Đại Kỷ Nguyên

Lão Tử: ‘Cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống; cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn’

“Lão Tử” tên thật là Lý Nhĩ, tự Bá Dương, là người sáng lập Đạo giáo, đồng thời là tác giả cuốn “Đạo Đức Kinh”, một tác phẩm kinh điển truyền đời.

Tương truyền, Lão Tử sinh ra ở nước Sở trong những năm cuối thời Xuân Thu. Về sự xuất sinh của ông có nhiều cách nói khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng ông là hậu duệ của Bành Tổ, vì muốn tạo phúc cho bách tính nên giáng sinh vào gia đình bà Huyền Diệu Ngọc Nữ.

Về nguồn gốc xuất sinh của Lão Tử, những ghi chép trong Sử Ký khá sơ sài và mang nhiều sắc thái thần bí. Tương truyền, khi ông sinh ra đã có mây tía bao quanh, cả bầu trời cũng được bao phủ bởi vầng mây tía, người dân trong thôn đều cho đó là điềm lành. Mẹ Lão Tử mặc dù biết sinh con sẽ ảnh hưởng tới tính mạng nhưng bà vẫn cố gắng dùng dao tự rạch bụng mình và thầm hy vọng đứa con sau này có thể tạo phúc cho muôn dân. Vậy nên, Lão Tử sinh ra cũng là lúc mẹ ông qua đời. Khi vừa chào đời, trán Lão Tử đã hình tròn, sống mũi rất cao, những sợi tóc lưa thưa trên đầu có màu trắng bạc, không những vậy, vành tai lại vô cùng kỳ dị khác thường. Một điều thú vị là ông sinh vào năm Dần nên người dân trong thôn gọi ông là Ly Nhi, sau này thay đổi thành Lý Nhĩ.

Truyền thuyết về Lão Tử

Lão Tử là người sáng lập Đạo gia, cũng là tác giả của tác phẩm “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng. Liên quan tới cuộc đời Lão Tử cho tới nay dân gian vẫn lưu truyền hai câu chuyện, thứ nhất là khi ông xuất sinh và thứ hai là khi ông cưỡi thanh trâu qua Hàm Cốc quan.

Lão Tử khi mới xuất sinh tóc đã bạc trắng. Ảnh dẫn theo youtube.com

Trước tiên là câu chuyện ly kỳ khi Lão Tử xuất sinh. Theo các cổ thư của Đạo giáo, Lão Tử đã có mặt từ thời viễn cổ rất xa xưa, trải qua nhiều lần của “chu kỳ tám mươi mốt vạn năm” (81000 năm), sau mới giáng sinh vào nhà bà Huyền Diệu Ngọc Nữ. Tương truyền mẹ Lão Tử đang giặt quần áo bên bờ sông thì bỗng nhìn thấy một quả mận trôi bồng bềnh trước mặt. Lúc đó bà rất khát nước nên đã vớt quả mận lên ăn, sau đó thì mang thai. Bà mang thai suốt 81 năm, vào giờ Mão ngày rằm tháng Hai, Lão Tử được sinh ra tại nước Sở. Lão Tử ra đời dưới gốc một cây mận (trong tiếng Hán, chữ “mận” và chữ “Lý” là đồng âm), vừa sinh ra đã biết nói, chỉ cây mận mà bảo rằng: “Lý, chính là họ của ta đó”. Cũng bởi tai của Lão Tử khi sinh ra khá to nên được gọi là Lý Nhĩ. Vì nằm trong bụng mẹ quá lâu nên từ lúc sinh ra thì đầu tóc của Lý Nhĩ đã bạc phơ, do đó mới gọi là “Lão Tử” (đứa trẻ đầu bạc). Dần dần tên gọi này nổi tiếng hơn tên thật của ông.

Còn có một cách lý giải khác về cái tên “Lão Tử”. Mọi người đều biết “Lão” là ý gọi người tuổi cao đức trọng, “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính. Lão Tử được người đời sau tôn xưng như vậy cũng bởi tầm ảnh hưởng của ông với hậu thế, cho tới ngày nay ông vẫn là danh nhân nổi tiếng không chỉ ở riêng Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.

Vào đời Chu Văn Vương, Lão Tử làm quan giữ kho của nhà vua, đến đời Vũ Vương được thăng chức Trụ Hạ. Về sau, thấy nước Chu ngày càng suy vong nên đến đời Chiêu Vương, Lão Tử đã từ quan về ở ẩn. Lão Tử là nhà tư tưởng lớn cuối thời Xuân Thu, được Đạo giáo tôn làm Tổ Sư khai sáng đạo Lão.

Ở Bắc Lộc núi Chung Nam tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có đài Lâu Quan nổi tiếng mà dân gian vẫn cho rằng là nơi giảng kinh của Thái Thượng Lão Quân xưa kia. Đài Lâu Quan tọa lạc ở nơi có phong cảnh rất đẹp, dựa lưng vào núi nhìn ra dòng nước, được người đời gọi là “Động thiên phúc địa”. Đây là thánh địa của Đạo giáo, lịch sử kể rằng đài Lâu Quan đã có từ hơn 2.500 năm trước. Đời nhà Chu, vị quan giữ ải tên là Doãn Hỷ ở cửa ải Hàm Cốc đã cho dựng ở đây một cái đài bằng cỏ tranh, gọi là “Thảo Lâu Quán”, để quan sát tinh tú trên trời.

Ngày 1 tháng 9 năm 478 trước Công Nguyên, Lão Tử đi về nước Tần. Lúc đi qua cửa ải Hàm Cốc, quan lệnh Doãn Hỷ xem thuật toán đã biết trước là sẽ có một Thần nhân đi qua đây, bèn sai người quét dọn sạch sẽ 40 dặm đường để nghênh đón. Quả nhiên Lão Tử tới. Doãn Hỷ nói: “Tiên sinh đã muốn ẩn cư, sau này không còn được nghe Ngài dạy bảo nữa, kính xin tiên sinh viết sách để truyền lại cho hậu thế”. Lão Tử tại Trung Nguyên chưa từng truyền thụ lại điều gì. Ông biết Doãn Hỷ trong mệnh đã định là sẽ đắc Đạo, bèn tạm dừng lại nơi này một thời gian ngắn, viết nên cuốn sách nổi tiếng ngàn đời “Đạo Đức Kinh”. Sau đó, Lão Tử ra khỏi cửa Hàm Cốc đi về phía Tây, vượt qua vùng Lưu Sa, cũng là vùng sa mạc lớn ở Tân Cương, không ai biết cuối cùng ông đã đi về đâu.

Lão Tử viết cuốn Đạo Đức Kinh sau đó ẩn cư. Ảnh dẫn theo youtube.com

Tổng cộng Lão Tử đã viết mười hai bộ kinh điển, nổi tiếng hơn cả là “Tây Thăng Kinh”, “Hóa Hồ Kinh”, v.v., mà trong đó, quyển “Đạo Đức Kinh” được xem là qúy giá nhất. “Đạo Đức Kinh” có 81 chương, chia thành hai quyển Thượng, Hạ. Trong sách, Lão Tử cho rằng vũ trụ vạn vật có một cái gốc chung tạm gọi là “ĐẠO” hoặc “VÔ”, nói rộng ra là những triết lý “Đạo pháp tự nhiên”“Thanh tĩnh vô vi” hay “Trường Sanh Cửu Thị”, đó cũng là những giáo lý căn bản của đạo Lão. Vấn đề mà Lão Tử quan tâm là làm sao để xóa bỏ những tranh chấp trong xã hội, làm thế nào để cuộc sống con người được an ổn hạnh phúc. Từ đó, Lão Tử đề ra pháp thực hành là con người nên sống thuận theo tự nhiên, cũng là thuộc tính vốn có của “Đạo”, từ đó quay trở về với tâm cảnh và hình thái sinh hoạt “chân thành vốn sẵn” của loài người, đạt kết quả là thiên hạ sẽ “vô vi nhi trị” (vô vi mà an thiên hạ).

Trong bách gia chư tử thời Tiên Tần, Lão Tử được xem là đứng đầu trong hệ thống các luận thuật về nguồn gốc vũ trụ, lấy “ĐẠO” làm căn bản khởi nguyên của vũ trụ. Lý thuyết ấy là nền tảng cơ bản cho các học giả đời sau ứng dụng và phát triển, trở thành nền tảng triết học mang tính mẫu mực cho đất nước Trung Quốc đến tận ngày nay.

