Đại Kỷ Nguyên

Làng cổ Bát Quái được Lưu Bá Ôn thiết kế không bao giờ bị lũ lụt hạn hán, sinh ra vô số nhân tài

Làng cổ bát quái luôn có mưa vào một ngày, không bị lũ lụt hạn hán, sinh ra vô số nhân tài

Ảnh chụp "Làng cổ Du Nguyên" từ trên cao (nguồn: Fengshui).

Có một ngôi làng cổ do bậc kỳ tài nổi tiếng thế giới thiết kế, kiến trúc tinh vi, bố cục Bát Quái, ở đó nhân tài lớp lớp xuất hiện, lại không bao giờ gặp phải hạn hán lũ lụt… Trong làng có những sự việc kỳ lạ đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.  

Tác giả của công trình này không những có tài thiết kế mà còn có khả năng tiên tri rất mạnh mẽ. Các tác phẩm Bài ca bánh nướng, Văn bia tháp Kim Lăng của ông dự đoán các sự kiện chính ở Trung Hoa từ thời cổ đại cho đến ngày nay, đều có độ chính xác gần như là 100%.

Lưu Bá Ôn (1311- 1375) sinh ra ở Thanh Điền, Lệ Thủy, Chiết Giang (Trung Quốc), từ nhỏ đã thông minh hơn người. Ông am hiểu về kinh sử, tinh thông thiên văn, địa lý, giỏi binh pháp, phò trợ Minh Thái Tổ hoàn thành đại nghiệp đế quốc, thiết lập nhà Minh và duy trì sự ổn định quốc gia. Trí tuệ và sự uyên bác của ông nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà ở khắp nơi trên thế giới và được so sánh với Gia Cát Lượng.

Có một ngôi làng cổ được thiết kế bởi Lưu Bá Ôn, mà toàn bộ được xây dựng theo sự sắp xếp của các cung hoàng đạo tử vi và nhị thập bát tú, đạt đến trạng thái hài hòa lý tưởng giữa con người và thiên nhiên. “Thiên nhân hợp nhất” là một cảnh giới lý tưởng, nhưng cũng yêu cầu các thế hệ tương lai tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch thiết kế và xây dựng này, nhờ đó, không có bất cứ trận lũ lụt nào xảy trong hơn 670 năm qua và trong làng luôn sinh ra các quan chức cao cấp, quý tộc tầng tầng lớp lớp, nhiều vô kể.

Bên trong ngôi làng có một cái giếng gọi là “Giếng khí tượng”, khi trời trong xanh, cao thì nước giếng cũng trong vắt, có thể nhìn thấy đáy, còn khi nước giếng chuyển sang đục ngầu thì có nghĩa là trời sắp mưa. Trong làng có tòa nhà cổ tên Thanh Viễn Đường, trên đó có chạm khắc 9 con cá chép bằng gỗ, những con cá chép này có thể thay đổi màu sắc theo thời tiết. Hàng năm vào ngày 26 tháng Giêng âm lịch, ngôi làng lại tổ chức chương trình “6 tháng hý kịch” để kỷ niệm ngày sinh nhật của công thần trị thủy Lý Băng. Ngày hôm đó, trời sẽ đổ mưa lớn, kể cả trong những năm có hạn hán, đúng vào ngày đó, trời vẫn sẽ đổ mưa ở ngôi làng này.

Theo thống kê, ngôi làng có hơn ba mươi bí ẩn chưa có lời giải.

Ngôi làng này được gọi là “Làng cổ Du Nguyên” cũng có tên gọi khác là “Làng Thái Cực tinh tượng Du Nguyên”, nằm ở huyện Vũ Nghĩa, Kim Hoa, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, đây là nơi sinh sống lớn nhất của người mang họ Du trên cả Trung Quốc. Đó cũng là một ngôi làng có lịch sự và văn hóa truyền thống nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Làng cổ Du Nguyên (ảnh: Wiki/ Zhangzhugang).

