Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là một tướng quân nổi tiếng thời Hán-Sở tranh hùng, từng có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang. Sở dĩ Hạng Vũ có thể xưng hùng xưng bá trong thiên hạ là nhờ có sự phò tá của một bậc quân sư kỳ tài, đó là Phạm Tăng.
Việc Anh Bố phản Sở để theo Hán là một đòn nặng đối với Hạng Vũ, nhưng tuyệt đối không phải là đòn trí mạng. Sau khi Hàn Tín bỏ đi, dưới trướng của Hạng Vũ vẫn còn một viên tướng trí dũng song toàn là Chung Ly Muội. Hơn nữa, quân sư Phạm Tăng vẫn còn, hệ thống “túi khôn” vẫn chưa bị tê liệt.
Giữa sông Hoàng Hà và đại bản doanh, Lưu Bang cho làm một tuyến đường vận chuyển. Nhưng được Chung Ly Muội đưa ra kế sách, Hạng Vũ không ngừng sai quân khinh kỵ tập kích quấy nhiễu con đường vận chuyển lương thực này của quân Hán, khiến quân Hán cơ cực chịu cái khổ thiếu lương thực.
Lưu Bang và Trần Bình thương lượng, Trần Bình nói: “Thần có biện pháp, có điều Hán Vương phải trao cho thần toàn quyền xử lý việc này”.
Lưu Bang phê chuẩn, chi cho một khoản kinh phí khá lớn là 4 vạn cân tiền đồng, trực tiếp do Trần Bình tùy ý sử dụng. Trần Bình vốn đã từng ở trong doanh trại quân Hạng Vũ, có rất nhiều người quen, liền đem tiền đi tạo quan hệ khắp trên dưới. Người ta tự nhiên là vui cười tít mắt:
– Trần Bình hào phóng như thế này, cần tại hạ làm việc gì?
– Cũng chẳng có việc gì, chỉ là nói vài câu mà thôi.
– Nói câu gì?
– Trong các tướng quân Sở, chiến công của ai là nhiều nhất?
– Tất nhiên là Chung Ly Muội và thuộc hạ rồi.
– Nhóm người Chung Ly Muội lập được nhiều chiến công như thế này lại không được phong vương, hầu, trong lòng có oán hận không?
– Có lẽ có?
– Trong lòng họ oán hận, khó đảm bảo sẽ không câu kết với Hán Vương, cùng mưu tính chống lại Hạng Vương!
– Cái này cũng có khả năng!
– Nhóm người Chung Ly Muội này câu kết với Hán Vương, thì ắt sẽ ra trận mà không dốc sức, quân Sở mãi vẫn không hạ được Huỳnh Dương, lẽ nào chẳng phải nguyên cớ này?
– Ồ, nghe có vẻ đúng là như thế!
Tục ngữ nói, tam nhân thành hổ. Những lời đồi thổi như thế này lan truyền rất nhanh trong doanh trại quân Sở, khó tránh khỏi truyền đến tai Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Hạng Vũ cũng bán tín bán nghi: “Lẽ nào có chuyện như thế này?”. Tuy không thể khẳng định được tin đồn là thật hay giả, nhưng sự tín nhiệm và trọng dụng của Hạng Vũ đối với nhóm người Chung Ly Muội từ đó đã bị giảm đi nhiều.
Đây mới chỉ là chiêu thứ nhất của Trần Bình. Tiếp theo, Hán Vương giả ý cầu hòa, hai bên tiến hành vòng đàm phán. Khi sứ giả của Tây Sở đến Huỳnh Dương, Trần Bình hạ lệnh mở tiệc lớn, thui nguyên con bò tốt nhất cho sứ giả ăn.
Sứ giả của Tây Sở được sủng ái quá nên kinh hãi, bất giác than rằng: “Tuy uy danh của Bá Vương hiển hách, Hán Vương cũng phải khách khí vài phần. Tại hạ nhận được sự tiếp đãi thế long trọng này, quả không xứng, mà khước từ lại bất kính…”.
Đúng lúc sứ giả Tây Sở đang chuẩn bị ăn tiệc, Trần Bình đột ngột bước vào, hạ lệnh cho người hầu dọn toàn bộ thức ăn bữa tiệc đi, rồi nói: “Tôi cứ tưởng là người của Á phụ (tức Phạm Tăng, mưu thần, đại tướng của Hạng Vũ, được Hạng Vũ coi như cha, nên gọi là Á phụ), thì ra là người của Hạng Vương sai đến…”
Sứ giả Tây Sở cũng trấn tĩnh tự tại, nhưng trong lòng thấp thỏm, lẽ nào còn có chiêu đãi thịnh soạn hơn cả nguyên con bò tốt? Đợi đến khi bữa ăn mới được đem lên, thấy chỉ toàn cơm với rau mà thôi.
Sứ giả Tây Sở nổi giận. Trở về doanh trại quân Sở, đem tình hình như trên, thêm mắm thêm muối báo cáo với Hạng Vũ. Hạng Vũ vốn đã nghe những lời gièm pha Á phụ có tâm bất mãn, nên càng không tín nhiệm đối với Phạm Tăng nữa.
Phạm Tăng là người sáng suốt, trí tuệ, rất mau chóng phát hiện ra người trẻ tuổi mà ông đặt toàn bộ hy vọng này đã ghét bỏ mình như thế này rồi, nổi giận cáo từ bỏ đi: “Đại sự thiên hạ đã định rồi, là quân vương tự định. Xin ban cho để hài cốt về quê chết”.
Phạm Tăng nói “Đại sự thiên hạ đã định rồi…”, có nghĩa là, “đại thế trong thiên hạ đã được quyết định rồi, nằm trong tay Hạng Vương, ngài tự làm tiếp đi, thần già yếu xin về quê dưỡng lão, được chết ở quê”. Nhưng câu nói đó còn có ý là, “đại thế trong thiên hạ đã được quyết định, ngài đã tự tạo ra như vậy. Tôi đã già, không nỡ lòng nhìn ngài thân bại danh liệt, nên để tôi cho lá rụng về cội đi”.
Khi Phạm Tăng rời đi, Hạng Vũ cũng không cố gắng giữ lại. Hạng Vũ như chim ưng mới lớn, đôi cánh đã đủ lông mạnh mẽ, luôn muốn mau chóng rời khỏi vòng tay ôm ấp của chim mẹ, để tự do bay liệng trên bầu trời bao la. Thanh niên như chim mới ra ràng, thường chán ngán những lời khuyên của cha mẹ. Tây Sở Bá Vương tuổi trẻ anh hùng, đã sớm có được danh tiếng vang khắp thiên hạ, có lẽ từ lâu đã chán ngán với những lời khuyên răn của Á phụ, càng không hài lòng với những lời giáo huấn dạy bảo của ông.
Phạm Tăng rời đi, tự nhiên đầy lòng thương cảm, Tây Sở Bá Vương ngày hôm nay đã hoàn toàn không còn là Hạng Vũ tuổi trẻ năm xưa khi thúc phụ đột tử, rối bời không biết xoay sở thế nào. Nếu như khi đó cái đầu đã dựa vào vai Á phụ khóc lóc, thì hôm nay đã ngẩng cao ngạo nghễ, không còn coi ai ra gì nữa!
Phạm Tăng là người Cư Sào (Sào Hồ, An Huy ngày nay), ông về giữa đường, mọc nhọt độc trên lưng mà chết. Nhọt độc là một loại mụn do khí huyết bị tà độc đình trệ, phát ra ở giữa gân cốt và cơ bắp. Phạm Tăng chết, có lẽ là kết quả do u uất phiền muộn tích lũy dẫn đến tâm lực đều mang bệnh.
Cái chết của Phạm Tăng khiến người ta cảm khái. Dưới trướng Lưu Bang, văn có Tiêu Hà, Trương Lương, võ có Hàn Tín. Còn bên Hạng Vũ, thực sự chỉ còn có mỗi Phạm Tăng là có tài phò tá vua. Khi Hạng Lương (chú của Hạng Vũ, và cũng là mưu thần có tài) chết ở trận chiến Định Đào, Hạng Vũ mới tròn 25 tuổi, Phạm Tăng đã ngoài 70 rồi. Nhân sinh thất thập cổ lai hy, cao quan hậu lộc, châu báu mỹ nhân, đối với Phạm Tăng mà nói cũng đã không còn ý nghĩa gì nữa rồi, do đó ông phò tá Hạng Vũ là hoàn toàn xuất phát từ cái nghĩa như huynh đệ với cố nhân Hạng Lương, và cái tình như phụ tử với Hạng Vũ. Do đó thân phận Phạm Tăng không giống với các mưu sỹ thông thường, vừa là thầy của Hạng Vũ, lại vừa là tham mưu của Hạng Vũ. Hạng Vũ gọi Phạm Tăng là Á phụ, chính là sự khẳng định quan hệ không tầm thường.
Nhưng cũng chính quan hệ như thế này khiến Phạm Tăng trước mặt Hạng Vũ biết được điều gì đều nói, nói không bao giờ hết. Khẩu khí, tư thái ông nói với Hạng Vũ luôn luôn là bậc bề trên, chẳng nể nang thể diện. Khi Hạng Vũ cự tuyệt kiến nghị của ông, Phạm Tăng luôn luôn dốc sức dùng lý lẽ tranh luận, to tiếng quát nạt, khiến Hạng Vũ cảm thấy như là đứa trẻ bị phụ thân nghiêm khắc mắng chửi, từ đó nảy sinh tâm lý phản nghịch, chính là cơ hội để Trần Bình dùng kế ly gián.
Do đó, kế ly gián của Trần Bình cũng chỉ là chất xúc tác mà thôi. Nhân tố chân chính quyết định chia rẽ Phạm Tăng và Hạng Vũ đã có từ lâu rồi, đó là sự kiện Hồng Môn yến, Hạng Vũ nghe theo kế Phạm Tăng mở tiệc ở Hồng Môn rồi giết Lưu Bang, nhưng cuối cùng, Hạng Vũ đã mủi lòng không giết, khiến Phạm Tăng nổi giận.
Cái chết của Phạm Tăng tuyên cáo Tây Sở Bá Vương cuối cùng trở thành vị vua cô độc, đây là đòn trí mạng. Từ đó Hạng Vũ như đã mất đi người chỉ dẫn, tuy sức lực vô song, nhưng chỉ là con rối bị Lưu Bang, Hàn Tín, Bành Việt đùa giỡn, dẫn đến kết cục sức lực cạn kiệt.
Lúc đó là năm 204 TCN, mùa hạ năm Hán Vương thứ 3, cuộc chiến Hán Sở đã trải qua 3 năm, xem ra Tây Sở Bá Vương vẫn còn rất mạnh, thực tế thì cán cân thắng lợi đã lặng lẽ nghiêng về Hán Vương Lưu Bang rồi.
Video: Tổng thống Trump có thể buộc chính quyền Trung Quốc nhận tội diệt chủng?