Đại Kỷ Nguyên

Lễ nhạc giáo hóa có thể hòa đồng lòng dân, thay đổi phong tục, khiến quốc thái dân an

Các nước Á Đông cổ đều có nền văn minh văn hóa rực rỡ, được ca ngợi là ‘Lễ nghi chi bang’, có nghĩa là ‘Quốc gia của lễ nghi’. Dùng lễ nhạc để giáo hóa muôn dân đã thành truyền thống hàng ngàn năm nay, là sự bổ sung hoàn hảo cho nền “Đức trị”.

Tương truyền, từ khi Bàn Cổ khai thiên tịch địa đã sáng tạo ra khúc nhạc vũ “Trường cổ”. Nữ Oa sáng tạo ra khúc nhạc vũ “Sung nhạc”. Vua Phục Hy sáng tạo ra khúc nhạc vũ “Phù lai”. Vua Thần Nông sáng tạo khúc nhạc vũ “Phù lê”. Từ thời Hoàng Đế trở đi có các khúc nhạc vũ “Hàm trì”, “Đại chương”, “Thiều”, “Nam phong”, “Đại hoạch” và “Đại vũ”. Các triều đại khác nhau, các quốc gia khác nhau cũng có âm nhạc đặc trưng riêng của mình.

Các bậc Thánh vương đều biết rõ, tâm con người có gốc thiện, và cũng có nguồn ác. Muốn ngăn chặn cái ác, khơi dậy cái thiện, cứu rỗi, quy chính nhân tâm thì chỉ có Thiên Đạo. Con người khi mới sinh ra thì bản tính thiện lương yên tĩnh, có cảm ứng với sự mê hoặc của ngoại vật mà sinh ra tình cảm yêu ghét. Tình cảm yêu ghét nếu không được điều tiết chế ngự thì sẽ bị ngoại vật đồng hóa mà mất đi bản tính bình hòa thiện lương tiên thiên. Thế là tà niệm sinh sôi nảy nở, không ngừng truy cầu tư dục, tà ác phóng túng, không việc gì mà không làm. Như vậy thiên hạ sẽ đại loạn. Thế là các bậc Thánh vương căn cứ vào Đạo trung hòa của Trời Đất mà chế định ra lễ nhạc. Nhạc để quy chính tâm con người, lễ để quy chính hành vi con người. Dùng lễ nhạc để điều chỉnh nhân tâm thống nhất đến Đạo của Trời Đất: trung chính bình hòa.

Trong “Lễ ký – Nhạc ký” có viết: “Nhạc hòa đồng với Thiên Địa, lễ cùng tiết chế với Trời Đất”. Âm nhạc tốt đẹp cao thượng hòa đồng cùng Thiên Địa. Lễ nghi hưng thịnh văn minh cùng trật tự với Trời Đất. Hòa đồng đức cùng Trời Đất chính là đức âm, nhã nhạc, chính thanh. Không hợp với Trời Đất chính là tà tịch, chính là nịch âm (âm mê đắm), dâm thanh (tiếng dâm loạn). Các bậc Thánh vương dùng nhạc hòa đồng đức với Trời Đất để điều hòa tâm trí con người, dùng lễ hòa cùng trật tự của Trời Đất để tiết chế hành vi con người. Tâm trí hành vi con người đều phù hợp với Đạo của Trời Đất thì tự nhiên thiên hạ sẽ thịnh trị, quốc thái dân an.

Người xưa dùng nhạc để quy chính tâm con người. (Ảnh minh họa: read01.com)

Tác dụng to lớn của âm nhạc

Cổ nhân từ lâu đã nhận thức được: Trung hòa trong Đạo Trời chính là quy luật tự nhiên, thuận theo nó thì thịnh vượng mà nghịch với nó thì diệt vong. Do đó mới có giáo huấn: “Vật cực tất phản, quá cũng giống như chưa đạt, ngôn hạnh trung hòa, nắm cái trung dung, giữ cái chân chính”.