Thành tố “Đạo” đầu tiên là yếu tố mấu chốt của tín ngưỡng Đạo giáo, đã được phát triển thành “Ông Tiên đắc đạo—Trường sinh bất lão”. Đây là cảnh giới cao nhất của sự chứng đắc trong Đạo giáo mà tất cả các tín đồ đều mong mỏi đạt được.

Lão Tử dùng “Đạo” để giải thích về sự phát triển biến hóa của vạn vật trong vũ trụ, đồng thời ông cũng truyền đạt lại rất nhiều triết lý nhân sinh cho con người. Trong “Đạo Đức Kinh”, ông đã để lại rất nhiều tinh hoa cho hậu thế. Dưới đây là một ghi chép về các bài học điểm ngộ trong cuộc đời của Lão Tử.

“Cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống; cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn”

Thuở nhỏ, Lão Tử từng theo học một vị lão sư tên là Thường Tung. Sư phụ Thường Tung rất chú trọng truyền đạt cho Lão Tử về lễ nghi của nhà Ân Chu. Những phép tắc lễ nghi này lại vô cùng phức tạp, nên khiến cho Lão Tử, bấy giờ còn là một đứa trẻ, cảm thấy rằng nhiều lễ nghi như vậy thì sống trên đời thật sự là việc quá khó khăn!

Rất nhiều năm sau, khi Lão Tử đã là một người trưởng thành thì sư phụ Thường Tung của ông cũng đã vô cùng già yếu. Vào thời điểm sư phụ Thường Tung lâm bệnh nặng, Lão Tử biết chuyện đã lập tức đến thăm thầy.

Lão Tử tiến đến bên cạnh giường của thầy và hỏi: “Xem ra thầy khó qua khỏi. Dám bạch thầy còn điều gì dạy bảo chúng con không ạ?”

Sư phụ Thường Tung không nói gì mà há miệng ra cho Lão Tử xem, rồi lấy tay chỉ chỉ và thều thào hỏi: “Lưỡi của ta còn không?”

Lão Tử cảm thấy kỳ lạ, thầm nghĩ: “Thầy phải chăng đã bệnh đến mức lẫn rồi sao? Sao lại hỏi câu đó? Không còn lưỡi thì sao thầy có thể nói chuyện được?”

Trước khi qua đời sư phụ của Lão Tử đã dạy “mềm thắng cứng – nhu thắng cương”. Ảnh dẫn theo youtube.com

Sư phụ Thường Tung lại hỏi Lão Tử: “Thế răng của ta còn không?”

Lão Tử vẫn khó hiểu, trả lời: “Thưa, rụng hết rồi ạ!”

Sư phụ Thường Tung lại hỏi tiếp: “Thế con có biết là vì sao không?”

Ngẫm nghĩ giây lát Lão Tử thưa với thầy: “Thưa thầy! Bởi vì lưỡi mềm nên còn, răng cứng nên rụng, có phải vậy không ạ?”

Sư phụ Thường Tung khẽ gật đầu rồi nhắm mắt.

Về sau, trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đã viết: “Kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ… Kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng”, ý tứ là cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống, cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn.

Lão Tử cũng viết: “Thiên hạ mạc nhu nhược vu thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng: kì vô dĩ dịch chi. Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương. Thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành”. Ý nói trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước, thế mà nước lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, nhưng chẳng có ai làm được.

Để giúp con người trở về bản tính tiên thiên lương thiện của mình, Lão Tử đã để lại cuốn “Đạo Đức Kinh” quý giá. Với chỉ 5000 từ, ông đã cho hậu thế hiểu được ý nghĩa của Đạo, mối quan hệ giữa Đạo và sự hình thành vũ trụ cũng như nguồn gốc của vạn vật. Ông cũng giảng cách làm người, và làm thế nào để nhân loại có thể quay trở về bản tính thuần khiết của bản thân. “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, con người sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của tự nhiên thì cũng chính là đang tiến gần về Đạo.

Kiên Định

Exit mobile version