Làng Du Nguyên được thành lập từ thời Nam Tống. Theo ghi chép, sau khi Du Đức, người quê ở Hàng Châu, cũng là người đảm nhận việc dạy ở trường Nho học ở Tùng Dương qua đời, con trai ông là Du Nghĩa đưa linh cữu của ông trở về Hàng Châu, khi đi qua nơi đây, họ dừng lại tìm chỗ ngủ qua đêm, linh cữu đặt bên dòng suối, đột nhiên lại bị một cây tử đằng quấn lấy.

Du Nghĩa liền cho rằng đây là nơi thổ địa linh thiêng, ông quyết định chôn cất cha ở nơi đây, ở lại định cư để bảo vệ mộ cha, sau đó kết hôn với người dân địa phương và tiếp tục sinh con đẻ cái, cho đến nay đã có hơn 30 thế hệ nhà họ Du sống ở nơi đây.

Sau khi thiết kế cải tạo lại không có lũ lụt, hạn hán

Trước khi Lưu Bá Ôn thiết kế và cải tạo lại ngôi làng vào năm 1349, làng Du Nguyên thường xuyên xảy ra lũ lụt, hạn hán và hỏa hoạn.

Du Lai, thế hệ thứ 5 của nhà họ Du tại làng Du nguyên và Lưu Bá Ôn là bạn thân thiết của nhau. Ông biết rất rõ về khả năng của Lưu Bá Ôn, đó là điều phi thường và những hiểu biết của ông về Thái Cực, Bát Quái, âm dương, tinh tượng là không ai sánh được. Trong một lần Lưu Bá Ôn từ chức về quê thăm Du Lai, ông đã nhờ Lưu Bá Ôn giúp cải tạo lại quê hương để nơi đây không phải chịu cảnh đói nghèo và thiên tai.

Lưu Bá Ôn nhận lời. Vốn tinh thông phong thủy, ông nghiên cứu và điều tra rất kỹ về tình hình của Du Nguyên, phát hiện ra rằng Du Nguyên ở 4 phía, có 11 ngọn núi, có điểm may mắn thuận lợi, nhưng những con suối trong làng chảy quá nhanh và mạnh, nên đều mang điềm may mắn đi hết. Vì thế ông đã cải tạo dòng chảy của những con suối thành quanh co, uốn khúc.

Dòng suối ban đầu chảy từ phía Đông Nam của làng và băng qua làng theo hướng Đông Tây cho đến khi đến chân phía Tây của làng. Nó quay về hướng Bắc đến lối vào làng và chảy theo hình chữ S đến các cánh đồng bên ngoài làng.

Dòng suối hình chữ S và những ngọn núi xung quanh phác họa một bản đồ Thái Cực khổng lồ ở lối vào làng, hơn nữa dòng suối hình chữ S cũng là ranh giới chính xác phân cách hai đường âm dương.

Thái Cực đồ trí này có chiều dài 320 mét và có diện tích 120 mẫu, với 11 ngọn đồi tạo thành hình 12 cung hoàng đạo. Thái Cực đồ được đặt ở cửa phía Bắc của ngôi làng, ngăn chặn không khí lạnh và “ác khí” ở phía Bắc xâm nhập vào làng, tạo thành một “đập không khí”, ngăn không khí tốt lành của ngôi làng rò rỉ ra ngoài và giữ lại không khí tốt lành. Và thật kỳ lạ, kể từ đó không có hạn hán hay lũ lụt xảy ra ở ngôi làng này nữa.

Theo nghiên cứu khoa học, làng Du Nguyên được bao quanh bởi những ngọn núi ở mọi phía chỉ có một khe nhỏ ở phía Bắc. Cả làng giống như một cái chai lớn với cái miệng nhỏ, một dòng suối chảy thẳng ra khỏi làng từ nút cổ chai.

Trong mùa mưa, mỗi khi trời đổ mưa lớn, nước từ trên núi đổ vào các dòng suối, khiến cho mức nước của những con suối này tăng nhanh, bởi vì miệng ra nhỏ, nên nước suối bị giữ lại ở cổ chai và tạo nên lũ lụt.

Luồng núi được thay đổi thành hình chữ S và chiều dài của dòng suối được tăng lên và thể tích của dòng suối cũng được tăng lên, điều này làm giảm áp lực và làm chậm tốc độ xả nước của dòng.

Điều khiến người ta kinh ngạc là sau khi Lưu Bá Ôn cải tạo ngôi làng, làng Du Nguyên không chỉ không còn phải chịu hạn hán lũ lụt mà người dân sống trong làng cũng rất giàu có, quan chức và quý tộc tầng tầng lớp lớp được sinh ra từ ngôi làng này. Nơi đây còn được coi là địa linh nhân kiệt của phong thủy.

Hiện nay trong làng, ngoài làng đều có dấu vết của Lưu Bá Ôn, trong các nét trang trí trên các ngôi nhà hoặc những tòa kiến trúc của làng Du Nguyên, sơ đồ Thái Cực cực kỳ phổ biến, có đến hơn 400 địa điểm.

Hồ chữa cháy có 7 cửa

Ngoài việc biến đổi dòng chảy của dòng suối, Lưu Bá Ôn còn lên kế hoạch thiết kế các ngôi nhà trong thôn. Có 28 lễ đường được thiết kế theo hình Bát Quái, đối ứng với nhị thập bát tú trong tinh tượng. Tất cả được sắp xếp theo Thương Long, ngôi sao ở phía Đông trong chòm Nhị thập bát tú.

Được biết tổ tiên nhà họ Du nhân tài vô kể, từ thời nhà Minh, đã có hơn 200 nhân sĩ trí thức, từ Thượng Thư, đại phu, họa sĩ đến nhà thư pháp, con số nhiều đến không thể đếm hết. “Sao trên Trời, nhà thờ họ dưới đất, phù hộ cho mọi người”, cũng có người nói đây là vùng đất mà thiên, địa, nhân hòa làm một (con người và trời đất hợp nhất), nên đó cũng là bí ẩn tại sao làng Du Nguyên lại phát triển thế.

Bên cạnh đó, ngôi làng cũng phòng hỏa hoạn rất hiệu quả nhờ vào cái ao 7 cửa (ao Thần thất tinh), nó có hình dạng của một chiếc gáo lớn, tạo thành “thiên canh duẫn nhị thập bát tú”.

Cái ao 7 cửa này nằm trên một vườn rau lớn, bao gồm có các mức nước khác nhau như mức ngang nhà thờ, mức nước đến mép ao, ngang đồng ruộng, trên suối, dưới suối, có thể giải cứu hạn hán, cứu hỏa hoạn và thoát nước khi ngập lụt. Những người già trong làng nói đây là ao Thần, và nó có thể che lấp những thảm họa trong làng.

Nói một cách dễ hiểu, bước vào làng Du Nguyên giống như bước vào một mê cung của lịch sử. Bạn sẽ cảm nhận sâu sắc rằng có một “thế ngoại đào viên” (chốn bồng lai tiên cảnh) hiển hiện một cách rõ ràng ở nơi đây.

Có rất nhiều di tích văn hóa và di tích lịch sử trong làng. Hiện tại, có tới 395 tòa nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn, chủ yếu từ các triều đại Tống, Nguyên, Minh và Thanh, trong đó có nhà thờ, sảnh, viện, quán xá, từ đường, đền chùa… chạm khắc gỗ, đá, gạch đều tinh xảo. Trong đó có Vạn xuân đường, Dụ hậu đường, Thanh Viễn đường, Thanh Phong lầu, nhà thờ tổ Du Thị, cầu vòm đá (2 tòa), bảng đá Thanh Triều (3 tòa), sân khấu kịch Thanh Triều, cầu Lợi Thiệp… là đặc biệt nhất.

Có người nói, bước vào làng Du Nguyên giống như bước vào một thế giới của văn hoá truyền thống cổ, những viên gạch, những hòn đá đều chứa đầy màu sắc nhân văn, mỗi con hẻm cổ, mỗi ngôi nhà cổ đều chứa đầy những câu chuyện kể mãi không hết.

