Lão Tử còn gọi là Lão Đam, họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, là một triết gia, nhà tư tưởng, người sáng lập học phái Đạo gia thời Trung Quốc cổ đại, và là tác giả của cuốn “Đạo đức kinh” nổi tiếng.
Lão Tử là người Tương Ấp, nước Tống (nay là Oa Dương, tỉnh Hà Nam), cũng có thuyết cho rằng ông là người Lộc Ấp, Hà Nam. Ông đã từng làm chức quan Thủ tàng thất (quan quản lý Tàng thư) của triều Chu. Bắt đầu từ “Liệt Tiên truyện”, Lão Tử được liệt vào bậc Thần Tiên.
Lão Tử cảm ngộ được Thiên Đạo rằng: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi vi Đạo”, nghĩa là: “Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất, yên lặng, trống không, đứng một mình mà chẳng thay, đi khắp nơi mà không mỏi, có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên nó, đặt tên là Đạo”.
Lão Tử cũng ngộ ra: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”, nghĩa là: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.
Ông cho rằng vạn sự vạn vật đều phải tuân theo đặc tính và quy luật vận hành không ngừng nghỉ của vũ trụ. Ông cho rằng Đạo là bản nguyên vũ trụ sinh ra, hành vi của con người cần phải thuận theo Thiên Đạo, khiến cho toàn bộ thân tâm thống nhất với Thiên Đạo tự nhiên, thì mới có thể bao dung tất cả, thiên hạ sẽ quy theo, cũng mới có thể trường cửu được.
Lão Tử chào đời
Theo “Liệt Tiên truyện” ghi chép, thời nhà Chu, Lão Tử từ Thái Thanh Tiên Cảnh phân Thần hóa khí, thừa Nhật tinh, cưỡi chín rồng, hóa thành chuỗi hạt trân châu ngũ sắc, từ trên Trời giáng hạ. Lúc đó con gái của Huyền Diệu Vương là Doãn Thị đang ngủ, cảm thấy và nuốt chuỗi hạt châu, tỉnh dậy có mang. Sau khi có Thánh thai, Doãn Thị thần khí an nhàn, dung nhan chuyển thành thiếu nữ, phòng ở lục khí bình hòa, tường quang phủ khắp. Sau đó từ sườn trái sinh hạ một bé trai. Cậu bé này khi vừa mới sinh ra liền bước đi 9 bước, mỗi bước có đóa sen nở. Cậu sinh ra là đã biết nói, chỉ vào cây mận (lý) ở trong sân, cậu nói: “Đây là họ của ta”.
Doãn Thị thấy cậu bé tóc hạc dung nhan rồng, thiên đình tròn đầy, hai tai đến vai. Lúc đó, mây lành che phủ khắp sân nhà, vạn con tiên hạc bay lượn trên không trung, trên mặt đất toàn cảnh tượng tốt lành. Doãn Thị đặt tên cho cậu là “Lão Tử”, cũng gọi là “Lão Đam”. Lão Tử ra đời được 9 ngày, thân thể có 9 lần biến đổi, ai ai thấy cậu cũng kinh ngạc tán thán. Đến lúc 6 tuổi, cậu tự nhận thấy mình tai to, nên tự đặt tên mình là Trọng Nhĩ.
Thiếu niên thông minh dĩnh ngộ
Lão Tử từ nhỏ đã thông tuệ, yên tĩnh suy nghĩ, hiếu học, thường ở bên các gia tướng nghe chuyện quốc gia thịnh suy, tế lễ chiêm tinh bói toán, quan sát tinh tượng. Doãn Thị mời lão tiên sinh Thương Dung tinh thông lễ nhạc đến truyền thụ. Thương Dung trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, hiểu rộng lễ nghi kim cổ.
Một hôm Thương Dung dạy rằng: “Giữa trời đất, con người là cao quý, trong dân chúng, vua là gốc”. Lão Tử hỏi: “Trời là vật gì?”. Tiên sinh nói: “Trời là cái thanh thanh ở trên”. Lão Tử lại hỏi: “Cái thanh thanh là vật gì?”. Tiên sinh nói: “Cái thanh thanh là thái không đó”. Lão Tử lại hỏi: “Trên cả thái không là vật gì?”. Tiên sinh nói: “Trên của thái không, là cái thanh của thanh”. Lão Tử lại hỏi: “Trên nữa là vật gì?”. Tiên sinh trả lời: “Trên của cái thanh của thanh, là cái thanh của thanh thanh”. Lão Tử lại hỏi: “Nơi tận cùng của cái thanh là vật gì?”. Tiên sinh nói: “Các bậc tiên hiền chưa truyền lại, thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.
Đến đêm, Lão Tử đem những điều nghi hoặc ra hỏi mẹ, mẹ không trả lời được. Lão Tử lại hỏi các gia tướng, các gia tướng cũng không nói được. Thế là Lão Tử ngẩng đầu quan sát mặt trời, mặt trăng, các vì sao, cúi đầu suy nghĩ ‘trời trên trời’ là vật gì, cả đêm không ngủ được.
Lại một hôm, Thương Dung tiên sinh truyền thụ rằng: “Trong lục hợp, trời, đất, người, vật đều tồn tại đạo lý. Trời có Thiên Đạo, đất có địa lý, người có nhân luân, vật có vật tính. Có Thiên Đạo, cho nên mặt trời, mặt trăng, các vì sao mới có thể vận hành. Có địa lý, cho nên núi, sông, biển mới có thể hình thành. Có nhân luân, cho nên mới có thể phân biệt tôn, ti, già, trẻ. Có vật tính, cho nên mới có thể phân biệt dài, ngắn, dai, giòn”. Lão Tử lại hỏi: “Mặt trời, mặt trăng, các vì sao, ai đẩy mà chúng có thể vận hành? Núi, sông, biển, ai tạo mà hình thành? Tôn, ti, già, trẻ, ai định mà phân biệt? Dài, ngắn, dai, giòn, ai phân chia mà phân biệt?”. Tiên sinh nói: “Đều là do Thần làm cả”. Lão Tử lại hỏi: “Thần sao có thể làm được?”. Tiên sinh nói: “Thần có khả năng biến hóa, có công tạo vạn vật, do đó có thể làm được”. Lão Tử lại hỏi: “Khả năng của Thần từ đâu mà có? Công của Thần khi nào có được?”. Tiên sinh nói: “Các bậc tiên sư chưa truyền, thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.
Đến đêm, Lão Tử đem những điều nghi hoặc ra hỏi mẹ, mẹ không trả lời được. Lão Tử lại hỏi các gia tướng, họ cũng không nói được. Thế là Lão Tử nhìn các vật suy nghĩ, tiếp xúc các vật mà phân loại, ba ngày không biết đến mùi vị cơm.
Một hôm, Thương Dung tiên sinh truyền thụ rằng: “Các việc thiên hạ, hòa là quý. Thất hòa thì sẽ có binh đao, có binh đao thì sẽ có tàn sát lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau thì cả hai bên đều bị thương, hai bên đều bị thương thì có hại mà chẳng có lợi ích gì. Do đó, lợi cho người thì sẽ lợi cho mình, gây họa cho người thì sẽ gây họa cho chính mình”. Lão Tử hỏi: “Thiên hạ thất hòa là cái hại lớn cho bách tính, vua sao không trị sửa?”. Tiên sinh nói: “Người dân tranh chấp, là thất hòa nhỏ. Thất hòa nhỏ thì có họa nhỏ, thì vua có thể sửa trị. Quốc gia tranh chấp, là thất hòa lớn. Thất hòa lớn thì có họa lớn, cái họa lớn, chính là họa của vua, sao vua có thể tự trị sửa được?”. Lão Tử hỏi: “Vua không thể tự trị sửa, Thần sao không trị sửa?”. Tiên sinh nói: “Các bậc tiên triết chưa truyền, thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.
Đến đêm, Lão Tử đem những điều nghi hoặc ra hỏi mẹ, mẹ không trả lời được. Lão Tử lại hỏi các gia tướng, họ cũng không trả lời được. Thế là, Lão Tử đi bái kiến khắp các sỹ phu ở Tương Ấp, đọc hết các sách ở Tương Ấp, mùa hè nóng nực đến chẳng biết nóng nực, mùa đông giá lạnh đến chẳng hay giá lạnh.
Đến nhà Chu cầu học
Thương Dung tiên sinh truyền thụ 3 năm, một hôm đến tìm Doãn Thị cáo từ và nói rằng: “Lão phu kiến thức nông cạn, Đam Nhi suy nghĩ nhanh nhạy, hôm nay đến cáo từ, không phải lão phu dạy dỗ không đến cuối, cũng không phải Đam Nhi học không chuyên cần. Thực sự là học vấn lão phu đã tận cùng, mà Đam Nhi cầu học kiến thức lại vô cùng vô tận, lấy cái tận cùng để đáp ứng cái vô cùng, chẳng phải quá khó đó sao? Đam Nhi là đứa trẻ có chí hướng to lớn cao xa đó. Tương Ấp là mảnh đất hẻo lánh, khép kín. Nếu muốn đẽo gọt hòn phác (ngọc trong đá) thành viên ngọc, cần đến kinh đô nhà Chu mà cầu học thâm sâu. Kinh đô nhà Chu, thư tịch điển cố nhiều như biển, bậc hiền sỹ nhiều như mây, là thánh địa của thiên hạ, không đến đó thì khó mà trở thành bậc tài năng lớn được”.
Doãn Thị nghĩ, Lão Tử mới ở tuổi 13, đến kinh đô nước Tống còn khó về, đến kinh đô nước Chu, chẳng phải như lên 9 tầng trời đó sao? Thương Dung vội nói: “Cũng xin nói sự thực, sư huynh của lão phu làm Thái học bác sỹ nhà Chu, học thức uyên bác, tấm lòng mênh mông, yêu quý kính trọng bậc hiền tài, coi việc đào tạo nhân tài là mục đích sống, coi việc giúp người hiền tài là niềm vui, coi việc tiến cử hiền tài làm là trách nhiệm. Trong nhà ông có nuôi mấy thần đồng, đều chọn từ trong dân gian ra. Không phải cung cấp ăn mặc, ông coi như con ruột. Bác sỹ nghe lời lão phu, biết Đam Nhi hiếu học giỏi suy nghĩ sâu xa, thông tuệ siêu thường, muốn gặp đã lâu rồi. Mấy ngày trước có mấy người đầy tớ đi qua đây, ông đã viết thư riêng cho lão phu, ý muốn đưa Đam Nhi đến Chu. Đây là cơ hội tốt ngàn năm khó gặp, nên biết trân quý”. Hai mẹ con Doãn Thị vô cùng cảm kích, bái tạ ơn tiến cử của tiên sinh.
Lão Tử đến Chu, bái kiến bác sỹ. Lão Tử được vào học ở Thái học, thiên văn, địa lý, nhân luân, không gì là không học; văn vật, điển chương, sử sách, không gì là không đọc, sau 3 năm đã có trưởng thành rất lớn. Bác sỹ lại tiến cử Lão Tử làm viên thư lại trông coi Thủ tàng thất. Thủ tàng thất là nơi thu thập lưu giữ các thư tịch điển tích nhà Chu, tập hợp văn khắp thiên hạ, thu thập sách khắp thiên hạ, chở bằng xe trâu đổ mồ hôi, cất giữ chất thành đống, không gì là không có. Lão Tử ở trong đó, như giao long bơi lội biển cả, biển mênh mông, rồng vùng vẫy, như chim đại bàng tung cánh trời xanh, trời cao mặc sức bay lượn. Lão Tử như đói như khát, xem hết các thư tịch, cảnh giới càng ngày càng cao, thông hiểu cội nguồn của lễ nhạc, hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của đạo đức. Ba năm sau lại được thăng làm quan cai quản Thủ tàng thất, danh tiếng khắp xa gần, tiếng tăm truyền khắp cõi.
Khổng Tử hỏi về lễ
Một hôm, Khổng Tử nói với đệ tử là Nam Cung Kính Thúc rằng: “Quan cai quản Thủ tàng thất nhà Chu là Lão Đam, bác cổ thông kim, tỏ tường cội nguồn của lễ nhạc, hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của đạo đức. Nay ta muốn đến nước Chu xin thỉnh giáo, con có muốn đi cùng không?”. Nam Cung Kính Thúc vui mừng đồng ý, lập tức báo lên Lỗ quân xin phép. Lỗ quân đồng ý cho đi, cho một cỗ xe song mã, một tiểu đồng theo hầu, một người đánh xe, còn Nam Cung Kính Thúc thì tháp tùng Khổng Tử cùng đi.
