qua đời, làn sóng đổi vợ lần thứ nhất của ĐCSTQ vẫn tiếp tục. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, làn sóng đổi vợ lần thứ hai nổ ra. Sau khi ĐCSTQ phát động “cải cách mở cửa” vào năm 1978, làn sóng đổi vợ lần thứ ba nổ ra.

Ngày nay, ĐCSTQ không chỉ có quyền khiến quỷ sai ma, mà còn có quyền khiến ma sai quỷ, nó đã trở thành tập đoàn lợi ích đặc quyền lớn nhất thế giới. 

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch