Người ta thường cho rằng chó là một trong những loài động vật sớm nhất được con người thuần hóa. Trong xã hội ngày nay, chó được rất nhiều người nhìn nhận là ‘người bạn tốt nhất của con người’. Quan điểm này cũng phổ biến trong rất nhiều xã hội cổ đại, bao gồm ở Trung Quốc. Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, chó đóng một số vai trò quan trọng, không chỉ trong đời sống hàng ngày của người dân, mà còn trong các câu chuyện thần thoại của họ.
Loài chó trong cung Hoàng Đạo của Trung Quốc
Loài chó đã được người Trung Quốc vinh danh trong hàng ngàn năm qua là một trong 12 loài động vật (12 con giáp) trong cung Hoàng đạo của Trung Quốc. Những người được sinh ra vào năm Tuất được cho là sở hữu những tính cách như trung thành, đáng tin, và tử tế, những phẩm chất thường được liên hệ với loài chó. Lấy ví dụ, người Trung Quốc có một câu nói nhằm nêu bật sự trung thành của loài chó là “cẩu bất hiềm gia bần, nhân bất hiềm mẫu sửu”, dịch nôm na là ‘chó không chê chủ nghèo, con không chê mẹ xấu’.
Sự tôn trọng dành cho loài chó có lẽ nổi trội hơn trong những truyền thuyết của các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc. Lấy ví dụ, hai dân tộc thiểu số là người Dao và người Dư tôn thờ một chú chó với cái tên Bàn Hồ như tổ tiên của họ. Theo một trong những truyền thuyết của họ, chú chó Bàn Hồ thuộc quyền sở hữu của Đế Cốc, một trong Ngũ Đế. Một lần, khi Đế Cốc vướng vào rắc rối trong một cuộc chinh chiến, Bàn Hồ đã giết chết viên tướng của quân địch, và mang đầu của viên tướng này trở lại. Như một phần thưởng, Đế Cốc đã gả con gái cho Bàn Hồ. Chú chó này đã mang người vợ mới cưới đến vùng núi ở phía nam Trung Quốc, và tại đó họ đã sinh hạ nhiều đứa con. Do vậy, hai tộc người Dao và Dư có một tục lệ là không ăn thịt chó.
Chó như một nguồn cung cấp thực phẩm và trong tế lễ
Tuy rằng chủ đề này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, nhưng thịt chó đã được một số người Trung Quốc nhìn nhận là một món ăn khoái khẩu. Theo các tư liệu ghi chép của Trung Quốc cổ đại, chó không chỉ là một người bạn đồng hành trong các chuyến đi săn và bảo vệ chủ, mà nó cũng đã được sử dụng trong các nghi thức và tế lễ, và thậm chí còn là một nguồn cung cấp thực phẩm. Lấy ví dụ, vào thời nhà Thương (1766 TCN–1122 TCN), người ta sẽ hiến tế loài chó sau khi hoàn thiện xong mỗi công trình cung điện, lăng tẩm, hay lăng mộ. Ngoài ra, loài chó từng bị giết và chôn đằng trước những căn nhà, hay đằng trước các cổng thành để xua đuổi tà ma hoặc điều xấu. Tuy nhiên qua thời gian, khi việc hiến tế chó thật trở nên ít phổ biến hơn, người ta đã sử dụng chó rơm thay vào đó.
Như một món ăn, thịt chó được phục vụ tại các buổi yến tiệc, và thậm chí được dâng lên nhà vua. Nhiều người cho rằng ăn cá rán trong mỡ chó sẽ làm giảm thiểu cái nóng trong những ngày hè. Ngoài ra, có lưu truyền cho rằng vua thường dùng thịt chó vào mùa xuân, vì nó được cho là có tác dụng giảm căng thẳng mệt mỏi.
Không phải luôn là người bạn tốt nhất của con người
Tuy rằng loài chó đã được vinh danh, và là một loài động vật hữu ích trong xã hội Trung Quốc cổ đại, nhưng hình tượng về loài chó cũng có những lúc không được tốt. Lấy ví dụ, theo một truyền thuyết nhằm giải thích sự xuất hiện của hiện tượng nhật thực và nguyệt thực, có một loài động vật được biết đến với cái tên Thiên Cẩu. Chú chó này thường xuyên đói bụng, và sẽ nuốt chửng Mặt Trăng và Mặt Trời. Kẻ thù truyền kiếp của Thiên Cẩu là Trương Tiên, vị thần phụ trách sinh đẻ của người Trung Quốc. Trương Tiên sẽ bắn tên về phía Thiên Cẩu để xua đuổi nó.
Ngoài ra, người Trung Quốc cũng có một số câu nói miêu tả không mấy tốt đẹp về loài chó. Lấy ví dụ như ‘Cẩu chủy lý thổ bất xuất tượng nha, Cẩu khẩu lý sinh bất xuất tượng nha’, nghĩa là ‘miệng chó không thể mọc được ngà voi, kẻ xấu không thể nói được lời tử tế’. Một thành ngữ khác là “Cẩu giảo Lữ Động Tân, bất thức hảo nhân tâm’, nghĩa là ‘chó cắn Lã Động Tân, không biết lòng người tốt’. Lữ Động Tân là một trong Bát Tiên, mà lại bị chó cắn (cẩu giảo) nghĩa là sao? Câu này muốn ám chỉ tình huống khi những người tốt, tài đức bị thế gian rẻ rúng, ngược đãi, ám hại…
Nhìn chung, hình ảnh về loài chó có lúc tốt, có lúc không tốt. Mặc dù là một loài động vật được ưa chuộng, và góp mặt trong 12 cung hoàng đạo của người Trung Quốc, tuy nhiên cũng có các miêu tả không tốt về loài động vật này, chủ yếu là trong các câu ngạn ngữ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dậy sóng với tình trạng bạo hành loài chó. Lấy ví dụ, ở Lễ hội ăn thịt chó ở Ngọc Lâm, một lễ hội được tổ chức thường niên ở thị trấn Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, người ta đã ước lượng rằng có khoảng 10.000 – 15.000 con chó bị giam giữ, nhốt trong những chiếc lồng nhỏ, và giết lấy thịt. Các tổ chức bảo vệ động vật cả trong lẫn ngoài Trung Quốc đã và đang triển khai các chiến dịch nhằm chấm dứt những lễ hội tàn khốc như thế này.
Vấn nạn ăn thịt chó mèo thường niên ở Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc:
Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: