Theo sử liệu, Nhan Minh Cao, người Mai Châu, Quảng Đông, là một võ tiến sĩ vào năm Càn Long thứ 13 (1748) thời nhà Thanh, ông giữ chức tổng binh kiêm đề đốc nhiều nơi ở Phúc Kiến. Ông là một nhân vật lịch sử quan trọng liên quan đến Đài Loan ở Mai Châu vào giữa thời nhà Thanh. Đương thời, đảo Đài Loan thuộc quản hạt của Phúc Kiến, dấu chân của Nhan Minh Cao đã từng in khắp địa khu Đài Bành. Ông đã phục vụ trong du kích, đồn trú, phó tướng và các chức vụ khác hơn mười năm ở Bành Hồ, Kim Môn và những nơi khác.

“Khuyến giới lục” do Lương Cung Thìn nhà Thanh viết đã ghi lại một số giai thoại về Nhan Minh Cao. Ông ấy là một người hào hiệp, tài trí phi thường, thích đọc sách. Khi còn trẻ, có một thầy tướng đã tiên đoán rằng, tương lai ông sẽ dựa vào trường thương đại kiếm để có được công danh. Sau khi nghe điều này, ông cười khẩy, cho rằng điều đó thật hoang đường, nên càng khắc khổ học tập hơn.

Khi gần ba mươi tuổi, Nhan Minh Cao háo hức cầu đắc công danh, nên khi phục tang cha chưa đầy 7 tháng, ông đã tham gia kỳ thi. Kết quả bị người khác tố cáo, không được thừa nhận. Có người nói với ông: “Lời thầy tướng đã ứng nghiệm, xem cốt tướng khôi ngô kỳ vĩ của cậu, nhất định một ngày cậu sẽ được triều đình giao phó trọng trách quân sự, và cậu nhất định sẽ hoàn thành sứ mệnh. Cậu sao phải năm dài tháng nhọc vùi mình trong sách vở?” 

Nhan Minh Cao tin những lời trên là có lý, nên đã bỏ văn tập võ, học tập cưỡi ngựa bắn cung. Một năm sau, ông đã có thể nhẹ nhàng phi thân trên ngựa, nhảy lên xe ngựa, thân thủ thập phần mẫn tiệp. Rồi ông tham gia kỳ thi võ ở địa phương, trúng cử nhân võ thuật.

Sau đó, Nhan Minh Cao đi đến Bắc Kinh tham gia hội thi võ thuật. Khi tàu cập bến Dương Châu vào ban đêm, ông nghe thấy một nhóm người nói tiếng Quảng Đông đang tranh luận ầm ĩ ở tàu bên cạnh, nên sang thăm, được biết họ đều là thí sinh đến từ khu vực Quảng Đông, Quảng Tây sắp tham gia hội thi, kết bạn đồng hành.

Lý do tranh luận của họ là có một vị họ Chu đến từ Phiên Ngẫu, Quảng Đông, bị bệnh nặng sắp chết, mọi người bàn việc bỏ anh ta lên một ngọn núi gần đó, nhưng họ lo rằng một ngày nào đó trở về quê hương, gia đình họ Chu sẽ hỏi di thể, quan tài của anh ta ở đâu, dẫn đến bị kiện cáo, nên mọi người bàn luận rất lâu mà chưa đưa ra được quyết định nào.

Sau khi Nhan Minh Cao biết được toàn bộ câu chuyện, ông nói: “Làm như thế vạn vạn lần không nên, các cậu và họ Chu đều là đồng hương, làm sao có thể nhẫn tâm đem người ấy đi vứt bỏ tại nơi núi rừng hoang dã, để lợn rừng, chó hoang ăn di cốt của anh ta?” Những người khác hỏi: “Cậu không phải cũng là đồng hương sao? Sao không cõng Chu quân lên thuyền của cậu, biết đâu có thể khiến anh ta khởi tử hoàn sinh, nếu không, cậu chỉ là người ngoài, nói như vậy đối với chúng tôi là không thích hợp.”

Nhan Minh Cao nghe xong không nói một lời, bế Chu quân trở lại thuyền, tự mình đút thang dược cho anh ta. Ngày hôm sau, lại bỏ tàu  lên bờ định tìm cách chữa trị cho anh ta. Tuy nhiên, Chu quân, người mà bệnh tình đang mười phần nghiêm trọng, cuối cùng đã chết trong xe. Bởi vì trên đường đi không có cách nào chôn cất thi thể, lại sợ xe va chạm sẽ bất kính với người đã khuất, nên Nhan Minh Cao đã cõng thi thể đi ba mươi dặm.

Nhận phòng trọ vào đêm hôm đó, theo quy định của phòng trọ, người đã chết không được phép vào phòng, vì vậy Nhan Minh Cao dùng khăn tay che mặt người quá cố, nói rằng anh ta đột nhiên bị trúng tà. Vì trời tối nên chủ quán không nhìn ra. Ngày hôm sau, Nhan Minh Cao tìm thấy một nơi để chôn cất anh ta, đánh dấu nó để sau này có thể tìm thấy mộ anh ta, rồi mới vội vã về kinh đô.

Sau khi vào phòng thi, Nhan Minh Cao vốn là một thư nhân, võ công không đặc biệt xuất sắc, nhưng lại viết hàng ngàn chữ thảo luận chính sách, không ai trong trường thi có thể sánh được với ông. Khi giám khảo chấm bài, vì ông chỉ đạt điểm “giỏi” ở một trong các bài kiểm tra võ nghệ, nên đã đặt bài thi của ông sang một bên.

Nửa đêm, khi giám khảo đang ngủ, đột nhiên nhìn thấy một tia sáng lạ phát ra từ một nơi trên bàn, ông đứng dậy kiểm tra, phát hiện đó là bài thi của Nhan Minh Cao. Ông thắp đèn lên xem, bất giác thanh quản reo lên: “Người này một ngày nào đó sẽ trở thành tướng quân, nhất định sẽ thành một Nho tướng văn võ song toàn như Tế Tuân của Đông Hán, Dương Hỗ của Tây Tấn.” Thế là, quan giám khảo đã giới thiệu bài thi này cho quan chủ quản Lưu Thống Huân, kể lại chuyện linh dị đã xảy ra.

Đây có lẽ là vì sự hành hiệp trượng nghĩa của Nhan Minh Cao được Thiên Thượng ban phúc báo. Nhan Minh Cao đã trúng khảo kỳ thi tiến sĩ võ với thứ hạng rất cao, sau đó quả nhiên trở thành một danh tướng, làm quan đến đề đốc thủy sư ở trấn Đài Bành, Phúc Kiến, cả đời công danh hiển hách.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch