Đại Kỷ Nguyên

Lúa càng nhiều hạt càng cúi thấp, người càng tài giỏi càng khiêm nhường

Lúa càng nhiều hạt càng cúi thấp, người càng tài giỏi càng khiêm nhường

Lúa càng nhiều hạt càng cúi thấp, người càng tài giỏi càng khiêm cung. Bạn không cần ngưỡng mộ thứ mà người khác có, bởi chỉ cần ra sức cũng có thể đạt được. Bạn cũng đừng thể hiện thứ mình đang có tất cả, bởi chỉ cần cố gắng người khác cũng sẽ có được như bạn.

Bởi công việc kinh doanh gần đây rất thuận lợi nên tôi tự cảm thấy mình có tài năng, dương dương tự đắc khoe khoang với mọi người. Chẳng ngờ, ông nội vừa nhìn thấy tôi có được chút thành tựu đã vểnh râu hiển thị thì liền trách cứ: “Cháu trai ngốc, hãy nhớ làm người dù có thành tựu đến mấy cũng không nên khoe khoang bốn điều sau, nếu không e rằng tai họa sẽ chờ đợi không xa đâu”. Nói rồi ông gõ gõ vào đầu tôi và chầm chậm nói: 

Vạn vật trong vũ trụ, hết thảy đều là sinh mệnh. Những sinh mệnh này tồn tại một cách hài hòa có trật tự. Bởi vậy mà con người phải tôn kính trời đất, trân quý tự nhiên, xem trọng hết thảy sinh mệnh và tìm về nguồn gốc chân chính của mình.

Kinh Dịch giảng rằng, hết thảy phép tắc và đạo lý làm người đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác theo thiện. Quẻ cát là để khuyến khích con người mỗi ngày làm thêm một việc thiện. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) thì mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.

“Kiêu ngạo thì chiêu mời tổn hại, khiêm tốn thì được lợi”, con người nên học sự khiêm tốn và vô tư của đại địa. “Ba người đi tất có người làm thầy của ta”, lấy người làm thầy, không ngại học hỏi người dưới, lấy tâm làm gương, luôn luôn tự xét lại mình. “Trời sinh ta ắt có chỗ dùng”, chỉ cần chúng ta hiểu rõ chính mình, có thể dũng cảm nhận sai, thẳng thắn thành khẩn tìm ra chỗ thiếu sót của bản thân, thì tự nhiên cảnh giới của chúng ta sẽ mở rộng ra đến vô hạn.

Ảnh minh họa.

Hãy ghi nhớ: Dù có bản sự tới đâu thì cũng đừng bao giờ hiển thị bốn điều sau: 

Sự giàu có bất ngờ

Làm người dù có bản sự tới đâu cũng nên học cách giữ tiền. Một người bỗng chốc có được tiền tài từ vận may bất ngờ, thường bị lóa mắt bởi điều đó và rồi tự cho rằng bản thân tài giỏi. 

Trên thực tế, kiểu người như vậy là ngốc nghếch nhất. Khoe khoang sự giàu có chỉ mang tới cho người khác cảm giác khó chịu, chán ghét, từ đó khởi lên những suy nghĩ lệch lạc hay sự ghen ghét tật đố. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn mang tới tai họa. Khi chúng ta đang dương dương tự đắc thì thảm họa đã cách ta không xa. Vì vậy, không nên tùy ý khoe khoang tiền bạc cũng như tài phú của mình một cách dễ dàng.

Quý nhân

Trong bước đường phấn đấu ban đầu, thậm chí khi gặp khó khăn, khi nghèo khổ, sẽ có một người nào đó đưa tay ra đỡ lấy bạn, kéo bạn lên để giúp bạn thành tựu sự nghiệp. Đây chính là quý nhân của cuộc đời bạn. Gặp được họ rồi hãy học cách trân quý, mang tâm thái lấy nước mắt báo ân, dùng suối nguồn tương báo để bày tỏ sự cảm ơn chân thành. 

Có một số người sau khi nổi danh liền đi khắp nơi kể về người đã giúp đỡ mình. Đôi khi điều này sẽ khiến họ khó chịu, từ đó về sau không còn muốn giúp đỡ bạn nữa. Không những vậy, người có ý đồ không tốt sẽ dựng chuyện gây phiền phức cho quý nhân của bạn. Do đó, hãy học cách bảo vệ quý nhân của mình, đừng dễ dàng tiết lộ danh tính cũng như thông tin về họ. 

Quan hệ xã hội và nguồn tài chính

Người thành công thường có nhiều mối quan hệ xã hội và nguồn tài chính dồi dào. Có câu: Quan hệ xã hội chính là tài chính, tài chính chính là của cải. Trên bước đường thành công, ngoài nỗ lực của bản thân thì còn cần dựa vào sự giúp đỡ của nhiều người và một số nguồn lực cần thiết để đạt tới một tầm cao nhất định trong sự nghiệp. 

Nếu chúng ta đi khắp nơi ‘khoe của’, kể về các mối quan hệ xã hội với người nọ người kia, sẽ gây rắc rối không cần thiết cho chính bản thân ta. Mọi người sẽ cảm thấy tiền tài hoặc thành công của chúng ta là dựa vào những lợi ích không chính đáng, hơn nữa có thể sẽ có người để bụng và thêm thắt dựng chuyện. Điều này sẽ đưa thảm họa tới gần ta hơn một bước. 

Từ bỏ người vợ tào khang

Dù thành công tới đâu cũng đừng nên ruồng bỏ người bạn đời từng cùng ta đồng cam cộng khổ. Có một số người sau khi thành công, phát tài, có đôi chút bản sự, có được sự ổn định nhất định về kinh tế và địa vị, liền thất tín bội nghĩa, bắt đầu tìm kiếm thứ gọi là ‘tình yêu lý tưởng’. Họ sẽ sử dụng nguồn lực và khả năng tài chính để đến những nơi trăng gió bên ngoài. Họ không biết rằng hành vi này sẽ gây tổn thương tới gia đình và con cái, đôi khi cả gia đình của đối phương. Một khi việc bại lộ, không chỉ tổn hại tới danh dự của chính bản thân mà còn mang tới nhiều rắc rối, thậm chí là tai họa sẽ đợi ta không xa. 

***

Thời Tây Chu, Chu Công phò tá Thành Vương đã cố gắng hết mình để làm cho đất nước được phồn vinh thịnh vượng. Khi ông ra sức kêu gọi hiền tài, rất nhiều người đã đáp lại tiếng gọi của ông. Ông bận rộn đến mức  không có thời gian để làm khô tóc sau khi gội đầu. Ông phải nhiều lần dừng bữa cơm để khách không phải chờ lâu.

Ông thường khuyên con trai rằng: “Thành Vương muốn con trông coi Lỗ quốc, con phải khiêm tốn và biết trân trọng! Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường, không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!”.

Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường.

Thời nhà Đường, Hoàng đế Thái Tông đã từng tiếp thu lời khuyên bằng một thái độ khiêm tốn. Ông khuyến khích các bề tôi khuyên can và lắng nghe bằng sự khiêm nhường. Ông không thỏa mãn cho tới khi được nghe về những thiếu sót của mình. Ông tập hợp trí tuệ từ khắp nơi trong thiên hạ, giúp ông xây dựng thành công một “thịnh thế Thiên triều” để cai quản một quốc gia giàu mạnh.

Đại Vũ không kiêu ngạo, không khoe khoang, thậm chí còn nói rằng: “Những người ngu dốt cũng còn có điểm mạnh hơn ta”. Cho nên, ông có thể vượt qua muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn lũ lụt cứu giúp muôn dân. Công lao của ông được lưu danh đến muôn đời.

Người xưa dạy: Lấy nghiêm khắc để kiềm chế bản thân, lấy khoan dung để đối đãi với người khác, tu dưỡng đức hạnh trung tín, khiêm nhường mà không tranh giành, tu dưỡng để có được lòng tự tin, có đủ năng lực để người khác tín nhiệm, như thế mới giữ gìn được mỹ đức. Cố chấp, khăng khăng giữ ý kiến của mình, tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi, đều chỉ làm vật chướng ngại, cản trở mình thăng hoa lên mà thôi.

Người nhận thức càng thấp, càng thích phô trương để đạt danh đạt lợi. Nhưng ở mặt khác, nó chính là biểu hiện cho sự thấp kém. Những người thực sự tài giỏi, trình độ cao, nhận thức phong phú, đa dạng, thường ít đi khoe khoang, thể hiện với người khác. Bởi vì nội tâm của họ vốn đã phong phú, họ sống theo cách họ muốn, chứ không cần sống theo cách người khác nghĩ. Người càng hiểu biết, lại càng khiêm tốn. Họ giống như những bông lúa mạch, chỉ vì trên người đã mang nhiều thứ, nên họ học được cách cúi đầu…

Kiên Định
Theo Apollo

Video: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh 

Exit mobile version