Đại Kỷ Nguyên

Mặc chồng nghèo vẫn giữ lời hứa hôn, cuối cùng có được hôn nhân tốt đẹp

Con gái ông Hoàng kiên trì giữ hôn ước, cuối cùng có được hôn nhân tốt đẹp. Bức tranh thể hiện sáu phần của "Chân tích sách" của Lưu Tùng Niên thời Nam Tống. (Miền công cộng)

Một gia đình họ Hoàng ở huyện Vô Cực (thuộc Thạch Gia Trang), gia cảnh khá giả, có một người con gái từ nhỏ đã hứa hôn với Liễu Hòa, con trai của Liễu Phương Hoa ở Bảo Định. Nhà họ Liễu tuy không có quan tước, nhưng nhờ kinh doanh mà giàu có, cũng có địa vị xã hội nhất định. Tuy nhiên, sau khi Liễu Phương Hoa mất, gia cảnh dần trở nên bần khốn, Liễu Hòa không có tiền để thành hôn, ngay cả kiếm sống qua ngày cũng gian nan. Liễu Hòa từ huyện Vô Cực đến nhà họ Hoàng, hy vọng Hoàng gia có thể niệm tình quan hệ bố vợ con rể mà chu cấp cho mình ít tiền. Ai ngờ Hoàng mỗ từ khi nghe nói Liễu gia đã suy bại, cảm thấy hối hận, thấy Liễu Hòa đến nhờ vả, bèn bảo người canh cửa không cho chàng bước vào. 

Từ Bảo Định tới Vô Cực cách nhau hàng trăm dặm. Khi Liễu Hòa đến nơi, lương thực mang theo không còn nhiều, quần áo giày dép đều sờn rách, chàng đành quanh quẩn bên ngoài cổng nhà họ Hoàng, gió lạnh cắt da, cơn đói thiêu đốt lòng, tiến thoái vô lộ, chỉ muốn tìm đến cái chết. Bà lão họ Lưu ở đối diện nhà họ Hoàng nhìn thấy, liền hỏi chàng từ đâu đến, có chuyện gì? Liễu Hòa nói cho bà biết nguyên nhân, bà lão thấy anh chàng thật đáng thương, bèn cho lưu lại trong nhà của mình, chuẩn bị cơm nước tiếp đãi.

Ngày hôm sau, bà lão Lưu đến nhà họ Hoàng, nói với Hoàng mỗ: “Giàu nghèo là trong mệnh chủ định. Người giàu có đến lúc sẽ bần khốn, lẽ nào người bần cùng không thể lại phú dụ lên. Chàng Liễu là con rể của nhà ông, không thể vì anh ta bần cùng mà đem con gái gả cho người khác. Như nay anh ta từ xa xôi đến, nên giữ lại và an ủi. Nếu vì anh ta nghèo mà vứt bỏ, thì chính là bất nghĩa, thật khó thoát khỏi những lời dị nghị từ hàng xóm. Ta thấy chàng Liễu, hiện tại hoàn cảnh tuy khổ, nhưng tướng mạo thanh tú, sau khi xui xẻo qua đi, tương lai mọi chuyện sẽ xoay chuyển. Dù ông không xác định hôn lễ với anh ta, cũng nên tặng anh ta chút tài vật để trở về.” Nhưng dù bà lão Lưu khuyên bảo thế nào, Hoàng mỗ từ đầu chí cuối vẫn không nghe. 

Bà lão Lưu trở về nhà, mở hộp ra thì thấy tổng cộng có ba trăm đồng tiền, bèn đưa tiền cho Liễu Hòa và bảo chàng trở về quê hương. Khi con gái họ Hoàng biết cha có ý hối hận về cuộc hôn nhân của mình, cô thường khóc lóc, bỏ ăn và thề sẽ không lấy ai khác.

Sau đó, nhà họ Hoàng bị thổ phỉ cướp, tài sản trong nhà bị cuốn sạch. Một năm sau, họ vì liên lụy đến một vụ kiện tụng lớn, gia cảnh rơi vào suy bại. Hoàng thỏa thuận bán con gái của mình cho một thương nhân làm thiếp với giá 50 lượng bạc. Sau khi con gái biết chuyện, nàng đã bỏ trốn trong đêm, bôi bẩn khuôn mặt của mình, làm ăn xin đến tận Bảo Định. Cuối cùng, nàng tìm được nhà Liễu Hòa, kể lại sự tình, và thành hôn với Liễu Hòa.

