Đại Kỷ Nguyên

Ly kỳ chuyện học trò theo thầy lên du ngoạn thiên giới

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Người xưa luôn tin vào nhân quả. Nếu một người làm nhiều việc tốt, giữ gìn đức hạnh sẽ nhận được phúc báo, sau khi chết thậm chí có thể thành Tiên nhân, lên trời. Còn kẻ hành ác thì nhận nghiệp báo, khi chết đọa địa ngục. Những ghi chép Thần Tiên, ma quỷ, dương gian, địa phủ trong những sách cổ có rất nhiều.

Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương là người kiêu căng, không ưa kiềm thúc. Sau theo học nhà xử sĩ (1) Dương Trạm, được thầy răn dạy, nên Tử Hư đã ra sức sửa đổi, trở thành người có đức tính tốt.

Khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi, duy chỉ có Tử Hư làm lều ở mả trông nom, sau ba năm mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử Hư đi thi vẫn chưa đỗ, đời Trần, ông sang du học ở kinh, ngụ trong một nhà dân bên bờ hồ Tây.

Một buổi sáng nọ, khi ra khỏi nhà trọ, Tử Hư trông thấy kiệu ngọc bay trên không trung cùng cỗ xe nạm hạt châu và kẻ hầu người hạ. Anh khẽ nhòm trộm, hóa ra đó chính là thầy mình. Dương Trạm thấy học trò chạy tới quỳ lạy thì hẹn tối mai đến đền Trấn Vũ cửa Bắc, để thầy trò hàn huyên tâm sự.

Thầy trò gặp nhau vui vẻ lắm. Dương Trạm kiêm tốn kể thủa sống mình không có điều thiện nào đáng khen nhưng tín thực với thầy bạn, quý trọng chữ nghĩa. Nên được đức Đế quân cho làm công việc trông coi văn chương thi cử.

Nghe vậy, Tử Hư hỏi xem đường công danh tương lai của mình thế nào.

Thầy rằng: Anh tài nghệ văn chương đương thời không ai bì kịp, lại trung hậu thành thực. Nhưng vì hồi còn thanh niên, có chút văn tài mà kiêu ngạo nên trời quở phạt, bắt đỗ muộn để chừa cái thói ngông ngáo.

“Cho nên xưa nay người ta bàn về kẻ sĩ, tất trước hết xét đến đức hạnh là vì thế. Ngày nay những người mặc áo nhà nho, đeo dải nhà nho thì lại khác hẳn. Họ thường đổi họ để đi học, thay tên để đi thi; hễ trượt đỗ thì đổ lỗi mù quáng cho quan chấm trường, hơi thành danh thì hợm mình tài giỏi hơn cả tiền bối, chí khí ngông ngáo, tính tình tráo trở, thấy thầy nghèo thì lảng tránh, gặp bạn nghèo thì làm ngơ, không biết rằng ngày thường dắt dẫn rèn cặp phần nhiều là công đức của thầy bạn.”, Trạm Dương nói.

Ảnh: Secret China.

Trong lòng chưa tỏ, Tử Hư đem những câu chuyện về người làm quan bấy giờ hỏi thầy: Có người chấm văn mà thiên vị, có người trị ngục mà phán tội oan uổng, có người dối vua, có quan bán nước. Những người như thế sau khi chết có phải luận tội gì không, hay là cứ được hưởng tôn vinh mãi thế?

Dương Trạm cười mà rằng:

– Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Lưới trời thênh thang, thưa nhưng chẳng lọt. Chỉ bởi rằng thời gian chưa đến mà thôi…

Ông còn khuyên trò: Trong khoảng trời đất báo ứng luân hồi, chỉ có hai loài thiện ác. Người chăm làm thiện, tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế đình; người hay làm ác, không đợi đến chết, án đã thành ở Địa phủ… Không phải như người ở cõi đời, có thể mượn thế mà được làm quan, có thể nhờ tiền mà được khỏi vạ… Anh nên cố gắng, đừng gieo cái nghiệp báo ở kiếp sau này.

Trò chuyện hồi lâu, Dương Trạm lại kể cho Tử Hư nghe những thú vui ở trên Thiên tào (2), hơn ở cõi trần nhiều lắm, và bảo học trò nên cố gắng sửa mình chuốt nết, tự nhiên có ngày được lên ở trên ấy.

Tử Hư nghĩ bụng: Mình người trần vóc tục, chỉ mong xin thầy được lên chơi xem một chuyến.

Vậy là anh theo thầy lên ngồi ở một bên xe, rồi cỗ xe bay lên. Lên đến trên trời, Tử Hư thấy một khu có những bức tường bạc bao quanh, cửa lớn khảm trai lộng lẫy, hai bên có những tòa lầu châu điện ngọc, vằng vặc sáng, gió thơm phưng phức, trông xuống cõi trần, thấy mọi cảnh vật đều bé nhỏ.

Dương Trạm nói đây là kinh đô Bạch Ngọc ở trên trời mà người đời vẫn thường nói. Ở chính giữa là nơi đức Thương đế ngự. Rồi bảo học trò đứng chờ ngoài cửa thành, thầy vào bẩm tâu xin cho.

Một lúc lâu sau ông mới đi ra. Ông dẫn Tử Hư đi thăm các tòa. Trước hết đến một tòa có biển đề ngoài là “Cửa tích đức”. Bên trong có những vị tiên thuở sống có lòng yêu thương mọi người, tuy không phải dốc hết tiền của để bố thí, nhưng không keo kiệt hợm hĩnh nên họ được ở đây.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Lại đi qua một tòa sở có biển đề là “Cửa Thuận hạnh”. Dương Trạm rằng:

– Đó là những vị tiên thuở sống hiếu thuận, hoặc trong lưu ly biết bao bọc lấy nhau, hoặc đem đất cát mà san sẻ cho nhau, mấy đời ở chung không nỡ chia rẽ. Thượng đế khen là có lòng, cho vào cung mây nên họ được ở đây.

Lại đến một tòa sở có biển đề là “Cửa Nho thần” bên trong có tới 1000 người, trong đó có hai người mặc áo lụa, đội mũ sa. Dương Trạm bảo đó là ông Tô Hiến Thành triều Lý và ông Chu Văn An triều Trần. Ngoài ra thì là những danh thần đời Hán, đời Đường.

Ngoài ra còn đến hơn trăm tòa sở nữa, nhưng trời gần sáng không đi xem khắp được, vội cưỡi gió mà bay xuống trần.

Tử Hư từ biệt thầy trở về, sang năm đi thi quả đỗ tiến sĩ. Phàm những việc cát hung họa phúc nhà Tử Hư, thường được thầy về báo cho biết.

***

Như Trạm Dương nói, “không phải như người ở cõi đời, có thể mượn thế mà được làm quan, có thể nhờ tiền mà được khỏi vạ”, việc Tử Hư có thể lên thiên giới không thể nhờ “quen biết” mà ông khẳng định phải có đức hạnh, có tâm tính cao mới có thể đến nơi làm việc của chư Tiên mà thăm thú.

Có thể có người nghĩ “Lên chơi thiên tào, quả thực quá huyền hoặc. Tôi không tin điều này, đều là mê tín”. Tuy nhiên Nguyễn Dữ lại bình rằng “Nếu là chuyện quan hệ đến luân thường, là lời ký ngụ ý khuyên giới thì chép ra và truyền lại, có hại gì đâu… Còn như việc lên chơi Thiên tào, có hay không có, hà tất phải gạn gùng đến nơi đến chốn làm gì”.

Quả đúng như vậy. Trong rất nhiều câu chuyện cổ được ghi chép, đều nhấn mạnh một đạo lý đơn giản mà dù người không có học thức cũng minh bạch: Đó là làm điều tốt sẽ nhận phúc báo, hành ác phải trả nghiệp. Pháp lý đơn giản nhưng có sức ước thúc mạnh mẽ với con người, người ta vì vậy mà không dám làm ác, biết rằng hành ác sẽ mang tới tội nghiệp lớn cho bản thân. Chưa bàn nói đến chuyến thăm thiên tào có thực hay không thì bản thân câu chuyện đã có giá trị của nó với đạo đức con người.

(1) Người có học nhưng chỉ ở nhà, không chịu ra làm quan.

(2) Chỗ làm việc trên trời.

Chuyện trích từ bản Truyền Kỳ Mạn Lục của Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Tp.HCM, 1988.
Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó.

Video xem thêm: Dục vọng gọi yêu ma, thanh tâm mời điều thiện

Xem thêm:

Exit mobile version