Đại Kỷ Nguyên

Lý giải bí mật ẩn giấu đằng sau tên của ba vị đồ đệ của Đường Tăng là gì?

Chúng ta, ai đã từng xem hay đọc qua tác phẩm “Tây Du Ký” đều biết tên của ba vị đồ đệ của Đường Tăng là Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tĩnh và Trư Bát Giới. Nhưng không có mấy người hiểu rõ được ý nghĩa sâu xa đằng sau những cái tên này.

Chúng ta cùng phân tích ý nghĩa sâu xa của tên ba vị đồ đệ của Đường Tăng và mối liên hệ của nó với quả vị trong tu luyện mà từng người đạt được. “Không” trong Tôn Ngộ Không, “Tĩnh” trong Sa Ngộ Tĩnh và “Năng” trong Trư Ngộ Năng có ý nghĩa gì? Kỳ thực, chúng chính là đại biểu cho các tiêu chuẩn tâm tính khác nhau và cuối cùng cũng quyết định quả vị bất đồng của người tu luyện.

Chữ “Không” trong Tôn Ngộ Không

Chữ “Không” có nghĩa là xả bỏ và tống khứ tất cả tâm chấp trước và dục vọng của một người bình thường.

Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một hòn đá. Anh ta không có thân thể người thường và mang hình dạng của một con khỉ. Anh ta không có bất kỳ kinh nghiệm nào của con người và không có nhiều tâm của người thường, có khả năng học hỏi nhanh chóng và linh thông.

Trước khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, anh ta đã từng học Đạo với Tổ Sư Bồ Đề, và học được 72 phép thần thông biến hóa cũng như phát triển những công năng phi thường. Rồi anh ta được luyện trong lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân trên Thiên đình, và đã luyện thành hỏa nhãn kim tinh, có khả năng nhìn xuyên thấu. Kỳ thực, anh ta đã đạt được thiên nhãn thông, đạt được con mắt của trí huệ. Mọi loại yêu ma đều phải hiện nguyên hình trước con mắt của anh ta.

Tôn Ngộ Không trảm yêu trừ ma và bảo vệ sư phụ của anh ta trong cuộc hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh. Anh ta luôn một lòng kiên định và không hề do dự về cuộc hành trình của họ. Anh ta không hề cảm thấy đau buồn khi sư phụ của mình bị yêu quái lừa gạt và đổ tội cho anh ta đã nhầm lẫn, trong khi sư đệ Trư Ngộ Năng nói xấu anh ta với sư phụ. Ngay cả khi sư phụ đuổi anh đi, phải trở về hang động của mình nhưng anh ta vẫn luôn lo lắng cho sự an nguy của sư phụ. Anh ta không hề mang chấp trước về danh, lợi, tình và không còn nhân tâm. Cuối cùng, anh ta đã thành tựu chính quả và được Phật Tổ phong làm “Đấu Chiến Thắng Phật”.

Chữ “Tĩnh” trong Sa Ngộ Tĩnh

Chữ “Tĩnh” là nói về tâm thanh tịnh và trong sạch, cũng mang ý nghĩa là loại trừ đi các loại tâm của người bình thường. Sau khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Sa Ngộ Tĩnh đã từ bỏ được rất nhiều ma tính của mình trong quá khứ. Anh ta dắt ngựa, mang hành lý, làm việc rất cực nhọc và không hề tỏ ra giận dữ khi bị phê bình.

Anh ta đã luôn kiên định trong suốt cuộc hành trình theo Sư phụ tới Tây Thiên lấy kinh. Nhưng dù sao thì công lao của anh ta cũng không to lớn bằng đại sư huynh của mình cho nên anh ta chỉ thành tựu ‘Kim Thân La Hán’.

Chữ “Năng” trong Trư Ngộ Năng

Chữ “Năng” chính là công năng, là sản phẩm phụ trong quá trình tu luyện. Tu luyện thực sự là tu tâm và tống khứ đi các chấp trước của người thường. Trư Bát Giới là người có nhân tâm mạnh mẽ nhất trong ba đồ đệ của Đường Tăng. Anh ta vốn là tướng trên Thiên Đình, do khởi sắc tâm với Hằng Nga mà bị đánh hạ xuống thế gian con người, mang thân con heo. Dù vậy, tâm sắc dục của anh ta vẫn không hề thay đổi.

Trong cuộc hành trình sang Tây Thiên, anh ta đã từng muốn bỏ cuộc để cưới một thiếu nữ xinh đẹp tại Cao Lão Trang. Khi họ đến Nữ nhân quốc, anh ta không muốn ra đi và thậm chí còn khuyên cả sư phụ của mình ở lại đây. Khi hộ giá sư phụ sang Tây Thiên, anh ta đã tỏ ra không kiên định và từng khuyên mọi người bỏ cuộc, quay trở về.

Ngoài ra, anh ta còn có những tâm chấp trước khác như ham tiền, tham ăn, tham ngủ, và đố kỵ. Anh ta thường xuyên nói xấu Ngộ Không trước mặt sư phụ. Cuối cùng, anh ta đã không tu thành chính quả, chỉ trở thành “Tịnh Đàm Sứ Giả” chịu trách nhiệm về thức ăn tại Tịnh Đàm. Anh ta còn than phiền với Phật Tổ: “Tất cả họ đều thành Phật, tại sao tôi chỉ trở thành sứ giả?”. Phật Tổ nói rằng bởi vì anh ta quá tham ăn.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version