Nói đến võ thuật Trung Hoa, người ta thường nhắc đến Lý Tiểu Long với những màn trình diễn Kung Fu đẹp mắt. Nhưng là người có võ công tuyệt đỉnh, lại là bậc tài tử điện ảnh nổi tiếng, vì sao anh lại đột ngột ra đi khi tuổi đời còn sung mãn?
Thành danh từ phim ảnh cùng với kỹ năng võ thuật siêu phàm, Lý Tiểu Long được xem là biểu tượng số 1 của võ thuật Trung Hoa thế kỷ XX.
Việc Lý Tiểu Long đột ngột ra đi năm 32 tuổi đã đem đến sự tiếc nuối vô hạn cho người hâm mộ cũng như giới yêu thích võ thuật toàn cầu. Nhưng nhìn từ khía cạnh võ công truyền thống, Lý Tiểu Long là người luyện võ thực thụ, đáng lẽ anh đã có thể để lại sự nghiệp huy hoàng hơn thế nữa…
Tiệt Quyền Đạo, cách mạng võ thuật hay phá hoại võ học?
Sau khi bị sư phụ từ chối, Lý Tiểu Long ôm nỗi thất vọng trở về Mỹ. Ngay sau đó anh đã tổng hợp tất cả kiến thức sở trường của mình kết hợp một số môn phái anh từng học qua mà lập ra Tiệt Quyền Đạo.
Mặc dù nó đã gây tiếng vang lớn khi Lý Tiểu Long biểu diễn trong lần đầu tiên giới thiệu ra công chúng tại Giải thi đấu Karate quốc tế Mỹ (1967). Theo đó, Lý Tiểu Long mời nhà vô địch karate người Mỹ là Vic Moore thử ngón đòn này và khiến ông phải lắc đầu bái phục. Đây cũng là lý do truyền thông Mỹ phong tặng Lý Tiểu Long danh hiệu là một trong những người tạo nên cách mạng trong thế giới võ thuật.
Nhưng từ góc độ của võ công chân chính mà xét thì sự ra đời của Tiệt Quyền Đạo lại là phá hoại lớn nhất với võ học. Vì sao nói như thế?
Đầu tiên là vì người lập phái này chưa đủ sức để khai tông lập phái theo quan điểm võ học truyền thống.
Lý Tiểu Long lập ra Tiệt Quyền Đạo khi còn khá trẻ, năm 27 tuổi. Trong lịch sử xưa nay chưa có bậc đại sư khai phái nào trẻ như thế. Ở đây không có ý nói rằng trẻ tuổi thì không thể lập phái, mà là vì khả năng thực tế chưa đủ tầm.
Võ lâm mấy nghìn năm qua, để khai tông lập phái thì ít nhất bản thân võ giả phải đạt đến trình độ bằng hay cao hơn vị chưởng môn của tông môn mình, và do nhân duyên xảo hợp mà có giác ngộ đột phá về võ đạo sau nhiều năm tinh tu. Cũng chính là nói phải chuyên tâm ở một môn cho đến đại công cáo thành thì mới chuyển công pháp tái tu. Xưa nay những bậc khai tổ các danh môn đại phái chưa hề có ai luyện tạp lẫn môn khác trong quá trình học. Nói rõ ra là chiêu thức thì có thể tham khảo phái khác, nhưng cơ sở nội công, vận khí, nguyên tắc phát lực và thứ tự tập công là điều tuyệt đối không thể luyện tạp.
Ví như đạo sĩ Võ Đang có thể thi triển các bài quyền cước Thiếu Lâm, nhưng không thể học nội công tâm pháp của Thiếu Lâm được vì nó sẽ xung đột với thứ của Võ Đang mà người này đang luyện. Hay như Trương Tam Phong thuở xưa, nhờ tu Đạo ngộ ra Thái Cực Quyền và lập phái Võ Đang. Miyamoto Mushashi sau khi cả đời chinh chiến đã tham ngộ và lập ra Nhị Đao Môn (Nitoukan). Hay gần đây nhất chính là tổ sư của Aikido là Morihei Ueshiba, người đã theo học hàng chục môn phái cổ truyền Nhật Bản, mỗi môn ông đều đạt đến trình độ Menkyo Kaiden (nghĩa là được quyền thay sư phụ định đoạt số phận môn phái) rồi mới học tiếp. Sau cùng ông lên núi tu Thiền và tham ngộ ra võ đạo, dung hòa tất cả mà sáng lập ra Aikido, không giống bất kỳ môn nào ông đã từng học.