Hoàng mỗ tìm không thấy con gái, nhưng đã tiêu hết hơn một nửa số tiền bán cô dâu. Thương nhân nghi ngờ ông giấu con gái, nuốt lời hứa và số bạc nên đã kiện Hoàng mỗ ra quan phủ. Hoàng mỗ không còn cách nào khác, đành phải bán căn nhà của mình để bồi thường.

Sau khi Liễu Hòa kết hôn với con gái nhà họ Hoàng, gia đình bỗng trở nên giàu có nhanh chóng, sau đó chàng lại thi hương đỗ cử nhân, trong nhà lập tức ngựa xe như nước, so với cha chàng năm xưa thì cuộc sống bây giờ còn vinh hiển hơn. Liễu Hòa nhớ đến ân đức của bà lão họ Lưu năm xưa, bèn sai người hầu đánh xe đến Vô Cực, báo đáp bà lão 200 lượng bạc. Lúc này, trên đường phố chật kín người ăn mặc lộng lẫy, ngựa xe bóng bẩy.

Vợ chồng Hoàng mỗ nghe nói, vừa hối hận tự trách bản thân, vừa sợ Liễu Hòa sẽ đến đòi đính hôn với con gái mình, nhưng con gái đã không còn bên cạnh, làm sao để ứng phó? Họ đành đóng cửa nhà không dám ló ra ngoài. Bà lão họ Lưu lúc đầu không biết con gái nhà họ Hoàng đã về nhà Liễu Hòa, bà cũng lo Liễu Hòa sẽ bảo bà đến nhà họ Hoàng báo tin và ấn định ngày cưới, thế là bà mổ gà làm cơm, mua rượu về chiêu đãi chàng, rồi kể lại chi tiết từ lúc nhà họ Hoàng từ giàu hóa nghèo, phải bán con gái cho thương nhân, nhưng con gái nhà họ Hoàng đã chạy trốn đi đâu không rõ tung tích, cảm thấy rất tiếc. 

Liễu Hòa chỉ chăm chú lắng nghe, không nói cho bà biết sự thật mà chỉ giục bà thu dọn hành trang, rồi dùng xe chở bà cùng về nhà. Vừa vào cửa, nhìn thấy con gái nhà họ Hoàng, bà lão vô cùng kinh ngạc. Cô gái kể lại chi tiết tình huống chạy trốn của mình. Bà lão họ Lưu nói: “Con có tâm nguyện tốt như vậy, nên mới được thiện báo thế này.” Rồi con gái họ Hoàng tặng y phục mới cho bà Lưu, mọi người rất vui vẻ. Ở lại mấy ngày, họ sai người hầu dùng xe ngựa đưa bà về nhà.

Sau khi bà Lưu về nhà, bà đến nhà Hoàng để báo tin về con gái cho họ. Hoàng gia rất mừng, biết đã có tung tích con gái, nhưng chẳng còn mặt mũi nào đi gặp con rể, cũng rất khó tiến vào nhà của con. Thế là bà Lưu bảo vợ của Hoàng giả trang làm người bán hoa, cùng bà Lưu đến nhà Liễu Hòa, để hai mẹ con được gặp riêng mà không thể cho Liễu Hòa biết chuyện.

Một ngày, vợ của Hoàng mỗ đang ngồi nói chuyện với con gái thì Liễu Hòa đột nhiên tiến vào, chưa kịp trốn thì đã bị Liễu Hòa trách mắng. Bà Lưu vội vàng tiến tới thuyết phục: “Đây là ta mang người bán hoa tới.” Liễu Hòa tức giận dịu xuống, vẻ mặt trở nên hiền lành, mời ngồi xuống. Sau đó, bà Lưu vội vã cùng vợ ông Hoàng rời đi. Sau khi vợ Hoàng trở về nhà, bà oán giận chồng vì đã bán con gái cho một thương nhân, kết quả là con gái bà giờ đây không dám nhận mẹ mình, từ đó hai vợ chồng bất hòa.

Bà lão Lưu nghĩ: Hoàng mỗ hối hận vì đã đem con bán cho thương nhân, tất cả đều là chủ ý của Hoàng, không phải lỗi của vợ Hoàng. Vì vậy, bà lão đã đến nhà Liễu Hòa, cố gắng thuyết phục chàng hết lần này đến lần khác. Sau đó, Liễu Hòa nhờ bà Lưu đưa vợ chồng Hoàng đến Bảo Định để nhận quan hệ bố vợ con rể.

Có thể thấy, sự tình tương lai rất khó xác định. Nếu bạn đánh giá cuộc đời một người dựa trên hoàn cảnh hiện tại của họ thì bạn đã quá sai rồi.

Nguồn: “Chỉ văn lục”
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version