Lễ nhạc do các bậc Thánh vương chế định trung chính tường hòa, cùng đức, cùng trật tự với Trời Đất. Đồng hóa với Trời Đất, do đó cũng có Pháp lực vô biên như Trời Đất vô vi mà thành, vô ngôn mà tín, không nổi giận mà uy nghiêm.

Sách “Thượng thư – Ích tắc” có viết: “Tấu nhạc Thiều 9 chương, phượng hoàng đến múa”. Khúc nhạc Thiều thời Ngu Thuấn, diễn tấu liên tục 9 chương thì phượng hoàng bay đến, nhảy múa theo điệu nhạc. Tiêu Sử và Lộng Ngọc thổi sênh thổi tiêu, cảm hóa Trời Đất, khiến rồng đỏ phượng tía bay đến, hai người cưỡi rồng phượng song song bay đi, thành Tiên bay lên Trời. Nhã nhạc còn có thể cảm ứng Thiên Địa, Thần linh giáng hạ biểu thị cát tường, nữa là cảm hóa nhân tâm.

Do đó các bậc Thánh vương cổ đại đều rất coi trọng lễ nhạc giáo hóa, đều dùng nhạc: đức âm, nhã nhạc, chính thanh để điều hòa quy chính nhân tâm, rồi anh bang định quốc.

Đối với cá nhân mà nói, nhã nhạc có thể điều hòa tinh thần, yên định thân thể, thiện hóa lòng người, nâng cao cảnh giới đạo đức của con người. Khi ở nước Tề Khổng Tử nghe và tập nhạc Thiều, 3 tháng không biết mùi thịt. Khổng Tử cảm thán rằng: “Không ngờ nghe âm nhạc lại đến mức như thế này”.

Tương truyền, Sư Khoáng chơi đàn thì ngựa quên gặm cỏ, ngẩng đầu nghiêng tai lắng nghe; chim đang tìm mồi cũng quên bay, nghển cổ mê say, đánh rơi cả con mồi đang ngậm trong miệng. Như thế đủ thấy tác dụng to lớn sâu sắc của nhã nhạc có thể cảm hóa vạn vật.

Truyền thuyết kể rằng Sư Khoáng chơi đàn cổ cầm có thể thông thấu tới Thần linh. (Ảnh minh họa: wanxing.com)

Lễ nhạc giáo hóa có thể hòa đồng lòng dân, thay đổi phong tục, khiến quốc thái dân an

Tử Du, đệ tử của Khổng Tử làm quan ở Vũ Thành, chú trọng dùng lễ nhạc giáo hóa bách tính. Trong thành thường xuyên nghe thấy tiếng đàn hát. Khi gặp Khổng Tử, Tử Du nói: “Con thường nghe Phu tử nói: ‘Người quân tử (vua quan) học lễ nhạc sẽ biết thương yêu con người, kẻ tiểu nhân (bách tính) học lễ nhạc sẽ biết hòa thuận’. Sở dĩ con dùng lễ nhạc để giáo hóa bách tính, chính là để họ có tu dưỡng. Hiện nay bách tính trong thành đều coi trọng lễ nghĩa nhường nhịn nhau, cùng chung sống hòa thuận. Đây chính là mục đích ban đầu khi con trị sửa chính sự”.

Khổng Tử nghe xong vô cùng vui mừng. Dưới sự cai quản của Tử Du, Vũ Thành luôn luôn thái bình yên định.

Nhã nhạc giáo hóa nhân tâm hơn bách vạn hùng binh

Thời vua Thuấn có tộc người Miêu (người Mèo) không phục, Đại Vũ muốn dùng vũ lực thảo phạt. Vua Thuấn nói: “Không được, nền chính trị nhân đức giáo hóa chưa đủ mà động binh dùng vũ lực thì không hợp với Đạo trị quốc”. Thế là vua Thuấn tu sửa nền chính trị nhân đức giáo hóa 3 năm khiến mọi người cầm khiên búa mà nhảy múa, dùng nhạc vũ mỹ đức thay thế vũ lực giáo hóa đối phương. Cuối cùng bất chiến nhi khuất nhân chi binh (không chiến tranh mà khuất phục quân đội đối phương), khiến người Miêu hàng phục.

Khổng Tử chu du liệt quốc, đến đất Khuông bị người Khuông bao vây trùng trùng, tình thế càng ngày càng khẩn cấp. Các đệ tử đều hoảng sợ, Khổng Tử vẫn đánh đàn hát ca, âm thanh không ngớt. Tử Lộ bước vào thấy vậy nói: “Phu tử tại sao vui vẻ như vậy?”

Khổng Tử nói: “Lại đây, để ta nói cho con hay. Ta lẩn tránh cảnh khốn cùng cũng đã lâu rồi, nhưng không thể tránh khỏi phải chịu cảnh khốn cùng, đây chính là vận mệnh vậy. Ta cầu được hanh thông hiển đạt cũng đã lâu rồi, nhưng luôn luôn không hanh thông hiển đạt, đó là thời vận chưa đến vậy. Vào thời đại vua Nghiêu vua Thuấn, thiên hạ không có người chịu cảnh khốn cùng, không phải vì họ đặc biệt thông minh. Vào thời đại vua Kiệt vua Trụ, thiên hạ không có người hanh thông hiển đạt, không phải họ không thông minh, mà do thời vận tạo thành. Bơi lội trong nước mà không tránh giao long, đó là cái dũng của ngư phủ. Đi lại trên đất mà không tránh tê ngưu, mãnh hổ, đó là cái dũng của thợ săn. Đao kiếm giao tranh trước ngực, coi cái chết như sự sống, đó là cái dũng của tráng sỹ. Biết chịu cảnh khốn cùng là trong mệnh đã chú định, hanh thông hiển đạt là do thiên thời tạo thành, đối diện với đại nạn mà không sợ hãi, đó mới là cái dũng của bậc Thánh nhân! Trọng Do, cứ điềm nhiên như không có gì đi. Vận mệnh của ta chịu sự ước thúc của ông Trời”.

Trong lúc nguy nan Khổng Tử vẫn thản nhiên gảy đàn cùng chúng đệ tử. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Thế là Khổng Tử gảy đàn, Tử Lộ và chúng đệ tử hát phụ họa. Chẳng bao lâu, người thủ lĩnh nhóm người bao vây kia đến xin tạ tội, rút quân, giải vây.

Nhã nhạc đức âm là thứ người quân tử dùng để tu dưỡng đạo nghĩa. “Đức thành nhi thượng, nghệ thành nhi hạ”, nghĩa là: khi một người tu dưỡng đạo đức thành tựu, có đạo đức cao thượng, thì người đó đã đạt được thành tựu lớn. Khi một người đạo đức chưa tu dưỡng đủ, chỉ luyện được kỹ năng cao siêu, thì người đó chỉ đạt được thành tựu nhỏ bé thấp kém mà thôi.

Sức mạnh của đạo đức vĩnh viễn vượt xa kỹ năng. Bậc Thánh nhân quân tử Đạo cao đức trọng muốn hàng phục những kẻ vô đạo đức mỏng thì tự khắc sẽ không tốn chút công sức nào. Vua Thuấn tấu nhạc nhảy múa liền hàng phục được người Miêu. Khổng Tử gảy đàn liền giải được vòng vây. Gia Cát Lượng mở cửa thành đánh đàn đẩy lui quân địch, cũng chẳng phải đều là như thế đó sao?

Khổng Tử nói: “Cho nên khi người ở xa không phục thì hãy tu văn đức”. Văn đức chính là “văn trị” ngược lại với “võ công”, chính là dùng lễ nhạc giáo hóa. Công hiệu của “văn trị” dùng lễ nhạc giáo hóa thực sự vượt xa “võ công” tổn hao nhân mạng và tài sản bất đắc dĩ mới phải dùng đến. Do đó, quân tử tu thân trị quốc bình thiên hạ, lễ nhạc không thể xa rời thân giây phút nào.

Theo minghui.org
Triêu Lộ biên dịch

Exit mobile version