Khán giả Việt Nam đã từng rất quen thuộc với cái tên Hòa Thân, một trong những đại thần nổi tiếng nhất triều Thanh. Nhưng bên cạnh ông còn có một nhân vật rất đặc biệt khác, làm quan cùng triều, lớn hơn 30 tuổi, là kỳ phùng địch thủ của Hòa Thân. 

Hòa Thân rất nổi tiếng, mệnh danh là “đại tham quan đệ nhất” triều Thanh. Khi Hoàng đế Gia Khánh cho lục soát nhà Hòa Thân, chỉ riêng lượng bạc thu được đã tới hơn 800 triệu lạng.

Đây thực sự là một con số khủng khiếp nếu bạn biết rằng thu nhập quốc khố 1 năm của triều Thanh chỉ là hơn 70 triệu lạng bạc. Đó là còn chưa kể tới những bức thư pháp cổ và đồ cổ giá trị trong bộ sưu tập của Hòa Thân. Người thời đó nói: “Hòa Thân đổ, Gia Khánh no” là vì thế. 

Không chỉ giàu có, Hòa Thân còn thực sự nắm trong tay rất nhiều quyền lực. Một mình ông kiêm nhiệm tới vài chục chức quan nhất phẩm, đều là chức vụ quan trọng trong triều như: Đại học sỹ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc, Thượng thư bộ Lại, bộ Hộ, bộ Hình, Tổng quản phủ Nội vụ, Viện sỹ viện Hàn Lâm...

Cuối cùng thì Hòa Thân được người ta gọi là “Nhị hoàng đế”, ngay cả hoàng đế Gia Khánh ngồi bên cạnh Hòa Thân cũng chỉ là vai phụ. Hòa Thân thực sự chính là “dưới một người mà trên vạn vạn người”.

Mặc dù xuất hiện như một kỳ tích có một không hai nhưng cuối cùng Hòa Thân cũng không thể thoát khỏi số phận bi đát. Hoàng đế Gia Khánh sau khi lật đổ, tịch biên gia sản đã ban cho ông một cái chết nhẹ nhàng, buộc phải tự sát tại gia. Thọ mệnh Hòa Thân không quá 50 tuổi.

Số phận Hòa Thân tuy đặc biệt như vậy nhưng bên cạnh ông còn có một nhân vật ly kỳ hơn. Suốt cuộc đời, người này rất mực thanh liêm, chính trực, cương nghị, không a dua, nịnh hót, thường đối đầu với Hòa Thân.

Nhưng có một điều kỳ lạ là đường quan lộ của ông lại rất hanh thông, chức vị cũng ngang ngửa với Hòa Thân. Ông làm đến chức Tể tướng, quan đầu triều. Cuối đời, ông đã hạ bệ được Hòa Thân và ra đi nhẹ nhàng, hưởng thọ 86 tuổi. Đó chính là Lưu Dung “lưng gù”.

Đối đầu với Hòa Thân là một lựa chọn vô cùng nguy hiểm nhưng sở dĩ Lưu Dung có thể sống đến già, hưởng phúc đời người hơn hẳn Hòa Thân chủ yếu là do những lý do này. 

Hòa Thân và Lưu Gù. Ảnh dẫn theo youtube.com

1. Cả đời Lưu Dung không tham lam 

Lưu Dung (1719 – 1805), tự Sùng Như, là con trai cả của Tể tướng triều Thanh Lưu Thống Huân. Mặc dù xuất thân quyền quý nhưng ông không hề nhiễm thói xấu của những cậu ấm, cô chiêu. Suốt cuộc đời, Lưu Dung không tham lam, không hủ bại, luôn giữ gìn cho mình phẩm giá quang minh, lỗi lạc. Đây chính là lý do vì sao dù phải đối mặt với một Hòa Thân vây cánh trải khắp thiên hạ, Lưu Dung vẫn bình yên vô sự, sừng sững như một câu đại thụ. 

Lưu Dung đỗ tiến sĩ năm 32 tuổi, làm quan hơn 50 năm mà chẳng vơ vét gì cho riêng mình, ngược hẳn với Hòa Thân. Ông chỉ chí thú làm thơ, luyện thư pháp, sống giản dị, lo nghĩ cho dân chúng. Khi chỉ dẫn cho dân đắp đê, xây cầu, ông tự mình xắn tay vào làm cùng họ. Lưu Dung may mặc đơn sơ, ăn uống kham khổ, thậm chí cùng ăn ngô, ăn sắn với dân, món mà ông thích nhất cũng chỉ là… bánh cuốn tráng hành!

Cả đời Lưu Dung không tham lam. Ảnh dẫn theo youtube.com

2. Tài năng uyên bác, được Hoàng đế mến mộ

Lưu Dung không chỉ là một nhà chính trị, mà còn là nhà thư pháp nổi tiếng. Bởi thế Hoàng đế rất yêu mến, thường bỏ qua cho ông nhiều lỗi lầm. Khi Lưu Dung làm quan giám sát tại Ký Ninh, thuộc hạ của ông tham lam quốc khố. Theo pháp luật thời đó, khi cấp dưới phạm tội chết thì cấp trên cũng phải chịu liên đới.

Lưu Dung có thể bị cách chức và bị tra tấn bằng cực hình, sống cũng bằng như chết. Thế nhưng Hoàng đế Càn Long vì mến mộ tài năng ông nên đã hạ chiếu gia ân, chỉ đày Lưu Dung ra biên cương để chuộc tội. Tới năm thứ hai thì ông được miễn tội, phục chức. 

Trong thời gian đảm nhận công việc ở Quốc Tử Giám, viên quan dưới quyền ông bị kiện vì tội nhận hối lộ của thí sinh. Nhưng lại một lần nữa, cái lọng của Hoàng đế đã giúp ông thoát chết, chỉ bị giáng chức, không truy cứu thêm.

Nhiều lần, Hòa Thân thực sự muốn làm khó Lưu Dung nhưng vua Càn Long luôn dang tay che chở ông được bình an vô sự. Hòa Thân vì chuyện này mà rất ấm ức nhưng cũng không thể làm gì được ông. 

Hơn nữa Lưu Dung là người rất có danh vọng trong lòng bách tính, được muôn dân nể vì. Vua Càn Long, vì sự yên ổn của giang sơn xã tắc, cũng không thể dễ dàng giết đi một viên quan thanh liêm, mẫu mực như vậy. Huống hồ miễn tội, giảm án cho Lưu Dung cũng là cách để gây dựng tiếng tăm, củng cố quyền lực của Hoàng đế trong lòng trăm họ. 

Cả đời Lưu Dung không tham lam. Ảnh dẫn theo hatinhnews.com

3. Lưu Dung rất khéo léo trong cuộc đối đầu với Hòa Thân

Trong lịch sử, Lưu Dung và Hòa Thân quả thực là một cặp oan gia ngõ hẹp, không đội trời chung. Dẫu khinh thường Hòa Thân nhưng Lưu Dung cũng rất đề phòng, không hề trực tiếp đả kích đối thủ trực diện bằng lời nói, hành động. 

Mỗi lần đối diện với Hòa Thân, ông chỉ đứng yên, mỉm cười lặng lẽ. Bề ngoài Lưu Dung vẫn là khen ngợi Hòa Thân, dùng nhu để thắng cương, nói lời dí dỏm để hóa giải mâu thuẫn, khiến Hòa Thân không thể chỉ trích ông, tức đến tận cổ mà vẫn phải kìm lại. Ngoài ra, Lưu Dung còn khéo léo nắm được thóp của đối thủ, khiến Hòa Thân không thể trực tiếp hãm hại ông.

Vào năm 1781, Lưu Dung và Hòa Thân cùng tới Sơn Đông thẩm lý vụ án quan Tuần phủ phạm pháp. Tuần phủ Sơn Đông là thân tín của Hòa Thân, chắc chắn là được Hòa Thân dung túng mà phạm pháp. Nhưng Lưu Dung đã đóng giả thành đạo sỹ, đi bộ tới dò la tin tức, tự mình điều tra thực hư sự tình sau đó báo cáo thẳng lên triều đình mà không thông qua Hòa Thân. 

Cuối cùng, Tuần phủ Sơn Đông bị xử tử theo luật pháp. Dù biết rõ Hòa Thân đứng sau chống lưng cho viên Tuần phủ nhưng Lưu Dung không hề điều tra sâu thêm, vẫn chừa cho Hòa Thân một đường lùi. Do đó, Hòa Thân tự nhiên mang ơn ông, từ đó cũng không so đo, tính toán với Lưu Dung nữa.

Không phải Lưu Dung sợ Hòa Thân hay tiếp tay cho kẻ giam tham làm càn mà là ông ẩn mình chờ thời, nhận thấy thời cơ lật đổ Hòa Thân chưa tới nên cố ý tạo ra một ân huệ. Như thế, Lưu Dung vừa nới lỏng được sức ép của Hòa Thân, vừa khiến đối thủ chủ quan, khinh địch, hành động sơ hở về sau.  

4. Hòa Thân chỉ là kẻ hám lợi, chứ thực sự không nhẫn tâm muốn hại chết người khác 

Nói một cách khách quan, mặc dù tham ô, hủ bại, lại có thân tín trải khắp thiên hạ nhưng Hòa Thân không có tâm địa thực sự muốn hại chết người khác. Ông vẫn rất mực trung thành với Hoàng đế và triều đình.

Nói Hòa Thân là tham quan không sai nhưng ông không giống nhiều tham quan khác. Hòa Thân tham nhưng không gian, chỉ là muốn vơ vét tiền bạc đầy túi, sống hưởng lạc một đời chứ không có mưu gian, kế hiểm, đảo chính, cướp ngôi hay giết người hại mệnh. 

Hòa Thân cũng không hại chết trung thần nào, hoàn toàn nghe theo chỉ dụ của Hoàng đế. Đây chính là lý do khiến Lưu Dung dù luôn phải đối đầu Hòa Thân nhưng trái lại cũng rất… an toàn.

Vậy nên mới nói Hòa Thân là một người đặc biệt, tâm địa không đến nỗi hiểm ác nên mới có thể để yên cho Lưu Dung tồn tại như vậy. Có trong tay tiền, quyền, thế lực, việc bới lông tìm vết, vu cho Lưu Dung tội trạng đối với Hòa Thân mà nói thì chính là dễ như trở bàn tay, huống hồ trên thực tế Lưu Dung cũng phạm sai lầm không ít. 

Hòa Thân chỉ là kẻ hám lợi. Ảnh dẫn theo rufodao.qq.com

5. Lưu Dung nhìn xa trông rộng

Những năm cuối đời, Lưu Dung nhận được sự tín nhiệm rất lớn của Thái tử chuẩn bị kế vị. Ông được tấn phong là “Thái tử thái bảo” (tức thầy của Thái tử). Sau khi vua Càn Long qua đời, Hoàng đế Gia Khánh nắm lấy quyền lớn trong tay. Lưu Dung nghiễm nhiên trở thành sủng thần số một.

Nhưng đối thủ của ông, Hòa Thân thực sự đã đi sai nước cờ lần này. Khi Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay vua Càn Long, lúc đó đã già cả và lui về làm Thái Thượng hoàng.

Hòa Thân đã quá tự tin khi cho rằng chỉ cần được Thái Thượng hoàng tín nhiệm là có thể yên ổn. Khi cùng Gia Khánh sóng vai đi cạnh Thái Thượng hoàng, Hòa Thân thực sự đã coi mình như một “Nhị hoàng đế”, căn bản đã chẳng coi Gia Khánh ra gì.

Lúc này Hòa Thân còn huênh hoang tuyên bố: “Gia Khánh không đủ tầm để đấu trí với ta!”. Hòa Thân đã quên rằng, tương lai người cai quản thiên hạ chính là Gia Khánh, chứ không thể là Hòa Thân. Ông đã không phân định được rõ vị trí của mình, tự cho rằng mình là người quan trọng nhất triều đình, tưởng rằng bạc vàng và quyền thế có thể làm chiếc lọng che chắn vĩnh viễn cho mình. 

Đặc biệt là bề ngoài Gia Khánh vẫn luôn không ngớt lời khen ngợi Hòa Thân. Hoàng đế còn hạ lệnh rằng ngoài những trường hợp công khai, Hòa Thân không cần phải hành lễ 3 quỳ 9 lạy với mình. Gia Khánh còn tặng cho Hòa Thân ruộng tốt, nhà cao cửa rộng, nô bộc và mỹ nữ.

Lúc này Hòa Thân hoàn toàn mất hết cảnh giác, không ý thức được rằng mình đang cận kề cái chết, đang dần sa vào cái bẫy mà Hoàng đế Gia Khánh và Lưu Dung đã giăng sẵn. Gia Khánh cũng đã sớm bàn mưu tính kế cùng Lưu Dung, âm thầm thu gom những bằng chứng tố cáo tội trạng Hòa Thân, chỉ đợi ngày hành sự. 

Vậy nên, ngay khi Càn Long vừa băng hà, Hòa Thân một mình kiêm vài chục chức quan nhất phẩm đã nhanh chóng bị Hoàng đế Gia Khánh khống chế. Cuối cùng ông bị buộc phải treo cổ tự vẫn tại nhà.

Kỳ thực, đó vẫn còn là một may mắn lớn của Hòa Thân. Thậm chí Hòa Thân còn cần phải cảm ơn đối thủ lâu năm của mình là Lưu Dung. Nhờ đề xuất của Lưu Dung mà vụ án Hòa Thân đã chỉ gói gọn trong một phạm vi nhỏ. Người nhà của Hòa Thân cũng đều được bảo toàn tính mạng.

Không phải vì Lưu Dung thương xót, nể tình Hòa Thân mà bởi ông cho rằng rất nhiều quan lại khi ấy đều có dính líu tới Hòa Thân. Nếu điều tra ngọn ngành thì toàn bộ chốn quan trường sẽ nổi cơn sóng gió, hậu quả nguy hại tới triều đình là không thể đo đếm. Vậy nên Hoàng đế Gia Khánh đã tiếp thu đề xuất của Lưu Dung, chỉ ban cho Hòa Thân tự vẫn, hạ bức màn cho cuộc đời truyền kỳ của nhân vật này.

***

Khi Hòa Thân chết, Lưu Dung cũng đã 80 tuổi. Cả đời bị Hòa Thân gây sức ép, phút cuối cùng, ông đã dạy cho đối thủ một bài học đắt giá. Thậm chí ông còn thay thế Hòa Thân, trở thành Tể tướng, viên quan lớn nhất dưới triều Hoàng đế Gia Khánh.

Vào năm 1805, Lưu Dung 86 tuổi, ra đi trong sự thanh thản, khép lại một cuộc đời nhiều truyền kỳ. Ông đã trầm luân trong chốn quan trường hơn 50 năm. Ông đã đối đầu với Hòa Thân suốt cả một đời. Chính sự can đảm, phẩm giá trong sạch, cao khiết, tấm lòng vì nước vì dân đã giúp Lưu Dung lưu danh sử sách, để lại cho hậu thế bài học đạo đức sâu sắc. 

Thực là:

“Những phường bất nghĩa tiêu vong
Nghìn năm chỉ có anh hùng lưu danh”

Video: Sông có khúc, người có lúc, vạn sự tùy duyên không tranh đấu thì hạnh phúc đong đầy

videoinfo__video3.dkn.tv||8d12f6814__