Đại Kỷ Nguyên

Loạn thần chuyển sinh trung thần, cha Trương Anh hai lần mơ thấy Vương Đôn

Bức tranh “Thải phố phong huyên” của Đổng Cáo thời nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Cha của Trương Anh, Trương Bỉnh Di, phát hiện một triệu lượng vàng bạc trong vườn rau của mình, dù nghèo khó, ông chỉ dùng số tiền này để cứu trợ thiên tai trong tương lai

Vào thời nhà Thanh, các bậc trưởng bối ở Đồng Thành dạy con cháu, học trò rằng: “Đọc sách cầu học, đặc biệt nên tích đức. Hãy xem trong những danh nhân của Đồng Thành chúng ta, tổ tiên của họ tích đức càng hậu, thì hậu đại cũng phát triển càng thịnh vượng.”

Trong số những danh nhân ở Đồng Thành, nổi tiếng nhất thuộc về gia tộc hàn lâm Văn Thụy Công Trương Anh. Trương thị là lục đại hàn lâm, tức là thành viên của Học viện Hoàng gia trong sáu thế hệ, vinh dự này là chưa từng có trong triều đại nhà Thanh. Hứa Phụng Ân, một người gốc Đồng Thành vào thời nhà Thanh, đã ghi lại một câu chuyện về gia tộc họ Trương trong cuốn sách “Lý Thặng” của mình, bắt đầu từ thời điểm Vương Đôn đầu thai làm Trương Anh, con trai của nhà họ Trương.

Nhìn thấy nhà họ Trương phúc đức, Vương Đôn tới chuyển sinh đầu thai

Trương Anh (thụy hiệu Văn Đoan, 1637-1708, hiệu Lạc Phố, Phố Ông), đại học sĩ kiêm lễ bộ thượng thư thời nhà Thanh, là người Đồng Thành, An Huy. Tự của ông là Đôn Phục, Mộng Đôn, cái tên này thực chất là ghi lại tiền kiếp của ông – duyên phận hai lần Vương Đông chuyển sinh đầu thai vào nhà họ Trương.

Cha của Trương Anh, Trương Bỉnh Di là một tú tài cuối thời nhà Minh, trước khi con trai chào đời, ông nằm mơ thấy Thần sai một quý nhân y phục mũ miện bảnh bao đến gặp mình, nói rằng mình là Vương Xử Trung thời nhà Tấn.

Vương Sở Trung là ai? Ông là Vương Đôn, một đại quyền thần trong triều đại nhà Tấn và là anh họ của Vương Đạo. Cùng nhau, họ đã hiệp trợ Tư Mã Duệ kiến lập chính quyền Đông Tấn. Vương Đôn sinh ra trong gia tộc họ Vương ở Lang Da, lịch sử ghi lại rằng Vương Đôn có nét mặt sáng sủa, tính tình hoang dã, không chịu câu thúc, có năng lực nhận biết ưu nhược điểm của con người và sự vật. Vương Đông giữ chức phò mã đô úy, vợ là Tương Thành công chúa, con gái của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm. Vương Đôn luôn có tâm đoạt quyền, sau khi đắc chí, lại càng tàn bạo ngạo mạn, tiến tới phát động chính biến, sử gọi là ‘Vương Đôn chi loạn”. Sau này đoạt quyền không thành, đã chết bệnh trong thời gian phản loạn, thọ 59 tuổi.

“Tấn thư” kể rằng Vương Đôn có công lớn trong việc thành lập nhà Tấn nhưng lại có động cơ thầm kín, cậy thế lực của mình mà xấc xược kiêu ngạo, vượt quá bổn phận, xâm phạm bắt nạt hoàng thất; Ông mưu đồ cướp nước, sát hại người trung lương, tự đi vào tuyệt lộ. 

Vào đêm Trương Ông mơ thấy Vương Đôn, quả nhiên trong nhà có một bé trai được sinh ra, Trương Ông rất vui mừng. Con trai dần lớn lên, khí phách hiên ngang, thông minh lanh lợi. Tuy nhiên, đứa con trai này khi mới 10 tuổi thì đột ngột qua đời, Trương Ông vô cùng đau buồn.

Vài năm sau, Trương Ông lại mơ thấy một quý nhân y miện bảnh bao lần trước đến nói với ông: “Tôi đã tìm khắp thiên hạ, không thể tìm thấy nhà nào phúc đức như nhà Trương Ông, tôi sẽ lại đến nhà ông, sẽ không rời đi đâu nữa.” Chẳng bao lâu sau, Trương Anh ra đời, lời nói, việc làm, ngoại hình và cách cư xử đều giống hệt như đứa con trai trước nên Trương Ông đặt cho nó tự là “Đôn Phục”, còn gọi là “Mộng Đôn”, tên gọi là Anh.

Sau khi Trương Băng Di sinh được Trương Anh, ông lại có thêm một đứa con trai. Ông dạy hai con trai đọc sách và bồi dưỡng phẩm hành tốt.

Trương Ông phúc trạch nhân gian, tạo phúc cho con cháu

Trương Ông đến già cũng không thể đạt được công danh trong khoa cử, sinh kế gia đình ngày càng khó khăn. Một ngày nọ, khi đang xới đất trồng rau, ông đột nhiên phát hiện một căn hầm chứa đầy vàng bạc, không dưới trăm vạn lượng. Ông tự hỏi: “Mình chỉ là một thư sinh, phúc khí bạc nhược như vậy, đột nhiên lại có được số tiền khổng lồ như vậy, làm sao có thể nhận được phúc khí này?”

Vì vậy, ông quyết định niêm phong chỗ vàng bạc dưới vườn rau lại để sau này dùng vào việc hành thiện giúp người. Mãi đến khi già yếu, ông mới kể chuyện này cho hai con trai: “Các con phải đợi đến năm nào nạn đói, mới được đào ra để cứu tế nạn dân. Các con phải hoàn thành di nguyện cuối cùng của cha. Nếu vi bội giáo huấn của ta, khởi tham niệm không chính đáng, con cháu sẽ không thịnh vượng!” Hai người con trai bật khóc, hứa với cha sẽ kiên thủ di huấn của cha mình.

Vài năm sau khi Trương Ông qua đời, ở địa phương xảy ra nạn đói nghiêm trọng, Trương Anh và em trai theo di chúc của cha, đào một cái hầm trong vườn rau, tìm thấy vàng bạc mà cha họ đã nói.

Thế là họ đến gặp quan ấp lệnh và kính cẩn bày tỏ tâm nguyện cuối cùng của cha mình, đồng thời sẵn sàng dùng số vàng bạc trong hầm để cứu tế người dân đang đói khổ. Ấp lệnh vốn là người hiền minh đức độ, nhưng vì không thể giải quyết được nạn đói mà đau khổ, nghe được những lời hai anh em họ nói, ông vui mừng khôn xiết, đích thân đi giám sát việc thu gom vàng bạc trong vườn rau của nhà họ Trương. Quả nhiên đúng như dự đoán, một trăm vạn lượng vàng bạc được lấy ra, dùng toàn bộ số tiền đó dùng để cứu đói, người được cứu tế nhiều đến mức không đếm xuể.

Sau khi sự việc kết thúc, ấp lệnh muốn thỉnh cầu triều đình ban thưởng cho hai anh em, nhưng cả hai người đều kiên quyết từ chối.

Một buổi sáng sớm, một người dân địa phương nhìn thấy có người vác trên vai hai chiếc giỏ đựng những báu vật như trang sức san hô và pha lê, mỗi chiếc to bằng quả mơ, xếp chồng lên nhau như những hạt cườm, không biết đó là thứ gì. Có người hỏi người vác giỏ: “Mang cái này đi đâu vậy?” Người đàn ông đó trả lời: “Mang đến nhà họ Trương.”

Trương Anh kính cẩn thận trọng, có phong thái của một đại thần cổ xưa

Sau đó không lâu, vào năm Khang Hy thứ sáu (1667), Trương Anh thi trúng tiến sĩ bảng vàng, tuyển thứ cát sĩ, thụ biên tu, sau này làm quan đến Văn Hoa Điện đại học sĩ kiêm Lễ bộ thượng thư. Sau này, các con trai của ông cũng lần lượt trở thành đại học sĩ, một thời anh em con cháu nhờ khoa cử mà thăng lên chức vị hiển quý, con số nhiều bất tận. Hóa ra san hô và những bảo vật khác nhìn thấy trên đường đều là những vật phẩm trên mũ quan cao, rất nhiều chiếc mũ quan này được trao cho nhà họ Trương, điều này báo trước đức trạch của nhà họ Trương sẽ được hoàn lại bằng phúc trạch vô cùng lớn, có thể kéo dài trong nhiều đời.

Từ Trương Anh đến chắt đời thứ sáu của ông, có 13 tiến sĩ trong sáu thế hệ, trong đó 12 người vào Hàn lâm viện. Vào năm thứ 16 dưới thời trị vì của Thanh Thánh Tổ Khang Hy, Trương Anh vào Trực Nam thư phòng làm thị giảng cho Khang Hy. Hoàng đế Khang Hy rất thích Trương Anh, mỗi lần tuần du Nam uyển và thăm thú bốn phương đều phải có Trương Anh tùy tùng, khi đó hầu hết các chiếu mệnh của Hoàng đế Khang Hy đều xuất ra từ tay Trương Anh. Trong giảng đường của triều đình, Trương Anh đã nói về tất cả những gì ông biết về sinh kế của người dân, bệnh tật, lũ lụt và hạn hán bốn phương. Thánh Tổ khen ngợi ông: “Trương Anh luôn kính cẩn thận trọng, có phong thái của một vị đại thần cổ đại.” Trương Anh kỳ vọng điều gì ở bản thân? Trong phòng làm việc của ông có một câu đối tự viết: “Độc bất tận giá thượng cổ thư, dục yếu thời thời nỗ lực; Tố bất tận thế gian hảo sự, tất tu khắc khắc tồn tâm.”, ý tứ là dù không thể đọc hết sách cổ trên kệ, nhưng bạn phải nỗ lực chăm chỉ mọi lúc; dù bạn không thể làm được tất cả những điều tốt đẹp trên thế gian, nhưng bạn phải luôn luôn lưu tâm làm việc thiện.

Sau khi Trương Anh cáo lão hồi hương, ông vẫn thời thời khắc khắc tồn tâm giúp đỡ người khác. Ông chia số tiền sinh hoạt phí kiếm được trong một năm thành mười hai phần, mỗi tháng dùng một phần, cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, sau đó với số tiền thừa, khi biết gia đình ai đó đang gặp khó khăn hoặc cần tiền gấp, ông liền rút tiền ra tiếp tế cho người ta. Khi ông đi trên đường núi, dù gặp người tiều phu gánh củi, ông cũng luôn khiêm nhường bước sang một bên và để người tiều phu đi trước.

Mỹ đức khiêm nhường lễ tiết lưu tiếng thơm nhân gian

Ở huyện Đồng Thành có một di tích lịch sử tên là “Hẻm Sáu Xích” dài hơn 100 mét và rộng hai mét. Cổng chào cao đứng ở lối ra ở hai đầu hẻm, cổng chào ở một đầu ghi “Ý Đức Lưu Phương” (懿德流芳) và đầu kia ghi “Lễ Nhượng” (禮讓). Theo “Đồng Thành huyện chí lược”, con hẻm này là nhờ Trương Văn Đoan Công mà có.

Cạnh quê của Trương Anh có một khoảng đất trống, sau này người hàng xóm họ Ngô xây tường để chiếm khoảng đất trống này, hai nhà tranh chấp mãi không thôi. Người nhà Trương Anh sau đó gửi thư về kinh thành để “cáo trạng” với Trương Công, sau khi viết thư trả lời, Trương Công đã viết một bài thơ. Bài thơ nói:

一紙書來只為牆,讓他三尺又何妨。
長城萬里今猶在,不見當年秦始皇.

Nhất chỉ thư lai chỉ vi tường, nhượng tha tam xích hựu hà phương.
Trường Thành vạn lý kim do tại, bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng.

Tạm dịch
Phong thư đến chỉ vì tường,
Nhường ông ba thước có phương hại gì,
Trường Thành vạn lý bất di,
Tần Hoàng giờ có còn gì nữa đâu.

Sau khi Trương gia nhận được thư, họ đã nhường lại ba xích, nhà họ Ngô cảm động, cũng lễ nhường ba xích, vì vậy giữa hai nhà đã hình thành “Hẻm Sáu Xích”. Văn Đoan Công Trương Anh đã lưu lại di đức và lễ nhượng tại nhân gian.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version