Đại Kỷ Nguyên

Luận đàm Tam Quốc (Kỳ 2): Một câu nói của Gia Cát Lượng cho thấy tài năng siêu việt của Lưu Bị

Lời tòa soạn: Tam Quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết chương hồi huyền thoại của lịch sử văn học Á Đông. Người đọc Tam Quốc rất đa dạng, tâm thái nào cũng có: đọc để thưởng thức, đọc để học hỏi người xưa, đọc để giải trí hay đọc để “ấm vào thân”. Nhưng một tác phẩm kinh điển ắt là bên trong phải có nội hàm mênh mông, nhất thời một lát một chốc là không thể nào nắm hết được. Xưa nay cũng chưa từng nghe bậc danh sĩ nào tự vỗ ngực xưng rằng mình đã hiểu thấu được Tam Quốc. Người ta khám phá Tam Quốc chẳng khác nào những kẻ leo núi, kẻ mạnh dạn thì leo cao hơn, kẻ bồn chồn thì chỉ leo một chút rồi tụt xuống, nào ai đã từng đứng trên đỉnh cao mà thấu triệt được toàn bộ cái lý thâm sâu của câu chuyện? Thế nên, chút cố gắng của chúng tôi hòng giải mã Tam Quốc cũng từa tựa như kẻ leo núi kia vậy, không dám cố quá, leo được chừng nào xin hầu độc giả chừng ấy mà thôi.

Trọn bộ: Luận đàm Tam Quốc

***

Tam Quốc lập thế chân vạc, quần hùng tranh bá, đã có biết bao nhiêu hào kiệt, anh hùng, thánh nhân, danh tướng dùng sinh mệnh của mình mà cùng nhau diễn một màn kịch lẫn lộn vui buồn trong lịch sử Trung Hoa. Ví như câu chuyện Mã Tốc trái lệnh mất Nhai Đình khiến cho đại nghiệp Bắc phạt mãi dang dở chẳng thành. Gia Cát Lượng gạt lệ chém Mã Tốc, cứ hối hận mãi không thôi. Lý do là gì?

Khổng Minh gạt lệ chém Mã Tốc

Mã Tốc, tự Ấu Thường, người vùng Tương Dương, về với Thục Hán từ khi Lưu Bị vẫn còn trấn giữ Kinh Châu. Tốc đọc nhiều binh thư, có tài biện giải, thích bàn mưu kế nên được Thừa tướng Gia Cát Lượng yêu mến, trọng dụng. Sau này, Tốc được thăng làm Tham quân, thường theo cùng Gia Cát Lượng bàn định mưu kế. Tốc tỏ ra là người nhìn thấu thời cuộc, từng khuyên Gia Cát Lượng dùng đức mà bình Nam Man, lại có công lớn trong việc ly gián Ngụy đế Tào Duệ và Tư Mã Ý trong cuộc Bắc phạt lần thứ nhất. Bởi thế, Gia Cát Lượng rất tin dùng Tốc.

Trong lần Bắc phạt lần thứ nhất, năm 228, Mã Tốc xin ra trấn thủ Nhai Đình, tuy đất nhỏ nhưng là một vùng yết hầu, quan hệ đến cả cuộc chiến. Gia Cát Lượng áy náy, Tốc lập quân lệnh trạng, đồng thời nói: “Tôi theo Thừa tướng lâu nay, chưa từng ra trận lập được công lao gì, lần này dẫu gan óc lầy đất cũng nguyện đi một chuyến”. Gia Cát Lượng đành phải bằng lòng, vẫn không quên dặn Tốc cẩn thận, đóng trại xong phải cho người vẽ lại địa đồ gửi về, rồi lại sai thêm nhiều cánh quân khác hỗ trợ xung quanh Nhai Đình.

Nhưng quả là cái số khiến Nhai Đình phải mất. Tốc đến nơi, không đóng trại giữa đường để chặn nơi hiểm yếu mà rút hết quân lên núi, bảo rằng để chiếm thế thượng phong. Tư Mã Ý đến nơi xem xét địa thế, biết Tốc lãnh binh cười ầm lên: “Đồ ấy chỉ có hư danh, chớ tài thì tầm thường lắm! Khổng Minh dùng người ấy, làm gì chẳng lỡ việc!”. Sau đó, Tư Mã Ý cho quân vây kín bốn mặt núi, lại sai Trương Cáp chặn hết đường cứu binh ở bên ngoài. Quân Thục trên núi thiếu nước, thiếu lương, mất hết ý chí chiến đấu, không đánh mà tự tan. Mã Tốc phải mở đường máu, may mà thoát được.

