Đại Kỷ Nguyên

Lấy nhân đức làm gốc: Lợi ích cho dân, hưng thịnh cho nước (P.2)

Tự cổ chí kim, bậc quân vương có được thiên hạ là nhờ nhân đức, mà đánh mất thiên hạ cũng là bởi không có lòng nhân…

Mạnh Tử nói: “Thời Tam Đại đắc được thiên hạ là bởi nhân đức, mất thiên hạ là bởi bất nhân. Quốc gia hưng thịnh, suy bại, hay tồn vong cũng như thế. Thiên tử bất nhân, không thể giữ được quốc thổ khắp bốn biển. Chư hầu bất nhân, không giữ được xã tắc. Khanh đại phu bất nhân, không giữ được tông miếu. Sỹ thứ dân bất nhân, không giữ được tứ thể. Ngày nay ghét tử vong mà lại thích bất nhân, cũng như ghét say mà lại thích uống rượu vậy”.

Ngũ Cử luận: Đài thì đẹp mà nước lại nguy

Danh thần của nước Sở là Ngũ Cử nổi tiếng với lời bình luận về đài Chương Hoa mỹ lệ, từ đó có thể nhìn ra ý nghĩa trọng đại của việc thi hành nhân đức đối với quốc gia.

Sở Linh Vương dốc tiền của công sức xây dựng đài Chương Hoa mỹ lệ. Xây dựng xong, Sở Linh Vương lại cùng Ngũ Cử leo lên đài và nói: “Đài này thật đẹp quá!”.

Ngũ Cử nói:

“Thần nghe nói quốc quân coi tiếp nhận lộc Trời là cái đẹp, coi an định bách tính làm niềm vui, coi nghe theo và trọng dụng người đức hạnh làm thông minh, coi người nơi xa đến quy phục là sáng suốt. Thần chưa từng nghe coi xây dựng đài cao lớn, rường điêu khắc cột hoa văn làm cái đẹp, coi tấu nhạc chung khánh sênh tiêu hoành tráng, và huyên náo làm niềm vui. Thần chưa từng nghe coi bày biện rộng rãi xa xỉ và đắm say trong nữ sắc làm sáng suốt, coi giỏi phân biệt âm nhạc trong hay đục là thông minh”.

Ngũ Cử thẳng thắn khuyên vua. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

“Cái gọi là đẹp, chính là không gây hại đối với người trên kẻ dưới, đối với người trong kẻ ngoài, đối với người lớn kẻ nhỏ, đối với người xa kẻ gần, đó mới gọi là đẹp. Nếu dùng cặp mắt nhìn có vẻ rất đẹp nhưng sử dụng tiền của bừa bãi khiến quốc khố trống rỗng, vơ vét của cải của dân để bản thân giàu có mà khiến dân chúng bần cùng thì có gì là đẹp đâu?

Là quốc quân, nên sống cùng dân chúng, dân chúng bần cùng rồi thì sao quốc quân có thể giàu có được? Hơn nữa, con người mà tư dục quá nhiều thì sẽ khiến đạo đức nhân nghĩa suy giảm. Không thực thi được đạo đức nhân nghĩa sẽ khiến dân trong nước ưu sầu phản lại, các chư hầu cũng kháng mệnh chống đối. Sự tôn quý của thiên tử là ở chỗ ông tôn công hầu đứng đầu bá quan, để bá, tử, nam tướng đứng đầu đoàn quân. Thiên tử có danh tiếng là ở chỗ ông thực thi nhân mỹ đức cho người khắp xa gần, khiến các nước chư hầu lớn nhỏ được yên định.

Nếu dùng tài sản dân chúng để thỏa mãn tư dục bản thân, khiến dân chúng lo lắng mất đi sự yên vui thì sẽ sinh ra tâm xa cách mà chống lại. Như vậy tội ác tạo thành sẽ rất lớn, vậy đẹp vui con mắt có tác dụng gì? Nếu quân chủ cho rằng cái đài này vô cùng đẹp, xây dựng rất phù hợp, thế thì nước Sở đã nguy hiểm rồi đó!”.

Từ luận thuật của Ngũ Cử, có thể thấy mấu chốt thịnh suy tồn vong của một quốc gia là ở việc thi hành đạo đức nhân nghĩa. Làm trái với điểm này thì quốc gia đó sao có thể thịnh trị bình an lâu dài được?

Theo Minh Huệ Net
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version