Đại Kỷ Nguyên

“Lão đại ca” Trúc Lâm: Kết giao tri kỷ như Sơn Đào

Bức tranh thể hiện một phần chân dung Sơn Đào trong tác phẩm "Cao Dật đồ" được vẽ bởi Tôn Vị thời nhà Đường. (phạm vi công cộng)

Trong số bảy hiền nhân nổi tiếng của Trúc Lâm, ông không phải là người tài hoa xuất chúng nhất, cũng không phải là người ngôn hành cao điệu nhất, càng không phải là người thanh danh lừng lẫy nhất. Nhưng nếu muốn tìm một trong những người bạn tốt hiếm có nhất, thì nhất định đó là ông.

Ông tên là Sơn Đào, tự là Cự Nguyên, là một danh sĩ và danh thần thời kỳ Ngụy Tấn. Ông từng nhận được một câu bình đầy ý thơ: “Kiến Sơn Cự Nguyên, như đăng sơn lâm hạ, u nhiên thâm viễn”, ý tứ là đọc thơ Cự Nguyên như lên núi xuống rừng, sâu xa thâm viễn. Con người này phảng phất hình ảnh một bức tranh thủy mặc ngàn hoa chen đá, vạn suối tranh lưu, thấy ông dường như thấy mây mờ sương khói, như nghe thấy tiếng suối dâng trào, khiến người ta cảm thụ sự thanh thoát sảng khoái.

Sơn Đào mang trong mình vẻ đẹp của núi sông, là người nhiều tuổi nhất trong bảy hiền nhân Trúc Lâm. Ông tựa như một lão đại ca, âm thầm nâng đỡ những đứa em tỏa sáng. Cuốn sách “Tấn thư”, “Thế thuyết tân ngữ” và những tài liệu khác đề cập rằng, Sơn Đào, Kê Khang, Nguyễn Tịch trên thực tế là ba vị hiền nhân hạt nhân của Trúc Lâm thất hiền, tình bằng hữu giữa họ đã đạt đến mức độ thâm hậu. Sơn Đào vì sao có thể tiến bước cùng Kê, Nguyễn và trở nên nổi tiếng như họ trong lịch sử?

Coi trọng kiến thức và sự độ lượng

Sơn Đào thời cổ đại, có thể được coi là một danh sĩ mà tài năng nở muộn, bốn mươi tuổi ông vẫn còn là một thư sinh nghèo vô quyền vô thế. Điều mà ông tự hào nhất có lẽ chính là được kết giao với hai vị tri kỷ Kê và Nguyễn. Cảm tình của ba người này tốt đẹp đến nỗi, ngay đến cả vợ của Sơn Đào là Hàn Thị cũng cảm thấy chút băn khoăn. Sơn Đào cảm khái nói với vợ: “Những người bạn mà tôi có thể kết giao trong đời, chỉ có hai người đó thôi!”

Sơn Đào chỉ đơn giản ẩn cư tị họa, trầm tĩnh quan sát những biến cố, cũng giao du với Trúc Lâm. Bức tranh “Bảy hiền nhân Trúc Lâm” được vẽ bởi Nhậm Bá Niên vào thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Câu trả lời này đã không vừa ý Hàn thị. Bà muốn noi gương người vợ hiền thời xưa, giúp chồng quan sát quan sát hai người này. Cơ hội sớm đến, Kê và Nguyễn đến nhà Sơn Đào làm khách, Hàn thị sửa soạn tiệc rượu thịnh soạn khoản đãi khách, dặn dò Sơn Đào nhất định phải giữ họ ở lại qua đêm. Đến nửa đêm, cả ba người vẫn ẩm tửu sướng đàm cho đến rạng sáng. Đào Thị nhân cơ hội đục một lỗ nhỏ bên ngoài bức tường, bí mật quan sát họ. Có lẽ là bởi vì hai vị đại danh sĩ đẳng cấp hàng đầu đương thế phong thái quá diệu nhãn, Hàn thị chăm chú theo dõi họ tới mức nhập thần, quên cả trở về phòng nghỉ ngơi.

Sau đó, Sơn Đào hỏi ý ​​của vợ, Hàn thị bèn thẳng thắn trả lời: “Tài đức của phu quân vẫn còn xa mới bằng họ, ai có thể có kiến thức uyên bác và độ lượng lớn lao để cùng họ giao vãng đây?” Sơn Đào lắng nghe xong liền cười xòa: “Họ cũng thường cho rằng sự độ lượng của tôi vượt hơn những người khác!” pha chút ý vị vừa tự trào phúng vừa tự đắc.

Cuộc đời của Sơn Đào không mấy thuận lợi suôn sẻ, cha mất sớm, gia cảnh bần khốn, nhưng ông trong hoàn cảnh thanh khổ mà tu dưỡng tấm lòng khoan dung và rộng mở. “Tấn Thư” nhận xét về ông: “Thiểu hữu khí lượng, giới nhiên bất quần. Tính hảo ‘trang’ ‘lão’, ẩn thân tự hối.” Những năm tháng còn chưa hiển đạt, triết học Lão Trang là nơi để Sơn Đào ký thác an thân lập mệnh. Ông thu lượm kiến thức, khiêm tốn qua ngày.

Ông không từ bỏ lý tưởng của người thư sinh, còn hóm hỉnh trêu đùa vợ: “Cứ nhẫn nhẫn chịu đựng những ngày đói rét, mai sau tôi sẽ làm Tam Công, không biết nàng có muốn đỗ làm vợ quan không!” Khi nói những lời này, Sơn Đào vẫn chỉ là một thường dân.

Khi ở tuổi trung niên, Sơn Đào cuối cùng cũng đỗ được quan chức đầu tiên của mình – Quận chủ bộ, sau này đảm nhiệm Công tào, Thượng kế duyện, Cử hiếu liêm, được Châu Lý vời đến Hà Nam tòng sự. Cuộc sống vừa mới khởi sắc được chút, ông đã phải sầu lo đến mức đêm không ngủ được.

Một đêm, Sơn Đào và người bạn Thạch Giám đang ngủ, đột nhiên nửa đêm lật mình trở dậy. Ông đá vào người bạn đang ngủ của mình: “Bây giờ là mấy giờ rồi, huynh sao vẫn còn đang ngủ! Huynh có biết Thái phó xưng bệnh ngọa sàng, là có ý gì không?” Thạch Giám nửa mê nửa tỉnh nói: “Tể tướng nhiều lần không thượng triều, một tờ chiếu thư đã phát cho cậu mang về nhà, cậu còn lo lắng cái gì?” Sơn Đào thở dài nói: “Thạch tiên sinh a, huynh cứ mải chạy tới chạy lui trên vó ngựa!”

Thái phó mà Sơn Đào nói đến là Tư Mã Ý, quyền thần quyền lực nhất trong triều. Sơn Đào và những người khác đã sống trong một thời kỳ then chốt, khi tông thân của gia tộc Tào Thị và tập đoàn Tư Mã thị đang tranh giành quyền lực. Đại tướng quân Tào Sảng và Thái úy Tư Mã Ý đã cùng phụ tá Ngụy Đế Tào Phương lên ngôi khi mới 8 tuổi. Tư Mã Ý dùng sách lược thao quang dưỡng hối (ngày ẩn tàng, đêm mài dũa), giả trang mắc trọng bệnh để mê hoặc Tào Thị.

Sơn Đào cách xa triều đình trung ương, nhưng ông đã mẫn duệ giác sát được sự bình tĩnh trước cơn bão lớn. Ông khát vọng được làm quan, càng hiểu rõ quan trường hiểm ác, nhưng ông không muốn thành vật hy sinh của đấu tranh chính trị, nên nhanh chóng từ quan. Khi đi, ông ngay cả những tín vật quan phủ tiết các loại đều không muốn, hoàn toàn tay trắng nhẹ nhàng mà rời đi. Quả nhiên không quá hai năm sau, Tư Mã Ý phát động chính biến Cao Bình Lăng. Lúc này, Sơn Đào đã ẩn cư tị họa, chỉ trầm tĩnh quan sát sự biến, cũng ngao du tới Trúc Lâm.  

