Đại Kỷ Nguyên

Lấy trộm một cây kim bị… tử hình

Tục ngữ có câu “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”. Nếu cám dỗ đầu tiên đó không được coi trọng thì cuối cùng sẽ trở thành thủ phạm đầu sỏ đánh gục chúng ta.

Có lẽ rất nhiều người biết câu chuyện này. Có một người khi còn nhỏ lần đầu tiên lấy trộm đồ là lấy một cái kim. Người mẹ thấy chỉ là một cái kim mà thôi nên cũng không giáo dục bảo ban con. Thế là cậu bé sau này lấy trộm hết thứ này đến thứ khác.

Sau này khi lớn lên, đồ lấy trộm càng ngày càng lớn.

Cuối cùng trong một lần lấy trộm bị chủ nhà phát hiện ra, anh ta đã lỡ tay đánh chết chủ nhà, bị tống giam và xử án tử hình.

Trên pháp trường, anh ta khóc lóc nói với người mẹ: “Lần đầu con lấy trộm cây kim, nếu mẹ nghiêm khắc trừng phạt con thì hôm nay con đã không bị tử hình”.

Tục ngữ có câu “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”. Nếu cám dỗ đầu tiên đó không được coi trọng thì cuối cùng sẽ trở thành thủ phạm đầu sỏ đánh gục chúng ta.

Con người một khi đã buông thả mình một lần thì sẽ có vô số lần sau này. Trong cuộc sống, rất nhiều người đang nói cần kiên trì, nhưng thực sự làm được kiên trì thì rất ít người. Tại sao như thế?

Trong làng có cụ Xuân từ mùa thu năm 1982 bắt đầu chạy bộ, liên tục duy trì đến nay đã mấy chục năm. Làm thế nào mà cụ thực hiện kiên trì được như thế?

Những người đã từng kiên trì chạy bộ đều gặp phải trạng thái như thế này. Hôm nay bận quá không chạy. Hôm nay mệt quá mai chạy tiếp. Hôm nay tâm trạng không tốt, không muốn chạy… Nhưng khi có lý do lần thứ nhất thì dễ dàng từ bỏ kiên trì, cuối cùng thường sẽ từ bỏ hoàn toàn.

Nhưng cụ Xuân trong làng không như vậy. Cụ nói: “Bởi vì không muốn chạy bộ nên phải đi chạy”. Bởi vì xưa nay chưa từng có một lần ‘lười biếng’ nào, do đó cụ đã kiên trì đến ngày nay.

Kiên trì làm một việc đến cùng thực sự rất khó, bởi vì chúng ta luôn có những lúc không muốn làm, luôn tìm lý do cho mình, khiến bản thân ở trong trạng thái an dật.

Nhưng cho dù kiên trì một việc là rất khó thì cũng tuyệt đối chớ có ý nghĩ từ bỏ lần đầu tiên, bởi vì đã từ bỏ một lần thì lần thứ hai sẽ càng dễ bỏ hơn.

Khi làm một công việc gì, cho dù là việc lớn hay nhỏ mà bởi vì không kiên trì được đến cùng, chỉ còn một chút nữa là thành công thì cũng coi như chưa làm. (Ảnh minh họa: tinhhoa.net)

Hiệu ứng cửa sổ hỏng

Nhà tâm lý học Philip Zimbardo của trường Đại học Stanford Mỹ đã tiến hành thực nghiệm vào năm 1969 như sau. Hai chiếc xe hơi giống nhau như đúc, để một chiếc tại khu vực tầng lớp trung lưu ở Palo Alto, California, còn chiếc xe kia để ở nơi khá tạp nham là quận Bronx, New York.

Với chiếc xe ở Bronx, ông tháo biển số ra, mở mui xe ra. Kết quả chiếc xe bị lấy trộm mất ngay trong ngày.

Còn chiếc xe ở Palo Alto, để đó một tuần mà không có ai để mắt tới.

Sau này Zimbardo dùng dùi sắt đập vỡ mấy lỗ trên kính xe. Kết quả chỉ sau vài giờ, chiếc xe biến mất.

Trên cơ sở thực nghiệm này, nhà chính trị học Wilson và nhà tội phạm học Kailyn đã đề xuất lý luận “Cửa sổ hỏng” như sau:

Một căn hộ, nếu cửa sổ hỏng không có ai sửa chữa thì một thời gian không lâu các cửa sổ khác cũng bị người ta phá hỏng một cách khó hiểu. Trên một bức tường, nếu xuất hiện hình vẽ bẩn mà không được tẩy sạch thì rất nhanh chóng trên bức tường đó xuất hiện những thứ loạn bát nháo không thể nào coi được.

Ở một nơi rất sạch sẽ thì mọi người đều không nỡ vứt rác. Nhưng một khi trên mặt đất xuất hiện rác thì mọi người đều không do dự gì mà vứt bừa bãi, hoàn toàn không cảm thấy xấu hổ chút nào.

Đây chính là biểu hiện của “Lý luận cửa sổ hỏng”.

***

Đồ vật tốt thì mọi người đều hết sức giữ gìn. Nhưng đồ vật tốt một khi có vết xấu hỏng thì mọi người đều tự giác làm cho nó càng xấu hỏng hơn.

Để một vật vốn rất tốt đẹp trở thành xấu hỏng, thường do một hành vi xem ra là rất nhỏ gây ra. Giống như một lần đến muộn, không bị trừng phạt, sau đó trở thành thói quen đến muộn. Một lần hạ thấp yêu cầu của bản thân, cuối cùng trở thành không có yêu cầu với mình nữa.

Khi chúng ta tìm lý do một lần cho một việc nào đó, chủ động từ bỏ kiên trì, thì tiếp theo sẽ là lần thứ 2, lần thứ 3.

Bởi vậy, chớ cho mình một cơ hội buông lỏng bản thân, chớ phá hỏng một cánh cửa sổ của nhà mình.

Nam Phương
Theo Apollo

Xem thêm:

Exit mobile version