Lời tòa soạn: Tam Quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết chương hồi huyền thoại của lịch sử văn học Á Đông. Người đọc Tam Quốc rất đa dạng, tâm thái nào cũng có: đọc để thưởng thức, đọc để học hỏi người xưa, đọc để giải trí hay đọc để “ấm vào thân”. Nhưng một tác phẩm kinh điển ắt là bên trong phải có nội hàm mênh mông, nhất thời một lát một chốc là không thể nào nắm hết được. Xưa nay cũng chưa từng nghe bậc danh sĩ nào tự vỗ ngực xưng rằng mình đã hiểu thấu được Tam Quốc. Người ta khám phá Tam Quốc chẳng khác nào những kẻ leo núi, kẻ mạnh dạn thì leo cao hơn, kẻ bồn chồn thì chỉ leo một chút rồi tụt xuống, nào ai đã từng đứng trên đỉnh cao mà thấu triệt được toàn bộ cái lý thâm sâu của câu chuyện? Thế nên, chút cố gắng của chúng tôi hòng giải mã Tam Quốc cũng từa tựa như kẻ leo núi kia vậy, không dám cố quá, leo được chừng nào xin hầu độc giả chừng ấy mà thôi.
Trọn bộ: Luận đàm Tam Quốc
***
“Tam Quốc diễn nghĩa” rốt cuộc lại chính là diễn một chữ “Nghĩa”. Mới mở sách ra, hồi đầu tiên đã là: “Tiệc vườn đào anh hùng kết nghĩa; Chém Khăn Vàng hào kiệt lập công”. Lưu, Quan, Trương ba người kết nghĩa vườn đào, cùng dệt nên một thiên sử thi chấn động lòng người về chữ “Nghĩa”, chẳng chung huyết thống mà thân thiết với nhau còn hơn ruột thịt. Chữ “Nghĩa” này, ngẫm kỹ ra thực có nội hàm vô cùng sâu sắc.
Nội hàm thâm sâu của chữ “Nghĩa”
Nghĩa theo cách lý giải thông thường nhất chính là lẽ phải làm người. Người sống trên đời không thể không tuân theo đạo lý ấy. Từ mặt chiết tự, ta thấy chữ “Nghĩa” (義) là do bộ “Dương” – con dê (羊) và bộ “Ngã” (我) – cái tôi hợp lại mà thành. Thời cổ đại, người ta dùng dê trong các cuộc tế lễ Thần linh, hình ảnh con dê đại biểu cho sự tôn kính, phụng thờ. Đặt “cái tôi” dưới con dê chính là hàm ý đặt mình dưới sự ước thúc của lễ nghi, cũng có hàm nghĩa phụng sự, vì cái chung mà gạt bỏ tình riêng.
Người có nghĩa khí lại không phải chỉ là hạng vũ dũng tầm thường, thấy điều chướng tai gai mắt liền ra tay can thiệp. Đó phải là người có khí chất phi phàm, hành sự đường đường chính chính, gặp nguy nan không lay chuyển ý chí, có việc đắc ý cũng chẳng hoan hỉ chủ quan. Dẫu ở vị trí nào, họ cũng làm tròn nghĩa vụ, duy trì chính nghĩa, dám làm dám chịu, vì đảm đương việc nghĩa lớn mà không hề trốn tránh trách nhiệm.
Nghĩa cũng là cơ sở cho các mối quan hệ thời cổ đại như: vua tôi, vợ chồng, bằng hữu, thầy trò, huynh đệ… Mỗi người đều là ở vị trí của chính mình mà điều hòa thật tốt mối quan hệ với người khác, tuân theo đạo nghĩa và trách nhiệm của mình. Ví như, cái nghĩa của bậc quân vương là “nhân nghĩa”, cái nghĩa của bề tôi là “trung nghĩa”, cái nghĩa giữa vợ chồng là “tình nghĩa”, cái nghĩa giữa anh em, bạn bè là “tín nghĩa”. Xã hội truyền thống đều là nhất loạt tuân theo cách hành xử ấy: vô tư, vị tha, lãnh trách nhiệm và phụng sự cái chung.
Cổ nhân nói: “Huynh đạo hữu, đệ đạo cung”, tức là: đạo của anh là yêu thương, đạo của em là cung kính. Người làm anh phải dùng tình yêu thương mà bao dung, dạy dỗ, bảo vệ kẻ dưới. Đổi lại, người làm em cũng cần phải khiêm nhường, cung kính, phải hiểu được nỗi lo trong lòng huynh trưởng. Luận về điểm này, chuyện kết nghĩa của ba anh em Lưu, Quan, Trương có phải chỉ là tình nghĩa huynh đệ đơn thuần chăng?
Nghĩa anh em hòa cùng nghĩa quân thần
Chúng ta đều biết, “Tam Quốc diễn nghĩa” thuật lại cuộc tranh đoạt thiên hạ của 3 nước lớn Ngụy – Thục – Ngô, từ lúc mới hình thành cho đến khi diệt vong. Trong khoảng 100 năm đó, có biết bao đế vương, thần tử, hào kiệt, anh hùng, mĩ nhân, đại tướng thực là cùng nhau diễn một màn kịch lớn của chữ “Nghĩa”. Nhà Hán nghiêng đổ, các lộ chư hầu nổi lên cát cứ, tranh hùng khắp nơi như ong vỡ tổ. La Quán Trung đặt nhân vật của mình trong thời loạn thế đó mà tường tận miêu tả nổi bật lên tính cách, phẩm giá, lựa chọn của từng người.
Giữa nhiễu nhương thời cuộc, đối mặt với quyền lực, tài phú, người ta sẽ có những lựa chọn khác nhau. Mỗi người đều chẳng cùng chí hướng, cũng không có phẩm hạnh giống nhau, từng quyết định đưa ra đều là kiểm nghiệm sâu sắc với lòng người, đều là lựa chọn thiện – ác, cuối cùng chính là đặt định vị trí cho mình là chính nghĩa hay bất nghĩa. Tức là tất cả đều được bao trùm bởi một chữ “Nghĩa” này.
Bởi thế, trong thời “Tam phân”, chiến tranh không ngừng nổ ra, các lộ anh hùng cũng không ngừng giao phong, va chạm, “diễn” hết mình trên sân khấu Thần Châu. Rốt cuộc, theo dòng nước Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông, những ai là thực lòng báo quốc an dân, những ai bề ngoài hô hào chính nghĩa mà bên trong chứa đầy tư lợi, thừa dịp loạn mà mưu cầu quyền thế… tất cả đều hiện lên rõ mồn một trước mặt độc giả, sống động vô cùng. Đọc hết “Tam Quốc diễn nghĩa”, dù có thể hay không thể nói nên lời, người ta vẫn cảm giác được một cách đầy đủ, cụ thể của hai khái niệm: “nghĩa” và “bất nghĩa”.
Mở đầu “Tam Quốc diễn nghĩa” là câu chuyện kết nghĩa đào viên, như vậy nhân vật chính yếu nhất hẳn phải là ba anh em: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Ba người tuy là ba cá thể với ba tính cách khác nhau nhưng cũng chính là “tam vị nhất thể”. Lưu Bị chính là thủ lĩnh, là “bộ óc” định ra phương sách hoạt động cho ba anh em. Trong khi đó, Quan Vũ và Trương Phi chính là hai cánh tay trái phải phụ tá đắc lực cho Lưu Bị trên đường dựng đại nghiệp. Ba người họ luôn là như thế này xuất hiện cùng nhau: Lưu Bị đi giữa, bên tả có Quan Vũ, bên hữu có Trương Phi luôn theo sát hầu cận như hình với bóng.
Cái nghĩa của Lưu, Quan, Trương ba người không chỉ đơn giản là “tín nghĩa” huynh đệ mà còn là cái nghĩa quân thần, vua tôi đồng tâm đồng đức. Lưu Bị dù phải bôn ba nửa đời người không một mảnh đất cắm dùi nhưng chưa bao giờ quên hai chữ “nhân nghĩa”, yêu thương muôn dân, kính trọng hiền sĩ. Đó chính là cái “nhân nghĩa”, cái khoan dung, độ lượng của một bậc quân vương. Quan Vũ, Trương Phi dù có lúc binh bại rơi thế đường cùng nhưng trước sau như một, lòng trung chẳng đổi, trong tâm chỉ nhất nhất hướng đến “ca ca”. Ấy lại là cái “trung nghĩa” của phận bề tôi vậy.
Như thế có thể thấy, dưới ngòi bút của La Quán Trung, Lưu Bị là hình tượng diễn giải khía cạnh “nhân” của chữ “Nghĩa”, còn Quan Vũ hay Trương Phi là hình tượng diễn giải khía cạnh “trung” của chữ “Nghĩa”. Còn giữa Quan Vũ và Trương Phi, đương nhiên là cũng có sự thể hiện khía cạnh “tín” của chữ “Nghĩa”. Hãy nhớ lại lúc Trương Phi hiểu lầm Quan Vũ ở Cổ Thành, thậm chí còn mang cả bát xà mâu ra đánh lại “nhị ca” của mình. Quan Vũ cuối cùng đã phải chém đầu tướng Tào là Sái Dương để hóa giải hiểu lầm đó, cũng là lấy lại cái “tín nghĩa” của tình huynh đệ kết nghĩa vườn đào năm xưa. Đương nhiên dù là nhân nghĩa, trung nghĩa hay tín nghĩa thì cũng khó mà tách bạch ra để coi xét, phân biệt thật chi li, cụ thể. Bởi nội hàm của “Nghĩa” rất rộng lớn, bao trùm tất cả dù là trung, nhân hay tín.
Ở đây cũng cần bàn thêm một điểm nữa, trong tiểu thuyết dường như hình tượng một Lưu Bị bụng đầy nhân nghĩa được xây dựng để đối lập với một Tào Tháo bị miêu tả như một gian hùng. Nếu ta nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá từ những dự kiện lịch sử chân thực thì quả thực Tào Tháo đã phải chịu thiệt thòi không ít.
Trong lịch sử, Tào Tháo cũng nổi tiếng là một quân chủ đầy lòng nhân nghĩa, khoan dung (không nhân nghĩa thì chắc chắn không thể ngồi vào ghế vương hầu được). Cho nên tiểu thuyết là có pha thêm rất nhiều phần gia công nghệ thuật bên trong, đọc rồi thì là đọc thôi, chớ nên câu nệ vào các tình tiết bên trong mà làm sai lệch lịch sử chân thực. Ngay chính hình tượng Lưu Bị trong Tam Quốc diễn nghĩa cũng không hẳn đúng với nguyên gốc lịch sử ngoài đời. Nhưng ta hiểu mục đích lớn nhất của La Quán Trung khi nhào nặn hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết này chính là muốn trừ ác dương thiện, tô đậm cho một chữ “Nghĩa” kia mà thôi.
Tịnh Văn
Theo Zhengjian