Trong ấn tượng của chúng ta, Tế Công là vị hòa thượng ăn mặc rách rưới, thích ăn thịt uống rượu và hay giúp đỡ người đời. Vậy mà, vị tăng điên ấy lại thần thông quảng đại và chứng đắc được quả vị La Hán – Vậy thực hư như thế nào?
Tế Công (1130–1207), tên thật là Lý Tu Duyên, là một nhân vật có thật trong lịch sử. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, sống vào thời kỳ đầu triều đại Nam Tống. Năm 18 tuổi, ông xuất gia tại chùa Linh Ẩn ở thành phố Hàng Châu, lấy pháp danh là Đạo Tế.
Tương truyền Tế Công vốn là Hàng Long La Hán, vì mắc lỗi nên phải chuyển sinh xuống trần, chịu khổ để trả nghiệp, đồng thời tu luyện quay trở về. Chuyện xưa kể rằng từ lúc ông sinh ra đã xuất hiện nhiều chuyện kỳ lạ ám chỉ một lai lịch phi thường.
Đài sen rơi xuống đất, La Hán chuyển thế
Theo ghi chép trong “Tế Công toàn truyện”, một ngày nọ ở La Hán đường của chùa Quốc Thanh có một người đàn ông tên là Lý Mậu Xuân tới thắp hương cầu tự. Sau khi vái lạy bốn bức tượng La Hán, ông bỗng thấy tượng thần trên đài sen rơi xuống đất. Tính Không trưởng lão của chùa Quốc Thanh thấy vậy liền nói: “Thiện tai, thiện tai! Xin chúc mừng Lý viên ngoại sắp sinh quý tử, bần tăng nhất định sẽ tới chúc mừng ông”.
Lý viên ngoại về đến nhà và thuật lại câu chuyện cho vợ. Không lâu sau Vương thị vợ ông mơ thấy một vị La Hán tặng cho mình đóa hoa sen ngũ sắc. Bà đón nhận hoa rồi nuốt vào bụng, hai tháng sau thì mang thai. Trước thời khắc cậu bé chuyển sinh, gia đình Lý viên ngoại xuất hiện luồng ánh sáng màu đỏ bao phủ cả căn phòng, khắp nơi thoang thoảng một hương thơm kỳ lạ.
Từ khi sinh ra, cậu bé cứ ngặt nghẽo quấy khóc ròng rã mãi không thôi. Đến khi phương trượng Tính Không từ chùa Quốc Thanh đến thăm, ông nhìn thấy vẻ mặt lo lắng của Lý viên ngoại, bèn hỏi: “Chúc mừng viên ngoại đã sinh quý tử, xin hỏi cậu bé khỏe mạnh bình an chứ?”
Viên ngoại thở dài rầu rĩ đáp: “Không hiểu sao từ khi sinh ra tới giờ, thằng bé cứ khóc lóc không ngớt. Trưởng lão, ngài có diệu kế gì xin chỉ dạy giúp tôi với?”.
Tính Không phương trượng nói: “Xin ông hãy vào trong, bế lệnh công tử ra cho bần tăng xem, bần tăng sẽ tìm ra nguyên nhân và xử lý giúp ông”.
Lý viên ngoại liền vào trong rồi bế con trai ra ngoài. Cậu bé vô cùng đáng yêu, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, ngũ quan xinh đẹp nhưng lại khóc nỉ non không ngớt. Nhưng khi vừa nhìn thấy Tính Không hòa thượng, cậu bé không những nín khóc mà còn nở nụ cười.
Lão hòa thượng chạm nhẹ tay vào đỉnh đầu của đứa bé, nói: “Chớ cười, chớ cười, lai lịch của ngươi ta biết rất rõ”.
Từ đó, như có phép màu đứa bé không còn khóc nữa. Tính Không hòa thượng nói với viên ngoại: “Ta muốn nhận đứa bé này làm đồ đệ và đặt tên là Lý Tu Duyên”. Viên ngoại gật đầu đồng ý và ẵm đứa bé vào trong, sau đó lại đích thân chuẩn bị chay tịnh cho hòa thượng.
Chỉ gặp một lần là nhớ mãi
Thời gian trôi qua thật mau, thoáng chốc Lý Tu Duyên đã lên 7 tuổi. Cậu bé càng lớn càng ít nói ít cười, lại không bao giờ chơi đùa với đám trẻ trong thôn. Khi con trai đến tuổi đi học, Lý viên ngoại mời tú tài Đỗ Quần Anh tới dạy học ngay tại nhà của mình.
Từ nhỏ, Lý Tu Duyên đã tỏ ra có trí nhớ siêu phàm, không những vậy lại có thể đọc sách nhanh như gió, học vấn và tài năng rất xuất chúng. Nhận thấy sự khác thường của cậu bé, thầy dạy không ngớt lời khen ngợi: “Đứa trẻ này sau này sẽ trở thành bậc hiền tài của đất nước”.
Năm 14 tuổi Lý Tu Duyên đã thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh, Chư Tử Bách Gia. Cậu cũng thường xuyên làm thơ với khẩu khí vô cùng khoáng đạt. Đặc biệt, Lý Tu Duyên vô cùng kính ngưỡng Phật pháp, ham hỏi học đạo. Bất kể gặp được cuốn kinh thư nào cậu cũng ngồi xuống đọc say sưa.
Năm Lý Tu Duyên vừa tròn 18, song thân phụ mẫu lâm bệnh nặng rồi qua đời, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do người cậu Vương An Sĩ lo liệu. Cũng từ đó, cuộc sống của cậu đã rẽ sang một con đường mới.
Nhìn thấu cõi hồng trần, lập chí xuất gia
Một ngày nọ, Lý Tu Duyên đến thăm mộ, khấn vái hương hồn cha mẹ lần cuối rồi để lại một phong thư trên mộ trước khi phiêu bạt nơi chân trời.
Đã 2 ngày trôi qua mà vẫn không thấy cháu trai trở về, Vương An Sĩ lo lắng cho người đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng chỉ thấy phong thư của cháu trai để lại, bên trong vẻn vẹn đôi lời nhắn nhủ: “Tu Duyên đi đây, xin cậu đừng cho người tìm nữa. Tới năm cậu cháu ta hội ngộ, cả hai khắc sẽ tự biết thôi”.
Biết cháu một lòng hướng Phật nên người cậu thường lui tới chùa chiền am miếu dò hỏi, thậm chí nhờ người dán cáo thị, nhưng suốt ba tháng trời đều không thấy tăm hơi.
Lại nói về Lý Tu Duyên, sau khi rời khỏi nhà cậu liền ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn khắp nhân gian. Khi đến thành Hàng Châu, cậu đến xin xuất gia vào một ngôi miếu nhưng không ai dám giữ lại. Khi đi đến chùa Linh Ẩn ở Tây Hồ, Tu Duyên vào gặp lão phương trượng và tỏ ý muốn xuất gia. Vị phương trượng này vốn là Cửu thế tỉ khâu tăng Minh Nguyên Không trưởng lão, hiệu là Viễn Hạt Đường.
Biết đây chính là Tây Thiên kim thân Hàng Long La Hán giáng thế độ nhân, Minh Nguyên Không trưởng lão bèn dùng gậy gõ 3 cái vào đầu Lý Tu Duyên để khai mở thiên môn. Nhờ ba gậy cảnh tỉnh này, Lý Tu Duyên mới biết được nguồn cội của mình, sau đó bái Nguyên Không trưởng lão làm thầy, lấy tên là Tế Công.
Cũng từ đó Lý Tu Duyên đột ngột trở nên điên điên khùng khùng, vì thế người trong chùa gọi ông là hòa thượng điên, bên ngoài còn gọi ông là Tế tăng điên. Tế Công mặc dù điên khùng, nhưng lại rất tốt tính, hành thiện trừ ác, tế thế cứu nhân, lưu lại cho hậu thế những câu chuyện thần kỳ.
Tế Công có thể triển hiện thần thông, giúp đỡ những kẻ khốn cùng, viện trợ người đang hoạn nạn, nhưng lại để mặc cho bản thân ăn mặc rách rưới và chịu đói rét. Vì sao lại như vậy? Phật gia giảng rằng, mỗi người đều có duyên nghiệp phải trả, ngay cả người tu hành trong thế gian cũng không thể thoát khỏi nợ nghiệp. Khi xưa Phật Thích Ca khai ngộ dưới cội bồ đề, cũng phải hứng chịu lời chửi rủa từ một người đàn bà do nghiệp nợ kiếp trước. Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Thích Ca Mâu Ni, mặc dù thần thông đệ nhất, trong nháy mắt có thể lên thiên đường, trong nháy mắt có thể xuống địa ngục, nhưng cũng đành đứng yên cho người trần đánh đập vì nghiệp lực từ các đời tích lại là không thể không hoàn trả. Biết được nguyên lý này, Tế Công không dùng thần thông để tự giúp mình, ông vẫn chấp nhận bị đuổi khỏi chùa Linh Ẩn, sau đó vân du khắp dân gian, chịu đói chịu rét, hoàn trả hết tội nghiệp rồi mới chứng đắc được thân vàng La Hán. Vì hay hành thiện giúp đời, dân gian yêu thích gọi ông là “Tế Hòa Thượng”.
Dùng công năng chuyển gỗ từ giếng cổ
Tương truyền sau khi rời khỏi chùa Linh Ẩn, hoà thượng Tế Công đã đến chùa Tịnh Từ đảm nhiệm việc sao chép kinh thư. Ở nơi đây cũng có rất nhiều chuyện kỳ thú liên quan đến ông.
Diệu Tung thiền sư là trụ trì đời thứ 29 của chùa Tịnh Từ. Với mong muốn tu sửa lại chùa chiền nên ông rất cần sự quyên góp của dân chúng và phật tử thập phương. Biết Tế Công văn ngôn bén nhạy, ông liền nhờ viết một bảng cáo thị nói rõ mục đích của mình.
Tế Công nói: “Trưởng lão đã có lời như vậy, tôi không dám chối từ. Chỉ là rượu không say văn thơ không thể thông suốt. Kính thỉnh trưởng lão thưởng một bình rượu để trợ giúp hành văn”.
Trưởng lão liền cho người mua rượu, Tế Công rất vui vẻ uống rượu xong rồi đứng dậy vung bút thành văn. Bảng cáo thị sau khi dược dán lên đã kinh động toàn bộ thành Hàng Châu rồi nhanh chóng lưu truyền rộng khắp, ngay đến cả Hoàng đế Nam Tống cũng không thể không đọc. Hoàng đế đọc thấy những lời diệu ngữ, liền phái người mang đến 3 vạn quan tiền cung tiến cho chùa Tịnh Từ trùng tu.
Diệu Tung trưởng lão tạ ơn hoàng ân rồi lại cùng Tế Công bàn bạc việc đi Tứ Xuyên mua gỗ về trùng kiến chùa. Khi đó, vì không đủ phương tiện chuyển gỗ từ nơi xa như thế về để kịp xây chùa, Tế Công hoà thượng đã nhận nhiệm vụ này bất chấp sự cười nhạo của các vị sư khác. Ông nói: “Tôi sẽ nghĩ cách, Tứ Xuyên cách đây những 900 dặm, chi bằng hãy để tôi uống say, ba ngày sau sẽ có gỗ tốt để dùng”.
Thế là Tế Công lại uống đến say mềm và ngủ liền ba ngày. Khi tỉnh lại ông đột nhiên hô to: “Gỗ đã đến! Gỗ đã đến!”. Trưởng lão nghe thấy, hỏi: “Gỗ ở đâu?”.
Tế Công nói: “Gỗ được vận chuyển từ sông Tiền Đường tới giếng, hiện đã ở trong chùa rồi. Xin trưởng lão hãy cho người xuống giếng, làm cái trục quay để kéo từng khúc từng khúc lên là được”. Một lát sau quả nhiên những khúc gỗ rất to nổi trên mặt nước trong giếng.
Các vị tăng sư cùng kéo gỗ lên, cứ kéo khúc này lên thì khúc khác lại xuất hiện trong giếng. Kéo đến khúc thứ 70, thì người thợ mộc đứng bên cạnh nói: “Đã đủ rồi!”, vừa dứt lời thì không thấy khúc gỗ nào trong giếng nữa.
Từ đó về sau, cái giếng nơi kéo gỗ được gọi là “giếng Thần Vận”, cũng gọi là “giếng cổ vận chuyển gỗ”. Bên cạnh giếng còn xây một cái đình và khúc gỗ cuối cùng được đặt xuống đáy giếng. Người ta thường thắp nến rồi dùng dây thả xuống để quan sát khúc gỗ này. Giếng cổ đã trở thành một trong những di tích cổ thu hút nhất của chùa Tĩnh Từ.
Ngày 16 tháng 5 triều đại Nam Tống Khai Hi năm thứ 2 (năm 1206), Tế Công viên tịch trong tư thế ngồi thiền. Trước khi viên tịch ông làm bài thơ rằng:
Lục thập niên lai lang tạ
Đông bích đả đảo tây bích
Ư kim thu thập quy lai
Y cựu thủy liên thiên bích
Tạm dịch:
Sáu mươi năm đời ta tan tác
Tường phía đông xô tường phía tây
Góp nhặt mãi vẫn về tay trắng
Nước liền trời biếc một màu mây.
Sau khi ông viên tịch, thi thể ông được chôn cất tại núi Đại Từ ở Tây Nam Hàng Châu, sau đó người dân ở đây cũng xây tháp viện Tế Công hai tầng lầu.
Theo NTDTV
Kiên Định biên dịch
Xem thêm: