Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một ông trưởng giả rất giàu có lại có được người vợ xinh đẹp hiền đức, cuộc sống của ông vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, bất hạnh bỗng nhiên ập đến: ông lập gia đình một thời gian lâu mới sinh được một đứa con trai, đứa bé mới chào đời đã mắc một căn bệnh nặng.

Trên da cậu bé mọc những mụn nhọt độc hại khiến nó gào khóc cả ngày. Gia đình ông trưởng giả đã mời đến bao nhiêu danh y cũng đều lắc đầu chịu thua. Cậu bé cứ đêm ngày khóc la vì đau đớn, tiếng khóc gào rên rỉ làm náo động tới bà con làng xóm nên người ta đặt tên cho cậu bé là “Khóc Gào”.

Gần nhà cậu có một ông hàng xóm già, ông nghe tiếng rên la đau đớn của Khóc Gào thì động lòng trắc ẩn, bèn tìm đến nhà cậu thăm hỏi và nói rằng:

“Tôi nghe rất nhiều người về khen ngợi tán thán rằng tại tinh xá Kỳ Viên có một vị Đại Y Vương, bệnh trên thân hoặc bệnh trong tâm của chúng ta Ngài đều có thể chữa trị được hết. Ngài có phương tiện thần thông nhiệm màu, bệnh của cậu có trầm trọng đến đâu cũng sẽ tức khắc lành, cậu nên mau mau tìm đến Ngài cầu xin chữa bệnh”.

Khóc Gào nghe nói thế thì vui mừng khôn xiết, vội mang tấm thân bệnh hoạn tìm đến tinh xá Kỳ Viên xin được gặp Đức Phật.

Khi Khóc Gào nhìn thấy dung mạo uy nghi của Đức Phật, cậu hân hoan tán thán ngay. Những đau đớn khổ não của cậu giảm thiểu đi rất nhiều, cậu lập tức gieo cả năm vóc xuống đất lễ bái Đức Phật.

Đức Phật từ bi thuyết giảng Phật Pháp cho Khóc Gào. Cậu nghe Phật thuyết pháp xong thì mọi phiền não tiêu tan, bèn sám hối mọi tội lỗi mình đã tạo. Kỳ diệu thay, nhọt độc đã hành hạ cậu trên mười năm qua lập tức tan biến, bệnh khổ của cậu hoàn toàn được tiêu trừ. Khóc Gào sinh tâm cung kính hoan hỉ chân thành nên cầu xin Đức Phật cho phép cậu được xuất gia làm tỳ kheo. Cậu tu hành tinh tấn, chẳng bao lâu đắc quả A La Hán.

(Ảnh minh họa: flickr.com)

Các vị tỳ kheo khác thấy tình cảnh của Khóc Gào như thế thì cảm thấy vô cùng hy hữu, bèn thỉnh Đức Phật nói về nhân duyên khiến cho cậu phải chịu quả báo mụn nhọt. Đức Phật giảng cho các đệ tử nghe rằng:

Vô lượng kiếp về trước, ở thành Ba La Nại có hai vị phú ông nọ. Bình thường hai người đã không ưa nhau và đố kỵ nhau, nên một trong hai người đem rất nhiều vàng bạc châu báu lên dâng tặng nhà vua, sau đó gièm pha người kia trước mặt nhà vua rằng: ‘Người ấy vô cùng hiểm ác, thường dùng mưu độc ám hại tôi, xin Đại vương hãy nghiêm trị người ác để bảo vệ dân lành’.

Nhà vua vốn đã nhận vật cống hiến nên không còn sáng suốt nhận định, nhất nhất tin lời ông này và ra lệnh bắt giam, không đếm xỉa tới những lời biện hộ của vị phú ông kia, còn đem ông ta ra tra tấn tàn khốc.

Vị phú ông kia thương tích đầy thân như vẩy cá, phải nhờ gia đình xuất tiền chuộc tội mới được thả về nhà. Về tới nhà, ông suy nghĩ không ngừng, thấy rằng con người vì có thân cho nên mới có khổ, mới bị lắm tai nhiều họa. Không lâu sau, ông xuất gia vào núi tu hành, cuối cùng tu thành Bích Chi Phật.

Vị Bích Chi Phật phát tâm đại từ bi, sợ rằng người kia kiếp sau sẽ chịu quả báo đau khổ nên tới nhà người ấy thị hiện thần thông, khiến người kia sinh tâm kính ngưỡng, lập tức thỉnh Bích Chi Phật lên tòa ngồi và chuẩn bị đủ loại thực phẩm đặc biệt để cúng dường và sám hối tội cũ của mình đối với Ngài.

Đức Phật nói đến đây, ngừng một lúc rồi nói tiếp:

Các ông phải biết, người sàm tấu với vua chính là tỳ kheo Khóc Gào đã chịu khổ trong kiếp này. Sau, nhờ ân huệ của Bích Chi Phật, sám hối tội lỗi cũ, và nhờ công đức thành kính quy y Tam Bảo nên ngày nay được Như Lai cứu độ, mau đắc quả Thánh. Đừng nghĩ rằng những lời sàm tấu nói ra mà không ai biết. Nghiệp tội không trốn được, dẫu trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng đã phạm tội như thế rồi mà biết sám hối thì có thể được cứu độ (1).

(Ảnh minh họa: mettapage.org)

***

Trong Ngũ Giới của Phật giáo có giới cấm “vọng ngữ”, tức là không nói dối, nói lời ác độc tổn thương người, gièm pha gây chia rẽ, bịa đặt vu khống danh dự của người khác v.v. Những hành vi này thảy đều tạo nghiệp, tổn hại phúc báo của bản thân. Vì nghiệp ác đã tạo nên người phạm giới vọng ngữ sẽ bị bệnh tật, đau khổ hành hạ trong tương lai, thậm chí có thể bị đoạ xuống địa ngục chịu cực hình, đầu thai làm súc sinh…

Trong đó, nghiêm trọng nhất là nói lời vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự của người tu luyện, đặc biệt là những người có đạo hạnh đã chứng đắc quả vị. Lịch sử từng ghi lại nhiều ví dụ như thế. Thời Đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, tỳ kheo Cù Ba Ly đã hai ba phen gièm pha với Phật rằng tỳ kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên việc làm rất ác, tạo các hạnh ác. Bởi vì tỳ kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã chứng đắc quả A La Hán, nên chẳng bao lâu sau Cù Ba Ly thân mọc mụn nhọt độc, lớn bằng hột cải, dần bằng hột đậu, dần dần như trái a-ma-lặc, gần bằng bồ đào, lại bằng nắm tay, máu mủ chảy tràn, thân hoại mạng chung đoạ vào địa ngục (2).

Ngày nay, sự phát triển của internet và mạng xã hội khiến cho thông tin dễ dàng được lan truyền, chỉ một tin thất thiệt, vu khống đã có thể qua một đêm mà ảnh hưởng đến cả triệu người. Vì thế, chúng ta lại càng phải cẩn thận với lời nói, bình luận của bản thân, đồng thời cần lý trí sáng suốt phân biệt thị phi, tránh vô ý tiếp tay cho kẻ có dụng ý xấu, cũng là bảo vệ tương lai tốt đẹp cho chính mình.

Khiêm Từ

Chú thích:

(1) Tham khảo Phạm Đình Nhân, “Hành Thập thiện và con đường giải trừ khẩu nghiệp”.

(2) Theo Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tam bảo [lược], VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.363.

videoinfo__video3.dkn.tv||910727abc__