Về đến trại, Tốc tự trói mình đến trước Khổng Minh, xin nhận cái chết. Khổng Minh y quân lệnh trạng, sai người chém Tốc. Tốc chết rồi, Khổng Minh còn khóc mãi không thôi. Tả hữu vây lại hỏi, ông gạt lệ mà rằng: “Ta không phải là khóc Mã Tốc đâu, ta nhớ khi tiên đế lâm chung ở thành Bạch Đế có dặn rằng: Mã Tốc nói khoác quá sự thật, không nên đại dụng. Nay đúng như lời ấy. Vì thế ta hối hận là không minh, mà lại nhớ đến Tiên Đế, cho nên đau lòng mà khóc đó thôi!”.

Lời nói ấy quả thực tiết lậu ra nhiều điều người ta chưa biết về Lưu Bị…

Ảnh minh họa: Youtube.

Tài nhìn người thấu triệt của một quân chủ

Cổ nhân nói: “Dân vi trọng, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, đại ý là: dân là trọng, xã tắc thứ hai, vua là xem nhẹ nhất. Tam Quốc phân thế chân vạc, ba nước Ngụy – Thục – Ngô có thể chia thiên hạ chủ yếu là bởi ba vị quân chủ Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền đều hiểu lòng người và trọng dụng nhân tài. Đặc biệt là Lưu Bị, biểu hiện ở phương diện này là vô cùng đặc sắc.

Nhắc đến Lưu Bị, có người cho rằng một nửa giang sơn ông ta có được là bằng nước mắt, lại cũng có người nói Lưu Bị bất quá chỉ là biết đặt người đúng vị trí vậy thôi, không có tài năng gì. Nhưng kỳ thực, họ Lưu là một quân chủ có trí huệ không tầm thường. Đầu tiên, chính ông chứ không phải ai khác đã nhận ra yếu điểm lớn nhất của mình là: “không đọc sách nhiều, mưu lược thô lậu”. Quả thực, Lưu Bị không đọc nhiều sách nhưng đối với những tinh hoa mưu trí của Thánh hiền thì lại có một lý giải vô cùng sâu sắc, uyên bác. Lưu Bị một đời tuân thủ đạo đức, lấy nhân nghĩa mà đi lại trong thiên hạ, nhận được sự tín nhiệm sâu sắc của bách tính lẫn thuộc hạ theo bên mình.

Cũng bởi Lưu Bị khéo thu dụng lòng người nên mới có một Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy đến chết mới thôi”, mới có một Quan Vũ “qua năm ải, chém sáu tướng”, mới có một Triệu Vân xông pha hòn tên mũi đạn cứu ấu chúa, mới có một My phu nhân đâm đầu xuống giếng tự tử để Triệu Tử Long xả thân cứu con trai, mới có chuyện bách tính vượt sông, mới có Trương Phi cầm mâu chặn cầu Trường Bản đẩy lui quân Tào, mới có “thân ở Tào doanh quyết không hiến một kế nào” của Từ Thứ. Tất cả đều là để diễn giải nội hàm vô cùng thâm sâu của chữ “Nghĩa”: nghĩa quân thần, nghĩa huynh đệ, nghĩa quân vương – bách tính, nghĩa bạn bè, nghĩa vợ chồng…

Nhân nghĩa là cái gốc lập quốc của bậc quân vương

Thất bại không đáng sợ, đáng sợ nhất là để mất lòng người. Lưu Bị hành sự trước sau đều có một đặc điểm lớn nhất chính là thà chịu thất bại, thà nhận phần thiệt thòi chứ không bao giờ làm chuyện trái nhân, trái nghĩa. Ví như việc ông cự tuyệt hối lộ quan đốc bưu, thà ném ấn tri huyện về làm một dân đen còn hơn tiếp tay cho loài sâu mọt. Ví như chuyện vì dốc hết quân bản bộ thảo phạt kẻ tiếm xưng đế hiệu Viên Thuật mà bị Lã Bố đang đêm cướp mất Từ Châu. Ví như chuyện mang quân đi Bắc Hải cứu Khổng Dung, dấy binh đến giúp Đào Khiêm chống lại Tào Tháo ở Từ Châu. Hay như chuyện sau lưng bị thiết kỵ quân Tào đuổi gấp mà vẫn bìu díu dẫn mấy chục vạn dân vượt sông… Lưu Bị làm tất cả những việc ấy đều là xuất phát từ nền tảng đạo đức cao thượng, từ tình thương xót với muôn dân, từ lòng trắc ẩn được biểu hiện ra không hề gượng ép.

Nếu dùng quan niệm được mất thời hiện đại mà đo lường thì khó có thể hiểu được những việc làm của Lưu Bị. Trước sau, ông đều chịu phần thiệt về mình, bôn ba cả nửa đời người mà vẫn tay trắng, phải nương nhờ dưới trướng của biết bao kẻ chư hầu từ Viên Thiệu, Đào Khiêm, Lã Bố, Tào Tháo, Lưu Biểu, Lưu Chương, Tôn Quyền. Thế nhưng ở đời muốn được thì phải mất. Lưu Bị đã mất rất nhiều, thậm chí suýt mất cả mạng sống nhưng lại thu phục được nhân tâm của người trong thiên hạ. Nghe đến ba tiếng “Lưu hoàng thúc”, nhân tài trong thiên hạ không mời mà tự đến, ai ai cũng cung kính chắp tay cúi đầu thể hiện sự ngưỡng vọng cao độ. Sau này, khi có được quân sư Khổng Minh nghìn năm khó gặp trong tay, Lưu Bị chính là đã đạt đến cảnh giới cao nhất của việc thu phục lòng người. Và đó cũng là lúc năng lượng của việc thu phục lòng người bắt đầu dần dần chuyển hóa thành những chiến thắng về quân sự, chiến lược.

Ảnh minh họa: Youtube.

Từ sau khi gần như chết hụt ở Đương Dương, Trường Bản, chẳng ngờ chỉ khoảng chục năm, Lưu Bị gần như đã “đổi vận”. Mọi chuyện thay đổi từ sau đại chiến Xích Bích, khi Lưu Bị liên minh chặt chẽ với Tôn Quyền đẩy lùi trăm vạn quân Tào. Lưu Bị lần lượt có được một phần Kinh Châu, Ích Châu, Hán Trung, xưng vương rồi xưng đế, phất lên trở thành một trong 3 chư hầu lớn mạnh nhất cùng chia sẻ thiên hạ của nhà Hán. Tào Tháo và Tôn Quyền giận lắm nhưng cũng phải chịu, bởi vì đó là ý Trời. Vì Trời muốn ban thưởng cho người có đạo đức cao thượng. Phàm kẻ làm tướng thì lấy dũng làm hay, kẻ làm nguyên súy lấy trí làm hay, còn kẻ làm vua thì lấy đức làm điều cốt tử. Cho nên, kẻ làm tướng có thể thắng một trận chiến, kẻ làm súy có thể thắng một chiến dịch, còn kẻ làm vua có thể thắng được cả thiên hạ.

Lưu Bị vì giữ vững chuẩn mực đạo đức của mình, dù chịu nhiều gian nan, thất bại ở tiền vận nhưng lại nhận được sự cảm kích sâu đậm của người trong thiên hạ. Đó là một chiến lược dựng nghiệp cực kỳ độc đáo, thể hiện sự ưu tú của con người Lưu Bị. Chính vì có một nội tâm thuần tịnh và thiện lương, Lưu Bị mới có thể nhìn thấu lòng người, cực giỏi nhìn người, sử dụng nhân tài hợp lý.

***

Trở lại chuyện Gia Cát Lượng chém Mã Tốc rồi thương nhớ Lưu Bị khôn nguôi đủ cho thấy trong thâm tâm ông đánh giá cao tiên chủ thế nào. Lưu Bị nhìn nhận rằng Mã Tốc không hẳn là bất tài nhưng lại phạm vào cái tối kỵ của người làm tướng, đó là nói khoác, bàn việc quân trên giấy. Tấm gương tày liếp của Triệu Quát khi xưa vẫn còn đó, ta có quyền thắc mắc là tại sao Gia Cát Lượng không nhìn ra?

Triệu Quát từ nhỏ đã thông hiểu binh thư. Dẫu là bàn về chiến lược hay luận về trận pháp, Quát đều tỏ ra có khẩu khí hơn người của một nhà quân sự đứng đầu thiên hạ. Thế nhưng cha ông, Triệu Xa, là danh tướng nước Triệu, lại tỏ ra không tin dùng ông. Khi vợ thắc mắc nguyên do, Triệu Xa nói: “Cầm quân đánh nhau là việc đặt tính mạng vào chỗ chết, thế mà Triệu Quát coi việc cầm quân là việc dễ dàng, nhẹ nhàng. Sau này nước Triệu không dùng Triệu Quát làm tướng thì thôi, nếu dùng hắn, người làm cho nước Triệu thảm bại, nhất định sẽ là nó”. Quả nhiên, sau này Quát thua thảm trước danh tướng Bạch Khởi ở trận Trường Bình, để mất hơn 40 vạn quân, chôn vùi cả tiền đồ của nước Triệu.

Lưu Bị nhìn thấu Mã Tốc, lại cũng nhìn thấu cả Khổng Minh, cho nên trước lúc chết mới căn dặn đi căn dặn lại rằng chớ nên trọng dụng Tốc. Phải chăng là Lưu Bị còn đoán trước được rằng Khổng Minh sau này sẽ ưu ái mà giao việc lớn vào tay Tốc? Nếu vậy, con mắt biệt nhãn của Lưu Bị quả thực chẳng tầm thường…

Exit mobile version