Trong tác phẩm nổi tiếng “Hồng Lâu Mộng” có câu rằng: “Thân hậu hữu dư vong súc thủ, Nhãn tiền vô lộ tư hồi đầu.” (Tạm dịch: Sau lưng có đường lui nhưng không chịu buông tay, trước mắt muốn quay trở về cũng không còn lối). Câu nói ấy thật sâu sắc, hỏi trên thế gian có bao nhiêu người hiểu được, tiếp nhận được?
Cổ nhân giảng: “Lùi một bước biển rộng trời cao!” đây không phải là lời sáo rỗng dùng để an ủi những người bị thất ý, cũng không phải là điều mà các ẩn sĩ ôm giữ trong lòng để được nhẹ nhõm bản thân. Mà nó là một loại cảnh giới, một loại trí tuệ vượt xa cảnh giới của người bình thường.
Trương Lương sau khi lập công nhưng công lao không thuộc về mình đã lui về ở ẩn, an hưởng tuổi già, được sử sách lưu danh. Có biết bao người từ giã sự nghiệp khi đang ở trên đỉnh vinh quang, dong duổi khắp thiên hạ, bảo toàn sinh mệnh…mà được lưu danh thiên cổ. “Lùi một bước” như vậy, không hề mất đi thứ gì, trái lại còn tích lũy thêm, làm phong phú thêm cho sinh mệnh bản thân, gia tăng trí tuệ cho sinh mệnh.
Vào triều đại nhà Thanh những năm vua Khang Hy tại vị, có một vị đại học sĩ – một chức quan cao cấp thời bấy giờ tên là Trương Anh rất công minh và hiểu biết.
Một ngày nọ, Trương Anh nhận được lá thư ở quê nhà gửi đến. Trong thư kể rằng gia đình hiện đang vì ba thước đất làm tường mà phát sinh tranh chấp với gia đình hàng xóm. Sự việc kéo dài trong thời gian lâu mà vẫn chưa giải quyết được nên muốn ông sử dụng chức quyền của mình để giải quyết mối tranh chấp này. Nếu thắng được vụ này thì …
Vừa đọc đến đó, Trương Anh đã phá lên cười thản nhiên rồi dùng bút viết một phong thư gửi về quê nhà. Trong bức thư, ông ghi hai câu thơ:
“Thiên lý tu thư chích vi tường, nhượng tha tam xích hựu hà phương?
Vạn lý trường thành kim do tại, bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng.”
(Tạm dịch nghĩa: Từ ngàn dặm gửi thư về chỉ vì một bức tường, nhường họ ba thước có sao đâu? Vạn Lý Trường Thành còn ở đó mà Tần Thủy Hoàng nay đâu còn.)
Người nhà sau khi tiếp nhận lá thư, hiểu được ý mà ông muốn nhắn nhủ nên đã chủ động nhường cho hàng xóm ba thước đất. Không ngờ, người hàng xóm thấy vậy cũng chủ động nhường ra ba thước đất. Cuối cùng hai bên gia đình đều xây tường lùi vào ba thước và ngõ hẻm đó rộng thành sáu thước.
Câu chuyện “biến chiến tranh thành tơ lụa” này được lưu truyền cho đến ngày nay.
Nội hàm của “lùi một bước” thật vô cùng phong phú. Ở mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước có thể tránh cho mâu thuẫn trở nên gay gắt và khuyếch đại tình trạng của sự việc, còn có thể khiến bản thân tỉnh táo tĩnh hạ xuống, từ đó mà thấy rõ được ngọn nguồn của sự tình, khiến sự tình được hóa giải. Khi đối diện với lợi ích trước mặt, lùi một bước thì có thể nhảy xuất ra khỏi sự tranh đoạt, có thể bồi dưỡng đức hạnh nhân nghĩa của bản thân, cuối cùng không phải chịu tổn thất gì.
Trong cõi hồng trần ồn ã này, nếu chúng ta thời thời khắc khắc ghi nhớ “lùi một bước” thì hoàn cảnh khi xảy ra mâu thuẫn sẽ cải biến thành một trạng thái khác, một thế giới khác. Tranh tranh đấu đấu, cố chấp không buông tay, suy cho cùng cũng có được gì đâu? Danh lợi, chết không mang theo được, chỉ có nghiệp lực là mang theo bên thân mà thôi.
Kỳ thực, “lùi” và “tiến” có thể viên dung, hỗ trợ lẫn nhau, giống như âm và dương, cương và nhu, động và tĩnh, trên và dưới, thành và bại. Chỉ có âm thì không sinh ra được, chỉ có dương thì không lớn lên được, cao ngạo thì sẽ có hối hận, chỉ biết tiến mà không biết lùi thì cuối cùng sẽ dẫn đến suy sụp, thương vong.
Lùi một bước, nhìn xem tâm của mình vì sao mà bị kích động? Lùi một bước, nhìn xem con đường đời của mình là đang hướng lên hay thụt lùi xuống? Lùi một bước, suy ngẫm xem, rốt cuộc bản thân mình là sống vì điều gì?
Người xưa nói: “Sở dĩ không biết rõ chân núi là vì bản thân đang đứng ở trên núi”, “Người trong cuộc mê, người bên ngoài rõ ràng minh bạch”. “Lùi một bước” là khiến bản thân mình đi ra khỏi núi, đứng ở ngoài cuộc, như thế mới có thể thấy rõ chân núi, lý trí hiểu rõ được sự tình mà làm thành được sự nghiệp, thấu hiểu được nhân sinh.