Tuyển người hiền và tài năng, vị lập Tam Công những năm cuối đời

Đợi khi gia tộc Tư Mã thị nắm triều chính, Sơn Đào manh nha ý định phục xuất. Vì tổ cô của ông là tổ mẫu họ ngoại của Tư Mã Sư đương thời nắm quyền, bởi mối quan hệ họ hàng xa xôi này, mà Sơn Đào đã được Tư Mã Sư để mắt. Nhưng Tư Mã Sư lúc đầu đối với Sơn Đào không tôn trọng, còn bỡn cợt ông: “Khương Tử Nha đương đại chẳng lẽ cũng muốn xuất lai làm quan sao?” Sơn Đào độ lượng, chỉ điềm tĩnh chịu đựng, lấy thân phận “mậu tài”, lần nữa tiến nhập quan trường, bắt đầu từ Triệu quốc quốc tướng, Thượng thư bộ lại lang, từng bước từng bước tiến vào trung tâm quyền lực.

Bức tranh cho thấy chân dung của Tấn Vũ Đế Tư Mã Đàm, được vẽ bởi Diêm Lập Bản vào thời Đường. (phạm vi công cộng)

Trong những năm Hàm Hy (265-266), Tư Mã Sư đã chết, em trai của ông là Tư Mã Chiêu trở thành người nắm quyền thực tế. Khi ông chọn người kế vị, ông ta đã tính bỏ qua con trai cả Tư Mã Đàm, quyết định đưa con trai thứ của Tư Mã Sư lên ngôi. Tư Mã Chiêu nghĩ rằng Sơn Đào có đức vọng, liền hỏi ý tứ ​​của ông. Sơn Đào trả lời: “Việc phế trưởng lập ấu là vi phạm lễ chế, là bất tường. An nguy quốc gia đều phụ thuộc chuyện này.” Vì thế Tư Mã Chiêu mới thay đổi tâm ý, lập Tư Mã Đàm làm sĩ tử. Không lâu sau Tư Mã Đàm lên ngôi, trở thành hoàng đế khai quốc triều Tây Tấn. 

Nhờ công lao nâng đỡ tân đế, sự nghiệp của Sơn Đào thăng tận mây xanh. Vào năm Thái Khang thứ ba (năm 282), ở tuổi bảy mươi tám, ông chức vị đạt đến Tam Công (đại thần tối cao trong triều), hoàn thành lời hứa với vợ mình. Trước đó, Sơn Đào đã nhiều lần xin từ quan vì tuổi già sức yếu, cũng kiên quyết từ chức Tư đồ. Tuy nhiên, Tấn Đế đều từ chối thỉnh cầu của Sơn Đào, thậm chí hạ lệnh cho ông không được đề cập đến việc xin từ chức của mình. Năm thứ hai (năm 283), Sơn Đào mất. Trong thời đại Ngụy Tấn, danh sĩ có rất ít người được bảo toàn, nhưng Sơn Đào lại đắc cả phúc thọ lưỡng toàn.

Hai lần xuất sĩ làm quan của Sơn Đào, thân trải qua hai triều đại, làm quan trong hơn 20 năm. Xem xét sự nghiệp và tài đức của ông, chúng ta có thể thấy một vị hiền thần thầm lặng tận trung vì dân vì nước. Đương thời, Tấn Châu phong tục thô thiển nông cạn, không có hiền tài tiến cử cho quan trường, Sơn Đào đã đi khắp tứ xứ tìm kiếm nhân tài, tuyển chọn và đề bạt những ẩn sĩ trong nhân gian cho tới những nhân sĩ bất đắc chí, đã trưng triệu được ba mươi người đương thời đều danh tiếng hiển hách. Phương pháp của ông khiến người Tấn Châu bắt đầu sùng thượng hiền năng, phong tục đương địa nhờ đó bắt đầu chuyển biến. 

Ông tuyển chọn những người hiền tài, và được biết đến với biệt danh “Sơn công khải sự”. Thời làm quan cho nhà Tấn, Sơn Đào cũng đã tuyển quan viên cho triều đình hơn mười năm. Trong thời kỳ đầu, mỗi lần sau khi công bố danh sách các quan chức được tuyển dụng, mọi người phát hiện, những quan viên được ưu tiên tuyển dụng không phải là do quần thần tiến cử, vì vậy họ cho rằng cá nhân Sơn Đào thích ai thì tùy ý tuyển người đó, thậm chí còn vu oan ông trước mặt hoàng đế.

