Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” để nói rằng trong hàng trăm đức hạnh thì chữ hiếu đứng đầu. Hay nói cách khác, hiếu thảo là nền tảng đạo đức, là cái gốc làm người.
Ngày xưa có một chàng trai trẻ sống cùng với mẹ. Mẹ của anh mắc bệnh nặng nên phải nằm trên giường quanh năm suốt tháng. Hồi ấy là mùa đông, tuyết rơi rất dày, đã nhiều ngày rồi mà bà mẹ không chịu ăn gì khiến anh rất lo lắng, bèn hỏi mẹ có muốn ăn gì không.
Người mẹ biết gia cảnh nghèo khó mà bản thân lại nằm liệt giường nhiều năm thế này, cứ kéo dài sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho con trai. Bà không muốn sống nữa nên quyết định sẽ không ăn uống gì. Nhưng người con trai thì vô cùng lo lắng và muốn tìm chút gì đó cho mẹ ăn, anh tin rằng dù chỉ là một chút ít súp gạo cũng có thể cứu mạng của mẹ mình.
Bà mẹ biết rằng phía trước ngôi nhà là một dòng sông băng, và đương nhiên con trai bà sẽ không có cách nào bắt cá cho bà ăn được. Vì muốn con an tâm và không thể rời khỏi nhà, bà đã nói rằng mình thèm ăn cá. Người con trai nghe vậy thì rất vui vì nghĩ rằng có thể cứu được mẹ rồi. Nhìn thấy tuyết rơi ngập tràn, gió bấc hoành hành, tiếng rít của gió hết lần này đến lần khác khiến anh ta lo lắng không biết nên đi đâu để câu cá. Nhưng vì không muốn để mẹ chờ lâu, nên anh vẫn lao ra khỏi cửa và tuyệt vọng đi đến dòng sông gần đó.
Trước mắt anh là một dòng sông băng phủ đầy tuyết trắng. Người con trai thấy choáng ngợp, anh nghĩ thế này thì biết tìm cá ở đâu ra? Vì một lòng muốn cứu mẹ nên anh đã cầu xin các vị Thần hãy giúp đỡ mình. Ngay lập tức, anh cởi áo ra và dùng nhiệt độ cơ thể yếu ớt của mình để làm tan chảy dòng sông băng giá. Dường như lời cầu xin chân thành của anh đã làm cảm động đến Thần linh, rất nhanh chóng băng tuyết tan thành một mảng. Đột nhiên một con cá tươi nhảy từ mặt nước lên, và chàng trai trẻ đã vui mừng cảm tạ ông Trời đã ban nó cho mình.
Người con trai cầm con cá và nói với nó: “Ta không muốn làm hại tính mệnh của ngươi, nhưng vì cứu mẹ nên ta phải làm ngươi đau rồi”. Sau đó anh ta cắt lấy một miếng thịt mà không làm tổn thương đến các cơ quan nội tạng của cá, và thả con cá trở lại dòng sông. Loại cá này được dân gian gọi là “hiếu ngư”, tức loài cá của lòng hiếu thảo.
Anh con trai trở về và dùng miếng cá tươi để nấu món súp, rồi anh lại đích thân đút cho người mẹ đang hấp hối của mình từng thìa từng thìa nhỏ. Thật kỳ lạ là ngay sau khi ăn món súp cá này người mẹ bỗng nhiên thấy khỏe khoắn trở lại, đôi mắt yếu kém trước kia nay cũng dần dần phục hồi.
Sự lương thiện thuần khiết của cậu con trai hiếu thảo đã làm cảm động đất trời, tạo nên kỳ tích chưa từng có xưa nay. Đây cũng là truyền thuyết về loài cá một bên có thịt và một bên không có thịt, hai bên có hai màu sắc khác nhau, bên có thịt có màu nâu thẫm, bên không có thịt có màu trắng mờ được người Trung Hoa gọi là cá Long Lị.
Ngày nay, nếu muốn tìm một đứa con hiếu thảo thật không hề dễ dàng. Chân dung của những cậu ấm cô chiêu thời nay được miêu tả khá chân thực thông qua truyện cổ tích “Ba cô gái”. Đây là câu chuyện rất quen thuộc đối với các bạn nhỏ Việt Nam.
Truyện kể rằng, ngày xưa có một người đàn bà nghèo sinh được ba cô con gái. Bà rất yêu thương các con, chăm lo cho các con từng li từng tí. Vì nhà nghèo nên bà phải làm lụng vất vả để nuôi con khôn lớn.
Được mẹ yêu thương chăm sóc, ba cô gái lớn nhanh như thổi, cả ba đều đẹp như trăng rằm. Thế rồi lần lượt hết cô này đến cô khác đi lấy chồng, bà mẹ ở nhà một mình.
Năm tháng trôi qua, bà mẹ tuổi mỗi ngày một già, sức mỗi ngày một yếu. Một hôm bà thấy trong người mệt mỏi, biết mình không sống được bao lâu nữa. Bà nhớ các con nhưng cả ba cô gái đều ở xa quá nên bà không thể đến thăm con được. Bà liền nhờ Sóc con đưa thư cho ba con gái, bà dặn Sóc:
– Sóc khôn ngoan, Sóc hãy nói với các con ta là ta đang ốm và báo chúng về ngay thăm ta nhé!
Sóc con vâng lời mang thư đi. Sóc đi ròng rã một ngày một đêm đến nhà cô chị cả, thấy cô chị cả đang cọ chậu. Sóc con đưa thư cho cô và nói:
– Chị cả ơi! Mẹ chị đang ốm đấy, mẹ chị muốn gặp chị. Chị hãy về ngay cho mẹ chị gặp.
Nghe Sóc nói, cô cả đáp:
– Thật á Sóc? Mẹ chị đang ốm à? Ôi! Chị buồn quá! Chị thương mẹ chị quá! Chị cũng muốn về thăm mẹ ngay, nhưng chị còn phải cọ xong mấy cái chậu này đã.
Nghe chị cả nói xong, Sóc con giận dữ:
– Thương mẹ, thương mẹ mà lại còn cọ chậu rồi mới đi thăm mẹ? Thôi, chị cứ ở nhà mà cọ chậu!
Ngay lúc đó cô gái ngã lăn ra đất, biến thành một con rùa to bò ra khỏi nhà rồi đi mãi.
Sóc con lại đến nhà cô gái thứ hai. Phải mất ròng rã một ngày một đêm nữa Sóc mới đến nơi, thấy cô hai đang xe chỉ. Sóc con đưa thư rồi nói với cô hai:
– Chị hai ơi! Mẹ chị đang ốm đấy, mẹ chị muốn gặp chị. Chị hãy đến gặp mẹ đi.
Nghe Sóc con nói, cô hai đáp:
– Thật ư Sóc? Mẹ chị đang ốm à? Ôi! Chị thương mẹ chị quá! Chị muốn về thăm mẹ yêu quý của chị ngay, nhưng chị còn bận xe cho xong chỗ chỉ này đã.
Nghe cô hai nói, Sóc con giận dữ:
– Thương mẹ, thương mẹ mà lại còn xe chỉ đã rồi mới đi thăm mẹ. Thôi được! Nếu thế thì cứ ở nhà mà xe chỉ suốt đời.
Sóc con vừa nói xong thì cô hai biến thành con nhện, suốt đời giăng tơ.
Sóc con lại đi đến nhà cô gái út, thấy cô út đang nhào bột. Sóc con đưa thư cho cô út. Đọc thư xong cô hốt hoảng, không kịp rửa tay mà vội vàng tất tả đi thăm mẹ ngay.
Thấy cô út thật tình thương mẹ, Sóc con âu yếm nói:
– Chị út ơi! Chị là người con hiếu thảo. Mọi người ai ai cũng thương yêu, quý mến chị út. Còn các con của chị thì người nào cũng hiếu thảo với chị.
Cọ chậu có thể dừng lại, xe chỉ có thể dừng lại, và nhào bột cũng có thể dừng lại, nhưng báo hiếu với mẹ già lúc lâm chung thì không thể đợi chờ đến thời khắc khác. Một người đã có gia đình riêng nhưng vẫn làm tròn bổn phận đối với cha mẹ thì chính là một người con có hiếu ở thời đại này.
Yên Tử
Bạn đang đọc bài viết: “Lòng hiếu của con trai cảm động trời xanh: Hiếu đạo là cái gốc làm người” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |