Là dân Việt Nam, hẳn không ai là không biết đến ông, người được mệnh danh là vị vua hiền minh nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Dưới thời ông trị vì, nước nhà thịnh trị, lân bang thần phục, quân sự hùng mạnh với binh uy áp chế bốn cõi, ngay cả nhà Minh cũng không dám vọng động. Trí tuệ của ông gồm cả quân sự, chính trị, kinh tế, thi ca…, không gì không thông hiểu, không gì không làm được. Vì sao ông có thể thành tựu được nhiều việc vĩ đại đến vậy?
“Quân quyền Thần thụ”, thiên tử chính là con Trời, là thụ mệnh Trời mà cai trị nhân gian, nên một vị chân mệnh thiên tử lẽ tự nhiên phải có trí tuệ và hiểu lòng Trời thì mới có thể giữ cho triều đại của mình thịnh trị lâu dài. Lê Thánh Tông chính là một vị vua như thế. Ông tuân theo Đạo Trời, tôn kính Thần Phật, nên triều đại của ông là triều đại cường thịnh nhất và cũng là giai đoạn ghi nhận nhiều giai thoại liên quan đến Thần Tiên và linh giới nhất. Tương truyền, Lê Thánh Tông là tiên đồng thác sinh từ thiên giới xuống trần gian trị vì nước Nam. Trong loạt bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm về gốc gác Thần Tiên của ông, xem có thấu hiểu được thiên cơ thú vị nào không nhé.
Cũng bởi có nguồn gốc Thần Tiên, nên không ít lần Lê Thánh Tông có cơ duyên gặp lại những cố nhân đến từ thiên thượng. Giai thoại đó còn ghi lại trong “Thánh Tông di thảo” gọi là “Lãng Bạc phùng Tiên” (gặp Tiên ở hồ Lãng Bạc).
Nói về thân thế ông, sách “Thánh Tông bản kỷ” chép rằng:
“Khi xưa Ngô thái hậu sắp đến ngày sinh, nằm mộng thấy đến điện Ngọc hoàng Thượng đế. Thượng đế bảo một tiên đồng giáng sinh làm con thái hậu. Tiên đồng có ý ngần ngại không chịu đi. Thượng đế giận, cầm hốt ngọc ném vào trán chảy máu. Tỉnh dậy thì sinh Thánh Tông, trên trán có vết như đã trông thấy trong giấc mộng”.
Bởi thế chúng ta biết rằng có lẽ tiền thân Thánh Tông có quen biết người tiên thổi địch trong truyện.
Vì giai thoại rất dài nên chỉ trích ghi nơi đây những đoạn thú vị nhất khi Thánh Tông đối đáp với vị Tiên này để làm rõ hơn tiền thân của ông.
Lòng kiêu hãnh của vương tử bay đâu mất khi chỉ với một câu nói mà Tiên nhân kia đã làm cho thái tử tạm thời quên mất vinh hoa nơi cõi trần:
“Ta bảo tiểu tốt hỏi to rằng:
– Khách thổi địch là ai vậy? Ty chức muốn bơi thuyền đến gần, xin ngài hoãn chèo để được theo kịp.
Người thổi địch nghe tiếng, quay lại nói:
– Tôi đã biết ông là con vua rồi! Nhưng đêm nay gặp tiết Vạn thọ, mệnh vua như sấm sét, há dám chậm trễ phút giây. Nếu vương tử muốn nghe địch thì đến đêm 21 tháng 9 có thể hẹn nhau ở chốn này. Tôi sẽ gắng bơi thuyền sánh đôi cùng vương tử.
Nói xong phóng thuyền đi nhanh như tên bay, không kịp hỏi lại, chỉ nghe tiếng địch trong gió thoảng qua. Thật là phóng khoáng xuất thần, làm cho ta quên cả ngôi cao vạn thặng.
Ta ngồi nghĩ: “Đêm nay có khánh tiết gì mà người ấy lại nói như thế? Hoặc giả nói thác để lấy cớ từ chối chăng? Hay là thần thánh gì đây?”
Kinh rợn, lạnh toát cả người, ta bèn sai tiểu tốt quay thuyền lên bờ về phủ nằm nghỉ. Nhưng nằm không yên giấc thắp đèn lên ngồi. Một mình bâng khuâng nghĩ rằng: “Ta ở địa vị Đông cung là bậc quý, sau này sẽ lên ngôi nam diện là bậc tôn, cả thiên hạ cung phụng một người giàu sang còn gì bằng nữa? Tại sao chỉ nửa thuyền hăng tỏ, khúc địch véo von, đã làm cho ta thay đổi, coi thường mọi vị trân cam không bằng một bầu mây nước. Nỗi lòng này là do từ đâu?”
Ngồi cho đến sáng, không hề chợp mắt”.
Tài năng thổi địch trên trần gian chưa hề thấy qua:
“Đoạn rút ống địch đeo ở lưng, thổi cho ta nghe. Thổi bài “Quan san”, thổi bài “Chiết liễu”, phảng phất như khúc “Hải phong độc tọa”, xúc động lòng người lìa xa quê cũ, cách biệt phòng loan. Vụt chuyển sang khúc “Đại hải ba đào”, dữ dội như giông tố, như sóng đổ ầm ầm, khiến cho người kinh hoàng khủng khiếp. Thế rồi lại dào dạt mênh mang, như muốn cho ta biết cái cảnh rủ áo chắp tay, nghĩ sao tìm cho được người bề tôi vun quén giúp mình. Sau cùng tiếng địch du dương êm dịu, điệu thưa tiếng chậm, tản vào làn gió, là là trên mặt nước, mơ màng như trông thấy cảnh chim bay cá lượn trong hồ, hoa thơm cỏ lạ hầu như chìm đắm trong hơi đầm ấm của tiếng địch. Có khác gì cái cảnh thanh danh đầy rẫy ở trong nước, tỏa ra khắp miền mọi rợ không đâu không được đội ân quang?
Nghe xong mấy khúc địch, ta nhìn ra mặt nước thì thấy sen trắng nở đầy, hương thơm ngào ngạt. Lúc ấy tâm thần sảng khoái, cảm giác đê mê, tưởng như đương mùa tháng năm tháng sáu”.
Muốn đem phú quý ràng buộc người, nhưng câu nói của Tiên nhân khiến nhà vua tương lai tỉnh ngộ:
“Nói xong, khách sai tiểu đồng rót rượu cùng uống. Chén toàn vàng ngọc, rượu rất thơm tho, táo lớn bằng quả dưa, đào có vân như gấm. Uống rượu ăn quả thật thú vị. Ta thường ăn những vị bát trân, nhưng không thứ nào được ngon như thế. Thoạt còn ngờ là đạo sĩ cao tay, chưa biết là Tiên, nên ta bảo rằng:
– Thiếu niên phóng khoáng như chàng, có lẽ ngày nay chỉ có một người. Thật là ngựa bạch câu ở nơi hang vắng. Nếu muốn bay nhảy như chín ngựa bác trên đường Văn Vương, thì ta có thể tiến cử chàng lên làm bạn với thái tử. Chúng ta sẽ là người đồng điệu, sớm hôm gần gũi với nhau. Lại nhờ kiến thức của người hiền mà có thể bổ trợ cho ta những điều thiếu sót. Đợi khi ta lên ngôi đại bảo, sẽ trao cho trọng quyền, ban cho áo mặc trăm hoa, thức ăn năm vạc, thê phong tử ấm, há không hơn ngao du ngoài cõi đòi ru?
Khách lắc đầu đáp rằng:
– Vương tử không biết nghĩ, vừa vướng lưới trần đã bị niềm tục làm mê đến thế! Xưa nay có vua nào sống được vạn năm đâu? Tôi xin nói cho vương tử nghe, may ra vương tử nhớ được tiền thân chăng. Kìa: đài cao tàn vàng, ra thì đường tất, vào thì khua chuông, thảm lông, lầu rồng, nắm quyền cương của trời mà cầm quả ấn bằng ngọc, không phải là không cao quý. Nhưng so với xe mây, ngựa hạc, sáng đón mặt trời ở bể khơi, chiều trông mây núi ở Vu Giáp, thì đằng nào phóng khoáng hơn? Hải vị sơn hào, đủ thức trân cam trong bốn biển, gầm trời mặt đất, ai nấy quy phục về một người, thiên hạ còn ai hơn nữa. Nhưng so với rượu ngọc chén quỳnh, ăn tinh hoa của muôn loài cây cỏ, cùng những thứ bàn đào ba ngàn năm khai hoa, ba ngàn năm kết quả, thì đằng nào quý giá hơn? Núi non gấm vóc, ta làm chủ ông, đất sạch dòng trong, ta làm chỗ nghỉ; phàm những nơi cánh đồng loan phượng, non sông khuê bích trong bầu trời, đều có vết chân ta đi tới. Nếu so với phận định từ trời, trị vì có hạn, thì ai rộng, ai hẹp, ắt thấy rõ ràng.
Huống chi lá sen làm áo, mo rụng làm mũ, áo trời không may mà đường khâu tuyệt diệu. Thơ ngâm ngàn cuốn, ở rừng hổ báo không lo; rượu quẩy một bầu, vượt biển ba đào không sợ. Ngâm trăng hát gió, thân rồng phượng há nhọc tinh thần; cũ đổi mới thay, chốn bồng doanh kéo dài ngày tháng. Kìa những người nát óc nhọc thân, một ngày muôn việc, bốn cõi hoặc có nơi ngang ngạnh, một người hoặc không được đội ơn, thì trời chưa sáng đã mặc áo, bóng tới trưa mới được ăn, cải trang du hành, suốt ngày chưa xong việc, chỉ những lo nghĩ mà già. So ra ai bận ai nhàn, cũng thấy rất rõ. Được một ngày nhàn rỗi, thì dù đem ngôi vạn thặng mà đổi cũng không thiết, huống chi là bạn với thái tử, huống chi là được trao trọng quyền?”
Lời bàn:
Tiên và Phàm dẫu cho có nhìn nhau nơi đối diện, dẫu là gần trong gang tấc mà thực ra là cách biệt xa xôi như Trời và Đất. Đơn giản đó chính là khác biệt về cảnh giới vĩnh viễn không thể xóa nhòa. Vì sao mà có thể thành Tiên? Vì vứt bỏ dục vọng chốn nhân gian, thanh tu luyện tâm mà thành Đạo quả, nên sáng có thể cưỡi mây mà ngao du bốn biển, chiều lại nương gió mà thăm viếng chốn Thiên cung. Nên mới nói chính dục vọng khiến cho Tiên hóa Phàm chôn lẫn trong bùn đất vậy, quên đi bản Tâm vốn sáng rực như bầu trời không chút mây.
Người càng địa vị cao càng nhiều chấp trước. Càng không buông bỏ càng lún càng sâu. Những gì là hoành đồ bá nghiêp thỏa chí nam nhi, đều là tự huyễn hoặc bản thân, coi khổ làm vui khiến cho người ta quên đi con đường trở về. Cậu Tiên đồng năm xưa giờ quen bả vinh hoa, chẳng những bỏ ngoài tai lời điểm hóa của bạn Tiên mà còn toan dùng phú quý nơi cõi tạm hòng lung lạc Đạo tâm người khác chăng? Đây không phải khác biệt về đẳng cấp, mà là tầng thứ sinh mệnh giữa hai cõi không cách nào xóa nhòa. Nên con người dẫu là vua thì cũng quả là đáng thương vậy.
Tĩnh Thuỷ