Đại Kỷ Nguyên

Lý Thái Tông, bậc quân chủ văn võ toàn tài xưa nay hiếm (P.2): Đạo dùng binh cao nhất là khoan thứ kẻ địch, đánh vào nhân tâm

Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Lý Thái Tông văn võ song toàn, trị vì anh minh, sáng suốt, là người đặt nền móng, mở ra nền thịnh trị dài lâu cho vương triều Lý. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng lần giở lại những trang sử hào hùng đáng nhớ về vị minh quân ấy.  

Xem thêm: Phần 1

Thác đao ân sủng, minh quân hiền thần

Sau khi dẹp loạn Tam Vương, tướng quân Lê Phụng Hiểu nổi lên như một ngôi sao sáng trên chính trường với chiến công bình định phản loạn. Dĩ nhiên là có tấm lòng nhân đức của Thái Tông mà mới có tôi trung liều chết như Phụng Hiểu. Nhưng giai thoại đẹp sau về cách Thái Tông xét thưởng cho công thần lại càng làm cho người đời sau rõ ràng thêm vì sao mà ông lại có được những bề tôi trung dũng như Phụng Hiểu.

Sử chép rằng, Lê Phụng Hiểu từ nhỏ đã có sức vóc hùng dũng. Hai thôn Cổ Bi và Đàm Xá tranh nhau địa giới, toan đánh nhau. Phụng Hiểu bảo người thôn Cổ Bi rằng: “Một mình tôi có thể đánh được bọn họ“. Các phụ lão mừng lắm, làm cơm rượu để thết. Phụng Hiểu ăn một bữa mấy đấu gạo, rồi đến khiêu chiến với thôn Đàm Xá. Phụng Hiểu cứ đứng thẳng lưng nhổ cây mà đánh tới tấp, nhiều người bị thương. Thôn Đàm Xá sợ, phải trả lại ruộng cho thôn Cổ Bi. Thái Tổ nghe danh, dùng làm tướng, thăng đến chức Vũ vệ tướng quân. Đến đây có công dẹp nạn, thăng Đô thống thượng tướng quân, tước hầu. Trong khoảng niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ (1044 -1048) theo Thái Tông đi đánh ở miền nam, làm tiên phong, phá tan quân giặc, danh tiếng rung động nước Phiên.

Khi thắng trận trở về định công, Phụng Hiểu nói: “Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi xuống chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp”. Vua nghe theo. Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa hơn đến nghìn dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi. Vua bèn lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy. Vì vậy người Châu Ái gọi ruộng thưởng công là ruộng ném đao – Thác đao điền). 

Tướng quân Lê Phụng Hiểu  lên núi, ném đao xa hơn đến nghìn dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi. (Ảnh: youtube.com)

Thân sinh ra làm tướng, có một minh quân để thờ và có cơ hội phò vua dẹp loạn chính là điều đắc ý bậc nhất trên đời. Vậy nên Lê Phụng Hiểu mới không cần thưởng bất kỳ tước vị nào hết mà chỉ xin ban thưởng bằng sức lực ném đao của mình mà thôi. Phần thưởng mà ông xin nhà vua cũng chỉ toàn nhờ vào sức của ông, phương tiện cũng chính là thanh đao mà ông giúp vua dẹp loạn. 

Làm đại công thần quyền quý nhất triều, sợ nhất là lòng tham sản nghiệp cũng như tham quyền cố vị mà chuốc lấy kết cục bi thảm. Thế nên Lê Phụng Hiểu mới chọn một cách lấy thưởng không thể nào chân chính và đẹp lòng người hơn. Sức Phụng Hiểu có thể ném đao bay xa ngàn dặm chăng, có lẽ là có sự giúp sức của lòng tri ân của Thái Tông mà trở nên kỳ diệu như thế. “Thác đao điền” đã trở thành một giai thoại đẹp thể hiện gương sáng trong đạo xử thế của vua tôi nhà Lý, chẳng phải là do nêu cao lòng tri ân của Hoàng đế và tấm lòng thần tử cống hiến không cầu báo đáp hay sao?

Võ công cái thế, nhiếp phục thiên hạ

Thời Lý Thái Tông là một thời đại thịnh trị nhưng đầy biến động bởi các cuộc chinh phạt phản loạn liên miên. Đảm bảo quốc gia vẫn thịnh vượng trong lúc tiến hành chiến tranh là một điều vô cùng khó khăn, hiếm người làm nổi. Tuy nhiên Lý Thái Tông đã dàn xếp chuyện này vô cùng hoàn hảo. 

Trọng nông nghiệp

Muốn đội quân chinh phạt đánh đâu thắng đó thì phải đảm bảo an ninh lương thực trong cả nước. Nếu Hoàng đế không chú trọng sản xuất nông nghiệp thì không thể nào có chuyện nước giàu quân mạnh được. Sử chép: Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038], (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?”. Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”. Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, vua về Kinh sư”.  

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Thái Tông phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!“. 

Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. (Ảnh: youtube.com)

Khuyến khích sản xuất trong nước

Muốn quốc gia cường thịnh, tất phải canh tân sức sản xuất, khuyến khích phát triển các sản phẩm nội địa. Điều này nói thì dễ mà làm rất khó vì người cao quý như Hoàng đế và bách quan lẽ nào lại hạ mình dùng sản phẩm nội địa nhiều khi chất lượng không tốt và không sang trọng như sản phẩm ngoại nhập. Nhưng Lý Thái Tông đã làm rất tốt, không chỉ làm gương mà còn quy định thành chính sách. 

Sử chép: “Canh Thìn, [Càn Phù Hữu Đạo] năm thứ 2 [1040], (Tống Khang Định năm thứ 1). Tháng 2, vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa“. Bàn về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên đã có nhận xét rất xác đáng: “Việc làm này của vua trong cái tốt lại còn cái tốt nữa, không quý vật lạ, tỏ ra giữ đức kiệm ước, ban cho bầy tôi, tỏ ra hậu đãi kẻ dưới”. 

Đạo dùng binh quan trọng nhất là dùng người

Thái Tông cầm quân từ thời trai tráng, kinh nghiệm trận mạc phong phú, nhưng có lẽ cái làm nên các chiến công của ông chính là khả năng nhìn người và dùng người cực kỳ sáng suốt. Chẳng trách các thủ hạ đại tướng đều tuân phục sự chỉ huy của ông. 

Sử chép: “Ất Hợi, [Thông Thụy] năm thứ 2 [1035], (Tống Cảnh Hựu năm thứ 2). Người châu Ái làm phản. Mùa đông, tháng 10, vua thân đi đánh, cho Phụng Càn Vương lưu thủ Kinh sư. Quân đi từ Kinh sư, đến châu Ái. Vua ngự ở hành dinh, ban yến cho các quan hầu và tướng súy, ngầm chỉ Định Thắng đại tướng là Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần rằng: “Khánh thế nào cũng làm phản”. 

Các phi tần đều kinh ngạc hỏi: “Bệ hạ làm sao mà biết? Xin nói cho nghe nguyên do”. Vua nói: “Khánh trong lòng không bình thường, nhìn trẫm có vẻ hổ thẹn, đi đứng thất tiết, nói làm trái thường. Lấy đó mà xem đủ biết là nó có ý khác, hình trạng làm phản rõ rồi”.

Đánh được châu Ái, trị tội châu mục châu Ái, sai sứ đi phủ dụ dân chúng trong châu. Kinh sư lưu thủ là Phùng Càn Vương Nhật Trung cho chạy trạm báo tin bọn nhà sư họ Hồ, em nuôi của Định Thắng đại tướng Nguyễn Khánh, Đô thống Đàm Toái Trạng, Hoàng đệ Thắng Càn, Thái Phúc mưu phản, quả đúng như lời vua nói.

Các phi tần đều lạy hai lạy nói: “Bọn thiếp nghe nói thánh nhân thấy được chỗ chưa hiện hình, biết trước việc chưa xảy ra, nay được chính mắt trông thấy”. Vua xuống chiếu bắt bọn Khánh đóng cũi đem về Kinh sư. Tháng 11, ngày mồng 1, vua từ châu
Ái về đến Kinh, làm tiệc rượu mừng việc trở về. Ủy lạo các tướng sĩ có công dẹp châu Ái“. 

Đạo dùng binh cao nhất là khoan thứ cho kẻ địch, đánh vào nhân tâm

Việc binh đối với quốc gia không phải là phúc lành, ngược lại chính là tai họa. Nên người cầm binh làm soái tất phải cân nhắc rất thận trọng, chỉ khi không còn biện pháp nào khác mới dùng đến binh đao.Vì thế mà xưa nay văn hóa Nho gia luôn đề cao lẽ “Tiên lễ hậu binh”. Người nay không hiểu nội hàm của câu nói ấy, nhìn vào cách làm của các triều đại Trung Hoa sau này mà cho rằng “Tiên lễ hậu binh” tức là cho sứ giả qua phủ dụ, sau đó nếu không chịu hàng thì đánh.

Lời dạy của Thánh nhân xưa đâu có nông cạn như thế! Lễ chính là Đức thứ hai xếp sau Nhân trong Ngũ thường, chính là việc cần phải tuân theo để giữ cho được đạo làm người (Nhân đạo). Mà Nhân đạo là tiêu chí quan trọng nhất của bậc làm Thiên tử vì Nhân chính là một trong Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân), là cầu nối đứng giữa Trời và Đất, cũng chính là thiên tử. Vậy nên Thánh vương cổ đại đều đề cao Nhân Đức để trị thiên hạ.

Do thời cổ đã qua, Nhân Đức không còn thì chỉ có thể lấy Lễ mà phục hồi Nhân. Vậy nên sau này Khổng Tử mới đề xuất dùng Lễ Nhạc để trị thiên hạ. Lại có câu “Nhân giả vô địch” (người Nhân không có địch thủ), nghĩa là bậc quân vương mà làm cho quốc gia sống theo lễ giáo của Thánh nhân thì vị vua đó chính là không có kẻ thù, quốc gia sẽ được vững bền từ gốc. Nói theo giáo lý nhà Phật thì là do tích đức hành thiện nên không tạo ác nghiệp, cũng không có quả báo.

Vậy nên kỳ thực ý nghĩa của “Tiên lễ hậu binh” chính là luôn ưu tiên xem xét bản thân người cầm quyền có đạt được cai trị bằng Nhân Đức hay không? Nếu chưa đạt thì xem lại lễ giáo của bản thân xem có thủ lễ (giữ gìn lễ giáo), có “Khắc kỷ phục lễ” (nghiêm khắc với bản thân, phục giữ lễ giáo) hay không. Nếu đã xem xét đầy đủ rồi mà vẫn không còn lựa chọn nào khác thì bất đắc dĩ mới dùng binh vậy.

Nhưng mục đích của ra quân lúc này không chỉ ra quân đánh giặc mà chính là cao hơn: Để bảo vệ lễ giáo của Thánh nhân khỏi bị cái họa xâm lấn của ngoại tộc. Đường Thái Tông, một ông vua minh triết và đồng thời là một tướng quân tài ba cũng nói: “Tuy nhiên, ta cho rằng không đánh mà khuất phục được binh của người, đó là thượng sách. Trăm đánh trăm thắng là trung sách. Đào hào sâu, đắp lũy cao để tự phòng thủ là là hạ sách”. 

Lý Thái Tông chính là một ông vua tài giỏi về cai trị mà lại rất am tường đạo dùng binh nên cách mà ông chinh phạt để lại rất nhiều bài học quý cho hậu thế. (Ảnh: youtube.com)

Cũng giống như hoàng đế nhà Đường, Lý Thái Tông chính là một ông vua tài giỏi về cai trị mà lại rất am tường đạo dùng binh nên cách mà ông chinh phạt để lại rất nhiều bài học quý cho hậu thế. Nổi tiếng nhất chính là việc dẹp loạn Nùng Trí Cao, một viên tướng phản loạn người dân tộc nổi tiếng đã từng cắt đất xưng Đế, tung hoành không đối thủ trong suốt một thời gian dài ngay trên đất Trung Quốc.

Vậy mà chỉ có tại Việt Nam, dưới tay Lý Thái Tông thì Nùng Trí Cao mới hoàn toàn bó tay, không đất dụng võ. Trí Cao bị Lý Thái Tông đánh bại và tha cho sau khi đầu hàng, dễ như túm một đứa trẻ con. Mối oan gia binh lửa ấy bắt đầu từ cha của Trí Cao, là Nùng Tồn Phúc. Trước đây, Tồn Phúc là thủ lĩnh châu Thảng Do, hàng năm đều cống đồ thổ sản đầy đủ. Sau Tồn Phúc giết Tồn Lộc (thủ lĩnh châu Vạn Nhai) và Đương Đạo (thủ lĩnh châu Vũ Lặc), chiếm đất, đổi tên nước là Trường Sinh, xưng là Chiêu Thánh Hoàng Đế, sửa soạn binh giáp, đắp thành kiên cố để tự giữ, không nộp cống xưng thần nữa.

Lý Thái Tông đem binh đán bại Tồn Phúc, bắt sống được, chỉ có con là Trí Cao chạy thoát. Về sau, vua hạ lệnh chém cả bọn, bêu đều ở chợ để làm gương. Oan oan tương báo, với thân phận thủ lĩnh kế thừa và có tài quân sự, dĩ nhiên là Trí Cao phải dấy binh để báo thù cho cha mình. 

Sử chép: “Tân Tỵ, [Càn Phu Hữu Đạo] năm thứ 3 [1041], (Tống Khánh Lịch năm thứ 1). Năm ấy, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang nữa”. 

Sau khi được tha, Trí Cao không phục, âm thầm chiêu mộ lực lượng và 7 năm sau lại làm phản, lại thất bại và phải đầu hàng lần thứ hai. Ông ta vẫn không phục, 4 năm sau lại làm phản tiếp, nhưng có lẽ đã khiếp binh uy nhà Lý hay cao hơn là cảm cái ân tha mạng nhiều lần của Thái Tông nên lần này chuyển mục tiêu sang nhà Tống Trung Quốc. Lạ kỳ thay, Trí Cao lại… thành công quá mong đợi, tung hoành ngang dọc trên đất Tống, chẳng sợ một ai. 

Sử chép: Nhâm Thìn, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 4 [1052], (Tống Hoàng Hựu năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 4, Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đất nhà Tống, phá trại Hoàng Sơn, vây hãm các châu Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang, Đoan, Củng, Tầm rồi kéo đến vây thành Quảng Châu đến 5 tuần không lấy được, bèn về. Lại vào Ung Châu, giết tướng tá của nhà Tống hơn 3 nghìn người, bắt sống dân chúng hàng vạn. Đi đến đâu đốt trụi đến đấy. Vua tôi nhà Tống lấy làm lo“. 

Nhưng Trung Quốc là một nước lớn đâu dễ cho ông ta làm loạn như vậy, rốt cuộc cũng có người đánh bại được Trí Cao: “Khu mật sứ Địch Thanh dâng biểu xin đi đánh. Vua Tống sai Thanh làm Tuyên huy sứ đô đại đề cử, tổng quyền tiết việt đi đánh. Địch Thanh chỉ huy 3 tướng đem quân đến phố Quy Nhân thuộc Ung Châu. Trí Cao đem quân chống đánh bị Địch Thanh đánh bại, chạy hơn 10 dặm. Tướng tâm phúc của Cao là Hoàng Sư Mật cùng với thủ hạ 57 người chết tại trận. Quân Tống đuổi theo giết hơn 2200 người. Trí Cao đốt thành ban đêm trốn đi“. 

Lại có một điểm thú vị là Trí Cao khi kế cùng lực kiệt lại nhờ vả Lý Thái Tông cứu viện: “Quý Tỵ, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 5 [1053], (Tống Hoàng Hựu năm thứ 5). Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân [cứu viện]. Vua xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại Lý. Người nước Đại Lý chém đầu Cao bỏ vào hòm dâng vua Tống. Từ đây họ Nùng bị diệt“. 

Lý Thái Tông bắt Nùng Trí Cao. (Ảnh: youtube.com)

Thực ra, Lý Thái Tông trước đó cũng từng có ý định đem quân qua giúp nhà Tống để diệt Nùng Trí Cao, có ghi trong sử như sau: Trước đây, Trí Cao cướp biên giới nước nước Tống, Tống sai Khu mật trực học sĩ Tôn Miện, Nhập nội áp ban Thạch Toàn Bân cùng Kinh lược sứ bản lộ là Dư Tĩnh tính việc đánh giặc cướp, vua xin đem quân đánh giúp, vua Tống cho được tiện nghi. Đến khi Địch Thanh làm Đại tướng bèn tâu rằng:

“Mượn binh ngoài để trừ giặc trong không lợi cho ta. Có một Trí Cao mà sức hai tỉnh Quảng không thể chống nổi, lại phải nhờ đến quân cõi ngoài, nếu họ nhân đó mà dấy loạn, thì lấy gì chống lại?”. Năm ấy, nhà Tống có chiếu dừng việc viện binh của ta. Đến khi Trí Cao xin quân, vua lại nghe theo lời xin. Đô giám nhà Tống là Tiêu Chú đi theo đường đạo Đặc Ma đánh úp, bắt được mẹ Trí Cao là A Nùng, đem giết”. 

Lời kết

Kế vị xã tắc ngay lúc nội loạn bộc phát, sau đó ung dung lèo lái con thuyền Đại Việt vượt qua hết thảy phong ba mà trị vì thiên hạ, có thể nói nền vũ công văn trị của Lý Thái Tông đã đạt đến hoàn hảo. Những gì ông làm được hoàn toàn sánh ngang với Lý Đường cũng như Hán Quang Vũ mà không có gì phải hổ thẹn. Nhưng điều hay nhất ở Lý Thái Tông chính là cách xử thế và dùng binh của ông luôn tràn đầy lòng nhân từ và khoan dung.

Ông khẳng khái tha cho cả người em làm phản và tha cho cả kẻ địch lợi hại như Nùng Trí Cao nhiều lần. Đây có lẽ chính là hình ảnh tái hiện của một vị Thánh vương đã thi hành chính sách cai trị bằng Nhân Đức hiếm thấy kể cả từ thời cổ đại. Người như thế thì làm sao lại có thể thất bại được. Thái Tông chính là xứng đáng được Trời Đất bảo hộ. Lý Phật Mã quả thật là một con “Thiên Mã” của nhà Phật, giúp an định thiên hạ mà ban phúc lành cho trăm họ Đại Việt vậy.

(Hết)

Tĩnh Thủy

Exit mobile version