Lão Tử thấy Khổng Tử từ xa xôi ngàn dặm tìm đến, vô cùng vui mừng. Sau khi Lão Tử truyền thụ xong, lại dẫn Khổng Tử bái kiến đại phu Trường Hoằng. Trường Hoằng giỏi âm nhạc, dạy Khổng Tử nhạc luật, nhạc lý, rồi dẫn Khổng Tử xem lễ tế Thần, khảo sát nơi truyền thụ giáo hóa, quan sát lễ nghi Thái miếu, khiến Khổng Tử thu được rất nhiều lợi ích.
Lúc Khổng Tử cáo từ trở về, Lão Tử tiễn đến bờ sông Hoàng Hà, thấy nước sông chảy cuồn cuộn, Khổng Tử bất giác than thở rằng: “Thời gian như nước chảy thế này đây, ngày đêm chẳng ngừng! Nước sông chẳng biết đi đến nơi nao, nhân sinh chẳng biết quay về chốn nào? Học trò vẫn lo đạo lớn không thi hành được, nhân nghĩa không được thực thi, chiến loạn không ngừng, quốc gia loạn lạc rối ren. Do đời người ngắn ngủi, chẳng có công lao gì cho đời, chẳng giúp ích được gì cho dân chúng, nên thương cảm mà than thở vậy”.
Lão Tử chỉ dòng sông Hoàng Hà mênh mông cuồn cuộn chảy, nói với Khổng Tử: “Sao ông lại không học đức lớn của nước vậy?”.
Khổng Tử hỏi: “Nước có đức gì?”.
Lão Tử nói: “Cái thiện cao nhất như nước vậy: Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh, đó là đức khiêm hạ. Cho nên sông biển sở dĩ có thể làm vua của trăm suối ngàn khe, là vì nó khéo ở chỗ thấp, nên biển mới làm vua muôn sông. Trong thiên hạ, không gì mềm yếu hơn nước, nhưng những cái cứng rắn, bền chắc, không gì có thể thắng được nước, đó là đức ôn nhu. Cho nên, nhu thắng cương, nhược thắng cường (nghĩa là: mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh). Ông nên ghi nhớ: Không tranh với đời, thì trong thiên hạ không có người nào tranh với mình, đó là học theo đức của nước đó. Nước gần với Đạo: Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không làm lợi. Nước tránh nơi cao mà xuống chỗ thấp, chưa từng chảy ngược, đó là khéo tìm chỗ đứng. Nơi trống rỗng thì nước tĩnh lặng trong vắt, sâu không thể dò, đó là khéo làm vực sâu. Tổn hao mà không suy kiệt, thi ân mà không cầu báo, đó là khéo làm điều nhân. Dòng nước bị vây tròn thì nó sẽ quay tròn, bị vật vuông chắn thì nó sẽ rẽ ra chảy, bị bịt lại ắt sẽ dừng, mà khơi ra ắt sẽ chảy, đó là khéo giữ chữ tín. Cho nên, bậc Thánh nhân hành sự theo thời thế, bậc hiền giả ứng với sự việc mà đổi thay, bậc trí giả vô vi mà trị sửa, bậc đạt giả thuận theo lẽ Trời mà sinh sống”.
Khổng Tử nói: “Lời của tiên sinh khiến đệ tử cả đời không thể nào quên. Đệ tử sẽ tuân theo không trễ nải để cảm tạ ân đức tiên sinh”. Nói rồi, Khổng Tử cáo biệt Lão Tử.
Trở về nước Lỗ, các đệ tử hỏi Khổng Tử: “Thầy bái kiến Lão Tử, có gặp được không?”. Khổng Tử nói: “Gặp được!”. Đệ tử lại hỏi: “Lão Tử như thế nào?”. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó biết bay, cá, ta biết nó biết bơi, rồng hiện ra giữa gió mây, ta không biết nó bay lên hay xuống. Lão Tử là rồng chăng?”.
(Còn tiếp)
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch