Đại Kỷ Nguyên

Lợi dụng Phật Pháp kiếm tiền, khinh nhờn Thần Phật gặp liền tai ương

“Nhân quả báo ứng, thiện ác hữu báo”, người lợi dụng Phật Pháp, phỉ báng tăng nhân sẽ không chỉ hại người mà còn hại chính mình.

Quả báo khác nhau giữa việc phỉ báng và tín ngưỡng Thần Phật

Huyện Trường An, châu Đường Ung có một người tên Cao Pháp Nhãn, là cháu cố của quan bộc xạ Cao Dĩnh đời nhà Tùy. Ngày 25 tháng Giêng năm thứ ba niên hiệu Long Sóc, ông đến Trung Đài tham gia ứng tuyển, đến giữa trưa mới bắt đầu quay về. Nhà ông nằm ở một góc phía đông nam phường Nghĩa Ninh, mặt tiền đối diện với phố phường, mặt phía tây nằm kề ngôi chùa Hóa Độ.

Cao Pháp Nhãn xuất phát từ cổng Thuận Nghĩa ở Thành Tây ra khỏi thành. Sau khi ra khỏi cửa thành, con đường phía bắc đi qua chùa Phổ Quang. Nhưng dọc đường bỗng có hai người cưỡi ngựa theo sau, một người nói với người còn lại rằng: “Nhất định phải bắt người này ngay trước cổng chùa Phổ Quang, đừng để hắn đi vào trong chùa, nếu không sẽ không bắt được nữa”.

Người kia nghe vậy, bèn phi ngựa đến trước cổng chùa Phổ Quang chờ sẵn ở đó. Cao Pháp Nhãn nghe thấy, sợ mình sẽ không thể đi vào trong chùa, liền vội vàng rẽ về hướng tây, đi đến phường Kim Thành, bởi ở cổng nam của con phố phía tây có chùa Hội Xương.

Lúc này, lại có bốn kỵ mã chạy tới, nói với hai người cưỡi ngựa đi trước rằng: “Các ông mau mau đến trấn giữ ở cổng chùa Hội Xương”. Hai người đó vội vàng thúc ngựa đến trước cổng chùa Hội Xương. Cao Pháp Nhãn thấy thế rất lấy làm sợ hãi, bèn hỏi người cưỡi ngựa: “Các ông là ai, sao lại bức ép tôi như vậy?”. Người cưỡi ngựa nói: “Chúng ta phụng lệnh Diêm Vương đến bắt nhà ngươi”. Cao Pháp Nhãn biết họ là quỷ, cố tìm cách thoát thân, khiến mấy vị minh quan nổi giận. Một người túm lấy tóc của Cao Pháp Nhãn, chặt mất búi tóc của ông, tóc của ông bên bết máu rơi xuống đất.

Cao Pháp Nhãn phi ngựa đến con phố phía tây rồi bất ngờ ngã ngựa mà chết. Trong lúc mơ màng, ông thấy hàng nghìn người đang vây quanh bàn tán. Có vị quan sai đi tuần hỏi thăm vì duyên cớ gì đám đông lại tụ tập nơi này, một người bẩm lại với quan sai đầu đuôi ngọn ngành của sự tình, vị quan sai liền cử người đem thi thể về dịch quán.

Mấy ngày sau, Cao Pháp Nhãn đột nhiên tỉnh dậy, nói với người nhà rằng:

“Tôi đã xuống địa ngục, rồi bị Diêm La vương trách mắng rằng: ‘Nhà người khi còn ở chùa Hóa Độ, sao lại lấy trộm trái cây của các tăng nhân? Nhà ngươi phải nuốt 400 viên sắt nung, trong 4 năm phải nuốt hết. Thế là, một vị minh quan lại dẫn tôi đi, tôi không có chút sức lực để kháng cự, đành phải ở địa ngục nuốt viên sắt nung. Khi tôi vừa mới bắt đầu nuốt, cổ họng mở ra rồi co lại, thân thể co quắp biến thành màu đỏ. Một ngày ở cõi người hẳn là một năm dưới địa ngục, nên từ ngày 26 tháng Giêng đến ngày 29 tháng Giêng, 4 ngày ấy tôi đã nuốt xong hết rồi.

Cao Pháp Nhãn kể lại trải nghiệm dưới địa ngục của mình. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Sau khi nuốt xong, tôi mới tỉnh lại, Diêm La Vương lại hỏi: ‘Nhà ngươi sao lại bất kính Tam Bảo? Còn dùng những lời lẽ xấu xa mắng chửi tăng nhân. Bây giờ ngươi còn phải chịu hình phạt bị cày lưỡi một năm’. Đến buổi sáng ngày 30 tháng Giêng, tôi lại chịu hình phạt bị cây sắt cày lưỡi. Tôi nhìn thấy lưỡi của mình dài ra mấy dặm, mặc dù người bên cạnh nhìn thì thấy chỉ dài hơn một thước. Diêm La Vương sai quỷ dùng chiếc rìu sắt lớn chặt đứt cuống lưỡi, nhưng không hiểu sao lại không chặt đứt được. Diêm La vương bèn sai quỷ dùng cưa mà cưa đứt, sau đó cho vào nồi nấu, nhưng lại nấu không nát. Diêm La Vương lấy làm kinh ngạc, liền hỏi tôi. Tôi nói, rằng tôi từng đọc qua Kinh Pháp Hoa. Diêm La Vương sai người kiểm tra sổ công đức của tôi, quả nhiên thấy chép rằng tôi đọc một bộ Kinh Pháp Hoa, do đó Diêm La Vương mới thả tôi về”.

Sau chuyện này, cả nhà của Cao Pháp Nhãn đều tín ngưỡng Phật Pháp, cố gắng tu hành.

Lợi dụng Phật Pháp kiếm tiền bất chính, khinh nhờn Thần Phật gặp ác báo

Trong nước Bắc Tề thời Nam Bắc triều có một hòa thượng tên là Yến Thông. Hoà thượng Yến Thông dù đã xuất gia làm tăng nhân, nhưng lại không chân chính tu hành. Ông ta yêu tiền như mạng sống, tính toán mọi cách để tích cóp tài sản, đặc biệt là dốc hết tâm cơ lợi dụng tín ngưỡng của mọi người đối với Thần Phật để phát tài.

Lúc đầu hoà thượng Yến Thông đi khắp nơi hóa duyên, khuyên bảo mọi người quyên tiền đúc tượng Phật, rằng quyên càng nhiều tiền thì tích được công đức càng lớn. Người thời đó đều tín phụng Thần Phật, vậy nên số người quyên tiền cũng nối liền không dứt. Đến khi tiền tích cóp được nhiều rồi, ông liền lấy ra một phần để đúc bức tượng Phật lớn bằng đồng. Mọi người nhìn thấy thành quả số tiền quyên góp được, nên đối với ông càng thêm tín phục.

Tiếp đó ông khuyến khích mọi người đến thắp hương bái Phật, bố thí tiền tài, và nói rằng đây là tích công đức cho bản thân. Có rất nhiều thiện nam tín nữ thà nhịn ăn nhịn xài, cũng cam nguyện quyên góp tiền tài bái Phật. Có người cầu xin trong nhà có thêm con cháu, có người cầu xin phát lộc phát tài, có người cầu khỏi bệnh… Mỗi lần có vị thí chủ nào bố thí nhiều tiền, hòa thượng Yến Thông đều chúc nguyện anh ta được Thần Phật phù hộ, muốn gì được nấy. Nhưng từ tận đáy lòng ông lại ôm ấp giấc mộng phát tài. Sau đó ông lấy toàn bộ số tiền làm của riêng, không chỉ tiêu xài phung phí ra, mà còn nhiều lần gửi về nhà tích trữ.

Hoà thượng Yến Thông khoác áo Cà Sa nhưng lại lợi dụng tín ngưỡng của mọi người đối với Thần Phật để phát tài. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Lâu dần những lời thì thầm to nhỏ bắt đầu nổi lên, mọi người đều bàn tán về hòa thượng Yến Thông, dần dà người đến quyên tiền càng ngày càng ít. Đến khi không có ai đến chùa lễ bái, hoà thượng Yến Thông không nén nổi cơn giận dữ đang sục sôi mà giơ cây gậy lên đánh tượng Phật. Trước khi cây gậy giáng xuống, trong miệng ông vẫn còn buông lời oán hận nguyền rủa, rằng vì sao tượng Phật không còn mang đến tiền tài cho ông như trước nữa.

Chính ngay lúc cây gậy sắp giáng xuống, một vị Thần mặc áo giáp vàng hiện ra sừng sững trước mặt Yến Thông. Thần Kim Giáp thân cao hai trượng, mũ vàng áo bạc lấp lánh ánh quang, trên tay cầm cây giáo dài, giận dữ nhìn Yến Thông mà lớn tiếng mắng rằng: “Kẻ bại hoại nhà ngươi, sao dám khinh nhờn tượng Phật? Thật đúng là tội đáng muôn chết!”. Vừa dứt lời, vị Thần liền nhấc Yến Thông lên, lấy cây thiết trượng đánh xuống tới tấp, khiến ông ta thương tích đầy mình, máu không ngừng chảy. Yến Thông năn nỉ cầu khẩn vị Thần tha tội, tiếng kêu thét lớn đến mức trong ngoài đều nghe thấy được. Mọi người vội vàng chạy đến, bất cứ ai khi chứng kiến tình cảnh này đều không khỏi cảm thán. Sau khi Yến Thông bị đánh đến thâm tím mình mẩy, vị Thần mới thả ông ta xuống rồi biến mất.

Nhiều ngày sau đó, vết thương trên người Yến Thông không những không lành lại, mà còn lở loét ngày càng lớn. Bên ngoài vết loét lớn như quả hạnh đào, máu chảy đầm đìa, khắp mình sưng đỏ, giống như bị lửa đốt vậy. Hoà thượng Yến Thông cứ như vậy kêu rên ngày đêm, máu vẫn không ngừng chảy. Sau trăm ngày chịu đủ mọi thống khổ ông mới có thể qua đời. Nói ra cũng thật khó tin, ngay trước khi hoà thượng Yến Thông nhắm mắt, căn phòng bỗng lún xuống vài thước, khiến mọi người ai nấy đều tự hỏi: Phải chăng ông đã xuống địa ngục tiếp tục chịu khổ hình rồi?

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version