Hoàng đế chưa kiểm tra, trực tiếp hạ chiếu cáo giới ông: “Dụng nhân nên duy tài, đừng bỏ sót những người ở xa, bần tiện, thì thiên hạ mới thái bình.” Sơn Đào không oán cũng không biện giải, kiên trì dùng phương pháp của mình để tiến cử quan viên. Một năm sau, sự chỉ trích của những trọng thần dần dần lắng xuống.

Nguyên lai mỗi lần tiến cử quan viên, ông trước tiên lập danh sách ứng cử, đích thân viết thành tấu chương, bí mật trình lên hoàng đế, tường tận ý tứ. Sau này, Sơn Đào công khai tấu báo, y chiếu người được tuyển theo ý của hoàng đế mà xác định thứ tự tuyển dụng cuối cùng. Chúng thần không hiểu được cách làm của Sơn Đào, cũng không biết tâm ý của hoàng đế, vì vậy mà hiểu nhầm hành động của Sơn Đào. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi mọi người nhìn thấy những quan viên do Sơn Đào lựa chọn đều đã có những chính tích ở những chức vị được bổ nhiệm, tự nhiên tâm phục khẩu phục.

Miếu đường phương nào vinh hoa

Sơn Đào làm quan rất lớn, nhưng vì ra làm quan, ông bị mang tiếng, bị “thiên cổ mạ danh”. Điều này chủ yếu là do một bức thư tuyệt giao nổi tiếng nhất trong lịch sử. Giữa năm 261 và 263 sau Công nguyên, Sơn Đào sắp được thăng quan, bèn tiến cử Kê Khang xuất sơn để thay thế nguyên chức của mình. Ông làm vậy rất có thể là để bảo vệ cho Kê Khang. Làm quan đương thời không chỉ là con đường lý tưởng cho các học giả, mà còn là lựa chọn an toàn nhất để tránh bị gia tộc Tư Mã thị tàn sát.

Trước lúc lâm chung, Kê Khang nói: “Quảng Lăng Tán ư kim tuyệt hĩ!” Bức tranh thể hiện một phần bức “Chân dung nhỏ của Dương Quý Tĩnh” do Bá Nhân Hội thời Minh vẽ. (phạm vi công cộng)

Không phải Kê Khang không hiểu thời cục hiện tại, chỉ là ông chọn con đường bi tráng, không quy phục gia tộc Tư Mã. Kê Khang tính tình cương trực ghét cái ác, gặp chuyện dễ tức giận, đã viết một bức “Dữ Sơn cự nguyên tuyệt giao thư”. Ông dùng phần lớn thư của mình để giải thích lý do cự tuyệt làm quan, chế nhạo chính quyền Tư Mã một cách bất lưu tình. Ông cũng oán trách Sơn Đào “không tri kỷ”, cho rằng việc Sơn Đào tiến cử mình giống như một đầu bếp phải nhờ thầy tế đến giúp mình nấu ăn, chỉ khiến ông nhiễm ô uế tanh hôi chốn quan trường. 

Bức thư tuyệt giao này là tuyên ngôn kháng chiến của Kê Khang với gia tộc Tư Mã, và nó cũng là nguyên nhân dẫn đến họa sát thân của ông. Kê Khang là một văn sĩ mãn danh thiên hạ, và kết cục bi thảm của ông được thế nhân đồng tình và tôn trọng. Nhưng Sơn Đào, trong sử sách không có ghi chép ông đã phản ứng với bức thư tuyệt giao này như thế nào, nhưng với tư cách là người bên kia, Sơn Đào khó thoát khỏi miệng thế gian, có thể tưởng tượng những lời phi nghị và nhục mạ từ thế nhân mà ông phải chịu đựng. Mãi đến thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, vẫn còn có học giả kịch liệt chỉ trích ông là “công cẩu”, chẳng qua một đời dung tục truy danh trục lợi mà thôi.

Sơn Đào nhiệt thành với công danh sĩ đồ, điều này thực sự khác với những danh sĩ ẩn dật. Nhưng nếu đổi sang một góc độ khác mà nhìn, đó chẳng phải là điểm khoát đạt và viên dung chân chính của ông ấy sao? Thay triều đổi đại là trào lưu lịch sử, là Thiên Đạo tuần hoàn. Một nhân sĩ chân chính hoài bão lý tưởng tế thế, không nên bị giới hạn bởi quan niệm hạn hẹp về nhất triều nhất họ.

Sơn Đào đã dùng một nhãn quang trường viễn hơn, vì lý tưởng chính trị, vì thiên hạ sinh dân, vì vạn thế thái bình mà gia nhập quan trường. Thời loạn thế, Sơn Đào càng hiểu thông và thuận ứng Thiên mệnh. Ai làm hoàng đế, quan trường có hắc ám hay không, đối với tình hoài tế thế của ông, đều tỏ ra không đáng kể. Chính là: “Kí tồn lâm hạ dật chí, hà phương miếu đường vinh hoa?”, ý tứ là, khi hiền nhân có ý chí xuống núi tế thế giúp đời, thì miếu đường phương nào chẳng được vinh hoa.

Có lẽ chính khí chất lớn, hoài bão lớn này đã được hoàn lại sự tương đãi chân thành của hai danh sĩ Kê Khang và Nguyễn Tịch. Ngay cả Kê Khang trong thư tuyệt giao với Sơn Đào, vẫn y nhiên coi ông là người bạn đáng tin cậy nhất. Trước khi Kê Khang lâm chung, đã lưu lại hai câu danh ngôn nặng ngàn cân, một câu là “‘Quảng Lăng tản’, ư kim tuyệt hĩ!” (Quảng Lăng đã mất, tuyệt giao từ đây), một câu là nói với cậu con trai mười tuổi Kê Thiệu: “Cự Nguyên tại, nhữ bất cô hĩ!” (Sơn Đào còn đây, con không ngại cô độc). Đằng sau tình cha sâu nặng, chính là sự tin tưởng và ủy thác lớn nhất ông gửi gắm Sơn Đào chiếu cố cô nhi. 

Về phần Sơn Đào, ông âm thầm tiếp nhận trọng trách nuôi dưỡng cô nhi. Sau khi Kê Thiệu thành con của “tội thần”, cậu bé vẫn an toàn lớn lên dưới sự chăm sóc của Sơn Đào, trưởng thành một thiếu niên phong lưu “như một con sếu hoang trong đàn gà”. Sơn Đào hiểu được phẩm hành và tài hoa của Kê Thiệu, vì tiền trình của cậu, đã đích thân tiến cử cậu với Tần Đế làm Bí thư lang. Ông nói: “Phụ tử tội bất tương cập. Tài năng của Kê Thiệu có thể so sánh với hiền thần cổ đại, nên trọng dụng anh ta.” Tần Đế tức khắc hưởng ứng: “Như khanh đã nói, Kê Thiệu có thể đảm nhiệm chức vụ này, sao không để anh ta bắt đầu từ Bí thư lang?”

Chỉ ý trưng triệu đã được thông qua, nhưng Kê Thiệu vẫn do dự không biết có nên ra làm quan hay không. Sơn Đào đã dùng những lời tha thiết để khai đạo cho cậu: “Ta vì con mà đã suy nghĩ rất nhiều. Thiên địa và bốn mùa, đều có biến hóa và tiêu trưởng, huống hồ là con người? Lão Tử đã nói: ‘Phiêu phong bất chung triều, sậu vũ bất trung nhật.’”, ý tứ của Sơn Đào là, vũ trụ vạn vật đều nằm trong biến hóa, Kê Thiệu cũng nên mở rộng tâm kết, phóng hạ quá khứ, nghênh tiếp thiên tình trong sinh mệnh của mình sau cơn phong vũ.

Sau này, Kê Thiệu đã không phụ hậu vọng của Sơn Đào, làm một trung thần nhiệt huyết. Trong chiến loạn, máu của ông đã tưới lên áo bào hoàng đế, dùng sinh mệnh của mình để bảo vệ sự tôn nghiêm và bình an của Tấn Đế. Ông cũng hóa thành một câu danh ngôn điển cố trong “Chính khí ca” của Văn Thiên Tường, và câu chuyện ấm lòng của ông đã mãi lưu danh thiên cổ.

Giữa tiến thoái, phương hướng chính là chân danh sĩ

Thời kỳ Ngụy Tấn, triều thần soán vị, triều cương hỗn loạn, triều đình và thế đạo như vậy khiến người ta đau buồn. Có người dùng tính mạng và nhiệt huyết của mình mà kháng tranh cường liệt, lại cũng có người trong sinh tử mà tiến thoái lưỡng nan, kết cục một đời thống khổ. Nhưng Sơn Đào không sợ hãi trước sự hiểu nhầm của thế nhân, dũng cảm dấn thân nơi quan trường ô nhiễm, ở trong bùn mà không bị nhiễm bùn, vừa có thể tạo ra sự khác biệt, vì nhân sĩ trong thiên hạ mà mang đến ánh sáng và hy vọng. 

Sơn Đào có thể làm được đến điểm này, không thể tách rời trí huệ vì người mà xử sự của ông. Ông thường không hiển sơn lộ thủy, rất giỏi dùng phương thức khéo léo để bảo toàn công danh, thực hiện lý tưởng. Lâu tại quan trường, khó tránh khỏi gặp phải những chuyện tham ô hành hối. Có lần Sơn Đào nhận được một món quà lớn từ huyện lệnh địa phương Viên Nghị – 100 cân lụa. Bề ngoài thì ông lặng lẽ nhận quà, nhưng sau đó, ông bảo người nhà để nguyên niêm phong, không động đến toàn bộ số lụa.

Sau này, Viên Nghị xảy chuyện, tất cả những quan viên nhận hối lộ đều bị liên lụy, Sơn Đào là một trong số đó. Khi vị quan đang xét xử vụ án, Sơn Đào bình tĩnh giao lại toàn bộ số lụa, chỉ thấy mặt lụa bám đầy bụi, nhưng niêm phong không hề bị động đến. Không một lời biện giải, Sơn Đào đã chứng minh mình thanh bạch.

Dù gia cảnh thanh bần hay khi làm quan cao, Sơn Đào vẫn bảo trì phẩm đức cẩn trọng, tiết kiệm, không nạp thê thiếp, không tham tài, phân phát bổng lộc cho thân bằng cố hữu. Sơn Đào không bao giờ chủ động yêu công thỉnh thưởng, hoàng đế mỗi lần luận công hành thưởng, đều không nhận ra phần thưởng của mình quá ít. Sau này Tạ Huyền giải thích: “Đây là vì người thụ thưởng yêu cầu quá ít, mới khiến người ban thưởng lãng quên mà thưởng rất ít.”

Sau khi Sơn Đào qua đời, gia đình chỉ có ngôi nhà cũ chục gian, con cháu gia tộc sống không nổi ở đó. Tần Đế đã hạ lệnh xây lại ngôi nhà để giải quyết khốn cảnh của Sơn thị.

Sơn Đào cũng có một thói quen, bởi vì ông biết tửu lượng của bản thân, bất cứ dịp nào uống rượu, chỉ giới hạn ở tám đấu. Hoàng đế cảm thấy hiếu kỳ, lấy danh nghĩa ban rượu thưởng để thử ông. Ban đầu, phần thưởng là tám đấu rượu, nhưng hoàng đế đã ra lệnh cho người bí mật cho thêm khi ông uống rượu. Mặc dù Sơn Đào không biết điều đó, nhưng một khi ông đã đạt đến giới hạn tám đấu, ông cảm thấy quá tải và tự động ngừng uống. Làm sao một vị đại thần trung thành tự ái và tự kỷ luật như vậy có thể không chiếm được lòng tin và sự kính trọng của hoàng đế?

Vương Nhung, một trong bảy hiền nhân Trúc Lâm, nhận xét rằng Sơn Đào giống như “vàng thô, ngọc thô”. Người ta luôn đánh giá cao sự ấm áp của ngọc và sự sáng chói của vàng, nhưng rất khó để phát hiện ngọc chưa mài và vàng chưa chế tác, đó mới thực sự là những báu vật cao quý. Sơn Đào cũng vậy, ông cẩn trọng trong xử thế, minh triết bảo trì bản thân; không quên tâm nguyện tế thế giúp thiên hạ. Ông là hiền thần đức cao vọng trọng, càng là một tri kỷ đáng để giao vãng một đời. (Tài liệu tham khảo: “Tấn Thư”, “Thế thuyết tân ngữ” và các tài liệu khác)

Tác giả: Lan Âm, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version