Một vài kiến ​​trúc cổ độc đáo: Cá trên tường thay đổi màu sắc, nhà 5 “không” thời nay khó sánh bằng

Nhà thờ tổ Du Thị (ảnh: Wiki / Zhangzhugang).

Nhà thờ tổ Du Thị đầu tiên được xây dựng vào năm 1567 trong thời nhà Minh. Ban đầu nó được gọi là “Hiếu Tư Am” và đã bị phá hủy bởi những người lính. Nhà thờ tổ Du Thị còn có một cái tên thơ mộng khác là Viết lưu thủy đường. Nhà thờ tổ Du Thị có 3 khu nhà 1 tầng và 2 viện, vừa bước vào đã có một sân khấu hý kịch trang trí rất đẹp mắt.

Khoảng sân đầu tiên của Nhà thờ tổ Du Thị có hai tòa nhà hai tầng tinh xảo ở hai bên, và nó tạo thành một khoảng sân nhỏ với cửa ra vào và bức tường bên của sảnh vào thứ hai.

Từ Đường trước và sau có 6 sảnh lớn, 2 sảnh nhỏ, 51 gian tổng diện tích là 3176 m2, quy mô long trọng, khí thế hào hùng. Dù là sảnh chính, sảnh giữa hay là tẩm đường đều có hai nhà nhỏ ở hai bên, hiên nhỏ và cao thấp đều có trật tự và chúng nằm rải rác khắp nơi và được gọi là “từ đường đầu tiên ở Chu Châu”.

Sân khấu hý kịch được chạm khắc trong đền có tiếng là “trạm đầu tiên trong tám quận của Kim Hoa”. Một công trình đặc sắc khác có tên Thanh Viễn đường, còn được gọi là Đại hoa sảnh, cùng với Thanh Phong lầu được Dư Kế Xương xây dựng vào năm Khang Hy thứ hai trong triều đại nhà Thanh, tổng cộng có 92 phòng, rộng 1.466 mét vuông.

Thanh Viễn Đường (ảnh: Wiki/ Zhangzhugang).

Sảnh đường chính đối diện với Thanh Phong lầu, mặt đất được lát gạch. Bên trong hội trường, có ba loại động vật được chạm khắc trên dầm: Bên trái là loài bay trên trời, viết: “Bách điểu triều phương” (Trăm chim hướng về phượng hoàng), bên phải là loài bơi dưới nước, viết “Giao long ra biển”, ở giữa là các loài vật chạy trên mặt đất, điêu khắc sinh động như thật, bao gồm: kỳ lân, hươu, bò, cừu tượng trưng cho muôn thú.

Điều có giá trị ở đây là bức điêu khắc “Giao long ra biển” ở bên phải, trong đó có 9 con cá chép, có thể thay đổi thành các màu đen, vàng, đỏ theo sự thay đổi của khí hậu và thời tiết.

Một công trình đặc sắc khác là Dụ hậu đường, được xây dựng vào năm Càn Long thứ 50 thời nhà Thanh, ban đầu nó có 158 gian, có diện tích 2.560 mét vuông, và hiện có 120 gian. Hai cửa sổ hoa tròn lớn trong hội trường có đường kính 1,5 mét. Đường kính trung tâm của cửa sổ là 35cm, và bên ngoài được khắc ra từ các ký tự “phúc” và “lộc”, có nghĩa là phúc lộc lưỡng toàn. Bên trong được chạm khắc hoa văn đấu tay đôi samurai, rất độc đáo.

Dụ hậu đường là ngôi nhà kỳ lạ với “năm không”: Không có bụi trên xà nhà, không có mạng nhện, không có ruồi và muỗi, không có chim đậu lại và ở lại qua đêm, và ngôi nhà mát mẻ và không có cảm giác của mùa hè. Người ta nói rằng điều này có liên quan đến thiết kế âm dương Bát Quái.

Ngọc Linh
Theo Sound of Hope

Video: Người thực sự thiện lương không cần xem phong thuỷ

Exit mobile version