Thứ hai là nền tảng võ lý của Tiệt Quyền Đạo rất nông cạn, không có nhiều giá trị, hệ thống luyện tập không bài bản từ thấp lên cao
Lý Tiểu Long tập Vịnh Xuân thực chiến trong 6 năm cộng một số môn phái khác, đến năm 27 tuổi anh chưa học hết bản lãnh của sư phụ mà đã đứng ra khai tông lập phái nên cái gốc của môn này là hoàn toàn nông cạn. Kể cả lý thuyết “Be water” hay “Nghệ thuật chiến đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công của đối phương” của anh cũng mới chỉ là căn bản về Cương Kình kết hợp với Mộc Nhân Thung của Vịnh Xuân cùng một số phái khác mà thôi. Không cần so với môn nào, ngay cả so với Vịnh Xuân thì cũng còn thấp lắm.
Hậu quả của việc này là người tập Tiệt Quyền Đạo mãi mãi không thể đạt đến đỉnh cao như Lý Tiểu Long mà chỉ có thể thấp hơn. Mà bản thân Lý Tiểu Long thì không phải là đỉnh cao của võ công thực sự.
Lý Tiểu Long sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm từ nhiều môn võ mà lập thành một đường lối riêng, mục đích khiến cho người tập có thể nhanh chóng đánh bại đối thủ ngay trong vài chiêu giao đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công ngay khi nó bắt đầu. Lý tưởng của nó là khiến cho người tập có thể đạt trình độ cao ngay sau thời gian ngắn tập luyện.
Nhưng những điều đó chỉ đúng với Lý Tiểu Long và một số người có căn bản võ công khá giỏi hay đã học Vịnh Xuân đến trình độ nhất định, đặc biệt là những người có kinh nghiệm thực chiến, cùng lắm có thể giúp một số người tăng khả năng chiến thắng trong những trận giao đấu ngoài phố mà thôi. Nếu không luyện xuất ra nội công thì vĩnh viễn không thể chiến thắng các cao thủ thực sự, mà nội công nếu không có nền tảng võ lý và thủ pháp bí truyền qua hàng chục năm thì không thể xây dựng nên. Còn Lý Tiểu Long lại không hề có nền tảng này.
Thứ ba là vì Tiệt Quyền Đạo phản đối cách xây dựng nền tảng truyền thống nên gây nguy hiểm cho người tập.
Mục đích của một võ phái chân chính không phải để đánh nhau hay chiến thắng trong các trận thư hùng, mà là giúp hành giả thăng hoa bản thân đạt đến Võ Đạo. Ví như Aikido nói: “Võ đạo là tình thương” hoặc Thái Cực Quyền hay quyền pháp Thiếu Lâm đặt trên nền tảng của giáo lý tu luyện cũng nói lên điều này.
Vì võ công truyền thống coi trọng việc xây dựng nền tảng nên mất nhiều thời gian để luyện tập phần căn bản và tâm pháp, cũng như tích lũy nội công giúp môn sinh tránh bị tổn thương trong khi luyện tập mà sinh ra bệnh hậu sau này. Điều dễ thấy là các tôn sư võ cổ truyền đều sống thọ từ 70 đến trên trăm tuổi mà nội lực chiêu thức vẫn sung mãn dẫu đã cao niên. Đó là do quá trình rèn luyện và xây dựng căn bản rất kỹ càng và vô cùng khoa học. Sau khi nền tảng đại thành, họ như con hùng ưng sải cánh bay xa có thể đạt đến trình độ cao siêu khiến người đời kinh ngạc.
Ví dụ nổi tiếng nhất ở Việt Nam là cố đại võ sư Hà Châu của Hồng Gia Quyền, người được mệnh danh là “người ngoài hành tinh” khi ông có thể thi triển công lực siêu phàm cho đến tận năm 82 tuổi. Trong cuốn sách “Những người có khả năng siêu phàm” do NXB Kindersley ấn hành năm 1991 tại Luân Đôn và tái bản năm 1992 tại California, võ sư Hà Châu được xếp vào một trong ba kỳ nhân thế giới với những tuyệt kỹ công phu hiếm có.
Vậy mà Tiệt Quyền Đạo lại phản đối các phương pháp truyền thống như hệ thống quyền pháp và tấn pháp cố định từ căn bản đến nâng cao vì cho rằng mất thời gian. Vì thế Tiệt Quyền Đạo cùng lắm chỉ là một môn thể thao võ thuật giúp rèn luyện phản xạ cơ bắp để tự vệ kết hợp giữa chiêu thức Vịnh Xuân và một số môn võ khác.
Tiệt Quyền Đạo chỉ mang lại hiệu quả cho những bậc anh tài muốn xưng vương xưng bá nơi đường phố, nhưng lại không thể giúp người học tích lũy nội lực cao siêu để đạt đến đỉnh cao võ đạo.
Bản thân sáng tổ Triệt Quyền Đạo với sự rèn luyện chăm chỉ cũng không thể có được nội công thâm hậu, cho nên các hậu nhân của môn này muốn đề cao thông qua Tiệt Quyền Đạo thì cũng chỉ như nằm mơ nói mộng mà thôi.
Võ đạo trọng đức, coi sắc dục và danh vọng là tử quan
Võ công truyền thống trọng đức, đề cao sự phát triển hài hòa và lấy sự hòa nhập vào Đại Đạo của vũ trụ làm mục tiêu tối cao, từ đó mà đạt được Chân Võ, Chân Đạo. Vì thế nên lối sống phóng túng và đam mê sắc dục là điều cấm kỵ của những đệ tử chân chính, vì nó sẽ làm dao động Đạo Tâm, làm dơ bẩn thân thể của người luyện công chân chính, khiến họ không thể đạt tầng thứ cao hơn.
Vốn là người có ý chí mạnh mẽ và ngộ tính tốt, nhưng Lý Tiểu Long lại không vượt qua được các tử quan này. Điều này đã được Diệp đại sư tiên đoán ngay từ khi anh bắt đầu bái sư học võ. Theo lời Diệp đại sư thì Lý có tướng đoản mệnh với “chân đi gót không chạm đất”. Để đoản mệnh thì phải có lý do, ngoài lý do luyện tập sai lầm thì còn có nguyên nhân ở lối sống đào hoa và phóng túng.
Theo như nhà văn Lâm Yến Ni (chị dâu và là bạn rất thân của Lý Tiểu Long từ thời trẻ) kể lại thì: “Lần đầu Lý Tiểu Long ‘quan hệ’ là năm 14 tuổi với một nữ diễn viên lớn tuổi hơn mình. Với chuyện yêu đương, Lý Tiểu Long không quá câu nệ. Ngôi sao võ thuật có chiến tích tình trường cực kỳ phong phú. Thời thanh niên, Lý Tiểu Long trải qua nhiều mối tình chớp nhoáng với các người đẹp, mỗi cuộc tình có khi chỉ kéo dài trong vài tháng rồi lại chia tay.”
Sau khi nổi tiếng Lý Tiểu Long lại càng thể hiện sự đào hoa của bản thân. Ở Hồng Kông, tin đồn về các cuộc tình của anh luôn là đề tài nóng bỏng cho báo chí khai thác. Rất nhiều bóng hồng đã đi qua cuộc đời Lý Tiểu Long, trong đó có minh tinh màn bạc Miêu Khả Tú. Tuy nhiên việc anh chết đột ngột trên giường của người đẹp Đinh Bội mới thật sự là thê thảm cho cuộc đời của tài năng võ học. Cho đến nay, nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của Lý Tiểu Long không được tiết lộ, những gì người hâm mộ biết được chỉ là một vài lý do không mấy thuyết phục như “phù não” và “chết do tai nạn bất ngờ do bản thân tự gây ra” (death by misadventure). Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Xét về khía cạnh luyện tập công phu võ thuật thì hai quả thận là nơi sinh tinh, là phần quan trọng cần phải bảo tồn nếu muốn luyện công có kết quả. Trong khi đó, sắc dục lại khiến người luyện võ tổn hao tinh lực, ngoài ra còn làm cho đạo tâm bị vấy bẩn, giảm khả năng tập trung, không thể nhập tĩnh vào trạng thái Thiền định để ngộ ra nội hàm thâm sâu hơn. Chính lối sống trác táng đào hoa ấy đã chôn vùi tài năng trẻ Lý Tiểu Long. Nếu cứ cố luyện tập công phu trong trạng thái như thế, nhẹ thì tổn thương thân thể dẫn đến bệnh nặng về sau, nặng thì đột tử hay lệch sang ma đạo. Năm 1970 chẳng phải Lý bị chấn thương nặng ở thắt lưng trong khi tập luyện đó sao, chính vì chấn thương này mà suýt nữa Lý phải rời bỏ điện ảnh và võ thuật vĩnh viễn. Dù rằng sau đó Lý Tiểu Long bình phục lại nhưng chỉ 3 năm sau đã qua đời ngay tuổi tráng niên đã nói lên điều này.
Võ công chân chính chỉ có thể kế thừa và phát triển bởi người có đạo đức
Suốt cuộc đời mình, đại sư Diệp Vấn đã thu nhận hàng trăm đệ tử. Trong đó có những người nổi tiếng, thành danh như Lý Tiểu Long, Trương Trác Khánh, v.v. Nhưng trước lúc qua đời năm 1972, ông lại nhắn nhủ: “Sau này nếu ai muốn học công phu Vịnh Xuân chính tông thì hãy đến Phật Sơn, tìm Quách Phú”.
Quách Phú cũng chính là người được ông truyền lại y bát là “Vịnh Xuân Quyền Phổ bí bản”. Vị đệ tử họ Quách này năm đó hơn 50 tuổi (1972) lớn hơn Lý Tiểu Long gần 20 tuổi, cũng là người bái sư muộn nhất.
Mới đầu, Diệp Vấn cảm thấy e ngại vì cho rằng anh đã lớn tuổi, khó có thể theo học và bắt kịp được với những học trò khác. Diệp Vấn kiên quyết không nhận Quách Phú làm đệ tử. Bị từ chối, Quách Phú không hề nản lòng và vẫn kiên trì xin bái sư Diệp Vấn. Cảm kích trước sự chân thành của anh, Diệp Vấn cũng đành phá lệ, thu nhận anh làm môn đồ thứ 7.
Nhưng tâm tính hiền lành cầu võ và sự chịu khó cùng thiên phú mạnh mẽ của người đệ tử này đã hoàn toàn chinh phục Diệp sư phụ. Chỉ sau 3 năm mà trình độ của ông tăng tiến rất nhanh.
Năm 1945, Phật Sơn bị sụp đổ, võ đường của Diệp Vấn phải đóng cửa, Quách Phú cũng về quê. Dù khoảng cách xa xôi nhưng thỉnh thoảng Diệp Vấn vẫn vượt quãng đường xa để đến chỉ bảo thêm cho cậu học trò của mình trong suốt mấy năm sau đó.
Cuối đời, Diệp Vấn trao lại cuốn bí kíp “Vịnh Xuân Quyền bí bản” với mong muốn truyền y bát Vịnh Xuân Quyền cho Quách Phú. Cuốn sách chứa các chiêu thức chính tông của bản môn và có cả thuật điểm huyệt gọi là “Đả mạch pháp” (loại công phu rất lợi hại nhưng nguy hiểm, chỉ những người đạt công lực thượng thừa và đạo đức tốt mới được truyền thụ).
Từ một người đến muộn nhất, không gì nổi bật mà cuối cùng Quách Phú lại thành người đứng đầu trong “Thất đại đệ tử” của Diệp Vấn, nhận y bát truyền thừa và đạt trình độ có thể nói là cao nhất của Vịnh Xuân hệ phái họ Diệp. Trong khi đó, những tên tuổi chói sáng như Tiểu Long lại ôm hận ra đi khi tuổi đời còn đang sung mãn.
Vì võ thuật thật sự đòi hỏi võ giả phải coi trọng đức độ thì mới có thể tập luyện và đạt đến trình độ cao. Người luyện võ đạt đến trình độ cao không nhất thiết phải nổi danh mà rất có thể là sẽ “trông bình thường hơn cả những người bình thường nhất”. Điều mà võ công chân chính muốn đạt đến chính là thông qua việc rèn luyện tâm thân mà thăng hoa về tinh thần để đạt đến võ đạo, chiến thắng chính mình chứ không phải chiến thắng người khác.
Chỉ tiếc là, Lý Tiểu Long đã thua chính dục vọng của bản thân trong trận chiến đời này…
Lời kết:
Trung Hoa cổ đại với nền văn minh năm ngàn năm đã để lại nhiều di sản quý giá, nhưng không phải di sản nào cũng được thế giới biết đến. Võ công chính là một trong những di sản như thế. Thế giới vẫn hoàn toàn mù mờ về môn nghệ thuật chiến đấu này của người Hoa cho đến một ngày Lý Tiểu Long xuất hiện.
Anh không những là ngôi sao võ thuật Trung Quốc nổi tiếng nhất, mà còn là thần tượng của vô số khán giả các thế hệ. Danh từ Kung Fu cũng vì anh mà xuất hiện, thậm chí nói đến võ thuật Trung Hoa người ta chỉ biết đến anh như biểu tượng sáng chói nhất.
Nhưng cũng chính vì sự hào nhoáng của những màn múa võ đẹp mắt mà nhiều người hiểu sai về công phu cũng như võ học cổ truyền. Người ta nhìn võ nghệ như một công cụ để đánh bại người khác và để nổi danh, kiếm tiền, trong khi bản chất của võ công là để chiến thắng tự thân, thăng hoa tinh thần và đạt đến Võ Đạo. Bề mặt thì có vẻ như võ thuật đang trong giai đoạn phát triển hoành tráng khắp thế giới, nhưng cái chân chính đã lụi tàn ngay lúc nó nổi danh mất rồi, tàn trong sự tán thưởng của người đời dành cho nó. Các bậc chân sư đã ra đi và không còn trở lại, chỉ còn những hậu nhân hay khoe khoang mà thôi. Nếu Lý Tiểu Long có thể chuyên tâm luyện bài bản theo cách truyền thống, buông bỏ sự truy cầu danh lợi bản thân, thì anh đã có thể đạt đến đỉnh cao võ học và sự nghiệp của anh có lẽ đã to lớn lâu dài và có ích hơn cho hậu thế vậy.
(Hết)
Tĩnh Thủy