Vào năm Trung Hòa thứ nhất cuối nhà Đường (năm 881), Hoàng Sào khởi binh tác loạn, dẫn quân đánh chiếm kinh đô Trường An. Khi đó, Đường Hi Tông kinh động, quyết định noi gương Đường Huyền Tông chạy trốn đến đất Thục tị nạn. Trong số các quan viên đi cùng ông lúc đó có Vi Chiêu Độ (tự Chính Kỷ), người giữ chức lại bộ thượng thư, rồi đồng bình chương sự (tức phó tể tướng).

Cuộc nổi loạn Hoàng Sào mãi đến năm Trung Hòa thứ tư (884) mới bị quân Đường dập tắt. Lúc này nhà Đường đang hỗn loạn, giống như một tòa lầu có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Qua mấy năm yên ổn, Đường Hi Tông lại bị giáng một đòn nặng nề khác. Vào năm Quang Khải thứ ba (887), tiết độ sứ Phụng Tường Lý Xương nổi dậy chống lại nhà Đường, tấn công hành cung của Đường Hi Tông. Cuộc phản loạn này khiến Hi Tông càng thêm kinh tâm động phách, cả ngày hoảng loạn bất an. Bởi vì mục tiêu tấn công của phản quân chính là hành cung của hoàng đế.

Vi Chiêu Độ triệu tập quân đội triều đình, thề sẽ bình định quân phản tặc, để thể hiện quyết tâm của mình, ông cũng giữ các thành viên trong gia đình mình làm con tin. Vi Chiêu Độ đã nỗ lực hết sức để dẹp loạn. Vì giữ vai trò hộ vệ cho hoàng đế, nên ông được phong làm thái bảo kiêm nhiệm thị trung (tức thừa tướng), được phong tước quận công Phù Dương.

Hi Tông băng hà trong cảnh nội ưu ngoại hoạn. Vào năm Văn Đức đầu tiên (năm 888), em trai của Hi Tông là Lý Liệt lên ngôi, lấy hiệu là Đường Chiêu Tông. Vi Chiêu Độ giữ chức lại bộ thượng thư, không lâu sau lại trở thành trung thư lệnh, thành tể tướng chính bài, được phong tước Kì quốc công. Lúc này, Vi Chiêu Độ đã quan cao hiển hách, cực kỳ được trọng vọng.

Vi Chiêu Độ và anh họ Lý Hề, người từng giữ chức lại bộ thượng thư, đã hỗ ứng lẫn nhau, trở thành những người mới nổi quyền thế nhất trong triều. Cả hai nhất thời không có đối thủ, thiên hạ đều quay quanh Vi Chiêu Độ.

Không ngờ, ngay khi quyền thế của Vi Chiêu Độ đạt đến đỉnh cao, thì có một vị khách không quen không mời đến nhà ông.

Ngày hôm đó, Vi Chiêu Độ đang ngồi một mình trong sân, nghe nói có một vị lão tăng đến gặp mình, liền đồng ý bảo người gác cửa đưa vào.

Mặc dù nhà Đường trải qua nhiều biến động như Loạn An Thạch và Khởi nghĩa Hoàng Sào, nhưng quốc phong dân phong sùng Phật kính Đạo đều không thay đổi qua các thời đại. Cho nên khi Vi Chiêu Độ nhìn thấy lão tăng, ông chỉ cảm thấy cử chỉ của đối phương thật xuất chúng, giống như thần tiên từ trên trời xuống, thật là đáng kính. Một người quyền khuynh thiên hạ như Vi Chiêu Độ, chỉ có thể cúi đầu trước lão tăng, không dám tự tiện.

Lão tăng rất thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm, nói với Vi Chiêu Độ: “Quốc công, ngài sắp gặp đại họa rồi, ngài có thể theo tôi rời khỏi đây không?” Cũng không rõ hai người đã kết thiện duyên từ lúc nào, một lão tăng tu hành hữu tố như vậy, nhìn thấy quốc công sẽ gặp họa bất trắc, đã đặc biệt đến đón ông cùng rời đi để tránh sinh tử đại kiếp ngày sau. 

Tin tức đột nhiên truyền đến, Vi Chiêu Độ bị lời nói của lão tăng làm cho sửng sốt cực độ, sắc mặt lập tức thay đổi, trong tâm rất sợ hãi. Ông nói với vị sư già: “Tôi nắm quyền đã lâu, trong thâm tâm luôn lo lắng sẽ có họa sự xảy ra, tôi rất muốn đi xa, nhưng tôi cần phải cáo biệt gia quyến.”

Hóa ra trước khi vị lão tăng đến, Vi Chiêu Độ đã có dự cảm, lo lắng rằng tai họa sẽ ập đến với ông. Khi bước vào quan trường, trên con đường từ địa phương đến triều đình, ông luôn phải đối mặt với nhiều xung đột lợi ích, và những kẻ thù chính trị là điều khó tránh khỏi.

Thân trong thời loạn thế, người ngoài nhìn thấy ông mỗi ngày đều phong quang vô hạn, nhưng trong thâm tâm ông lại lo lắng khôn nguôi cho hoàn cảnh của mình. Nếu có cách trốn thoát, ông đương nhiên rất sẵn lòng đi cùng lão tăng, tránh xa nơi thị phi nguy hiểm.

Nhưng Vi Chiêu Độ lại không thể buông gia quyến của mình, hy vọng lão tăng sẽ cho ông một chút thời gian để từ biệt gia đình. Suy cho cùng, nếu rời đi, sẽ phải buông bỏ tất cả vinh hoa phú quý, triệt để thoát ly thế tục. Hiển nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng, và ông cần một thời gian để nói lời tạm biệt với gia đình.

Lão tăng nghe xong, không những không cho phép ông nói lời từ biệt, mà còn thúc giục ông nhanh chóng rời đi, nhưng Vi Chiêu Độ rốt cuộc không thể buông bỏ tình cảm gia đình. Ông để tăng nhân chờ ở sân, bản thân triệu tập người nhà đến, nói rõ ý định từ bỏ quyền vị hiện tại, và rời đi cùng nhà sư già.

Sau khi nghe điều này, tất cả người lớn và trẻ em trong gia đình đều bắt đầu khóc, họ khuyên Vi Chiêu Độ: “Đừng tin lời dối trá của tăng nhân.” Người nhà đều khóc và túm lấy y phục của Vi Chiêu Độ, không chịu buông ra.

Khi Vi Chiêu Độ cuối cùng cũng thoát khỏi sự quấn quít của gia đình và đến sân tìm kiếm lão tăng, thì lão tăng đã biến mất. Ông hỏi gác cửa, nhưng không ai nhìn thấy lão tăng làm cách nào rời khỏi Vi phủ.

Có vẻ như vị sư già này là một vị thần tăng có thần thông, đến đi như ý. Vi Chiêu Độ đã bỏ lỡ mất cơ duyên rời đi cùng vị lão tăng.

Chưa đầy hai tháng sau, các đối thủ chính trị của Vi Chiêu Độ bất ngờ phát động tấn công, đặc biệt là các sứ thần trấn giữ địa phương, buộc hoàng đế phải loại bỏ Vi Chiêu Độ và Lý Hề.

Vị hoàng đế cuối nhà Đường rất nhu nhược. Đối mặt với tiết độ sứ hống hách, Đường Chiêu Tông không thể không đồng ý với yêu cầu của họ. Vì thế Lý Hề và Vi Chiêu Độ đều bị các đối thủ chính trị giết chết.

Theo ghi chép, Vi Chiêu Độ đã bỏ lỡ cơ duyên rời đi cùng lão tăng vì không thể buông bỏ thân tình, kết quả là hai tháng sau ông thực sự phải chịu kiếp nạn, thật đáng tiếc, đồng thời cũng để lại một giáo huấn sâu sắc cho người đời sau. Sở dĩ lão sư khuyên Vi Chiêu Độ rời đi, là vì ông đã nhìn thấy tai họa mà Vi Chiêu Độ sẽ gặp phải trong tương lai.

Nếu một sự tình tương tự xảy ra trong xã hội hiện thực, một cá nhân biết rằng thảm họa đang treo trên đầu mình, sẽ sớm ập đến với mình, thì chỉ có cách bỏ lại quyền thế, phú quý, nhanh chóng rời khỏi nơi nguy hiểm thị phi càng sớm càng tốt càng tốt. Chỉ là không rõ liệu ông ấy có sẵn sàng bỏ lại nó không. Nếu là bạn, bạn sẽ chọn thế nào?

Nguồn: 
“Cựu Đường Thư – Vi Chiêu Độ truyện” Quyển 179
“Trung Đường cố sự” Nam Đường úy Trì Ác soạn

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch