Đại Kỷ Nguyên

Lựa chọn của sinh mệnh: Làm người thiện lương hay tiếp tay kẻ ác? (Kỳ 1)

Bạn có thể nghĩ đây là một truyền thuyết, lại cũng có quyền tin đó là sự thật đang diễn ra đâu đó trên thế giới này…

Kỳ 1: Viên ngọc lục bảo mang lời nguyền

Khói mây tam giới, kìa cuộc mộng
Nào nơi cố quận chốn thanh bình?

Tam Nhật khẽ khàng nhặt viên đá lên, nheo mắt soi. Dưới ánh chiều vàng vọt, viên đá nhấp nháy nhấp nháy một màu xanh huyền bí. Tam Nhật đứng ngây người như mất hồn, mắt găm chặt vào viên đá trong suốt ấy. Cậu giơ cao lên, rồi lại hạ thấp xuống, đưa ra xa, rồi lại dí thật gần, viên đá càng như tỏa hào quang rực rỡ, lần này là bảy sắc cầu vồng.

“Tiểu tử, chớ nghịch ngợm! Không phải đồ có thể chơi được đâu! Mau đặt xuống!”, tiếng quát vang lên sau lưng Tam Nhật. Cậu giật thót mình, vội vàng quay lại nghe ngóng. Phù, thì ra là pháp sư Bất Giác!

“Ngài làm con hết cả hồn!”, cậu hổn hển.

Pháp sư bước rảo đến bên Tam Nhật, đoạn cầm lấy viên đá rồi nghiêm nghị nói: “Chuyện này không phải trò đùa. Con có biết đây là vật gì không?”.

Tam Nhật ngơ ngác: “Con tìm thấy ở bên bờ suối. Là cái gì vậy sư phụ?”.

Pháp sư khẽ nheo đôi mày, những nếp nhăn trên trán xô nhau như sóng trước sóng sau ào đến, đoạn trầm ngâm nói: “Con không biết, đó là viên ngọc lục bảo của một đạo sĩ từng sống ở đây mấy trăm năm trước. Viên ngọc được niêm phong bằng một câu thần chú bí mật”.

Tam Nhật tròn mắt tò mò: “Sư phụ, vì sao đạo sĩ ấy lại phải niêm phong viên đá lại ạ?”.

Pháp sư xoa đầu Tam Nhật, ngửa mặt nhìn lên rặng núi đá đỏ au dưới ánh hoàng hôn, nhướn đôi mày trắng như tuyết: “Chuyện đã lâu lắm rồi, ta cũng chỉ là được nghe sư phụ của mình kể lại…”

Nhìn lên rặng núi đá đỏ au dưới ánh hoàng hôn, vị sư phụ kể lại câu chuyện cho Tam Nhật nghe. (Ảnh minh họa: christies.com)

***

… Chuyện kể rằng, rất rất lâu về trước, ở vùng đất Trung Tâm có một bộ tộc tên là Kim Cương sinh sống. Họ chiếm giữ phần đất phì nhiêu nhất. Xung quanh có vài bộ lạc nhỏ hơn, hầu hết phải nhún mình cống nạp sản vật cho họ. Bởi tộc Kim Cương có số dân đông nhất, từ nhỏ đã thiện chiến, cưỡi ngựa bắn cung, sức khỏe hơn người. Họ cũng lại là những người văn minh nhất, biết dựng nhà gạch, lợp mái ngói che nắng che mưa, biết dùng xe ngựa buôn bán sản vật tới nhiều vùng đất xa xôi khác. Những bộ lạc xung quanh đều dùng chữ viết mà người Kim Cương tạo ra. Họ cũng là những người rất sùng đạo, tự gọi mình là “Con của Thần Mặt Trời”. Trên khắp vùng đất Trung Tâm mọc lên không biết là bao nhiêu điện thờ, điện tế Thần. Tất cả các đời thủ lĩnh tộc Kim Cương đều tôn kính Thần Mặt Trời. Trong thời gian trị vì, mỗi thủ lĩnh lại dựng nên những điện thờ lớn của riêng mình như là cách bày tỏ lòng sùng kính vô hạn với thiên thượng. Ngoại trừ một người…

Thủ lĩnh của dòng họ thứ 17 từng cai trị trên vùng đất Trung Tâm, tên gọi Hà Mô Giang. Ông nắm quyền tuyệt đối trên lãnh thổ của mình đã được hơn 10 năm. Mô Giang đã thu vén mọi quyền lực trong tay mình và biến hội đồng bô lão của tộc Kim Cương trở thành những kẻ bù nhìn đáng thương. Một mình Mô Giang quyết định tất cả mọi việc lớn bé ở vùng đất Trung Tâm, từ việc thu thuế của cư dân cho đến phát động chiến tranh chinh phạt những bộ lạc yếu thế.

Nhưng có một thứ Mô Giang vẫn chưa thể nào kiểm soát được, đó là đức tin của cư dân xứ này. Suốt 5000 năm qua, tộc Kim Cương một lòng tín Thần, coi những lời dạy bảo của Thần là ý chỉ cao nhất. Giáo sĩ, pháp sư, đạo sĩ, quan tư tế ở đây chính là những người có danh vọng cao nhất. Ngay cả các thủ lĩnh, trước khi lên ngôi, cũng đều phải trải qua một loại nghi thức tế Thần bắt buộc do quan tư tế làm chủ. Trong buổi lễ, người thủ lĩnh phải quỳ trước đài tế Thần. Quan tư tế đứng trên, một tay cầm con dao sắc nhọn, một tay vén lọn tóc của người thủ lĩnh lên và cắt xoẹt một đường. Lọn tóc ấy sau này được cho vào hộp gỗ, niêm phong và cất giữ trong mật thất.

Từ đó, vào mỗi dịp tế Thần, thường là mỗi tháng 1 lần, thủ lĩnh sẽ phải tự tay cầm chiếc hộp đựng lọn tóc của mình mang đến trước đài tế và phát lời thề độc rằng nếu cố ý làm sai ý chỉ của Thần thì sẽ chịu cảnh đọa đày dưới tầng địa ngục, cuối cùng bị hủy diệt vĩnh viễn trong ngọn lửa thiêng của Thần Chết. Từ khi lọt lòng mẹ, người dân nào ở vùng đất Trung Tâm cũng được dạy bảo rằng “trên đầu ba thước có Thần linh” và thủ lĩnh bộ tộc chỉ là người được Thần chọn để truyền đạt lại những ý chỉ của mình xuống với muôn dân. Người dân tôn quý các đạo sĩ, giáo sĩ thậm chí còn hơn cả thủ lĩnh của mình.

Từ khi lọt lòng mẹ, người dân ở vùng đất Trung Tâm đều được dạy bảo về sự tôn kính đối với thần linh. Họ coi mình là những đứa con của thần mặt trời. (Ảnh minh họa: Pham Hoang Cuong)

Mô Giang đương nhiên không thể chấp nhận được điều đó. Trong buổi đăng quang của mình, ông một mực không để quan tư tế cầm dao cắt tóc, thậm chí còn không quỳ xuống trước bàn thờ tế Thần, chỉ khẽ gật đầu một cái. Mô Giang đã sớm trở thành một kẻ nghịch đạo. Nhưng nào có ai dám đứng giữa thanh thiên bạch nhật mà hé miệng nói một lời? Sau khi nắm quyền, Mô Giang sai quân lính của mình cải trang, thâm nhập khắp hang cùng ngõ hẻm để nghe ngóng và theo dõi dân lành. Bất kì kẻ nào buông lời bàn tán thị phi về thủ lĩnh đều phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp nhất. Họ bị nhốt vào ngục tối, cùm chân tay, bỏ đói và sau cùng là giải ra đấu trường. Ở đó, trước mặt hàng nghìn con mắt hiếu kì, họ phải chiến đấu đến chết với mãnh thú để giành giật sinh mạng. Từ trước đến nay, chưa từng có người nào vượt được cửa tử ấy.

Một ngày nọ, trong buổi nghị bàn của thủ lĩnh Mô Giang và thuộc hạ với hội đồng bô lão xảy ra một chuyện kì quái. Ngọn cờ lớn của tộc Kim Cương cắm ngoài trướng đột nhiên bị gió quật đổ. Hai ba lượt như thế, thủ lĩnh cứ cho người dựng lại thì chẳng bao lâu sau cán cờ lại gãy. Lúc sau, ngoài trời giông tố kéo đến, sấm chớp nổi lên dữ dội, một tia sét cực lớn đánh thẳng vào nóc tòa điện thờ Thần, làm sụp một góc điện. Mưa lớn như trút nước. Nhưng lạ thay, nước mưa toàn một màu đỏ ối, tanh nồng. Mưa xối xả, nhấn chìm cả vùng đất dưới cơn giông trong một bức màn đỏ quạch.

Ai nấy đều chưa hết kinh hãi thì một con rồng đỏ lớn bất chợt hiện ra giữa không trung, lồng lộn cuộn mình trong tầng mây và màn mưa đỏ. Con rồng dài cả trăm mét, sừng nai, đầu sư tử, miệng đỏ au, vừa bay lượn, vừa phun ra thứ nước màu đỏ. Hội đồng bô lão chân tay bủn rủn, mấy cận vệ cũng mất cả hồn vía cứ đứng trân trân nhìn. Duy chỉ có thủ lĩnh vẫn ngồi chễm trệ trên chiếc ghế bọc da hổ, điềm nhiên quan sát. Đoạn, ông cầm theo thanh kiếm, bước ra ngoài trướng, đứng giữa làn mưa, giơ kiếm lên cao. Nước mưa chảy ròng ròng trên lưỡi kiếm của thủ lĩnh. Ông cầm mũi kiếm chích nhẹ lên ngón tay mình, đoạn giương cao thanh kiếm lần nữa, quay lại nói với tất cả: “Kể từ giờ, máu của ta đã hòa cùng máu của xích long trên lưỡi kiếm này”. Mắt của thủ lĩnh vằn lên những sọc đỏ, quắc nhìn tả hữu xung quanh. Bốn bề im phăng phắc, chẳng ai dám hé nửa lời, rồi không ai bảo ai, từng người một quỳ xuống phục tùng. Thủ lĩnh ngửa mặt lên trời cười lớn thành tràng dài. Đám chim rừng hốt hoảng, không hiểu chuyện gì, gọi nhau bay nháo nhác.

Ai nấy đều chưa hết kinh hãi thì một con rồng đỏ lớn bất chợt hiện ra giữa không trung, lồng lộn cuộn mình trong tầng mây và màn mưa đỏ… (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Từ hôm xảy ra chuyện kì quái ấy, người ta thấy thủ lĩnh trầm ngâm, ít nói và lạnh lùng hơn hẳn. Ông luôn mang bên mình thanh kiếm máu rồng, sẵn sàng tuốt vỏ hăm dọa bất kì kẻ nào trái ý. Mô Giang lại càng không kiêng nể, thẳng tay gạt bỏ hội đồng bô lão, không cho họ tham gia chính sự, điều hành bộ tộc nữa, thực sự biến họ trở thành những cái xác vô hồn, chỉ còn biết ngoan ngoãn gật đầu. Để khống chế đức tin của dân chúng, thủ lĩnh tự mình đặt ra Hội đồng pháp sư, bao gồm toàn những tay chân thân tín nhất hoặc những pháp sư đã bị mua chuộc. Hội đồng này nắm quyền điều hành tất cả điện tế Thần của bộ tộc. Các pháp sư của hội đồng được cử đến từng điện tế, đền thờ, thay thế các giáo sĩ cũ dẫn dắt việc thực hành nghi lễ. Tất nhiên, những pháp sư này nhận lệnh trực tiếp từ thủ lĩnh và cũng trung thành duy nhất với thủ lĩnh.

Ở những điện thờ, người ta bắt đầu tạc thêm tượng của thủ lĩnh để thờ ngang hàng với Thần Mặt Trời. Người dân được dạy rằng thủ lĩnh tối cao chính là hóa thân của Thần Mặt Trời ở trần thế, tôn kính thủ lĩnh cũng chính là tỏ lòng sùng kính với Thần Mặt Trời. Thủ lĩnh còn ra lệnh cho tất cả thuộc hạ dưới quyền phải thích lên trán một chữ “Huyết” và đeo trước ngực trái chiếc huy hiệu nhỏ hình rồng đỏ đang cuốn quanh lưỡi kiếm. Từ đó, đoàn quân của Mô Giang còn được người dân vùng này đặt cho cái tên là “Quân Rồng Đỏ”…

***

Từ nãy đến giờ, Tam Nhật như nuốt từng lời pháp sư Bất Giác kể. Hai thầy trò ngồi trong ánh chiều đỏ ối đã dần loang ra trên cả một mặt biển rộng mênh mang. Pháp sư bất chợt ngừng lời, nhìn A Nhật nói: “Hôm nay dừng ở đây thôi. Con hãy về nhà đi, đã muộn rồi!”.

Tam Nhật vẫn còn háo hức: “Sư phụ ơi, con vẫn còn muốn nghe nữa! Xin người kể tiếp đi ạ!”.

Pháp sư Bất Giác mỉm cười hiền từ, xoa xoa cái đầu 2 xoáy bướng bỉnh của Tam Nhật, nói: “Tiểu tử, không nên biết quá nhiều. Thiên cơ không thể tận lộ. Con vẫn là nên về đi. Đợi một ngày có duyên, ta lại sẽ kể tiếp phần sau”.

Đoạn, pháp sư đứng dậy, cầm cây gậy trúc tiến ra bờ biển, vẽ lên mặt cát một hình thù kỳ lạ. Tam Nhật ngồi yên nghe tiếng gió biển ù ù thổi bên tai. Cậu cầm viên ngọc lục bảo lên, thả vào trong túi áo. Ánh tà dương đã xuống khuất chân trời. Sóng triều đã lên mấp mé bờ cát chỗ hai thầy trò ngồi khi nãy. Trong lòng đêm đang buông xuống chầm chậm, viên ngọc trước ngực trái của cậu bé lại sáng lấp lánh, lấp lánh… 

(Còn nữa)

Văn Nhược

Exit mobile version